Các câu hỏi liên quan đến Hiệp định về Quy tắc Xuất xứ của WTO

28/01/2010    5044

Mục đích của Hiệp định về Quy tắc xuất xứ của WTO là nhằm hài hòa hóa các qui tắc xuất xứ trong dài hạn, thay vì các qui tắc xuất xứ liên quan đến việc cấp ưu đãi thuế quan, và đảm bảo rằng các qui tắc xuất xứ bản thân nó không tạo ra những trở ngại không cần thiết đối với thương mại.

Hiệp định xây dựng một chương trình hài hóa hóa bắt đầu ngay khi vòng đàm phán Uruguay kết thúc và được hoàn thành sau đó 3 năm. Chương trình này được xây dựng dựa trên một bộ nguyên tắc bao gồm quy tắc xuất xứ cần phải khách quan, dễ hiểu và có thể dự đoán trước được. Công việc này được tiến hành bởi Ủy ban về Qui tắc xuất xứ (CRO) của WTO và một Ủy ban Kĩ thuật (TCRO) dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Hợp tác Hải quan tại Bỉ.

Để hoàn thành công việc, trong 3 năm nay, Uỷ ban CRO và TCRO đã đạt những chuyển biến đáng kể cho Hiệp định. Tuy nhiên, do tính phức tạp của những vấn đề mà Chương trình hài hòa hóa qui tắc xuất xứ (HWP, harmonization work programme) không thể hoàn thành theo thời hạn mong muốn. Ủy ban CRO tiếp tục hoạt động từ năm 2000. Vào tháng 12 năm 2000, phiên họp đặc biệt Hội đồng Chung nhất trí tiến hành Kỳ họp thứ tư của Hội nghị các Bộ trưởng để lập thời hạn mới cho việc hoàn thành nhiệm vụ còn lại của chương trình, hay muộn nhất là vào cuối năm 2001. Nội dung đàm phán được nêu tại hai văn bản G/RO/41 và G/RO/45.

Cho đến khi chương trình hài hòa hóa hoàn thành, các Thành viên tham gia kí kết hiệp định phải đảm bảo rằng các qui tắc xuất xứ của họ phải minh bạch, không làm hạn chế, bóp méo hay xáo trộn thương mại quốc tế; và các qui tắc này được quản lý thống nhất, nhất quán, công bằng và hợp lý; đồng thời chúng phải được dựa trên một tiêu chuẩn tích cực (hay nói cách khác là các qui tắc nên nói rõ cái gì nên bàn đến nguồn gốc, cái gì không nên).

Phụ lục của hiệp định trình bày tuyên bố chung về việc thực thi quy tắc xuất xứ ưu đãi.

Câu hỏi thường gặp:

1. Quy tắc xuất xứ hàng hóa là gì?

Trong thương mại quốc tế, quy tắc xuất xứ hàng hóa là tập hợp các quy định nhằm xác định quốc gia nào được coi là đã sản xuất ra hàng hóa (nước xuất xứ của hàng hóa).

Trong nhiều trường hợp, các nước nhập khẩu cần biết xuất xứ hàng hóa nhập khẩu để xác định quy chế đặc biệt áp dụng cho hàng hóa đó (ví dụ ưu đãi thuế quan, thuế chống bán phá giá, hạn ngạch…)

Ngày nay, rất nhiều các sản phẩm được sản xuất theo các công đoạn khác nhau, mỗi công đoạn thực hiện ở một nước nhằm tận dụng những lợi thế liên quan của nước đó (ví dụ nhân công, nguồn nguyên liệu, kỹ thuật…). Vì vậy nếu không có các quy tắc xuất xứ thì không thể xác định được xuất xứ chính thức của các hàng hóa này để từ đó áp dụng quy chế đặc biệt liên quan, nếu có.

Đối với doanh nghiệp, quy tắc xuất xứ hàng hóa của từng nước có thể ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp (ví dụ khi quy tắc này được sử dụng để cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu quyết định hàng hóa của doanh nghiệp có được hưởng thuế ưu đãi theo GSP không hoặc có bị áp thuế chống bán phá giá không).

2. Mục đích của việc áp dụng quy tắc xuất xứ hàng hóa?

Với việc áp dụng tương đối rộng rãi nguyên tắc ưu đãi thuế quan phổ cập, hàng hóa nhập khẩu vào các nước hiện nay được áp dụng các mức thuế quan và các quy chế nhập khẩu tương tự nhau, không phân biệt hàng hóa đó có xuất xứ từ nước nào. Vì vậy trong nhiều trường hợp việc xác định xuất xứ hàng hóa là không cần thiết.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những trường hợp phải xác định xuất xứ hàng hóa. Trên thực tế, mỗi nước đều có quy tắc xuất xứ hàng hóa áp dụng cho hàng nhập khẩu vào nước mình nhằm phục vụ các mục đích sau:

- Để thực thi các biện pháp/công cụ thương mại như thuế chống bán phá giá, thuế đối kháng, biện pháp tự vệ (vốn chỉ áp dụng với hàng hóa xuất xứ từ một số nước nhất định là đối tượng của các biện pháp, công cụ thương mại này);

- Xác định xem hàng hóa nhập khẩu thuộc diện áp dụng thuế tối huệ quốc (MFN) hay diện ưu đãi thuế quan (ví dụ GSP);

- Để phục vụ công tác thống kê thương mại (ví dụ xác định lượng nhập khẩu, trị giá nhập khẩu từ từng nguồn);

- Để phục vụ việc thực thi các quy định pháp luật về nhãn và ghi nhãn hàng hóa;

- Để phục vụ các hoạt động mua sắm của chính phủ theo quy định.

3. Tại sao WTO có một Hiệp định riêng về quy tắc xuất xứ?

Việc các quy tắc xác định xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu do các nước nhập khẩu tùy ý quy định khiến việc xác định xuất xứ trở nên phức tạp cho các nhà nhập khẩu và xuất khẩu (mỗi loại mục tiêu một quy tắc riêng, mỗi loại hàng một quy tắc riêng…). Trong khi đó số lượng các thỏa thuận ưu đãi thuế quan, các tranh chấp về quy tắc xuất xứ và cả các biện pháp trừng phạt bằng thuế quan (ví dụ thuế chống bán phá giá) trên thế giới ngày càng tăng; nhiều kiểu quy định, nhiều cách thức áp dụng khác nhau về xuất xứ hàng hóa khiến hoạt động thương mại bị cản trở không ít. Ngoài ra, cũng có trường hợp nước nhập khẩu còn sử dụng quy tắc xuất xứ với mục đích bảo hộ (ví dụ quy định quy tắc xuất xứ khó khăn để từ chối cấp hạn ngạch hoặc không cho hưởng thuế quan ưu đãi).

Để hạn chế tình trạng lạm dụng quy tắc xuất xứ, đơn giản hóa hệ thống này bằng các quy định mang tính hài hòa hóa giữa các nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, các nước thành viên WTO đã đi đến thống nhất về Hiệp định về quy tắc xuất xứ.

4. Phạm vi của Hiệp định về quy tắc xuất xứ?

Hiệp định về quy tắc xuất xứ của WTO quy định các nguyên tắc áp dụng chung mà tất cả các nước thành viên khi ban hành và thực thi các quy định pháp luật hoặc hành chính liên quan đến việc xác định nước xuất xứ của hàng hóa đều phải tuân thủ.

Tuy nhiên, các nguyên tắc của Hiệp định không áp dụng cho các trường hợp quy tắc xuất xứ theo các thỏa thuận ưu đãi.
Hiệp định quy định 2 hệ thống các nguyên tắc liên quan đến xuất xứ bắt buộc áp dụng (trừ trường hợp quy tắc xuất xứ theo các thỏa thuận ưu đãi), để áp dụng trong hai giai đoạn:

- Giai đoạn chuyển đổi (áp dụng trong quá trình Ủy ban kỹ thuật của Hiệp định hoàn thành việc hài hòa hóa các quy tắc xuất xứ)

- Giai đoạn sau chuyển đổi (khi đã đạt được các quy tắc xuất xứ thống nhất/hài hòa)

5. Các quy tắc của Hiệp định về xuất xứ hàng hóa áp dụng trong giai đoạn chuyển đổi?

Trong giai đoạn chuyển đổi (tức là trước khi có các quy định hài hòa hóa về xuất xứ hàng hóa), các nước thành viên WTO khi ban hành và thực thi các quy định về xuất xứ phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu nêu tại Điều 2 Hiệp định.

Cụ thể, các quy tắc xuất xứ của các nước thành viên WTO phải đảm bảo các yêu cầu:

- Minh bạch

+ Phải được định nghĩa rõ ràng

+ Phải được công bố kịp thời

+ Các quy tắc xuất xứ (kể cả quy tắc mới và quy tắc sửa đổi) không được có giá trị hồi tố

- Không cản trở thương mại bất hợp lý

+ Không được sử dụng làm công cụ chính sách thương mại;

+ Không được tạo ra sự hạn chế hoặc làm gián đoạn thương mại quốc tế;

+ Không được đòi hỏi đầy đủ các điều kiện không liên quan đến việc chế tạo hay gia công sản phẩm;

- Thống nhất, không phân biệt đối xử

+ Phải được áp dụng một cách nhất quán, thống nhất, không thiên vị và hợp lý;

+ Quy tắc áp dụng cho nhập khẩu và xuất khẩu không được khó khăn hơn quy tắc áp dụng để xác định hàng hóa nào là hàng hóa nội địa;

+ Không phân biệt đối xử giữa hàng hóa của các nước thành viên WTO

- Các yêu cầu khác

+ Tiêu chuẩn xác định xuất xứ phải là các tiêu chí tích cực (tức là loại tiêu chí xác định khi nào được xem là có xuất xứ); chỉ sử dụng tiêu chuẩn tiêu cực (là loại tiêu chí xác định trường hợp nào không được xem là có xuất xứ) khi nó là một phần để làm rõ tiêu chí tích cực hoặc trong những trường hợp mà tiêu chí tích cực về xuất xứ là không cần thiết;

+ Thủ tục xem xét xuất xứ không được kéo dài quá 150 ngày kể từ khi có đơn yêu cầu cấp xuất xứ của tổ chức, cá nhân;

+ Thông tin do tổ chức, cá nhân cung cấp để xem xét xuất xứ phải được xem là thông tin mật và không được công bố trừ khi có yêu cầu của cơ quan tư pháp trong một thủ tục tố tụng;

+Mọi quyết định về xuất xứ (ví dụ cấp/từ chối cấp chứng nhận xuất xứ) đều có thể bị khiếu kiện ra tòa hoặc theo một thủ tục độc lập với cơ quan đã ra quyết định đó.

Hộp 1 - Nguyên tắc “các tiêu chí xuất xứ phải được định nghĩa rõ ràng” được hiểu như thế nào?
Theo quy định tại Hiệp định về xuất xứ hàng hóa, các tiêu chí xuất xứ phải được định nghĩa rõ ràng. Cụ thể:

- Trường hợp quy tắc xác định xuất xứ sử dụng tiêu chí “thay đổi mã HS” thì phải xác định rõ nhóm mã cụ thể trong một dòng thuế được sử dụng để xác định xuất xứ;

- Trường hợp quy tắc xuất xứ sử dụng tiêu chí “giá trị tăng thêm đối với hàng hóa” thì phải xác định rõ phương pháp tính toán trị giá đó;

- Trường hợp quy tắc xuất xứ sử dụng tiêu chí “quá trình gia công hoặc sản xuất” thì phải làm rõ quy trình được sử dụng để xác định xuất xứ. 

 6. Các quy tắc của Hiệp định về xuất xứ hàng hóa sau giai đoạn chuyển đổi?

Các nguyên tắc về xuất xứ áp dụng giai đoạn sau chuyển đổi (tức là sau khi đã hoàn thành việc hài hòa hóa các quy tắc xuất xứ) bao gồm:

- Nguyên tắc cơ bản: Nước xuất xứ phải là nước nơi tiến hành sự thay đổi cơ bản cuối cùng đối với sản phẩm;

- Thay đổi cơ bản về sản phẩm được xác định theo sự thay đổi mã số hải quan HS là chủ yếu;

- Trường hợp thay đổi trong mã số hải quan HS không phản ánh sự thay đổi cơ bản về sản phẩm thì áp dụng các tiêu chí bổ sung, chủ yếu là “tỷ lệ phần trăm trị giá và/hoặc công đoạn chế biến/gia công”.

7. Quá trình hài hòa hóa các quy tắc xuất xứ?

Hài hòa hóa các quy tắc xuất xứ tương đối đa dạng và phức tạp mà các nước đang áp dụng hiện nay nhằm tạo một hệ thống thống nhất, dễ dự đoán và dễ áp dụng là mục tiêu cơ bản của Hiệp định về xuất xứ hàng hóa của WTO.

Tuy nhiên đây là việc rất phức tạp, đòi hỏi nhiều nỗ lực về kỹ thuật (để tìm tiêu chí phù hợp) và chính trị (để đạt được sự đồng thuận giữa các nước thành viên WTO) mà không thể ngay lập tức làm được. Hiệp định về xuất xứ hàng hóa của WTO đã thành lập một Ủy ban  (gọi là Ủy ban về quy tắc xuất xứ của WTO) để xây dựng bộ quy tắc hài hòa này. Một khi bộ quy tắc này được hoàn thành, được Đại hội đồng WTO phê chuẩn, nó sẽ được lập thành Phụ lục của Hiệp định về quy tắc xuất xứ.

Dự kiến công việc hài hóa hòa này phải được hoàn thành năm 1998 nhưng trên thực tế, hoạt động này đã phải gia hạn một lần đến 2006 và đến nay vẫn đang trong quá trình triển khai. Một dự thảo tương đối hoàn chỉnh đã được soạn thảo nhưng đang chuyển để lấy ý kiến các nước thành viên WTO.

8. Doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý gì về các quy tắc xuất xứ?

Hiện tại doanh nghiệp Việt Nam đa số quan tâm đến quy tắc xuất xứ trong các trường hợp hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan (theo GSP). Các nguyên tắc tại Hiệp định về quy tắc xuất xứ của WTO lại không bắt buộc áp dụng đối với quy tắc xuất xứ của các nước thành viên WTO trong trường hợp này. Vì vậy hiện tại doanh nghiệp chưa thấy được lợi ích từ Hiệp định này.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc xác định xuất xứ có thể phục vụ những mục tiêu khác của nước nhập khẩu mà doanh nghiệp buộc phải tuân thủ (đặc biệt trong các trường hợp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ). Trong những trường hợp này, nếu doanh nghiệp hiểu biết về các nguyên tắc về xuất xứ trong Hiệp định thì có thể bảo vệ lợi ích của mình nếu nước nhập khẩu vi phạm bằng việc khiếu nại trực tiếp hoặc thông báo cho Chính phủ để có phương thức bảo vệ thích hợp.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI