Tóm tắt Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - Nhật Bản (EPA)

31/05/2013    12466

Thông tin cơ bản

Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) được ký kết vào ngày 25/12/2008 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/10/2009. Đây là FTA song phương đầu tiên của Việt Nam, trong đó cả Việt Nam và Nhật Bản dành nhiều ưu đãi cho nhau hơn so với Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP). Tuy nhiên, VJEPA không thay thế AJCEP mà cả hai FTA này đều cùng có hiệu lực và doanh nghiệp có thể tùy chọn sử dụng FTA nào có lợi hơn.

Hiệp định VJEPA có cấu trúc “hai lớp”, gồm Hiệp định giữa Nhật Bản và Việt Nam về Đối tác kinh tế (Hiệp định chính) và Hiệp định thực thi giữa Chính phủ Nhật Bản và Việt Nam (Hiệp định thực thi) – cho phép linh hoạt điều chỉnh phương thức thực hiện VJEPA trên thực tế.

Nội dung chính

VJEPA có nội dung toàn diện, bao gồm nhiều lĩnh vực như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, di chuyển của thể nhân,...

Về thương mại hàng hóa

Cam kết về thuế quan

Nhật Bản cam kết xóa bỏ thuế quan cho 96,45% tổng số các dòng thuế trong Biểu thuế cho hàng hóa Việt Nam vào cuối lộ trình (năm 2026), trong đó:

  • Đối với nông sản: Xóa bỏ thuế quan đối với 36% số dòng thuế nông sản ngay khi VJEPA có hiệu lực (năm 2009); tiếp tục xóa bỏ dần các dòng thuế nông sản theo lộ trình cụ thể (dài nhất là đến 2019) trừ Nhóm được loại trừ (nhóm X) (bao gồm 735/2350 dòng thuế nông sản mà Nhật Bản kiểm soát chặt bằng hạn ngạch thuế quan, các biện pháp định lượng) và Nhóm đàm phán sau (nhóm C2) (là nhóm các sản phẩm Nhật Bản đang cải cách cơ cấu)
  • Đối với thủy sản: Cam kết cắt giảm thuế ngay (năm 2009) đối với 19% số dòng thuế thủy sản, sau 15 năm sẽ cắt giảm tổng cộng 57% số dòng thuế thủy sản (188/330 dòng); 33% số dòng thuế thủy sản (59/330 dòng) áp dụng hạn ngạch nhập khẩu
  • Đối với hàng công nghiệp: Xóa bỏ thuế quan ngay đối với 95% số dòng thuế sản phẩm công nghiệp, sau 10 năm là 97% số dòng thuế; khoảng 57 dòng thuế sản phẩm công nghiệp vẫn áp dụng hạn ngạch nhập khẩu (chủ yếu trong dệt may, da, da thuộc); 58 dòng thuế không cam kết cắt giảm (quần áo da, giầy da)

Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan cho hàng hóa Nhật Bản theo lộ trình như sau:

  • Từ 2018, xóa bỏ thuế quan đối với 41,78% số dòng thuế trong Biểu thuế
  • Đến năm 2026 (năm cuối của lộ trình cắt giảm thuế) xóa bỏ thuế quan đối với 90,64% số dòng thuế trong Biểu thuế

Cam kết về Quy tắc và Thủ tục Xuất xứ

Hàng hóa được coi là có xuất xứ VJEPA nếu hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại một nước Thành viên, hoặc hàng hóa đáp ứng được một trong hai trường hợp sau:

  • Hàng hóa đáp ứng tiêu chí xuất xứ chung:

+ Hàm lượng giá trị khu vực (RVC): tối thiểu 40%, hoặc

+Chuyển đổi mã HS (CTC): chuyển đổi ở cấp 4 số (CTH - nguyên vật liệu không có xuất xứ phải thuộc Nhóm HS khác với Nhóm HS của thành phẩm.

  • Hàng hóa có quy tắc xuất xứ cụ thể: một số hàng hóa không áp dụng tiêu chí xuất xứ chung mà quy tắc xuất xứ cụ thể áp dụng cho hàng hóa đó được quy định trong Danh muc Quy tắc xuất xứ cụ thể mặt hàng.

Giấy chứng nhận xuất xứ VJEPA là C/O mẫu VJ. Tất cả các C/O mẫu VJ hiện đang được cấp bản giấy. C/O VJ có thể cấp trước, trong hoặc sau thời điểm xuất khẩu của hàng hóa. VJEPA chưa có điều khoản về Tự chứng nhận xuất xứ.

Về dịch vụ

VJEPA có một số cam kết mới so với WTO liên quan đến các định nghĩa, mức độ bảo hộ cạnh tranh trong một số lĩnh vực dịch vụ (dịch vụ viễn thông...).

Về mức độ mở cửa thị trường dịch vụ:

  • Mức cam kết mở cửa mà Việt Nam đưa ra trong VJEPA hầu như tương tự với mức cam kết của Việt Nam trong WTO;
  • Nhật Bản mở cửa thị trường dịch vụ cho Việt Nam rộng hơn nhiều so với cam kết của nước này trong WTO (đặc biệt các dịch vụ chuyên môn như dịch vụ pháp lý, tư vấn thuế, dịch vụ máy tính, kỹ thuật, quảng cáo, phân tích kiểm định…; các dịch vụ về thông tin, xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, tài chính, y tế, du lịch).

Về di chuyển thể nhân

VJEPA có thêm cam kết mở cửa, tiếp nhận khách kinh doanh, cụ thể là nhận lao động là y tá nếu đáp ứng đủ điều kiện theo yêu cầu luật pháp của nước tiếp nhận làm việc trong thời hạn 3 năm và có thể được gia hạn.

Ngoài ra, Nhật Bản còn cam kết dành cho Việt Nam ưu đãi ODA đào tạo mỗi năm 200- 300 y tá Việt Nam tại Nhật bản và cho phép y tá đào tạo tại Nhật bản được làm việc lâu dài (tới 7 năm) tại Nhật bản.

Thực thi của Việt Nam

  • Thuế nhập khẩu ưu đãi theo VJEPA mà Việt Nam áp dụng đối với hàng hóa Nhật Bản hiện quy định tại Nghị định số 155/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định giữa Việt Nam và Nhật Bản về đối tác kinh tế giai đoạn 2018 - 2023
  • Các quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa theo VJEPA và quy trình chứng nhận xuất xứ được quy định tại Thông tư số 10/2009/TT-BCT ngày 18/05/2009 về việc thực hiện Quy tắc xuất xứ trong VJEPA

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI