Báo cáo “Chiến lược tổng thể phát triển ngành dịch vụ tới năm 2020 (CSSSD) và tầm nhìn tới năm 2025”

09/06/2010    1003

Thực hiện: Ông Andras Lakatos; Ông Michel Kostecki; Bà Andrea Spears; Ông Daniel Linotte; Ông Nguyễn Hồng Sơn; Ông Nguyễn Đức Kiên; Ông Nguyễn Mạnh Hùng; Ông Lê Triệu Dũng; Bà Phạm Thị Phượng; Ông Nguyễn Sơn; Ông Trần Minh Tuấn; Ông Đoàn Thái Sơn

 Chương I: Sự cần thiết của chiến lược tổng thể phát triển các ngành dịch vụ của Việt Nam đến năm 2020 

Trong vòng hai, ba thập kỷ vừa qua, các nhà kinh tế, và ở mức độ ít hơn là các nhà hoạch định chính sách, đã ngày càng chú ý nhiều hơn tới sự đóng góp của các ngành dịch vụ tới quá trình phát triển kinh tế trên toàn thế giới. Tuy nhiên, giá trị của các ngành dịch vụ trong nền kinh tế vẫn thường chưa đươc đánh giá đúng mức, khi hoạch định các chính sách như chính sách thuế, thương mại và trợ cấp, ngành sản xuất vẫn thu hút được nhiều sự chú ý về mặt chính trị và nguồn lực hơn.  

Tuy nhiên, người ta ngày càng thừa nhận tầm quan trọng của các ngành dịch vụ, một phần là do dịch vụ ngày càng liên kết chặt chẽ với hàng hóa để đảm bảo hàng hóa duy trì khả năng cạnh tranh của mình. Mặc dù khác nhau về cơ cấu sản xuất và việc làm, các nền kinh tế hiện đại, dù là phát triển hay đang phát triển, đều có một đặc điểm chung là tỷ trọng của dịch vụ ngày càng tăng, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Trong số các nước OCED, dịch vụ đã trở thành ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất về sản lượng và việc làm; tới năm 2000, tính trung bình ngành này đã chiếm tới hai phần ba tổng giá trị gia tăng và việc làm. Tương tự, tại các nước đang phát triển, tỷ trọng của ngành dịch vụ đã tăng tương đối so với tổng giá trị gia tăng. 

Việc cung cấp đầy đủ các dịch vụ ngày càng được thừa nhận là một trong những điều kiện tiên quyết cho quá trình phát triển, thay vì là kết quả của quá trình này. Ví dụ, dịch vụ cơ sở hạ tầng không đầy đủ, như mạng lưới viễn thông, giao thông nghèo nàn, hệ thống tài chính yếu kém, bị cho là các nút thắt cổ chai chính cản trở sự phát triển bền vững. Các dịch vụ phân phối, tài trợ thương mại, bảo hiểm, marketing và các dịch vụ kinh doanh khác hỗ trợ cho sự phát triển lành mạnh của các hoạt động công nghiệp.   Ngày nay, người ta đã thừa nhận việc dịch vụ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định chất lượng cũng như tốc độ tăng trưởng kinh tế và không thể có một nền kinh tế mang tính cạnh tranh nếu như ngành dịch vụ không hiệu quả và hiện đại về công nghệ. 

Trước khi diễn ra cải cách kinh tế tại các nền kinh tế đang chuyển đổi ở châu Âu và châu Á, trên thực tế hầu như không có sự chú ý về chính trị nào tới các ngành dịch vụ. Các ngành dịch vụ thường bị quên lãng trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung do học thuyết kinh tế chính trị Marxit nhấn mạnh tầm quan trọng của sản xuất hàng hóa (hữu hình) như nhân tố quyết định cho phát triển kinh tế và coi dịch vụ là ngành không tạo ra giá trị. Các nhà hoạch định chính sách và quản lý kinh tế tập trung vào quá trình công nghiệp hóa và các sản phẩm có thể xuất khẩu. Việc xao lãng vai trò của dịch vụ càng được củng cố bởi những khó khăn trong việc đặt ra kế hoạch cho dịch vụ so với tính toán nhu cầu, sản xuất hàng hóa. Nếu dịch vụ được chính phủ các nước Xã hội Chủ nghĩa chú ý thì chỉ là trong những dịch vụ xã hội cơ bản (y tế và giáo dục) và dịch vụ cơ sở hạ tầng (năng lượng, vận tải, viễn thông, bưu chính) và cũng chỉ tập trung vào khía cạnh hàng hóa của các dịch vụ này. 

Trong giai đoạn trước cải cách của các nền kinh tế chưa chuyển đổi, chế độ sở hữu nhà nước và thiếu cạnh tranh trong nền kinh tế đã ngăn cản sự xuất hiện của nhiều dịch vụ và cả những ngành dịch vụ nếu tồn tại cũng không phát triển. Nhiều ngành dịch vụ đóng vai trò quan trọng cho sự vận hành của một nền kinh tế thị trường không tồn tại, không chỉ là ngành tài chính có thể phân bổ các nguồn vốn đầu tư một cách hiệu quả mà các dịch vụ như thiết kế, quảng cáo, đóng gói, phân phối, tiếp vận, quản lý, các dịch vụ sau bán hàng, v.v cũng không tồn tại. Việc không có các dịch vụ sản xuất được thể hiện trong các nút thắt giao thông, xếp hàng sử dụng các dịch vụ viễn thông có chất lượng thấp, không có các dịch vụ trung gian tài chính hiệu quả và số lượng lao động trong ngành dịch vụ thấp hơn rất nhiều so với các nền kinh tế thị trường. 

Tình hình Việt Nam trước quá trình Đổi mới cũng tương tự. Không có một chính sách rõ ràng hay mục tiêu tăng trưởng đối với lĩnh vực dịch vụ, tồi tệ hơn, không có khuôn khổ pháp lý và thể chế cho lĩnh vực này. Thương mại dịch vụ hầu như bị bỏ quên trong các báo cáo về quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và bên ngoài. 

Lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam đã được mở cửa dần kể từ khi Việt Nam bắt đầu các cải cách theo định hướng thị trường theo chính sách Đổi mới của mình, quá trình này đã dẫn tới những sự phát triển kỳ diệu của lĩnh vực này, đặc biệt khi Việt Nam bắt đầu gia nhập WTO. 

Lợi ích kinh tế rõ ràng tự sự phát triển của lĩnh vực dịch vụ đã thu hút nhiều chú ý hơn về mặt chính sách trong vòng 15 năm qua. Kế hoạch phát triển kinh tế của Việt Nam giai đoạn 1996-2000 đặt ra các mục tiêu tham vọng về tăng trưởng dịch vụ hàng năm với tốc độ 12-13% và tỷ trọng dịch vụ trong GDP đạt 45-46% vào năm 2000, tuy nhiên các mục tiêu này chưa đạt được. Chiến lược Phát triển giai đoạn 2001-2010 mà Đại hội Đảng lần thứ 9 đề ra cũng tập trung vào ngành dịch vụ, đề ra mục tiêu mới là tốc độ tăng trưởng hàng năm của lĩnh vực dịch vụ là 7-8%, tới năm 2010 dịch vụ chiếm 42-43% GDP và 26-27% việc làm trong nền kinh tê. 

Kể từ Đại hội Đảng lần thứ 6, nhiều cải cách tự do hóa, theo định hướng thị trường đã được đưa ra trong giai đoạn Đổi mới, trong đó có nhiều chính sách đã ảnh hưởng trực tiếp hoăc gián tiếp tới các hoạt động dịch vụ. Tuy nhiên, việc tăng cường mở cửa thị trường xét từ khía cạnh luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đem lại lợi ích chủ yếu cho lĩnh vực sản xuất trong khi chỉ rất ít ngành dịch vụ và là những ngành không chiến lược được hưởng lợi từ quá trình này, chủ yếu là các ngành khách sạn và nhà hàng, bất động sản, dịch vụ cho thuê và dịch vụ kinh doanh. 

Mặc dù một phần vốn FDI được đổ vào ngành viễn thông nhưng định hướng chính sách đối với ngành chiến lược này vẫn rất thận trọng và chỉ tới những năm cuối của thập kỷ 90 mới bắt đầu có sự tự do hóa một phần đối với những ngành dịch vụ hạ tầng (năng lượng, viễn thông). Trong ngành dịch vụ tài chính, do bị ảnh hưởng bởi vô số các khoản vay xấu nên những cải cách ban đầu vào những năm cuối của thập kỷ 80 đã dẫn tới việc chuyển đổi từ hệ thống ngân hàng một cấp sang hệ thống ngân hàng hai cấp khi chức năng của Ngân hàng Nhà nước được tách biệt khỏi bốn Ngân hàng thương mại quốc doanh mới (SOCBs). Sau đó, khu vực tư nhân, các văn phòng đại diện và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã dần được phép tham gia ở mức độ hạn chế vào dịch vụ tài chính ở Việt Nam. 

Các chỉ số chung về GDP trong giai đoạn 2005-2008 cho thấy mặc dù hoạt động của lĩnh vực dịch vụ đã được cải thiện so với lĩnh vực công nghiệp/xây dựng xét từ khía cạnh các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2006-2020 nhưng Việt Nam vẫn chưa đạt được tiến bộ đột phá về điều chỉnh cơ cấu và tỷ trọng của lĩnh vực dịch vụ trong GDP vẫn thấp hơn lĩnh vực thứ cấp (secondary sector). 

Kể từ khi gia nhập WTO vào đầu năm 2007, kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh chóng và vào năm 2007 tăng trưởng GDP vẫn duy trì ở mức cao là 8,5% so với mức 8,2% của năm 2006. Tuy nhiên, năm 2008 đã chứng kiến sự suy giảm của các hoạt động kinh tế và tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 6,2%, phản ánh sự lo ngại của các nhà đầu tư về sự bất ổn kinh tế vĩ mô, khủng hoảng tài chính toàn cầu và suy thoái.9 Das and Shrestha (2009) đã dự báo các điều kiện kinh tế vĩ mô trong năm 2009 về ngắn hạn sẽ không tạo điều kiện cho sự phát triển năng động hơn của lĩnh vực dịch vụ. Theo dự đoán, luồng vốn FDI, một yếu tố thúc đẩy quan trọng cho sự tăng trưởng của kinh tế Việt Nam sẽ bị hạn chế do thiếu nguồn vốn. Tính thanh khoản của các ngân hàng cũng sẽ giảm mạnh, một phần là do các ngân hàng từ chối cung cấp các khoản vay cho các tổ chức tín dụng có thể không có khả năng trả lại các khoản vay này, việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tốc độ tăng trưởng đầu tư chung của nền kinh tế. Về phía cung, bên cạnh những yếu kém của lĩnh vực công nghiệp, sự tăng trưởng của ngành dịch vụ cũng sẽ bị ảnh hưởng do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và tình hình suy thoái tại nhiều nước phát triển. Doanh thu từ du lịch trong năm 2009 sẽ giảm cùng với kim ngạch nhập khẩu các dịch vụ liên quan tới thương mại khác. Xu hướng chuyển lợi nhuận và thu nhập của nhà đầu tư ra nước ngoài tăng sẽ không còn, cùng với việc hoạt động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị suy giảm.

Trong bối cảnh này, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam phải đối mặt với một nhiệm vụ đầy thách thức là tạo điều kiện để lĩnh vực dịch vụ đạt được tỷ trọng trong tổng sản phẩm kinh tế quốc dân cao hơn hiện nay. Nếu như lĩnh vực dịch vụ tăng trưởng năng động hơn và có tỷ trọng trong nền kinh tế cao hơn, lĩnh vực này sẽ tăng hiệu quả chung của toàn bộ nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp trở nên mạnh hơn, giảm tỷ lệ thất nghiệp và thúc đẩy thương mại, tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên nếu như Việt Nam muốn đưa lĩnh vực dịch vụ trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế của mình thì cần có những cải cách sâu rộng hơn để dẫn tới những thay đổi cơ cấu sâu hơn. 

Các phần tiếp theo của Chương này sẽ phân tích những vấn đề chung chủ yếu mà CSSSD cần đưa ra để lĩnh vực dịch vụ của Việt Nam có thể phát triển, các chương tiếp theo sẽ đưa ra những kết luận và khuyến nghị chi tiết hơn.

Tải nghiên cứu tại đây.

 

Nguồn: Dự án Mutrap III