Hai năm thực thi EVFTA: Các ưu tiên trong điều chỉnh kinh doanh để tận dụng hiệu quả cơ hội các FTA mang lại

12/05/2023    106

Để thu thập các thông tin thực tiễn về việc thực hiện EVFTA của các doanh nghiệp, năm 2022, Nhóm nghiên cứu của VCCI đã triển khai một Khảo sát về thực tế hoạt động và cảm nhận của doanh nghiệp về kinh doanh trong bối cảnh thực thi EVFTA hai năm vừa qua cũng như hội nhập FTA nói chung.

Về kế hoạch điều chỉnh

Bên cạnh việc nhận diện các kỳ vọng của doanh nghiệp về những lợi ích từ các FTA và cả những lực cản có thể khiến họ khó đạt được các kỳ vọng này, Khảo sát cũng tìm hiểu sâu hơn về sự chuẩn bị của doanh nghiệp cho tương lai này.

Khi được hỏi liệu doanh nghiệp đã hoặc dự định có kế hoạch điều chỉnh kinh doanh để tận dụng cơ hội lợi ích từ EVFTA và các FTA hoặc hạn chế những bất lợi nếu có từ đây không, có 59,4% doanh nghiệp cho biết có kế hoạch này.

Theo nhóm doanh nghiệp, tỷ lệ các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước (DNNN) có kế hoạch điều chỉnh chỉ là 37,5%, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ ở các doanh nghiệp FDI và dân doanh (59,2%-60,3%). Nếu nhìn từ thực tế là các DNNN luôn ở nhóm có đánh giá ít tích cực nhất về mức độ tác động và hiệu quả trong quá khứ, cũng như về kỳ vọng lợi ích trong tương lai của các FTA, có lẽ không khó giải thích tại sao nhóm này ít có dự định thay đổi nhất.

Về các dự kiến điều chỉnh cụ thể

Khi hỏi các doanh nghiệp thuộc nhóm “có kế hoạch điều chỉnh” về các dự kiến cụ thể của họ, Khảo sát đã nhận thấy một xu hướng rất thực dụng: Có một sự thống nhất gần như tuyệt đối giữa những nguyên nhân chính yếu mà doanh nghiệp cho là sẽ cản trở họ tận dụng cơ hội từ các FTA (xem tại tiểu mục 5.3 ở trên) với những giải pháp mà họ đã/đang triển khai trong các kế hoạch này.

Nói cách khác, các ưu tiên trong kế hoạch điều chỉnh của doanh nghiệp đều nhắm tới việc giải quyết trực diện các tồn tại chủ quan đang cản trở họ tận dụng các cơ hội từ các FTA. Cụ thể:

  • Ưu tiên lớn nhất của doanh nghiệp là cải thiện năng lực cạnh tranh thông qua các kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm (64% doanh nghiệp có dự định này), nâng cao chất lượng lao động ở cả cấp quản lý (42,4%) và kỹ thuật (45%), cải thiện công nghệ, tổ chức lại sản xuất để tăng năng suất (42,1%). Mặc dù cùng ưu tiên cải thiện năng lực cạnh tranh nhưng mỗi nhóm doanh nghiệp tùy vào thực tế của mình mà có các thứ tự ưu tiên khác nhau. Với các DNNN, vấn đề nâng cao chất lượng lao động là ưu tiên hàng đầu (66,7% DNNN lựa chọn) thì các doanh nghiệp dân doanh lại đặt ưu tiên nhiều hơn vào nâng cao chất lượng sản phẩm (72,6%).
  • Tiếp đến là ưu tiên cho các hoạt động để tận dụng cơ hội thị trường từ các FTA như tăng cường quảng bá thương hiệu, xúc tiến thương mại ở các thị trường đối tác (45,3%), điều chỉnh nguồn nguyên liệu, quy trình sản xuất để đáp ứng điều kiện hưởng ưu đãi thuế quan theo FTA (45%), đạt các chứng nhận về môi trường, vệ sinh thực phẩm… của thị trường đối tác (37,3%). Đáng chú ý là với các doanh nghiệp FDI, nội dung được tập trung quan tâm lớn nhất trong kế hoạch của họ (trên cả vấn đề cải thiện chất lượng sản phẩm) chính là điều chỉnh nguồn cung, quy trình sản xuất nhằm đáp ứng quy tắc xuất xứ (57,8%), khía cạnh trực diện nhất trong mục tiêu tận dụng cơ hội thuế quan FTA.
  • Nằm trong nhóm ưu tiên thấp nhất là các điều chỉnh liên quan tới mục tiêu phát triển lâu dài của doanh nghiệp như huy động, bổ sung vốn đầu tư (37,6%), tìm giải pháp tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất (30,9%), chuyển đổi sản xuất để nâng cao giá trị, vị trí trong chuỗi (21,5%). Tuy nhiên, có lẽ vì đã có sẵn nhiều thuận lợi ở các khía cạnh này, mức độ ưu tiên của các doanh nghiệp FDI tới các nội dung này thấp hơn hẳn doanh nghiệp dân doanh. Trong khi đó nhóm DNNN không có dự định nào liên quan tới các vấn đề này.

Nếu nhìn vào từng nhóm doanh nghiệp, thứ tự các vấn đề cụ thể được ưu tiên trong các kế hoạch điều chỉnh sản xuất kinh doanh phản ánh ít nhiều các vấn đề nội tại của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp dân doanh chú trọng vấn đề nâng cao chất lượng và quảng bá sản phẩm. Trong khi đó các DNNN tập trung vào câu chuyện tăng năng suất, chất lượng của đội ngũ lao động. Các FDI vốn khá mạnh về năng lực cạnh tranh chung thì tập trung ưu tiên hàng đầu vào việc điều chỉnh nguồn cung và sản xuất để hưởng ưu đãi thuế quan ngay từ các FTA.

Trong so sánh với Khảo sát năm 2020 của VCCI, kết quả Khảo sát năm 2022 này cho thấy một số thay đổi nhất định trong các ưu tiên của doanh nghiệp:

  • Vấn đề tăng vốn (thông qua huy động, bổ sung vốn đầu tư hoặc tìm kiếm các nguồn vốn vay) được doanh nghiệp tập trung chú ý hơn (37,6%) so với hai năm trước đây (29,2%).
  • Mặc dù vẫn là trọng tâm phổ biến nhất trong kế hoạch điều chỉnh của các doanh nghiệp, vấn đề nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa/dịch vụ nói chung nhận được ít hơn sự quan tâm của doanh nghiệp trong Khảo sát năm 2022 (64%) so với năm 2020 (67,3%). Trong khi các vấn đề trực diện và thực tiễn lại được chú ý hơn (như điều chỉnh để đáp ứng quy tắc xuất xứ theo FTA, đạt các chứng nhận/đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường tiêu thụ, chuyển đổi sản xuất để nâng giá trị gia tăng thu về….);
  • Các vấn đề có tính lâu dài thu hút được ít sự quan tâm hơn của doanh nghiệp (tham gia các chuỗi sản xuất, đạt các tiêu chuẩn quốc tế về lao động hay môi trường…)

Sự thay đổi này một lần nữa khẳng định xu hướng thực chất và thực dụng hơn trong các kế hoạch điều chỉnh kinh doanh của doanh nghiệp.

Hình - Các ưu tiên trong điều chỉnh kinh doanh để sẵn sàng cho các FTA

Nguồn: Khảo sát của VCCI 2020, 2022

 

Nguồn: Trích dẫn Báo cáo “Việt Nam sau 02 năm thực thi Hiệp định EVFTA từ góc nhìn doanh nghiệp” – Trung tâm WTO và Hội nhập