Khởi động đàm phán FTA Việt Nam – Liên minh Hải quan

12/04/2013    215

Việt Nam và Liên minh Hải quan (gồm Nga, Belarus, Kazakhastan) hôm 28-3 tuyên bố chính thức khởi động đàm phán hiệp định thương mại tự do.

 Theo thông cáo từ Vụ Thị trường châu Âu,  Bộ Công Thương, hôm qua 28-3 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ban Thường trực Ủy ban Kinh tế Á – Âu, ông Viktor B. Khristenko, đã đưa ra tuyên bố trên.

Hai trưởng đoàn đàm phán là Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng phụ trách thương mại của Ủy ban kinh tế Á - Âu, ông Andrey A. Slepnev, hôm 28-3 ký thông báo chung về phiên làm việc đầu tiên của hai đoàn đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan.

Hai bộ trưởng nhất trí sẽ đàm phán một FTA phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời có sự cân nhắc cho phù hợp với những lĩnh vực nhạy cảm của mỗi nước và sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các bên.

Phạm vi và lĩnh vực điều chỉnh của hiệp định sẽ bao gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, các quy tắc, hợp tác kinh tế và các vấn đề khác. Ngoài ra, tại vòng đàm phán đầu tiên, các nước sẽ thảo luận chi tiết về phạm vi và lĩnh vực điều chỉnh của hiệp định, cơ cấu và phương thức đàm phán.

Trước đó, theo Vụ Thị trường châu Âu, đàm phán có thể kéo dài trong hai năm, và có thể có hiệu lực vào năm 2015. Ngoài việc cắt giảm thuế, hiệp định này còn được kỳ vọng sẽ giúp tạo một số thuận lợi trong lĩnh vực ngân hàng và vận tải giữa Việt Nam và Nga. Ngoài ra, trong đàm phán, phía Việt Nam sẽ lưu ý các vấn đề đang vướng mắc liên quan đến thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Nga.

Cơ cấu thương mại giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan) có tính bổ sung. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước thành viên Liên minh Hải quan đạt 2,7 tỉ đô la Mỹ vào năm 2012.

Việc tiếp tục tự do hóa thương mại và đầu tư thông qua hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan được kỳ vọng giúp  kim ngạch thương mại song phương vượt mức 10 tỉ đô la Mỹ trước năm 2020.

 Nguồn: Thời báo kinh tế Sài Gòn