Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Chi lê dự kiến có hiệu lực năm 2013

26/06/2013    192

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Chi Lê đã được đại diện của hai Chính phủ Việt Nam và Chi Lê ký kết vào ngày 11 tháng 11 năm 2011, dự kiến sẽ có hiệu lực vào năm 2013. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Chi lê chủ yếu tập trung vào nội dung mở cửa thị trường hàng hoá với mức cam kết cắt giảm và xoá bỏ thuế quan sâu rộng đối với nhiều các mặt hàng mà hai bên có lợi ích xuất khẩu.

Chi lê cam kết sẽ xoá bỏ thuế quan đối với 99,62% số dòng thuế nhập khẩu trong vòng 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực trong đó cam kết xoá bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực đối với 83,54% số dòng thuế hiện đang có mức thuế suất 9,3% và 6%. Trong số các dòng thuế xoá bỏ thuế quan ngay phải kể đến 12 dòng thuế có mức thuế suất cơ sở cao nhất trong biểu thuế suất MFN của Chi lê là 9,3% cam kết sẽ giảm xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, đó là các mặt hàng thịt và phụ phẩm sau giết mổ của gia cầm, ướp lạnh hoặc đông lạnh. Chi lê chỉ loại trừ 29 dòng thuế tương đương với 0,38% tổng số dòng thuế trong đó có một mặt hàng lúa mì, một mặt hàng ngũ cốc, bột mì, mặt hàng đường, bột làm kem, chế phẩm không cồn để sản xuất bia, bột coca, một số loại lốp xe cũ và đắp lại.

Việt Nam cam kết sẽ xoá bỏ thuế quan đối với 83,89% số dòng thuế trong vòng 10 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực và xoá bỏ thêm đối với 4,66% số dòng thuế trong vòng 15 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các dòng thuế còn lại chỉ giảm đến một mức nào đó hoặc giữ nguyên tại thời điểm thuế MFN năm 2009 hoặc loại trừ không cam kểt cắt giảm/xoá bỏ thuế quan. Tỷ lệ dòng thuế loại trừ không cam kết của Việt Nam chiếm khoảng 384 mặt hàng, chiếm 4,02% số dòng thuế của Việt Nam.

Hiệp định thương mại tự do FTA Việt Nam-Chi lê có hiệu lực sẽ thúc đẩy đáng kể thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Chi lê do có nhiều dòng thuế mà hai bên hiện đang có trao đổi thương mại hoặc có tiềm năng xuất khẩu đều được giảm thuế hoặc xoá bỏ thuế quan. Theo lộ trình dự kiến thì mặt hàng chè và cà phê xuất khẩu sang Chi lê sẽ có mức thuế 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Nhiều mặt hàng quần áo, giày dép khi nhập khẩu vào Chi lê sẽ có mức thuế suất 0% khi hiệp định có hiệu lực, trừ một số mặt hàng có lộ trình xoá bỏ thuế quan trong vòng 5 năm và 10 năm. Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn từ Việt Nam sang Chi lê hầu hết đều có mức cắt giảm từ mức thuế suất 6% xuống 0% ngay khi có hiệu lực của Hiệp định như: mặt hàng dầu mỏ, chè, cà phê, cao su tự nhiên và tổng hợp, một số mặt hàng dệt may, máy móc và các sản phẩm từ nhựa. Như vậy, ngay khi Hiệp định có hiệu lực sẽ có khoảng 83% số mặt hàng trong biểu thuế của Chi lê sẽ có mức thuế từ 9,3% hoặc 6% sẽ được xoá bỏ thuế quan. Các mặt hàng còn lại (trừ các mặt hàng trong danh mục loại trừ của Chi lê) sẽ có lộ trình cắt giảm đều hàng năm từ mức 6% xuống 0% trong vòng 5 năm hoặc 10 năm. Như vậy, sẽ có 99,62% số dòng thuế của Chi lê sẽ xoá bỏ thuế quan hoàn toàn trong vòng 10 năm.

Nhìn chung biểu cam kết thuế của Việt Nam sẽ có nhiều mức độ cam kết và phức tạp hơn biểu thuế của Chi lê với tổng số 21 các tiêu chí cắt giảm khác nhau do đó lộ trình cụ thể đối với từng dòng thuế cũng tương đối khác nhau. Ngoài ra, do biểu thuế của Việt Nam không đồng nhất về mức thuế suất MFN như của Chi lê nên mức thuế cụ thể của từng dòng sẽ khác nhau. Tuy nhiên tổng số dòng thuế của Việt Nam sẽ về mức tương đồng là 0% sau 10 năm khi Hiệp định có hiệu lực là khoảng 83,89% số dòng thuế của biểu thuế. Một số mặt hàng được đánh giá là sẽ có tác động ngay khi Hiệp định có hiệu lực bao gồm: mội số mặt hàng hoá chất, thuốc chữa bệnh, gỗ, nguyên liệu dệt may, máy móc… Các mặt hàng chỉ thực hiện cắt giảm thuế suất một phần gồm thịt gà, thuỷ sản, cam quýt, rượu vang, bia, máy kéo, lốp ô tô, xe máy, nhựa nguyên liệu, thép xây dựng… trong đó thịt gà giảm từ 40% xuống mức 20% và rượu vang giảm từ 59% xuống mức 20% vào năm 2022. Việt Nam vẫn có thể duy trì việc áp dụng thuế xuất khẩu trong Hiệp định thương mại Việt Nam-Chi lê.

Như vậy, mặc dù Hiệp định thương mại tự do Việt Nam Chi lê chưa chính thức đi vào hoạt động nhưng đã được Chính phủ phê duyệt và dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2013. Do vậy, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu từ Chi lê có thể tìm hiểu trước các thông tin từ các đại diện Bộ ngành liên quan, phân tích về lợi ích đem lại của Hiệp định để chuẩn bị cho các kế hoạch hoạt động sản xuất và kinh doanh trong thời gian tới khi Hiệp định chính thức được thực hiện. Việc các doanh nghiệp Việt Nam và Chi lê tận dụng được các lợi ích đem lại cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của các nhà hoạch định chính sách nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho cơ hội giao thương và phát triển giữa doanh nghiệp và nhân dân hai nước và nhằm cải thiện hơn nữa mức độ trao đổi thương mại còn khá khiêm tốn như hiện nay. 

29/01/2013

Nguồn: Bộ Tài Chính