Giải quyết tranh chấp số DS174

19/06/2011    535

EC — Bảo hộ thương hiệu và chỉ dẫn địa lý cho hàng nông sản và thực phẩm.


Tiêu đề:

EC — Thương hiệu và chỉ dẫn địa lý

Nguyên đơn:

Hoa Kỳ

Bị đơn:

EC

Các bên thứ ba:

Achentina; Australia; Brazil; Canada; Trung Quốc; Đài Loan; Colombia; Guatemala; Ấn Độ; Mexico; New Zealand; Thổ Nhĩ Kỳ

Các hiệp định liên quan (được đưa ra trong yêu cầu tham vấn):

Hiệp định TRIPs: Điều 3, 3.1, 4, 1.1, 2. 2.1, 16, 16.1, 20, 22, 22.1, 22.2, 24, 24.5, 41.1, 41.2, 42, 44.1, 63, 63.1, 63.3, 65, 65.1
GATT 1994: Điều I, III:4

Ngày nhận được yêu cầu tham vấn:

1/06/1999

Ngày lưu hành báo cáo của Ban Hội thẩm:

15/03/2005

Bản tóm tắt cập nhật vụ kiện

Bản tóm tắt cập nhật vụ kiện tới ngày 24/02/2010

Tham vấn

Do Hoa Kỳ khởi kiện.

Ngày 01/06/1999, Hoa Kỳ yêu cầu tham vấn với EC về vấn đề bảo hộ thương hiệu và chỉ dẫn địa lý (GIs) đối với nông sản và thực phẩm nhập khẩu vào EC. Hoa Kỳ cáo buộc Nghị định số 2081/92 và các sửa đổi không thể hiện đãi ngộ quốc gia đối với chỉ dẫn địa lý và không bảo hộ đầy đủ cho các thương hiệu tồn tại trước đây tương tự hoặc giống hệt chỉ dẫn địa lý. Theo Hoa Kỳ, EC đã vi phạm các nghĩa vụ của quốc gia này theo các Điều 3, 16, 24, 63 và 65 của Hiệp định TRIPS
Ngày 04/04/2003, Hoa Kỳ tiếp tục yêu cầu tham vấn với EC về vấn đề trên. Đây  là yêu cầu bổ sung cho yêu cầu năm 1999. Hoa Kỳ kiện Nghị định 2081/92 cùng các sửa đổi và các biện pháp thực thi. Theo Hoa Kỳ, Nghị định của EC giới hạn GIs như sau: EC bảo hộ và giới hạn các quốc gia khác tiếp cận qui trình GI của EC và đưa ra các biện pháp bảo hộ theo nghị định này. Hoa Kỳ cáo buộc nghị định này của EC vi phạm Điều 2, 3, 4, 16, 22, 24, 63 và 65 của Hiệp định TRIPS và Điều I và III:4 GATT 1994.

Ngày 17/04/2003, Australia yêu cầu tham vấn với EC về vấn đề bảo hộ thương hiệu và đăng ký,bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với nông sản và thực phẩm tại EC. Các biện pháp bị cáo buộc được qui định trong Nghị định của EC (EEC) số 2081/92 ngày 14/07/1992 về việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý và quyết định nguồn gốc của nông sản và thực phẩm và các biện pháp liên quan (“biện pháp của EC)
Australia cáo buộc EC như sau:

  • Biện pháp của EC không áp dụng ngay lập tức và vô điều kiện dành cho công dân hoặc hàng hóa của một thành viên WTO như những ưu đãi, lợi thế, đặc quyền mà EC dành cho công dân hoặc hàng hóa của thành viên WTO khác;
  • Biện pháp của EC không dành cho công dân hoặc hàng hóa của thành viên WTO, không kém thuận lợi hơn so với công dân hoặc hàng hóa của chính nước thuộc EC;
  • Biện pháp của EC hạn chế bảo hộ thương hiệu;
  • Biện pháp của EC vi phạm nghĩa vụ của họ trong việc cung cấp các cơ sở pháp lý cho các bên liên quan nhằm tránh sử dụng sai chỉ dẫn địa lý hoặc dẫn tới cạnh tranh không bình đẳng theo điều 10bis công ước Paris (1967);
  • Biện pháp của EC vi phạm nghĩa vụ của mình trong việc minh bạch các biện pháp thực hiện; và
  • Biện pháp của EC hạn chế thương mại quá mức cần thiết nhằm đạt được mục tiêu có thể dẫn tới rủi ro là bất khả thi.

Australia cáo buộc EC vi phạm Điều 1, 2, 3, 4, 16, 20, 22, 24, 41, 42, 63 và 65 Hiệp định  TRIPS, Điều I và III GATT 1994, Điều 2 Hiệp định TBT và Điều XVI:4 Hiệp định thành lập WTO.

Trong vụ kiện WT/DS174, Sri Lanka Australia, Hungary, Ấn Độ, Achentina, Bulgaria, Cyprus, CH Séc, Malta, Slovenia, Romania, CH Slovakia và Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu tham gia tham vấn chung. EC đã chấp thuận yêu cầu này của các nước trên.

Ngày 18/08/2003, Hoa Kỳ và Achentina yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm. Ngày 29/08/2003, DSB trì hoãn thành lập Ban Hội thẩm.

Thông qua báo cáo của Ban Hội thẩm và Cơ quan Phúc thẩm

Theo yêu cầu lần thứ hai của cả Hoa Kỳ và Achentina, tại cuộc họp ngày 2/10/2003, DSB quyết định thành lập Ban Hội thẩm và Ban Hội thẩm được lập riêng cho Hoa Kỳ và Achentina. Australia, Colombia, Guatemala, Ấn Độ, Mexico, New Zealand, Nauy, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ bảo lưu các quyền của bên thứ ba. Ngày 6/10, Trung Quốc bảo lưu các quyền của bên thứ ba. Ngày 10/10, Achentina và Canada bảo lưu các quyền của bên  thứ ba. Ngày 13/10, Braxin bảo lưu các quyền của bên thứ ba.

Ngày 13/02/2004, Hoa Kỳ và Achentina yêu cầu Tổng giám đốc WTO quyết định thành phần Ban Hội thẩm. Ngày 23/02/2004, Ban Hội thẩm chính thức được thành lâp.

Ngày 17/08/2004, chủ tịch Ban Hội thẩm thông báo do tính chất phức tạp của vụ kiện, Ban Hội thẩm không thể đưa ra báo cáo trong vòng 6 tháng và dự kiến sẽ công bố báo cáo trước cuối năm 2004.

Ngày 15/03/2005, Ban Hội thẩm công bố báo cáo tới các thành viên:

  • Ban Hội thẩm đồng ý với Hoa Kỳ và Achentina ở điểm sau: Qui định của EC về chỉ dẫn địa lý không đảm bảo nguyên tắc đối xử quốc gia đối với các nước thành viên WTO và các sản phẩm bởi vì: (i) để được đăng ký chỉ dẫn địa lý, một nước không thuộc EU phải áp dụng hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý của EC và phải bảo hộ cho các chỉ dẫn địa lý của EC; (ii) yêu cầu chính phủ các nước thành viên WTO khác phải kiểm duyệt việc đăng ký và hủy bỏ đăng ký chỉ dẫn địa lý đồng thời yêu cầu chính phủ các nước này phải vận hành hệ thống kiểm định hàng hóa giống như các nước thành viên EC. Do đó, các nước không thuộc EC không được đảm bảo tiếp cận với hệ thống của EC đối với các chỉ dẫn địa lý như các nước thành viên EC.
  • Tuy nhiên, không có cơ sở khi cho rằng hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý của EC vi phạm WTO khi qui định phải kiểm định hàng hóa
  • Ban Hội thẩm đồng ý với EC ở điểm như sau: mặc dù qui định của EC cho phép đăng ký chỉ dẫn địa lý ngay cả khi xung đột với thương hiệu đã đăng ký nhưng vẫn không đủ là “ngoại lệ” đối với quyền sở hữu thương hiệu. Tuy nhiên, Ban Phúc thẩm đồng ý với Hoa Kỳ và Achentina rằng Hiệp định TRIPS không cho phép chỉ dẫn địa lý không đạt tiêu chuẩn tồn tại cùng với thương hiệu đã đăng ký.

DSB thông qua báo cáo của Ban Hội thẩm ngày 20/05/2005.

Thực hình thực thi các báo cáo được thông qua

Tại cuộc họp  ngày 19/05/2005, EC tuyên bố sẽ thực thi các khuyến nghị của DSB nhưng cần một khoảng thời gian hợp lý để thực hiện. Ngày 9/6/2005, EC, Achentina và Hoa Kỳ thông báo lên DSB rằng theo Điều 21.3(b), các bên đã thống nhất khoảng thời gian thực hiện khuyến nghị của EC là 11 tháng, 2 tuần (kết thúc là ngày 3/4/2006).

Tại cuộc họp ngày 17/2/2006, EC tuyên bố một qui định mới về chỉ dẫn địa lý nhằm thực hiện đầy đủ theo khuyến nghị của DSB đang được cân nhắc tại Hội đồng liên minh Châu Âu và Nghị viện Châu Âu và dự kiến sẽ được Ủy ban thông qua đúng thời hạn đã cam kết.
Tại cuộc họp ngày 21/4/2006, EC tuyên bố đã thực thi đầy đủ các khuyến nghị của DSB bằng cách thông qua 1 qui định mới về chỉ dẫn địa lý sẽ có hiệu lực vào ngày 31/3/2006. Achentina và Hoa Kỳ không cho rằng EC đã thực thi đầy đủ các khuyến nghị của DSB và đề nghị EC cân nhắc những góp ý của 2 nước này về quyết định mới thông qua và tiến hành sửa đổi cho hợp lý.