Vòng đàm phán Doha đứng trước nguy cơ thất bại

04/04/2011    537

Ngày 29/3, tại cuộc họp của Ủy ban đàm phán thương mại đánh giá về tiến trình đàm phán Doha tại Geneva, Thụy Sỹ, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Pascal Lamy đã thừa nhận sự bế tắc của vòng đàm phán Doha và cho biết vòng đàm phán này có nguy cơ thất bại khi không đạt được bước đột phá vào tháng Tư tới để kết thúc vào cuối năm nay.

Ông Lamy cho biết khoảng cách giữa các bên trong đàm phán còn quá lớn về một loạt lĩnh vực nên không thể ra được dự thảo văn bản đàm phán vào cuối tháng Tư tới như các nước thành viên đã nhất trí.

Ông thừa nhận sự bế tắc trong đàm phán ở lĩnh vực tiếp cận thị trường hàng phi nông nghiệp, thường được gọi tắt là NAMA, là cản trở lớn nhất đối với tiến trình. Lĩnh vực này đề cập đến các cam kết của các nền kinh tế lớn, trong đó có cả các nền kinh tế mới nổi, về cắt giảm thuế nhập khẩu khi mở cửa thị trường hàng phi nông sản.

Các bên đàm phán cho biết khoảng cách giữa Mỹ và Trung Quốc trong đàm phán không những lớn mà còn ngày càng khó, nếu không nói là không thể lấp được. Mỹ muốn Trung Quốc phải cắt giảm thuế phần lớn các mặt hàng ở các ngành như hóa chất, máy công nghiệp, hàng điện và điện tử, trong khi phải chịu giảm giảm thuế ở hầu hết các mặt hàng khác áp theo dự thảo văn bản đàm phán NAMA hiện nay kể từ tháng 12/2008. Chỉ có một phần nhỏ là được miễn không phải cắt thuế.

Phía Trung Quốc không những cho rằng các yêu cầu của Mỹ là quá nhiều mà còn không tham gia vào các ngành mà Brazil và Ấn Độ không cùng tham gia. Ngoài ra, Trung Quốc còn từ chối đàm phán với Mỹ để quyết định việc cắt giảm áp dụng cho từng dòng thuế. Thay vào đó, Trung Quốc sẽ linh hoạt tự quyết định dòng thuế nào được cắt giảm. Trung Quốc cũng đưa ra các yêu cầu mà theo Mỹ, Mỹ sẽ bị mất nhiều mà không nhận lại được gì.

Tổng giám đốc Pascal Lamy cũng thông báo sẽ tham vấn các nước thành viên trong tháng Tư tới nhằm tìm hiểu rõ hơn khoảng cách trong đàm phán NAMA để từ đó ra những quyết định cho các bước tiếp theo. Ông nói đã đến lúc phải suy nghĩ về hậu quả của thất bại này đối với hệ thống thương mại đa phương mà các nước thành viên đã xây dựng hơn 70 năm qua và nhấn mạnh tình trạng nghiêm trọng của tiến trình đàm phán Doha hiện nay.

Người đứng đầu tổ chức thương mại toàn cầu nhấn mạnh nếu vòng đàm phán Doha thất bại, nền kinh tế thế giới sẽ bị đe dọa, đặc biệt là đối với các nước kém phát triển nhất và các nước nhỏ hơn phải phụ thuộc nhiều vào hệ thống thương mại toàn cầu.

Nguồn: Vietnam+