Đẩy mạnh thu hút đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam

18/09/2013    285

Hàn Quốc vẫn tiếp tục coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, là điểm đến bổ sung cho thị trường Trung Quốc đã bị bão hòa (Trung Quốc+1) do Việt Nam có sự ổn định về chính trị - xã hội, chi phí sản xuất còn tương đối thấp, lực lượng lao động và tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đã thiết lập được mạng lưới cung ứng ổn định cho hoạt động của các doanh nghiệp, tận dụng được thị trường tự do ASEAN (AFTA) và cơ chế Hiệp định FTA Hàn Quốc -ASEAN. Hàn Quốc cũng đang xúc tiến đàm phán FTA với Việt Nam, trong đó bao hàm cả lĩnh vực đầu tư, thương mại hàng hóa và dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ (IPR). 

1. Tiềm lực kinh tế và khoa học công nghệ của Hàn Quốc

- Kinh tế Hàn Quốc lớn thứ 4 châu Á sau Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ và đứng thứ 13 thế giới với GDP năm 2012 là hơn 1.151,3 tỷ USD (so với gần 2.164 tỷ của 10 nước ASEAN cộng lại). Tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc năm 2013 dự kiến 3%.

- Hiện Hàn Quốc là cường quốc thương mại lớn thứ 8 thế giới với tổng kim ngạch trên 1.070 tỷ USD (2012), là nước xuất khẩu lớn thứ 7 thế giới (548 tỷ USD năm 2012), xuất siêu 28,5 tỷ USD năm 2012. Dự trữ ngoại tệ đạt 327.400 tỷ USD (tháng 2/2013). Đến 2012, Hàn Quốc gia nhập Câu lạc bộ 7 nước có dân số 50 triệu dân và GDP đầu người trên 20.000 USD. Theo IMF, dự kiến Hàn Quốc sẽ đạt GDP đầu người 31.825 USD vào năm 2017.

- Thế mạnh của công nghệ/công nghiệp Hàn Quốc là các ngành: điện tử, ôtô, hoá chất, đóng tàu (lớn nhất thế giới với các công ty đa quốc gia như Hyundai và Samsung Heavy Industries), thép (với POSCO là nhà sản xuất thép lớn thứ 3 thế giới), sợi, quần áo, da giày, chế biến thức ăn. Hiện nay Hàn Quốc đang đẩy mạnh phát triển các ngành công nghệ cao (hạt nhân, điện tử, tin học, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới, công nghệ xanh - sạch…) và đi đầu thực hiện mô hình mới về tăng trưởng qua chiến lược phát triển xanh.

- Về kinh nghiệm phát triển: Hàn Quốc là một trong 4 “con hổ châu Á”1 đã hoàn thành công nghiệp hóa trong hơn 30 năm (1960 - 1996 khi trở thành nước OECD). GDP đầu người tăng từ 87 USD (1962)2 lên 13.000 USD (1996) và lần đầu tiên vượt 20.000 USD vào năm 2007 (với 21.590 USD), năm 2012 đạt 22.705 USD3 (tăng 1,3% so với 2011). Từ nước nhận ODA, kể từ 2008 Hàn Quốc trở thành nước cung cấp ODA cho các nước đang phát triển. Để có được cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế cùng mức GDP đầu người như hiện nay, các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây mất hơn 300 năm, Hàn Quốc chỉ mất hơn 30 năm - do đó được gọi là “Kỳ tích sông Hàn”. Đòn bẩy và bí quyết chính là phát triển khoa học công nghệ.

2. Khả năng Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam

a. Tình hình hiện tại

- Về FDI: đến năm 2012, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 vào Việt Nam với số vốn khoảng 25 tỷ USD (sau Nhật với 28 tỷ USD) nhưng đứng thứ nhất về số dự án (đến cuối 2012 là 3.134); Việt Nam là thị trường đầu tư lớn thứ 3 của Hàn Quốc ở nước ngoài (sau Trung Quốc và Mỹ). Khoảng 2.500 công ty Hàn Quốc đang đầu tư kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

- Về ODA: Hàn Quốc hiện là nước cung cấp ODA lớn thứ 2 cho Việt Nam (sau Nhật) với 1.226 triệu USD cho giai đoạn 1995 - 2010 (trong đó có 300 triệu USD cho năm 2010), 411,8 triệu năm 2011 và đã cam kết 1,2 tỷ USD cho giai đoạn 2012 - 2015; Việt Nam trở thành nước nhận ODA lớn nhất trong số 20 đối tác chiến lược về cung cấp ODA của Hàn Quốc.

- Về thương mại, Hàn Quốc là bạn hàng lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Mỹ, Nhật) với kim ngạch hai chiều năm 2011 là 18,7 tỷ USD và năm 2012 đã vượt 21 tỷ USD - tức là về đích 20 tỷ USD trước 3 năm so với mục tiêu hai Chính phủ đề ra là năm 2015. Hiện nay, hai nước đã đặt mục tiêu phấn đầu đạt 30 tỷ USD sau 2015.

- Về khoa học công nghệ: Hàn Quốc đang hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lượng mặt trời, xây dựng công viên công nghệ xanh, Viện Khoa học Công nghệ V-KIST, thực hiện chương trình Chia sẻ tri thức (KSP) về nhiều lĩnh vực phát triển.

b. Khả năng Hàn Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam

- Chính sách chung và cơ bản của Chính phủ Hàn Quốc trong thời gian tới vẫn là tăng cường phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại thông qua các kênh đầu tư trực tiếp và gián tiếp, cung cấp ODA, phát triển thương mại với hệ thống các FTA trên khắp thế giới (đã thực hiện FTA với EU từ 2010, với Mỹ 2012, đang chuẩn bị đàm phán vòng 1 Hiệp định tay ba Hàn - Trung - Nhật, tham gia đàm phán TPP (Đối tác xuyên Thái Bình Dương), từ tháng 5/2013 sẽ tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RECP)1.

- Với Việt Nam, Hàn Quốc vẫn tiếp tục coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á, là điểm đến bổ sung cho thị trường Trung Quốc đã bị bão hòa (Trung Quốc+1) do Việt Nam có sự ổn định về chính trị - xã hội, chi phí sản xuất còn tương đối thấp, lực lượng lao động và tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đã thiết lập được mạng lưới cung ứng ổn định cho hoạt động của các doanh nghiệp, tận dụng được thị trường tự do ASEAN (AFTA) và cơ chế Hiệp định FTA Hàn Quốc -ASEAN. Hàn Quốc cũng đang xúc tiến đàm phán FTA với Việt Nam, trong đó bao hàm cả lĩnh vực đầu tư, thương mại hàng hóa và dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ (IPR).

3. Một số điểm cần lưu ý trong thu hút đầu tư Hàn Quốc thời gian tới

(i) Về chiến lược thu hút và tiếp nhận đầu tư: Đứng trước thách thức của mục tiêu “đến năm 2020 đưa nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, cần tạo mọi điều kiện cho chuyển giao công nghệ để thực hiện thành công quá trình “nội địa hóa” và phát triển công nghiệp quốc gia (có thể học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa chỉ trong 30 năm)1. Nếu không nội địa hóa được thì sẽ không có ngành công nghiệp quốc nội và ta sẽ tiếp tục phụ thuộc nặng vào công nghiệp/công nghệ nước ngoài, làm gia công, làm thuê, bị khai thác tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực giá rẻ, trong khi giá trị gia tăng tạo ra trong toàn xã hội rất thấp.

(ii) Bên cạnh việc thu hút các ngành công nghiệp cơ bản từ Hàn Quốc, cần đẩy mạnh thu hút các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, kể cả chế biến nông lâm hải sản để phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu (trong đó có xuất khẩu sang Hàn Quốc)2 để đáp ứng đúng khẩu vị và thị hiếu của người Hàn Quốc và phục vụ tiêu dùng của cộng đồng 123.000 người Việt tại Hàn Quốc.

(iii) Hàn Quốc đang chú trọng thực hiện mô hình phát triển xanh ở Hàn Quốc cũng như đi đầu thúc đẩy áp dụng mô hình này tại các nước khác, trong đó có Việt Nam mà Hàn Quốc coi là đối tác chiến lược về tăng trưởng xanh. Trong chính sách ODA cho các nước, Hàn Quốc cũng ưu tiên cung cấp 70% ODA cho lĩnh vực xây dựng hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và tăng trưởng xanh (riêng ODA cho lĩnh vực tăng trưởng xanh chiếm tới 20%). Do đó, về ODA, bên cạnh việc tăng cường thu hút đầu tư của Hàn Quốc vào lĩnh vực xây dựng hạ tầng, ta cần chú trọng thu hút đầu tư của Hàn Quốc vào các ngành công nghiệp và công nghệ xanh.

(iv) Về phương thức đầu tư, ta cần chú trọng mô hình đối tác công - tư (PPP) theo Quyết định số 71/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Hàn Quốc (cũng như Nhật) là nước đã thành công và có rất nhiều kinh nghiệm về PPP. Qua trao đổi, Hàn Quốc rất ủng hộ và sẵn sàng tham gia đầu tư theo phương thức PPP.

(v) Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư của ta để thu hút thêm nhiều đầu tư của Hàn Quốc và Nhật (đã được Thủ tướng khẳng định là hai nguồn đầu tư hàng đầu và ổn định nhất trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, suy thoái). Ta cần tiếp tục cải thiện về thủ tục hành chính, các biện pháp khuyến khích đầu tư, môi trường kinh tế vĩ mô… để các nhà đầu tư Hàn Quốc được thuận lợi và yên tâm đầu tư vào Việt Nam (Tổng thống mới của Hàn Quốc Park Geun Hye cũng đã đề cập vấn đề này khi tiếp Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan ngày 26/2/2013). Đồng thời, cũng cần lường trước sự cạnh tranh ngày càng tăng của Myanmar trong thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó có Hàn Quốc (thời gian qua, ngày càng nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc sang Myanmar và họ đánh giá Myanmar có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài).

1 Trong 30 năm đó, 10 năm đầu Hàn Quốc tiếp thụ và hoàn toàn phụ thuộc vào công nghiệp và công nghệ nước ngoài (Mỹ, phương Tây, Nhật), 10 năm sau thực hiện chuyển giao và nắm vững công nghệ, nội địa hoá và 10 năm sau cùng đã tự chủ và sáng tạo được công nghệ mới như công nghệ điện hạt nhân, sắt thép, đóng tàu, điện tử, sinh học, hóa chất…).

2 Hiện Việt Nam là nước cung cấp hải sản lớn thứ 3 cho Hàn Quốc sau Trung Quốc và Nga, chiếm tới 11% các sản phẩm thủy sản đông lạnh. Việt Nam cũng khai thác được trên 90% thị phần thuỷ sản Hàn Quốc dành cho các nước ASEAN theo Hiệp định FTA Hàn - ASEAN.

Nguồn: http://vietccr.vn