Giải quyết tranh chấp số DS175

19/06/2011    1244

Ấn Độ — Các biện pháp liên quan tới thương mại và đầu tư trong lĩnh vực ô tô.


Tiêu đề:

Ấn Độ — Ô tô

Nguyên đơn:

Hoa Kỳ

Bị đơn:

Ấn Độ

Các bên thứ ba:

EC, Nhật Bản, Hàn Quốc

Các hiệp định liên quan (được đưa ra trong yêu cầu tham vấn):

Hiệp định TRIMs: Điều 2, 2.1, 2.2
GATT 1994: Điều III, III:4, XI, XI:1

Ngày nhận được yêu cầu tham vấn:

0 2/06/1999

Ngày lưu hành báo cáo của Ban Hội thẩm:

21/12/2001

Ngày lưu hành báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm:

19/03/2002

Bản tóm tắt cập nhật vụ kiện

Bản tóm tắt cập nhật vụ kiện tới ngày 24/02/2010

Tham vấn

Do EC khởi kiện.

Ngày 06/10/1998, EC yêu cầu tham vấn với Ấn Độ về các biện pháp đối với lĩnh vực sản xuất ôtô được qui định trong các văn bản sau: “Chính sách xuất nhập khẩu 1997 – 2002”, “Chính sách xuất nhập khẩu ITC (phân loại HS) 1997 - 2002”, “Thông cáo số 60 (PN/97-02) ngày 12/12/1997, chính sách xuất nhập khẩu tháng 4/1997 – 3/2002” và các điều khoản pháp lý, hành chính khác đã được thực thi theo các văn bản này và thỏa thuận MoUs ký giữa chính phủ Ấn Độ và một số nhà sản xuất ôtô. EC đưa ra lập luận như sau:

  • các biện pháp này qui định việc nhập khẩu ôtô nguyên chiếc và linh kiện ôtô bị quản lý bởi chế độ cấp phép không tự động.
  • Theo thông cáo số 60, các giấy phép chỉ được cấp cho các nhà sản xuất ôtô liên doanh trong nước đã ký MoU với chính phủ về việc tuân thủ các qui định nội địa và đảm bảo yêu cầu cân đối xuất khẩu
  • EC buộc tội Ấn Độ vi phạm Điều III và XI của GATT1994 và Điều 2 của Hiệp định TRIMS.

Ngày 01/05/1999, Hoa Kỳ yêu cầu tham vấn  (WT/DS175) với Ấn Độ về các biện pháp đối với hoạt động thương mại và đầu tư trong lĩnh vực sản xuất ôtô. Hoa Kỳ kiện các biện pháp này của Ấn Độ đã yêu cầu các nhà sản xuất ôtô phải:

  1. chịu sự qui định đặc biệt ;
  2. chịu mức tỷ giá trung lập do cân đối giữa giá trị nhập khẩu và giá trị xuất khẩu ôtô nguyên chiếc và linh kiện ôtô.
  3. hạn chế nhập khẩu trong giới hạn giá trị xuất khẩu của năm trước.

Theo Hoa Kỳ, các biện pháp này có hiệu lực theo luật pháp Ấn Độ và các công ty sản xuất ôtô cần tuân thủ các qui định này để được cấp phép nhập khẩu ôtô nguyên chiếc và linh kiện ôtô. Hoa Kỳ cho rằng các biện pháp này vi phạm Điều III và XI của GATT1994 và Điều 2 của Hiệp định TRIMS.
Ngày 15/05/2000, Hoa Kỳ yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm. Tại cuộc họp ngày 19/06/2000, DSB trì hoãn việc thành lập Ban Hội thẩm.

Thông qua báo cáo của Ban Hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm

Theo yêu cầu lần thứ hai của Hoa Kỳ, DSB đã quyết định thành lập Ban Hội thẩm tại cuộc họp ngày 27/07/2000. Các bên thứ ba gồm: EC, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ngày 12/10/2000, EC cũng yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm. Tại cuộc họp ngày 23/10/2000, DSB trì hoãn việc thành lập Ban Hội thẩm. Sau yêu cầu lần thứ hai của EC, tại cuộc họp ngày 17/11/2000, DSB đã quyết định thành lập Ban Hội thẩm. Do Ban Hội thẩm đã thành lập theo chỉ  thị tương tự trong khuôn khổ vụ kiện số WT/DS175, DSB đã quyết định sử dụng Ban Hội thẩm sẵn có này theo Điều 9.1 của DSU. Nhật Bản là bên thứ ba. Ngày 14/11/2000, Hoa Kỳ yêu cầu Tổng giám đốc WTO chỉ định thành phần Ban Hội thẩm. Ngày 24/11/2000, Ban Hội thẩm chính thức được thành lập.

Ngày 21/12/2001, Ban Hội thẩm công bố báo cáo tới các thành viên. Trong báo cáo nêu rõ:

  • Ấn Độ đã vi phạm Điều III:4 GATT 1994 khi qui định các nhà sản xuất ôtô phải sử dụng tỷ lệ nội địa hóa nhất định các linh kiện trong nước.
  • Ấn Độ đã vi phạm Điều XI GATT 1994 khi qui định các nhà sản xuất ôtô phải có nghĩa vụ cân bằng giữa giá trị nhập khẩu linh kiện ôtô và giá trị xuất khẩu (điều kiện “cân bằng thương mại”).
  • Ấn Độ đã vi phạm Điều III:4 GATT 1994 khi qui định trên cơ sở đạt cân bằng thương mại, các nhà sản xuất ôtô phải có nghĩa vụ xuất khẩu bù phần nhập khẩu trội trước đây.

Ban Hội thẩm khuyến nghị DSB yêu cầu Ấn Độ điều chỉnh các biện pháp cho phù hợp với các cam kết WTO.
Ngày 31/01/2002, Ấn Độ kháng án. Cụ thể, Ấn Độ yêu cầu rà soát lại các kết luận sau của Ban Hội thẩm:

  • Căn cứ theo Điều 11 và 19.1 của DSU để xác định liệu Ân Độ có vi phạm Điều III:4 và XI:1 của GATT đã được Ấn Độ thực thi các biện pháp nhằm tuân thủ các qui định của GATT trong suốt quá trình vụ kiện.
  • Việc thực thi nghĩa vụ xuất khẩu của các nhà sản xuất ôtô cho tới ngày 1/4/2001 theo qui trình cấp phép nhập khẩu trước đây của Ấn Độ vi phạm Điều III:4 và XI:1 GATT.

Ngày 14/3/2002, Ấn Độ rút lại yêu cầu kháng án. Cơ quan Phúc thẩm công bố báo cáo tóm tắt lại vụ kiện. Tại cuộc họp ngày 5/4/2002, Hoa Kỳ tán thành quyết định rút lại kháng án của Ấn Độ và chia sẻ với Ấn Độ các biện pháp khác theo mục VIII Báo cáo của Ban Hội thẩm. EC nhận định các kết luận của Ban Hội thẩm là công minh. Dù đã quyết định rút kháng án, Ấn Độ vẫn cho rằng kết luận của Ban Hội thẩm nêu trong mục VIII là không chính xác cả về mặt thực tiễn và pháp lý. Ấn Độ yêu cầu DSB chỉ thông qua 1 phần kết luận của Ban Hội thẩm và xem xét mục VIII trong cuộc họp lần sau. EC phản đối yêu cầu của Ấn Độ và tin tưởng báo cáo của Ban Hội thẩm sẽ được thông qua vô điều kiện. DSB đã thông qua báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và Ban Hội thẩm.

Tình hình thực thi các báo cáo được thông qua

  • Ngày 2/5/2002, Ấn Độ thông báo lên DSB rằng cần một khoảng thời gian hợp lý để thực thi các khuyến nghị của DSB và tuyên bố đã sẵn sàng bàn thảo với EC và Hoa Kỳ về vấn đề này.
  • Ngày 18/7/2002, các bên thông báo lên DSB rằng đã thống nhất khoảng thời gian thực hiện khuyến nghị cho Ấn Độ là 5 tháng, từ ngày 5/4/2002 tới ngày 5/9/2002.
  • Ngày 6/11/2002, Ấn Độ thông báo lên DSB rằng đã hòan tất các khuyến nghị của DSB bằng cách ban hành Thông cáo số 31 ngày 9/8/2002 theo đó xóa bỏ yêu cầu cân bằng thương mại. Ấn Độ cũng thông báo trước đó Ấn Độ đã bãi bỏ qui định về tỷ lệ nội địa hóa theo Thông cáo số 30 ngày 4/9/2001.