Các câu hỏi liên quan đến Hiệp định về các Biện pháp Đầu tư liên quan đến Thương mại (TRIMs) của WTO

28/01/2010    6053

Hiệp định công nhận một số biện pháp đầu tư gây cản trở và bóp méo thương mại.

Hiệp định qui định rằng không một bên tham gia kí kết nào có thể áp dụng biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (TRIM) trái với điều III (nguyên tắc đối xử quốc gia) và điều XI (cấm các biện pháp hạn chế số lượng) của Hiệp định GATT.

Để đạt được mục đích này, một danh sách cụ thể về các biện pháp TRIMs không phù hợp với các điều khoản trên được nhất trí bổ sung vào hiệp định. Danh sách này bao gồm các biện pháp yêu cầu một số mức độ nhất định về mua sắm nội địa của doanh nghiệp (“yêu cầu về tỉ lệ nội địa hóa”) hay hạn chế về số lượng hay giá trị nhập khẩu mà một doanh nghiệp có thể mua hoặc sử dụng tương đương với lượng hàng hóa mà doanh nghiệp xuất khẩu (“yêu cầu về cân bằng thương mại”).

Hiệp định yêu cầu thông báo bắt buộc về tất cả các biện pháp không phù hợp với quy định Hiệp định TRIMs và phải loại bỏ biện pháp này trong vòng 2 năm đối với các nước phát triển, 5 năm đối với các nước đang phát triển và 7 năm đối với các nước kém phát triển.

Hiệp định thành lập một Ủy ban về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại cùng với các cơ quan khác, quản lí việc thực thi của các cam kết nêu trên. Hiệp định, sau đó, cũng xem xét rằng nên thực thi các điều khoản về chính sách đầu tư và cạnh tranh ở phạm vi rộng hơn.

Câu hỏi thường gặp:

1. Tại sao WTO quy định về đầu tư?

Trong thương mại quốc tế, đầu tư là hoạt động đem vốn, tài sản từ nước này sang một nước khác để kinh doanh, thu lợi nhuận (đầu tư nước ngoài). Theo nghĩa này, đầu tư bao gồm cả đầu tư gián tiếp (đầu tư thành lập hoặc mua lại doanh nghiệp) và đầu tư gián tiếp (chủ yếu qua thị trường chứng khoán).

Quy định về đầu tư nước ngoài của nước nhận đầu tư có thể cản trở hoặc thúc đẩy việc đầu tư và có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả lợi nhuận của hoạt động đầu tư của nhà đầu tư đến từ các nước khác. Thương mại quốc tế từ đó cũng có thể được khuyến khích hoặc bị hạn chế vì các quy định về đầu tư nước ngoài này.

Vì vậy, để đảm bảo rằng các biện pháp của nước nhận đầu tư không cản trở bất hợp lý hoạt động đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài và dòng lưu chuyển vốn, tài sản trong thương mại quốc tế, các nước thành viên WTO đã thống nhất thông qua một Hiệp định về vấn đề này, gọi là Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (Hiệp định TRIMS). Biện pháp đầu tư ở đây được hiểu là bất kỳ một quy định, điều kiện hay thủ tục nào mà nước nhận đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài.

2. Hiệp định TRIMS quy định về vấn đề gì?

Đầu tư nước ngoài là một vấn đề lớn và tương đối nhạy cảm với nước nhận đầu tư (liên quan đến chủ quyền và an ninh tài chính của nước nhận đầu tư). Vì vậy đây vẫn là lĩnh vực mà đến nay trong khuôn khổ WTO các nước vẫn chưa đạt được sự đồng thuận về những vấn đề cơ bản.

Cho đến nay, ngoài các quy định về đầu tư gắn với mở cửa thị trường dịch vụ (trong các cam kết cụ thể về mở cửa thị trường dịch vụ của từng nước thành viên), WTO mới chỉ đạt được các nguyên tắc bắt buộc chung về các biện pháp đầu tư mà các nước thành viên bị cấm không được áp dụng do cản trở quá lớn đến thương mại (gọi là TRIMS) trong Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại (gọi là Hiệp định TRIMS).

Nói cách khác, Hiệp định TRIMS chỉ quy định về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại bị cấm áp dụng chứ không bao trùm tất cả các vấn đề về đầu tư nước ngoài.

3. Những biện pháp đầu tư nào bị cấm theo Hiệp định TRIMS?

Hiệp định TRIMS cấm các nước thành viên WTO ban hành hoặc thực thi các biện pháp vi phạm nguyên tắc của WTO (nêu trong Hiệp định chung về thuế quan và thương mại GATT 1994) sau đây:

"1. Đối xử quốc gia;

2. Các hạn chế số lượng xuất khẩu, nhập khẩu trong WTO."

Phụ lục của Hiệp định TRIMS liệt kê các ví dụ minh họa về các loại biện pháp đầu tư có thể coi là vi phạm hai nhóm nguyên tắc nêu trên (gọi là Danh mục minh họa TRIMS). Lưu ý rằng danh mục này chỉ mang tính minh họa, điều này có nghĩa là có thể có những biện pháp khác bị xem là vi phạm dù không nằm trong danh mục này.

Bảng 1 - Danh mục minh họa các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại bị cấm áp dụng (TRIMS)

Nhóm biện pháp

Ví dụ minh họa

Những yêu cầu về hàm lượng nội địa

Yêu cầu doanh nghiệp phải sử dụng một tỷ lệ nhất định nguyên liệu đầu vào có xuất xứ trong nước hoặc từ các nguồn nội địa

Những yêu cầu về cân đối thương mại

Yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo khối lượng hoặc trị giá sản phẩm nhập khẩu tương đương với khối lượng, trị giá sản phẩm xuất khẩu

Những yêu cầu về cân đối ngoại hối

Quy định ngoại hối phục vụ nhập khẩu phải ở một tỷ lệ nhất định so với giá trị ngoại hối mà doanh nghiệp thu được từ xuất khẩu và từ các nguồn khác

Những yêu cầu về ngoại hối

Hạn chế việc tiếp cận nguồn ngoại hối của doanh nghiệp - hạn chế nhập khẩu

Những yêu cầu về tiêu thụ trong nước

Yêu cầu doanh nghiệp phải đảm bảo rằng khối lượng hoặc trị giá sản phẩm tiêu thụ trong nước tương đương với sản phẩm xuất khẩu – hạn chế xuất khẩu

Những yêu cầu về sản xuất

Yêu cầu một số loại sản phẩm phải được sản xuất trong nước

Những yêu cầu về xuất khẩu

Yêu cầu tỷ lệ xuất khẩu tối thiểu

Những yêu cầu bắt buộc về loại sản phẩm

Yêu cầu nhà đầu tư phải cung cấp cho những thị trường nhất định một hoặc một số sản phẩm được chỉ định hoặc được sản xuất/cung cấp bởi một nhà sản xuất/cung cấp nhất định

Những hạn chế về sản xuất

Quy định cấm doanh nghiệp không được sản xuất một số sản phẩm hoặc loại sản phẩm nhất định ở nước nhận đầu tư

Những yêu cầu về chuyển giao công nghệ

Yêu cầu phải chuyển giao bắt buộc một số loại công nghệ nhất định (không theo các điều kiện thương mại thông thường) và/hoặc yêu cầu các loại hoặc mức độ nghiên cứu và phát triển (R&D) phải được thực hiện ở nước nhận đầu tư

Những yêu cầu về việc chuyển giao quyền sử dụng bằng sáng chế (li -xăng)

Quy định buộc nhà đầu tư phải chuyển giao công nghệ tương tự hoặc không liên quan đến công nghệ mà họ đang sử dụng tại nước đầu tư cho doanh nghiệp tại nước nhận đầu tư

Những hạn chế về chuyển lợi nhuận ra nước ngoài

Hạn chế quyền của nhà đầu tư trong việc chuyển lợi nhuận thu được từ đầu tư về nước

Những yêu cầu về tỷ lệ vốn trong nước

Ấn định một tỷ lệ nhất định vốn của doanh nghiệp phải do nhà đầu tư trong nước nắm giữ

4. Doanh nghiệp cần lưu ý gì về TRIMS?

Hiệp định TRIMS chỉ đề cập đến nghĩa vụ của các Chính phủ không được ban hành các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại TRIMS (mà không đề cập đến quyền trực tiếp của nhà đầu tư). Tuy nhiên, việc các chính phủ tuân thủ đầy đủ các quy định tại TRIMS sẽ mang lại lợi ích  các nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, nếu muốn đầu tư ra nước ngoài (đặc biệt ở các nước thành viên WTO có trình độ phát triển và các quy định về đầu tư còn hạn chế) cần lưu ý đến các biện pháp bị cấm đã nêu hoặc minh họa trong Hiệp định TRIMS để có thể có cách thức bảo vệ lợi ích của mình khi bị vi phạm (ví dụ khiếu nại với chính phủ nước nhận đầu tư hoặc thông tin cho Chính phủ Việt Nam để có thể tham vấn với nước nhận đầu tư nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư Việt Nam).

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI