Giải quyết tranh chấp số DS160

19/06/2011    677

Hoa Kỳ - Mục 110(5) Luật bản quyền của Hoa Kỳ


Tiêu đề

Hoa Kỳ - Mục 110(5) Luật bản quyền của Hoa Kỳ

Nguyên đơn:

EC

Bị đơn:

Hoa Kỳ

Các bên thứ ba:

Australia; Bra-xin; Canada; Nhật Bản; Thụy Sĩ

Các hiệp định liên quan (được đưa ra trong yêu cầu tham vấn):

Hiệp định TRIPs: Điều 9.1

Ngày nhận được yêu cầu tham vấn:

26/01/1999

Ngày lưu hành báo cáo của ban Hội thẩm:

15/06/2000

Ngày lưu hành báo cáo của Trọng tài theo Điều 21.3(c):

15/01/2001

Ngày lưu hành báo cáo của Trọng tài theo Điều 22.6:

9/11/2001

Bản tóm tắt cập nhật vụ kiện

Bản tóm tắt cập nhật vụ kiện tới ngày 24/02/2010

Thông qua báo cáo của Cơ quan Phúc Thẩm và Ban Hội thẩm

Do Cộng đồng Châu Âu và các nước thành viên khởi kiện.

Ngày 26/01/1999, EC yêu cầu tham vấn với Hoa Kỳ về Mục 110(5) Luật bản quyền của Hoa Kỳ, sửa đổi trong Luật công bằng trong nhượng quyền âm nhạc có hiệu lực từ ngày 27/10/1998. EC cho rằng, trong một số trường hợp nhất định, Mục 110(5) Luật bản quyền cho phép trình diễn công khai tác phẩm nghe nhìn ở nơi công cộng (quán bar, cửa hàng, hàng ăn…) mà không phải trả phí bản quyền. Theo EC, Hoa Kỳ đã vi phạm các nghĩa vụ của mình theo Điều 9(1) của Hiệp định TRIPS theo đó qui định các nước thành viên phải tuân thủ Điều 1-21 của Công ước Berne. 

Tranh chấp tập trung vào đánh giá sự không phù hợp giữa 2 điểm hạn chế/miễn trừ nêu trong Mục 110(5) với Điều 13 của Hiệp định TRIPS, theo đó đưa ra hạn chế/miễn trừ đối với chủ sở hữu bản quyền đối với một số trường hợp đặc biệt không có sự xung đột với tác phẩm nguyên gốc và không ảnh hưởng nghiêm trọng tới lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu bản quyền:

  • Hạn chế/miễn trừ đối với hoạt động kinh doanh (“Business” exemption): được nêu trong đoạn (B) của Điều 110(5), trong đó cho phép nhà hàng ăn uống, cửa hàng tạp hóa trình diễn âm nhạc mà không phải trả phí nếu thời lượng phát không vượt quá giới hạn cho phép, nếu vượt quá thì phải đáp ứng điều kiện về phương tiện truyền dẫn.
  • Hạn chế/miễn trừ đối với phương tiện truyền dẫn kiểu gia đình (“Homestyle” exemption), được nêu trong đoạn (A) của Điều 110(5), trong đó cho phép các nhà hàng và cửa hàng nhỏ trình diễn âm nhạc mà không phải xin phép hoặc trả phí nếu sử dụng phương tiện truyền dẫn dạng nhỏ kiểu gia đình (như  thiết bị phát nhạc dùng ở nhà riêng).

Ngày 15/04/1999, EC yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm. Tại cuộc họp ngày 28/04/1999, DSB trì hoãn thành lập Ban Hội thẩm. Theo yêu cầu lần thứ hai của EC, DSB đã  quyết định thành lập Ban Hội thẩm tại cuộc họp ngày 26/05/1999. Các bên thứ ba gồm: Braxin, Australia, Canada, Nhật  Bản và Thụy Sĩ. Ngày 27/07/1999, EC yêu cầu Giám đốc WTO chỉ định thành phần Ban Hội thẩm. Ngày 06/08/1999, Ban Hội thẩm được chính thức thành lập. Ngày 15/06/2000, Ban Hội thẩm ban hành báo cáo. Báo cáo chỉ ra:

  • Hạn chế/miễn trừ “Business” exemption nêu trong đoạn (B) của Mục 110(5) không đáp ứng được qui định trong Điều 13 của Hiêp định TRIPS và bởi vậy vi phạm Điều 11bis(1)(iii) và 11(1)(ii) của Công ước Berne (1971) được nêu trong Điều 9.1 của Hiệp đinh TRIPS. Ban Hội thẩm nhấn mạnh, chưa kể những điều khác, hạn chế/miễn trừ này bao quát gần một nửa các nhà hàng ăn uống và đại lý bán lẻ. 
  • Hạn chế/miễn trừ “Homestyle” nêu trong đoạn (A) của Mục 110(5) đáp ứng được các qui định nêu trong Điều 13 của Hiệp định TRIPS do đó không vi phạm Điều 11bis(1)(iii) và 11(1)(ii) của Công ước Berne (1971) được nêu trong Điều 9.1 của Hiệp định TRIPS. Ở đây, Ban Hội thẩm nhấn mạnh những hạn chế đối với chủ sở hữu bản quyền, phương tiện truyền dẫn được phép và danh mục tác phẩm được phép cũng như thông lệ của Hoa Kỳ.

DSB thông qua báo cáo của Ban Hội thẩm tại cuộc họp ngày 27/07/2000.

Tình hình thực thi báo cáo được thông qua
Theo Điều 21.3 của Hiệp định DSU, ngày 24/08/2000, Hoa Kỳ thông báo sẽ thực thi các khuyến nghị của DSB và dự kiến thời gian thực hiện là 15 tháng. Ngày 23/10, EC yêu cầu trọng tài xác định lại khoảng thời gian hợp lý thực hiện khuyến nghị theo Điều 21.3 (c) DSU.

Ngày 15/01/2001, trọng tài đưa ra phán quyết. Theo đó, trọng tài xác định khoảng thời gian hợp lý để thực thi khuyến nghị và phán quyết của DSB là 12 tháng kể từ ngày Ban Hội thẩm công bố báo cáo. Tại cuộc họp ngày 24/07/2001. DSB thông qua đề xuất của Hoa Kỳ kéo dài thời gian này tới 31/12/2001 hoặc ngày kết thúc nhiệm kỳ hiện tại của Quốc hội Hoa Kỳ tùy thời điểm nào đến sớm hơn. EC cũng chấp thuận đề xuất này của Hoa Kỳ.

Ngày 23/07/2001, Hoa Kỳ và EC đệ trình DSB một thỏa thuận chung của hai bên về việc  trọng theo Điều 25.2 của DSU để xác định mức độ thiệt hại của EC do tác động của Mục 110(5)(B) Luật bản quyền. Ngày 9/11/2001, trọng tài xác định mức thiệt hại này lên tới 1,219,900 Euro mỗi năm.

Tại cuộc họp của DSB ngày 18/12/2001, Hoa Kỳ cho biết đang tìm cách thương lượng với EC về giải pháp giải quyết tranh chấp trước khi thời hạn hợp lý thực hiện khuyến nghị kết thúc. EC phát biểu, điều này chỉ thực hiện được khi Hoa Kỳ sửa đổi luật pháp. EC tuyên bố, nếu thời hạn mà không đạt được thỏa thuận nào, EC sẽ đề xuất đình chỉ đàm phán và các nghĩa vụ khác theo Điều 22.2 của DSU. Ngày 07/01/2002, do Hoa Kỳ không thực thi đầy đủ khuyến nghị trong thời hạn hợp lý, EC đã đề xuất với DSB đình chỉ đàm phán theo Điều 22.2 của DSU. EC đề xuất đình chỉ đàm phán theo Hiệp định TRIPS nhằm cho phép áp dụng một khoản phí đặc biệt đối với Hoa Kỳ liên quan tới các biện pháp áp dụng với bản quyền. Ngày 17/01/2002, Hoa Kỳ phản đối việc đình chỉ thương lượng của EC và yêu cầu DSB đưa vụ kiện ra trọng tài theo Điều 22.6 của DSU. Hoa Kỳ kiện EC đã không tuân theo nguyên tắc và thủ tục theo Điều 22.3. Tuy nhiên trong cuộc họp ngày 18/01/2002, hai bên cho biết đang tiến hành thương lượng mang tính xây dựng và hi vọng sớm đạt được thỏa thuận chung. Ngày 25/02/2002, Hoa Kỳ đệ trình báo cáo về việc thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB. Ngày 26/02/2002, các bên yêu cầu tạm dừng phân xử bằng trọng tài và cho hay sẽ nối lại nếu một trong hai bên yêu cầu sau ngày 01/03/2002.

Tại cuộc họp ngày 17/04/2002 của DSB, Hoa Kỳ đệ trình báo cáo về tình trạng thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB. Hoa Kỳ cho hay đang làm việc với EC nhằm thống nhất một giải pháp tốt nhất để giải quyết tranh chấp. EC bày tỏ quan ngại về tiến trình thực hiện khuyến nghị của Hoa Kỳ diễn ra chậm chạp và yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp thêm thông tin trong báo cáo lần sau.

Australia cũng bày tỏ quan ngại tương tự và yêu cầu các thỏa thuận bồi thường giữa các bên phải được thực hiện trên cơ sở không phân biệt đối xử.
Tại cuộc họp ngày 24/06/2002, Hoa Kỳ đệ trình báo cáo về tiến trình thực thi các khuyến nghị của DSB. Hoa Kỳ cho hay Chính quyền nước này đang bàn thảo với Quốc hội và EC nhằm tiến tới một thỏa thuận chung giải quyết tranh chấp. EC ghi nhận những nỗ lực mới của Hoa Kỳ nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Hoa Kỳ thực hiện đúng các biện pháp phù hợp với Hiệp định TRIPS.

Australia một lần nữa bày tỏ quan ngại về sự chậm trễ của Hoa Kỳ trong việc thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB đồng thời yêu cầu các thỏa thuận bồi thường giữa các bên phải được thực hiện trên cơ sở không phân biệt đối xử.

Tại cuộc họp ngày 29/07/2002, Hoa Kỳ nhắc lại tuyên bố trước đây của mình. EC ghi nhận các nỗ lực của Chính quyền Hoa Kỳ nhưng bày tỏ quan ngại về sự chậm trễ của Hoa Kỳ trong việc thực thi các khuyến nghị và phán quyết. EC đề nghị Quốc hội Hoa Kỳ nhanh chóng hành động trước kì nghỉ hè và bầu cử diễn ra vào mùa thu.
Tại cuộc họp ngày 01/10/2002, Hoa Kỳ đệ trình báo cáo về việc thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB. Tại cuộc họp, Hoa Kỳ tuyên bố chính quyền đang bàn thảo với Quốc hội và EC nhằm đưa ra giải pháp chung. EC yêu cầu đưa ra giải pháp sớm. Australia tuyên bố quan điểm của nước này đã quá rõ ràng và không cần phải nhắc lại thêm nữa. Australia cũng đã đưa ra đề xuất trong khuôn khổ các cuộc đàm phán DSU nhằm giải quyết vấn đề này.

Tại cuộc họp ngày 11/11/2002, 28/11/2002 và 27/01/2003, Hoa Kỳ đệ trình báo cáo về việc thực thi các khuyến nghị và phán quyết của DSB trong đó có nêu Hoa Kỳ và EC cam kết tìm kiếm một giải pháp khả thi chung nhằm giải quyết tranh chấp và Chính quyền Hoa Kỳ sẽ tiếp tục cùng với Quốc hội đưa ra giải pháp sớm nhất có thể. EC bày tỏ sự thất vọng với việc chậm trễ thực thi của Hoa Kỳ và đốc thúc Hoa Kỳ nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ.

Ngày 23/06/2003, Hoa Kỳ và EC thông báo với DSB rằng hai bên đã tiến tới một thỏa thuận tạm thời.