FTA Việt Nam-Hàn Quốc có lợi gì cho xuất khẩu thủy sản?

18/09/2013    250

Hàn Quốc là một trong những nước tiêu thụ thủy sản nhiều nhất thế giới. Năm 2011, nước này nhập khẩu 3,8 tỷ USD thủy sản, tăng 24% so với năm 2010. Việt Nam là nước cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Hàn Quốc. Hiện nay, hai nước đang trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với kỳ vọng thúc đẩy thương mại, đầu tư song phương thông qua cắt giảm thuế cho nhiều mặt hàng trong đó có thủy sản.

Một số nét chính về XNK và tiêu thụ thủy sản của Hàn Quốc

Hiện nay, Hàn Quốc NK thủy sản từ 100 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Về giá trị, những nhà cung cấp thủy sản hàng đầu cho Hàn Quốc trong năm 2011 gồm có Trung Quốc với 1,17 tỷ USD, tiếp đến là Nga 661 triệu USD, Việt Nam 477 triệu USD, Nhật Bản 163 triệu USD, Mỹ 142 triệu USD, Na Uy 138 triệu USD và Thái Lan 130 triệu USD, cùng với các nhà XK là Đài Loan, Chilê và Hồng Kông. Mười nhà cung cấp này chiếm 83% tổng NK thủy sản của Hàn Quốc trong năm.

Tuy Hàn Quốc cũng là một nước XK thủy sản đáng kể nhưng NK ngày càng vượt xa so với XK và Hàn Quốc tiếp tục là một thị trường thủy sản lớn trên thế giới. Năm 2011, Hàn Quốc XK 1,98 tỷ USD thủy sản nhưng NK vẫn cao hơn XK đến 1,85 tỷ USD. Từ năm 2001 đến nay, NK thủy sản của Hàn Quốc liên tục tăng, ngoại trừ năm 2008 và 2009 NK giảm nhẹ do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, tuy nhiên sang năm 2010 và 2011 đã bật tăng trở lại, cụ thể như 2006 đạt 2,664 tỷ USD; 2007: 2,954 tỷ USD; 2008: 2,847 tỷ USD; 2009: 2,604 tỷ USD; 2010: 3,091 tỷ USD và 2011: 3,833 tỷ USD. Những con số trên cho thấy, thị trường thủy sản của Hàn Quốc ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn NK trong việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. 

 

Hàn Quốc đang thu hút ngày càng nhiều nguồn cung cấp thủy sản thế giới do sản lượng trong nước đã giảm dần, từ 3,18 triệu tấn năm 2009 xuống còn 3,11 tấn năm 2010. Chiều hướng này đã xuất hiện từ nhiều năm trước, do sản lượng đánh bắt tại các vùng biển lân cận giảm 7,6% và sản lượng nuôi biển giảm 4,4%, bên cạnh đó nhiều nước láng giềng thực hiện chính sách vùng đặc quyền kinh tế đã hạn chế sự tiếp cận ngư trường của các đội tàu Hàn Quốc. Nước này đang phải cắt giảm dần đội tàu khai thác và cố gắng mua lại hạn ngạch khai thác của các nước, đồng thời tăng cường nghiên cứu nuôi biển.

Người dân Hàn Quốc có truyền thống lâu đời về ẩm thực thủy sản và coi đây là nguồn thực phẩm lành mạnh có lợi cho sức khỏe. Họ rất coi trọng xuất xứ, vị ngon và độ tươi của thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay giá thành và tính an toàn thực phẩm đang là những yếu tố được quan tâm nhiều khi quyết định mua hàng. Tiêu thụ thủy sản bình quân trên đầu người hằng năm của nước này đạt mức rất cao 54,7kg, trong đó gồm các sản phẩm chế biến từ cá và thủy sản có vỏ chiếm 42,2kg, 12,5kg còn lại là rong biển (năm 2010).

Các loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất ở Hàn Quốc là cá minh thái, mực ống, cá thu, cá hố và cá đù vàng. Để thay thế một phần cho các loại thịt đỏ, người dân được khuyến khích tiêu thụ thủy sản nhiều hơn bằng sự phong phú về các loại sản phẩm, chất lượng được nâng cao và công nghệ chế biến phát triển, bên cạnh đó ngành nhà hàng phục vụ các bữa tiệc thủy sản cho gia đình cũng khá phát triển. 

Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc

Việt Nam và Hàn Quốc đã có mối quan hệ thương mại thủy sản trong nhiều thập kỷ. Thủy sản của Việt Nam đã rất phổ biến ở Hàn Quốc. Hiện Việt Nam là nhà cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho đất nước này, chỉ sau Trung Quốc và Nga. Ngược lại cũng từ nhiều năm nay, Hàn Quốc được coi là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Mỹ, EU và Nhật Bản.

Từ 2006-2012, XK thủy sản của Việt Nam sang Hàn Quốc đã tăng trên 2,4 lần, từ 210,9 triệu USD năm 2006 lên 508,8 triệu USD năm 2012, nghĩa là đạt mức tăng trưởng bình quân gần 19%/năm. Đây là mức tăng trưởng bình quân cao nhất trong những thị trường tiêu thụ đáng kể thủy sản của Việt Nam, mặc dù năm 2008 và 2009 trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới, NK thủy sản từ Việt Nam trong những năm này chỉ tăng nhẹ (trong khi một số thị trường khác đã giảm khá).

Năm 2012, Hàn Quốc NK 508,8 triệu USD thủy sản của Việt Nam, tăng 6,5% so với năm 2011, chiếm khoảng 8,3% tổng giá trị XK của thủy sản Việt Nam. Nước này đặc biệt ưa chuộng các loại thủy sản đánh bắt, vì vậy Hàn Quốc luôn được coi là một thị trường tiêu thụ rất đa dạng các mặt hàng thủy sản khai thác từ biển Việt Nam, đó là cá, các loại mực, bạch tuộc và sò điệp, nghêu, ngao... Các nhà NK Hàn Quốc có thể đặt mua hoặc chấp nhận mua lô hàng với khối lượng nhỏ, tùy theo nguồn cung cấp và mùa vụ, DN có thể ghép một số mặt hàng trong cùng một contenơ .

Các mặt hàng được XK nhiều nhất sang Hàn Quốc là tôm, nhuyễn thể (gồm mực, bạch tuộc, các loài có vỏ) và các mặt hàng hải sản khô. Xét về vị trí quốc tế, năm 2011 Việt Nam là nhà cung cấp tôm lớn thứ 3 cho Hàn Quốc với 14.696 tấn, sau Mỹ và Trung Quốc; nhuyễn thể cũng ở vị trí tương tự với 32.843 tấn, riêng philê cá và surimi Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ 2 cho nước này với 51.919 tấn, chỉ sau Mỹ.

Các mặt hàng chính

Về mặt hàng tôm, tuy tốc độ tăng trưởng XK hằng năm khá chênh lệch, có năm tăng rất mạnh, đạt 117% (2007), có năm chỉ tăng 4% (2008) nhưng Hàn Quốc luôn là nhà NK tôm lớn thứ 5 của Việt Nam, sau Nhật Bản, Mỹ, EU và Trung Quốc. Năm 2012, XK tôm của nước ta sang Hàn Quốc đạt 171,4 triệu USD, tăng 8,1% so với năm 2011.

Mặt hàng quan trọng thứ 2 mà Hàn Quốc NK từ Việt Nam là nhuyễn thể, trong đó đáng kể nhất là mực và bạch tuộc. Mấy năm gần đây, giá trị XK nhóm mặt hàng mực, bạch tuộc và nghêu, sò sang Hàn Quốc cũng “ngang ngửa” không kém so với tôm, đó là chưa kể năm 2011 đạt trên 171,4 triệu USD, cao hơn so với 157,57 triệu USD XK tôm. Tuy nhiên sang năm 2012, XK nhuyễn thể nói chung sang Hàn Quốc đã giảm gần 21% so với năm 2011, đạt khoảng 151,2 triệu USD. Nếu nói riêng giá trị XK nhuyễn thể chân đầu (mực và bạch tuộc), năm 2012 đạt giá trị 148,3 triệu USD và như nhiều năm trước, nước này giữ vị trí nhà NK lớn nhất của mực và bạch tuộc Việt Nam, chiếm gần 30% tổng giá trị XK mặt hàng này của nước ta. 

 

 

Nhóm mặt hàng NK quan trong thứ ba là hàng hải sản khô, tuy vài năm gần đây NK mặt hàng này của Hàn Quốc đã giảm nhưng cũng đạt mức trung bình khoảng 30-40 triệu USD/ năm. Gần đây Hàn Quốc đã bắt đầu tiêu thụ một số mặt hàng cá ngừ của Việt Nam, năm 2012 NK khoảng trên 7,4 triệu USD.

Nhìn chung, trong tốp 10 thị trường tiêu thụ thủy sản hàng đầu của Việt Nam, Hàn Quốc vẫn duy trì được mức tăng trưởng vừa phải 6,5% so với năm 2011, trong khi các thị trường lớn khác như Mỹ chỉ tăng khiêm tốn 1,2% và EU tiếp tục giảm sâu 14,8% do bất ổn kinh tế. Theo dự đoán, năm 2013, tiêu thụ thủy sản của nước này có thể chậm lại, nguyên nhân là do do ảnh hưởng một phần của tình trạng kinh tế bất ổn toàn cầu.

FTA Việt Nam- Hàn Quốc sẽ có lợi cho XK thủy sản

Hiện nay, hằng năm ngành thủy sản Việt Nam đã có khoảng 280 DN XK thủy sản sang Hàn Quốc. Một số mặt hàng thủy sản của nước ta XK dưới dạng nguyên liệu đã được hưởng thuế suất bằng 0 hoặc giảm mạnh theo Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN–Hàn Quốc. Tuy nhiên với xu hướng tăng cường sản xuất sản phẩm chế biến sẵn và giá trị gia tăng, Việt Nam hy vọng việc ký kết FTA với Hàn Quốc trong thời gian tới sẽ tạo thêm điều kiện cho thủy sản Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên thị trường nước này bằng việc cắt giảm thuế suất NK vào Hàn Quốc.

Theo ông Koh Kyong Sok, trưởng đoàn đàm phán thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc phát biểu tại Hội thảo “Đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc” tại Hà Nội hồi cuối tháng 12/2012, FTA giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ cho phép nhiều hàng hóa được cắt giảm thuế sâu hơn và nhanh hơn so với FTA Hàn Quốc - ASEAN, đặc biệt những dòng thuế thuộc hạng mục nhạy cảm và nhạy cảm cao, như các mặt hàng nông sản, thủy sản và dệt may của Việt Nam sẽ được cắt giảm nhiều hơn và nhanh hơn khi NK vào Hàn Quốc. Theo ông Phó vụ trưởng Vụ châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Công Thương, thủy sản sẽ là một trong các mặt hàng ưu tiên trong đàm phán FTA này để có thể được ưu đãi lớn hơn. Hiện nay, vẫn còn nhiều mặt hàng thủy sản XK sang Hàn Quốc đang phải chịu thuế từ 10-30%.

Sau khi hoàn thành FTA, Việt Nam sẽ được hưởng lộ trình cắt giảm thuế dài hơn 5 năm so với các đối tác và 6 nước ASEAN, Việt Nam còn được công nhận quy chế kinh tế thị trường…

Hiệp định này cũng được hy vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng thêm từ 1,47-3,22% và của Hàn Quốc từ 0,19-0,74%.

Tuy nhiên, theo ý kiến đánh giá của nhiều đại biểu tham dự hội thảo, bên cạnh những thuận lợi về thuế quan thì FTA cũng tiềm ẩn nhiều thách thức đối với thủy sản XK sang Hàn Quốc. Các rào cản kỹ thuật có thể sẽ được quy định chặt chẽ hơn, nhất là việc kiểm dịch đối với hàng hóa nông sản XK.

Ông Nguyễn Sơn, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Hợp tác Kinh tế Quốc tế nhận định: “Những lợi ích từ mức thuế suất thấp chưa đủ hấp dẫn các DN do các chi phí về chứng nhận xuất xứ cũng như chi phí hải quan gia tăng lên”. Việc xác định đúng mã HS cho sản phẩm cũng là một trở ngại lớn trong việc tính toán nội hàm giá trị khu vực (Region Value Content-RVC)…

Bên cạnh những mối lo ngại trong tương lai của FTA, hiện nay XK thủy sản sang Hàn Quốc cũng không còn “thoáng” như trước. Thị trường đưa ra yêu cầu cao hơn về chất lượng và tính đồng đều. Người tiêu dùng đòi hỏi những sản phẩm chế biến sẵn có hình thức và phẩm cấp gần tương đương như ở thị trường Nhật Bản, mặc dù giá mua hàng của Hàn Quốc thường khá thấp so với các thị trường lớn khác.

Hàn Quốc đang trở thành một thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt của các nhà cung cấp thủy sản quốc tế. Năm 2011, trong 15 nhà cung cấp thủy sản hàng đầu cho nước này, chỉ có duy nhất là Nhật Bản là không tăng về giá trị, còn lại đều tăng, trong đó tăng mạnh nhất là Trung Quốc, Nga, Chilê, Thái Lan, Na Uy, Hồng Kông, Mỹ, Đài Loan vv… Những nhà cung cấp trên hầu hết đều rất có tiềm năng về nguồn lợi, vì vậy đây cũng là những thách thức không nhỏ đối với thủy sản XK của nước ta trong những năm tới.

Gần đây, Hàn Quốc có ý định áp dụng biện pháp kiểm tra Ethoxyquin đối tôm NK vào nước này. Riêng đối với mặt hàng cá bò khô tẩm gia vị, Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (KFDA) đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất và từ tháng 7/2012, họ chỉ cho phép 11/28 DN được phép XK sang Hàn Quốc, trong đó có 3 cơ sở được phép NK thông thường, hai cơ sở được NK hạn chế và sáu cơ sở chỉ được phép NK có điều kiện. Hiện tại, KFDA đang tiến hành thanh tra tiếp 07 cơ sở chế biến mặt hàng cá bò khô tẩm gia vị tại phía Nam. Hy vọng, các DN sẽ vượt qua đợt kiểm tra để có thể tăng cường XK mặt hàng truyền thống này sang xứ Cao Ly nổi tiếng.

 Nguồn: http://vietfish.org