Giải quyết tranh chấp số DS103

25/03/2011    434

Canada — Các Biện pháp liên quan đến Nhập khẩu Sữa và Xuất khẩu các Sản phẩm Sữa

Thông báo giải pháp được thực thi từ ngày 9 tháng 5 năm 2003

Tiêu đề:

Canada — Sản phẩm sữa

Nguyên đơn:

Mỹ

Bị đơn:

Canada

Bên thứ 3:

Argentina; Australia; Liên minh châu Âu; Nhật Bản; Mexico; Mỹ

Các Hiệp định được viện dẫn:

Hiệp định Thủ tục cấp phép nhập khẩu: điều 1, 3, 2; Hiệp định Nông nghiệp: Điều 3, 4, 8, 9, 10; Hiệp định về Trợ cấp và các biện pháp đối kháng: Điều 3; GATT 1994: Điều II, X, XI, XIII

Yêu cầu tham vấn nhận được ngày

8 tháng 10 năm 1997

Báo cáo của Ban hội thẩm ban hành ngày:

17 tháng 5 năm 1999

Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm ban hành ngày:

13 tháng 10 năm 1999

Báo cáo của Ban Hội thẩm theo điều 21.5:

11tháng 7 năm 2001

Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm theo điều 21.5:

3 tháng 12 năm 2001

Báo cáo của Ban Hội thẩm theo điều 21.5 lần thứ 2:

26 tháng 7 năm 2002

Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm theo điều 21.5 lần thứ 2:

20 tháng 12 năm 2002

Các bên thống nhất giải pháp:

15 tháng 5 năm 2003

Bản tóm tắt cập nhập về vụ kiện 

Bản tóm tắt dưới đây được cập nhật ngày 24 tháng 2 năm 2010

Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm và Ban hội thẩm được thông qua

Do Mỹ và New Zealand khởi kiện

Ngày 8 tháng 10 năm 1997, Mỹ yêu cầu tham vấn với Canada liên quan tới cáo buộc Canada trợ cấp cho xuất khẩu sản phẩm sữa và áp đặt hạn ngạch thuế suất đối với sữa. Phía Mỹ cho rằng các khoản trợ cấp xuất khẩu này đã làm biến dạng thị trường sản phẩm sữa và ảnh hưởng bất lợi đến doanh thu các sản phẩm sữa của nước này.

Mỹ cáo buộc Canada đã vi phạm điều II, X và X1 của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) 1994, điều 3, 4, 8, 9 và 10 của Hiệp định Nông nghiệp, điều 3 của Hiệp định Trợ cấp và các điều 1, 2 và 3 của Hiệp định về Thủ tục Cấp phép Nhập khẩu.

Ngày 29 tháng 12 năm 1997, New Zealand yêu cầu tham vấn với Canada liên quan tới cáo buộc về một kế hoạch trợ cấp xuất khẩu sữa thường được biết đến với tên gọi là kế hoạch “những loại sữa đặc biệt”. New Zealand cáo buộc rằng kế hoạch này là không phù hợp điều X1 của GATT và các điều 3,8,9 và 10 của Hiệp định Nông nghiệp.

Ngày 2 tháng 2 năm 1998, Mỹ yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm cho tranh chấp này. Trong cuộc họp ngày 13/2/1998, Cơ quan giải quyết tranh chấp (DSB) trì hoãn việc thành lập Ban Hội thẩm. Ngày 25 tháng 3 năm 1998, theo yêu cầu lần thứ hai của Mỹ và New Zealand và căn cứ vào điều 9.1 của DSU, DSB quyết định thành lập một Ban Hội thẩm duy nhất để điều tra cả hai tranh chấp WT/DS103 và WT/DS113. Australia và Nhật Bản tham gia với tư cách là bên thứ ba. Ngày 12 tháng 8 năm1998, cơ cấu Ban hội thẩm được hoàn thiện. Báo cáo của Ban được ban hành đến các thành viên vào ngày 17/5/1999. Theo đó, Ban Hội thẩm kết luận rằng các biện pháp của Canada đã vi phạm các nghĩa vụ của nước này theo điều II:1(b) của GATT 1994, Điều 3.3 và 8 của Hiệp định Nông nghiệp khi tiến hành trợ cấp xuất khẩu, được liệt kê tại Điều 9.1(a) and 9.1(c) của Hiệp định Nông nghiệp.

Ngày 15 tháng 7 năm 1999, Canada tuyên bố ý định kháng cáo lại một số vấn đề về luật và diễn giải pháp lý trong lập luận của Ban Hội thẩm. Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm được ban hành ngày 13/10/1999. Cơ quan Phúc thẩm phán quyết rằng:

  • Bác bỏ diễn giải của Ban Hội thẩm đối với Điều 9.1(a) và, do đó, đảo ngược kết luận rằng Canada đã làm trái với các nghĩa vụ của mình theo điều 3.3 và 8 Hiệp định Nông nghiệp.
  • Giữ nguyên kết luận của Ban Hội thẩm rằng Canada vi phạm điều 3.3 và 8 của Hiệp định Nông nghiệp do những khoản trợ cấp xuất khẩu được liệt kê tại điều 9.1(c) của Hiệp định Nông nghiệp.
  • Đảo ngược một phần kết luận của Ban hội thẩm cho rằng Canada đã không tuân thủ các nghĩa vụ của nước này theo điều II:1(b) của GATT 1994.

Tại cuộc họp ngày 27/10/1999, DSB đã thông qua báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và báo cáo của Ban Hội thẩm (sửa đổi theo báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm).

Báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và Ban Hội thẩm (theo điều 21.5) được thông qua

Ngày 16 tháng 2 năm 2001, căn cứ vào điều 21.5 của DSU, Mỹ và New Zealand cùng yêu cầu DSB chuyển các vấn đề về việc thực thi báo cáo ban đầu của Ban Hội thẩm lại cho Ban hội thẩm ban đầu xử lý. Tại cuộc họp ngày 1 tháng 3 năm 2001, DSB đã chuyển vấn đề trên cho Ban hội thẩm ban đầu xử lý. Australia, EC và Mêhicô tham gia với tư cách là bên thứ ba. Ngày 12 tháng 4 năm 2001, Ban Hội thẩm tuân thủ được thành lập.

Báo cáo của Ban Hội thẩm tuân thủ được ban hành ngày 11/7/2001. Theo đó, bản báo cáo kết luận rằng, thông qua kế hoạch CEM và việc tiếp tục chương trình Các loại sữa đặc biệt (Special Milk Class), Canada đã không tuân thủ những nghĩa vụ của mình theo điều 3.3 và 8 của Hiệp định Nông nghiệp với việc cung cấp các khoản trợ cấp xuất khẩu (được định nghĩa tại điều 9.1(c) Hiệp định Nông nghiệp) vượt quá mức cam kết nêu trong Kế hoạch xuất khẩu phomát của nước này cho năm kinh doanh 2000/2001.

Ngày 4 tháng 9 năm 2001, Canada đã kháng cáo lại báo cáo của Ban Hội thẩm tuân thủ lên Cơ quan Phúc thẩm. Cụ thể, Canada không đồng ý với kết luận của Ban hội thẩm cho rằng các biện pháp của Canada là hình thức trợ cấp xuất khẩu như được xác định tại điều 9.1 (c) của Hiệp định Nông nghiệp. Canada đánh giá kết luận của Ban Hội thẩm cho rằng chính phủ nước này đã tài trợ cho xuất khẩu thương mại là dựa trên những diễn giải sai lầm về mặt luật pháp Điều 9.1(c) nêu trên.

Báo cáo của Cơ quan phúc thẩm được ban hành tới các thành viên WTO ngày 3/12/2001. Cơ quan Phúc thẩm đã hủy bỏ các kết luận của Ban Hội thẩm tuân thủ rằng việc cung cấp CEM cho các hãng chế biến sữa nội địa của nhà sản xuất sữa trong nước là có bao gồm cả các khoản tiền trả cho việc xuất khẩu sữa “được tài trợ bởi chính phủ” theo điều 9.1(c) của Hiệp định Nông nghiệp. Cơ quan Phúc thẩm kết luận rằng, dựa vào những nhận định xác thực và những chứng cớ thực tế trong hồ sơ của Ban Hội thẩm, không thể hoàn thành việc điều tra phân tích những khiếu kiện của New Zealand và Mỹ theo Điều 9.1(c) hoặc Điều 10.1 Hiệp định Nông nghiệp, hay là khiếu kiện của Mỹ theo điều 3.1 của Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp đối kháng SCM. Tại cuộc họp ngày 18 tháng 12 năm 2001, DSB đã thông qua báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và báo cáo của Ban Hội thẩm.

Ngày 6 tháng 12 năm 2001, Mỹ lần thứ hai đệ đơn lên DSB yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm theo điều 21.5 của DSU. Mỹ lập luận rằng do báo cáo Cơ quan Phúc thẩm theo điều 21.5 trước đó đã không có bất kỳ kết luận nào về tính nhất quán của các biện pháp mới của Canada, nước này vẫn tiếp tục tin rằng Canada đã không chấp hành theo những khuyến nghị và phán quyết ban đầu của DSB. Vào cùng ngày New Zealand cũng có yêu cầu tương tự.

Tại cuộc họp ngày 18 tháng 12 năm 2001, căn cứ điều 21.5 DSU, DSB chấp thuận chuyển vụ việc này cho Ban hội thẩm ban đầu giải quyết lần thứ hai. Cộng đồng châu Âu và Australia tham dự với tư cách bên thứ ba. Ngày 28/12/2001, Argentina cũng tham gia hoạt động của Ban với tư cách là bên thứ ba.

Ngày 18 tháng 12 năm 2001, Canada lần lượt hoàn tất các Thỏa thuận sơ bộ bổ sung với New Zealand và Mỹ liên quan tới các thủ tục theo Điều 21 và 22 của DSU. Theo cả hai Thỏa thuận chung này, Canada và từng bên tranh chấp nhất trí yêu cầu cơ quan Trọng tài do Canada đề nghị theo điều 22.6 DSU tiếp tục tạm ngừng hoạt động trong khi chờ kết quả làm việc của Ban Hội thẩm tuân thủ.

Ngày 17 tháng 1 năm 2002, Ban Hội thẩm tuân thủ được thành lập. Ngày 26 tháng 7 năm 2002, báo cáo của Ban được ban hành đến các thành viên WTO. Ban Hội thẩm kết luận rằng, thông qua kế hoạch CEM và việc tiếp tục chương trình Các loại sữa đặc biệt (Special Milk Class), Canada đã không tuân thủ những nghĩa vụ của mình theo điều 3.3 và 8 của Hiệp định Nông nghiệp với việc cung cấp các khoản trợ cấp xuất khẩu (theo định nghĩa tại điều 9.1(c) Hiệp định Nông nghiệp) vượt quá mức cam kết được xác định trong Kế hoạch xuất khẩu pho mát và “các sản phẩm từ sữa khác” của nước này. Bản báo cáo cũng kết luận rằng Canada đã không tuân thủ các nghĩa vụ theo Điều 10.1 Hiệp định Nông nghiệp và do vậy nước này đã không tuẩn thủ các nghĩa vụ của mình theo Điều 8 của Hiệp định Nông nghiệp. Theo đó, Ban Hội thẩm khuyến nghị DSB yêu cầu Canada điều chỉnh cơ chế marketing các sản phẩm sữa cho phù hợp với các nghĩa vụ của nước này trong vấn đề trợ cấp xuất khẩu theo Hiệp định về Nông nghiệp.

Ngày 23 tháng 9 năm 2002, Canada tuyên bố ý định kháng cáo lại một số vấn đề về luật và diễn giải pháp lý trong báo cáo của Ban hội thẩm tuân thủ. Ngày 20 tháng 12 năm 2002, Cơ quan Phúc thẩm ban hành báo trong đó giữ nguyên kết luận của Ban Hội thẩm tuân thủ cho rằng việc các nhà sản xuất sữa Canada cung cấp “sữa thương phẩm xuất khẩu” (“CEM”) cho các công ty chế biến sản phẩm sữa là có bao gồm cả những gói trợ cấp xuất khẩu dưới hình thức “các khoản chi trả” được tài trợ bởi chính phủ, như được định nghĩa tại Điều 9.1(c) của Hiệp định về Nông nghiệp. Cơ quan Phúc thẩm bác bỏ cách diễn giải của Ban Hội thẩm đối với các quy định về nghĩa vụ chứng minh trong Điều 10.3 của Hiệp định Nông nghiệp. Tuy nhiên, Cơ quan Phúc thẩm cho rằng sự nhầm lẫn này không làm ảnh hưởng đến những kết luận khác của Ban Hội thẩm tuân thủ liên quan tới Hiệp định Nông nghiệp. Do đã có kết luận theo Điều 9.1(c) của Hiệp định Nông nghiệp, Cơ quan Phúc thẩm từ chối phán quyết về kết luận thay thế của Ban Hội thẩm tuân thủ theo Điều 10.1 của Hiệp định này.

Ngày 17 tháng 1 năm 2003, DSB thông qua báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm và báo cáo của Ban Hội thẩm tuân thủ, đã được điều chỉnh theo báo cáo của Cơ quan Phúc thẩm.

Tình hình thực thi các báo cáo đã được thông qua

Tại của họp của DSB ngày 19 tháng 11 năm 1999, Canada tuyên bố sẽ tuân theo các khuyến nghị và phán quyết của DSB. Ngày 23 tháng 12 năm 1999, Canada thông báo lên DSB rằng, căn cứ theo Điều 21.3 của Hiệp định sơ bộ về Quy tắc và Thủ tục giải quyết tranh chấp trong WTO (DSU) và sau khi đã được chấp thuận kéo dài thời hạn thực thi như quy định tại Điều 21.3(b) của DSU, nước này đã đạt được thỏa thuận chung với Mỹ và New Zealand về bốn giai đoạn riêng rẽ trong quá trình thực thi các báo cáo. Theo thỏa thuận thực thi thì Canada phải hoàn tất giai đoạn cuối cùng không muộn hơn ngày 31/12/2000. Ngày 11 tháng 12 năm 2000 Canada, Mỹ và New Zealand thông báo với DSB rằng họ đã chấp thuận gia hạn thời gian thực thi hợp lý đến ngày 31/01/2001.

Ngày 16 tháng 2 năm 2001, cả Mỹ và New Zealand yêu cầu DSB chuyển vụ việc cho Ban Hội thẩm ban đầu căn cứ theo điều 21.5 của DSU. Tại cuộc họp ngày 1 tháng 3 năm 2001, DSB đã giao lại vụ việc này cho Ban hội thẩm ban đầu giải quyết, nếu có thể. Australia, Cộng đồng châu Âu và Mehicô tham gia với tư cách bên thứ ba. Cũng trong ngày 16/2/2001, căn cứ Điều 22.2 DSU, Mỹ và New Zealand cùng yêu cầu DSB đình chỉ áp dụng giảm nhượng thuế quan và các nghĩa vụ liên quan khác theo GATT 1994 đối với Canada. Mỗi biện pháp sẽ áp dụng cho giá trị thương mại là 35 triệu đô la Mỹ và được tiến hành trên cơ sở hàng năm. Ngày 28 tháng 2 năm 2001, Canada phản đối mức độ đình chỉ và yêu cầu đưa vấn đề ra phân định bởi trọng tài theo điều 22.6 DSU. Trong cuộc họp ngày 1 tháng 3 năm 2001, DSB đưa vấn đề ra cơ quan trọng tài.

Chi tiết quá trình tố tụng của Ban Hội thẩm theo điều 21.5 và Cơ quan Phúc thẩm: xem phần trên.

Ngày 6 tháng 12 năm 2001, Mỹ yêu cầu thành lập Ban Hội thẩm theo điều 21.5 thứ hai. Mỹ lập luận rằng do báo cáo theo Điều 21.5 của Cơ quan Phúc thẩm đã không hề có kết luận nào về tính nhất quán của các biện pháp mới của Canada, nên nước này vẫn tin rằng Canada đã không chấp hành theo những khuyến nghị và phán quyết đầu tiên của DSB. Vào cùng ngày, New Zealand cũng có yêu cầu tương tự.

Trong cuộc họp ngày 18 tháng 12 năm 2001, DSB chấp thuận yêu cầu trên, theo Điều 21.5 DSU, lần thứ hai giao vụ kiện cho Ban Hội thẩm ban đầu giải quyết. Cộng đồng châu Âu và Australia tham gia vào hoạt động của Ban Hội thẩm với tư cách là bên thứ ba. Ngày 28 tháng 12 năm 2001, Achentina cũng tham gia với tư cách bên thứ ba.

Ngày 18 tháng 12 năm 2001, Canada lần lượt hoàn tất các Thỏa thuận sơ bộ bổ sung với New Zealand và Mỹ liên quan tới các thủ tục theo Điều 21 và 22 của DSU. Theo những Thỏa thuận chung này, Canada và từng bên tranh chấp nhất trí yêu cầu cơ quan Trọng tài do Canada đề nghị theo điều 22.6 DSU tiếp tục tạm ngừng hoạt động trong khi chờ kết quả làm việc của Ban Hội thẩm tuân thủ.

Chi tiết về quá trình giải quyết vụ kiện của Ban Hội thẩm theo điều 21.5 thứ hai và Cơ quan Phúc thẩm: xem phần trên.

Ngày 16 tháng 1 năm 2003, các bên liên quan thông báo với DSB rằng đã yêu cầu gia hạn thời gian tạm ngừng hoạt động của cơ quan Trọng tài đến ngày 7/2/2003 nhằm có thêm thời gian tham vấn. Ngày 6 tháng 2 năm 2003, các bên thông báo với DSB tiếp tục tạm ngừng hoạt động của Trọng tài đến ngày 10/4/2003. Ngày 9 tháng 4 năm 2003, các bên tranh chấp thông báo với DSB thời gian tạm ngừng hoạt động của Cơ quan Trọng tài tiếp tục gia hạn đến ngày 9/5/2003. Ngày 9 tháng 5 năm 2003, Canada lần lượt với Mỹ và New Zealand thông báo lên DSB rằng đã thống nhất được một giải pháp theo điều 3.6 của DSU cho các tranh chấp WT/DS103 và WT/DS113.

Thông báo giải pháp được các bên thống nhất theo điều 3.6 DSU

Ngày 9 tháng 5 năm 2003, Canada lần lượt với Mỹ và New Zealand thông báo lên DSB rằng các nước này đã thống nhất được một giải pháp theo điều 3.6 của Thỏa thuận về Quy tắc và Thủ tục giải quyết tranh chấp DSU cho cả hai vụ việc.