Cần hành động ngay trước nguy cơ mất lợi ích từ TPP của Dệt may Việt Nam

14/06/2011    86

Liên quan Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) – hiệp định thương mại tự do quan trọng mà Việt Nam đang đàm phán hiện nay (với sự tham gia của 8 đối tác khác, trong đó có Hoa Kỳ), ngày 1/6/2011 vừa qua, một nhóm gồm 52 Đại biểu Hạ viện Hoa Kỳ đã đồng ký tên trong Thư gửi Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR, Cơ quan đàm phán của Hoa Kỳ trong TPP) với các đòi hỏi liên quan đến đàm phán vấn đề dệt may trong khuôn khổ đàm phán TPP.

Trong Thư này, nhóm Đại biểu Hạ viên nói trên đã cáo buộc một cách vô lý rằng dệt may Việt Nam có lợi thế so với dệt may Hoa Kỳ bởi phần lớn thuộc sở hữu Nhà nước, được trợ cấp nhiều, đồng tiền Việt Nam bị định giá thấp, các quy định về môi trường yếu ớt và thực thi sở hữu trí tuệ lỏng lẻo. Dưới lập luận của Nhóm này, hàng dệt may Việt Nam đột nhiên trở thành “thách thức lớn” đối với việc làm và sự phát triển của ngành dệt may Hoa Kỳ. Nhóm Đại biểu Hạ viện này yêu cầu USTR có thái độ và quan điểm cứng rắn trong đàm phán TPP về dệt may, đặc biệt là yêu cầu:

1. Có quy tắc tiếp cận thị trường đặc biệt cho các sản phẩm dệt may (không theo các phương thức đàm phán hàng hóa thông thường)

2. Áp dụng quy tắc xuất xứ dựa trên nguồn gốc sợi vải cho các sản phẩm dệt may trong nội khối TPP;

3. Tăng cường các biện pháp thực thi Hải quan

Những cáo buộc thiếu căn cứ và đòi hỏi vô lý này nếu được Đoàn đàm phán Hoa Kỳ tuân thủ sẽ đặc biệt khó khăn cho đàm phán của Việt Nam về vấn đề dệt may trong TPP. Và nếu các cam kết TPP đi theo hướng này, đặc biệt trong vấn đề quy tắc xuất xứ dựa trên nguồn gốc sợi, dệt may Việt Nam sẽ khó có thể hy vọng vào TPP để tăng cường xuất khẩu, cải thiện năng lực cạnh tranh, một điều lẽ ra phải là đương nhiên từ các cam kết thương mại tự do như TPP.

Điều này, nếu xảy ra sẽ không chỉ là thiệt hại đặc biệt lớn đối với ngành dệt may Việt Nam mà còn bất lợi cho kết quả đàm phán TPP nói chung của Việt Nam trong hoàn cảnh những lợi ích trực tiếp và có thể nhìn thấy được từ TPP tập trung chủ yếu vào triển vọng xuất khẩu sang các nước TPP, trong đó có Hoa Kỳ.

Vì vậy, ngành dệt may nói chung cũng như các doanh nghiệp dệt may nói riêng cần có những hoạt động cụ thể nhằm ngăn chặn xu hướng đặc biệt nguy hiểm này ở Hoa Kỳ cũng như tác động có hiệu quả vào đàm phán TPP về vấn đề này, đặc biệt là:

- Tiến hành rà soát lại các nhóm sản phẩm ưu tiên của ngành cần các đối tác TPP mở cửa thị trường mạnh (theo các nhóm sản phẩm dệt may mà Việt Nam hiện đang có thế mạnh hoặc có tiềm năng phát triển trong tương lai);

- Tham khảo chi tiết những quy tắc về xuất xứ và lộ trình mở cửa hàng dệt may của Hoa Kỳ trong khuôn khổ các FTA mà nước này đã ký kết, thông qua đó tìm hiểu các mức nhượng bộ mà Hoa Kỳ có thể chấp nhận cũng như những quy tắc xuất xứ phù hợp nhất với hoàn cảnh Việt Nam;

- Xây dựng một kiến nghị cụ thể của ngành dệt may trong đàm phán TPP phù hợp với ưu tiên của ngành cũng như có khả năng thuyết phục cao với các đối tác để Đoàn đàm phán của Chính phủ Việt Nam có căn cứ đàm phán (đặc biệt là các cam kết sàn) trong vấn đề này.

Bên cạnh đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy các hoạt động vận động hành lang để tác động trực tiếp đến Đoàn đàm phán của Hoa Kỳ (USTR) thông qua tiếng nói của chính những nhóm lợi ích liên quan trong nội bộ Hoa Kỳ có ý nghĩa quan trọng. Cụ thể, nếu như trong trường hợp này ngành dệt may nội địa của Hoa Kỳ vận động được các nghị sỹ Hoa Kỳ ủng hộ và gây sức ép với USTR (thông qua Thư nói trên) thì các nhóm lợi ích khác (như các nhà nhập khẩu, bán lẻ, người tiêu dùng) cũng có thể làm tương tự, thậm chí với sức ép lớn hơn đối với USTR theo chiều ngược lại. Vì vậy, ngành dệt may tập trung nguồn lực để:

- Xác định các nhóm nội bộ Hoa Kỳ có cùng lợi ích với dệt may Việt Nam trong TPP;

- Kết nối, phối hợp hành động với các nhóm này (mà đặc biệt là các hiệp hội đại diện cho họ) để tác động kịp thời đến quan điểm của Hoa Kỳ trong đàm phán TPP.

Kèm theo đây là Thư của Nhóm 52 Đại biểu Hạ viện Hoa Kỳ (bản gốc tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt) cùng 01 thống kê về tình hình thực thi chống vi phạm và gian lận thương mại đối với hàng dệt may của Hải quan Hoa Kỳ năm 2010.

Doanh nghiệp và Hiệp hội cần thêm thông tin về vấn đề này vui lòng liên hệ: 

Trung tâm WTO

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Tel: 04-35771458

Fax: 04-35771459

Email: banthuky@trungtamwto.vn; trangnt@vcci.com.vn

 Nguồn: Trung tâm WTO - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam