Giải quyết tranh chấp số DS135

29/03/2011    4999

Cộng đồng châu Âu — Các biện pháp liên quan đến Amiăng và sản phẩm có chứa Amiăng

Thông qua báo cáo ngày 5 tháng 4 năm 2001, không có yêu cầu thêm

Tiêu đề:

Cộng đồng châu Âu — Amiăng

Nguyên đơn:

Canada

Bị đơn:

Cộng đồng châu Âu

Các bên thứ ba:

Braxin; Zimbabuê; Mỹ

Yêu cầu tham vấn ngày:

28 tháng 5 năm 1998

Ngày ban hành báo cáo của Ban hội thẩm:

18 tháng 9 năm 2000

Ngày ban hành báo cáo của Cơ quan phúc thẩm:

12 tháng 3 năm 2001

 Bản tóm tắt cập nhập về vụ kiện 

Bản tóm tắt dưới đây được cập nhật ngày 24 tháng 2 năm 2010

Xem thêm: Bản tóm tắt một trang các phán quyết quan trọng về vụ kiện

Tham vấn

Do Canada khởi kiện.

Ngày 28 tháng 5 năm 1998, Canada yêu cầu tham vấn với Cộng đồng châu Âu liên quan tới những biện pháp mà Pháp ban hành trong Nghị định ngày 24 tháng 12 năm 1996, cấm amiăng và các sản phẩm có chứa amiăng, bao gồm cả việc cấm nhập khẩu những sản phẩm này. Canada cáo buộc rằng những biện pháp này đã vi phạm các điều 2, 3 và 5 của Hiệp định SPS, Điều 2 Hiệp định TBT, Điều III, XI và XIII của GATT 1994. Canada cũng khiếu nại về những tổn hại đối với các lợi ích của nước này do các hiệp định nêu trên mang lại.

Ngày 8 tháng 10 năm 1998, Canada yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm. Tại cuộc họp ngày 21 tháng 10 năm 1998, DSB đã trì hoãn việc thành lập Ban Hội thẩm.

Giai đoạn Hội thẩm và Phúc thẩm 

Theo yêu cầu lần thứ hai của Canada, DSB đã quyết định thành lập Ban Hội thẩm trong cuộc họp ngày 25 tháng 11 năm 1998. Mỹ tham dự với tư cách là bên thứ ba. Báo cáo của Ban hội thẩm được ban hành tới các thành viên ngày 18 tháng 9 năm 2000. Theo đó, Ban hội thẩm kết luận:

  • phần qui định “cấm” trong Nghị định ngày 24 tháng 12 năm 1996 không thuộc phạm vi của Hiệp định TBT;
  • phần “các ngoại lệ” của Nghị định thuộc phạm vi của Hiệp định TBT. Nhưng, do Canada chưa khiếu nại về tính phù hợp với Hiệp định TBT của phần này nên Ban hội thẩm không đưa ra kết luận về phần này;
  • sợi amiăng trắng và các loại sợi có thể thay thế cho loại sợi này là các sản phẩm tương tự theo định nghĩa trong điều III:4 của GATT 1994;
  • các sản phẩm amiăng xi măng và fibrô xi măng với đầy đủ thông tin được đệ trình lên Ban hội thẩm là những sản phẩm tương tự như định nghĩa tại điều III:4 của GATT 1994;
  • với những sản phẩm được kết luận là sản phẩm tương tự, Nghị định của Pháp đã vi phạm điều III:4 của GATT 1994;
  • với việc đưa ra một biện pháp có tính phân biệt đối xử theo Điều III:4 đối với những sản phẩm này, Nghị định này là hợp lý theo điều khoản tại đoạn (b) và phần giới thiệu điều XX của GATT 1994;
  • Canada không khiếu nại về những tổn hại lợi ích theo định nghĩa trong điều XXIII:1(b), GATT 1994.

Ngày 23 tháng 10 năm 2000, Canada thông báo lên DSB quyết định kháng nghị lại một số vấn đề về luật và diễn giải pháp lý trong báo cáo của Ban hội thẩm. Ngày 12 tháng 3 năm 2001, báo cáo của Cơ quan Phúc Thẩm được ban hành tới các thành viên. Theo đó, Cơ quan Phúc Thẩm:

  • phán quyết rằng Nghị định của Pháp cấm amiăng và các sản phẩm chứa amiăng không vi phạm các nghĩa vụ của Cộng đồng châu Âu theo các Hiệp định của WTO;
  • bác bỏ kết luận của Ban hội thẩm rằng Hiệp định TBT không áp dụng cho phần “cấm” amiăng và các sản phẩm chứa amiăng trong Nghị định của Pháp và phán quyết rằng Hiệp định TBT được áp dụng cho toàn bộ văn bản luật này. Cơ quan Phúc thẩm kết luận rằng không thể thẩm tra được cáo buộc của Canada rằng biện pháp của Pháp đã vi phạm Hiệp định TBT;
  • bác bỏ những kết luận của Ban hội thẩm về “sản phẩm tương tự” căn cứ theo điều III:4 của GATT 1994. Cơ quan Phúc thẩm phán quyết rằng Ban hội thẩm đã sai lầm khi bỏ qua sự nguy hại đến sức khỏe của amiăng trong việc xác định tính “tương tự”;
  • bác bỏ kết luận của Ban hội thẩm cho rằng biện pháp của Pháp đã vi phạm điều III:4 của GATT 1994. Cơ quan Phúc thẩm đã tự thẩm tra khiếu nại của Canada theo điều III:4 của GATT 1994 và phán quyết rằng Canada đã không chứng minh được sự tồn tại của sản phẩm tương tự; và
  • giữ nguyên kết luận của Ban hội thẩm rằng Nghị định của Pháp là “cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của con người”, theo điều XX(b) của GATT 1994.

Trong trường hợp này, Cơ quan Phúc thẩm đã áp dụng một thủ tục bổ sung “chỉ duy nhất cho kháng nghị này” để giải quyết việc nộp đơn “thân thiện”. Cơ quan Phúc thẩm đã nhận và từ chối 17 đơn kiểu này. Cơ quan Phúc thẩm cũng đã từ chối tiếp nhận 14 đơn tự nguyện không được nộp theo đúng thủ tục bổ sung từ các tổ chức phi chính phủ

Tại cuộc họp ngày 5 tháng 4 năm 2001, DSB thông qua báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và báo cáo của Ban hội thẩm, đã được điều chỉnh theo báo cáo của Cơ quan hội thẩm.