Tọa đàm “Tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực: Tác động, Cơ hội và Thách thức”

24/07/2014    167

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được khởi động tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á vào tháng 11 năm 2012, hướng tới thiết lập một khối thương mại tự do lớn nhất thế giới. Tham gia đàm phán Hiệp định RCEP hiện có 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia khác gồm: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Niu Di-lân. Theo kế hoạch, tháng 12/2015, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ được ký kết giữa 10 nước ASEAN và 6 nước đối tác (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Niu Di-lân).

Việc tham gia Hiệp định RCEP phù hợp với chủ trương chủ động hội nhập kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Bản thân việc đàm phán và thực hiện Hiệp định này cũng mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Bên cạnh đó, tác động đối với nền kinh tế Việt Nam cũng phụ thuộc nhiều vào nhận thức và sự chuẩn bị của cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh ấy, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Dự án hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu (MUTRAP) đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm“Tham vấn với cộng đồng doanh nghiệp về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực: Tác động, Cơ hội và Thách thức” vào ngày 22 tháng 5 năm 2014 tại Hà Nội.

Tham dự buổi hội thảo có đại diện lãnh đạo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của Châu Âu, các chuyên gia nghiên cứu và nhà quản lý đến từ CIEM và các Bộ, ngành, viện nghiên cứu có liên quan, cùng một số đại biểu của các doanh nghiệp trong nước.

Tại buổi hội thảo, chuyên gia nghiên cứu trong nước và quốc tế cùng với đại diện doanh nghiệp trong nước đã thảo luận về các vấn đề: Tổng quan hội nhập kinh tế khu vực và tầm quan trọng của RCEP, những kết quả sơ bộ từ đánh giá định lượng, những tác động ngành và một số vấn đề đặt ra. Trong đó, các chuyên gia nghiên cứu đã chỉ ra những kịch bản và kết quả dự kiến tương ứng của các kịch bản này đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và các lĩnh vực kinh tế, thương mại và dịch vụ nói riêng.

Có thể nói, Việt Nam đang trong giai đoạn khá tham vọng trong việc tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do quốc tế và hiện đang theo đuổi đám phán nhiều hiệp định kinh tế - thương mại quan trọng như RCEP, TPP, FTA Việt Nam - EU... Điều đó mở ra nhiều cơ hội song hành với không ít thách thức đối với khu vực doanh nghiệp trong nước. Theo nhận định của TS. Võ Trí Thành (Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM), việc tăng cường mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực là điều tất yếu, không còn phải bàn luận, tuy nhiên, cần lường trước những rủi ro đối với doanh nghiệp trong nước để có những biện pháp chuẩn bị và hỗ trợ phù hợp nhằm giảm thiều những rủi ro đó. Về sự chuẩn bị của Việt Nam để đón đầu những hiệp định tự do thương mại trên, TS Võ Trí Thành cho biết: doanh nghiệp Việt đã lớn hơn nhiều sau các vụ kiện bán phá giá, hội nhập WTO, nhưng còn nhiều khiếm khuyết, chẳng hạn như hàng loạt điểm yếu về vốn, công nghệ, kỹ năng quản lý; thường nhìn ngắn hạn, thiếu tầm nhìn xa, quy củ, và cách làm chưa bài bản. 

Để phát huy được lợi ích của việc hội nhập, doanh nghiệp không chỉ học cạnh tranh mà còn cần nỗ lực nâng cao khả năng kết nối, tham gia các chuỗi, mạng sản xuất, phân phối… trên cơ sở phát triển bền vững, chân thành, chia sẻ lợi ích. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên học cách đồng hành với pháp lý để bảo vệ lợi ích của mình, tham gia cùng Chính phủ trong các đàm phán thương mại. Bên cạnh đó, cần tích cực chuẩn bị để tận dụng tốt cơ hội hội nhập bằng cách tìm hiểu và nắm rõ bản chất các cam kết, xác định vị trí, lĩnh vực của doanh nghiệp mình sẽ chịu tác động, phải biết chuyển đổi, cải tổ để vượt qua khó khăn để tự định vị, xác định đối tác, kết nối thị trường nhằm tham gia mạng lưới sản xuất trên thế giới. Việc mở cửa sẽ tạo những cơ hội mới, ngành nghề, lĩnh vực mới có thể mở ra, do đó, doanh nghiệp cần chuẩn bị để nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, các ý kiến tại Hội thảo cũng cho rằng những hoạt động tham vấn cộng đồng doanh nghiệp – đối tượng chịu tác động trực tiếp của quá trình mở cửa hội nhập kinh tế và thương mại – là rất cần thiết để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin cũng như có cơ hội tham vấn về những vấn đề, điều kiện khi đàm phán ký kết hiệp định. Do đó, tiếp theo hội thảo tham vấn giữa kỳ lần này sẽ có những hoạt động tham vấn khác được tổ chức để hỗ trợ nhóm chuyên gia kịp thời tiếp thu thông tin từ phía các doanh nghiệp và tiếp tục hoàn thiện nghiên cứu.

Download tài liệu hội thảo tại file đính kèm dưới đây:

Nguồn: CIEM