Tham gia Công ước Vienna: Lợi doanh nghiệp, lợi cả nền kinh tế

24/03/2011    522

Theo Trung tâm thương mại trọng tài quốc tế, trong số 500 vụ kiện mà Trung tâm này thụ lý thì đã có tới 80% số vụ có yếu tố nước ngoài. Bất cập ở chỗ: doanh nghiệp nước ngoài luôn muốn áp dụng luật nước ngoài trong hợp đồng giao dịch, còn doanh nghiệp Việt Nam dù không muốn vẫn phải chấp thuận các điều khoản của đối tác đưa ra.

Độ vênh giữa "luật ta" và "luật tây" có thể giải quyết được khi cả hai bên đều tham gia Công ước Vienna (Áo) có từ năm 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế. Đáng tiếc là dù đã có nhiều đề xuất nhưng Việt Nam vẫn chưa tham gia Công ước Viena.

Năm 2009, một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam là Nhật Bản đã tham gia Công ước Vienna. Không chỉ Nhật Bản, các đối tác khác như Singapore, Trung Quốc, nhiều nước EU, Mỹ… đều đã tham gia công ước Vienna. Đây là lý do Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng việc gia nhập Công ước Viena càng cần thiết hơn nữa với Việt Nam, để có được tiếng nói chung trong các hợp đồng xuất nhập khẩu quốc tế.

Trên thực tế, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam biết rất ít về Công ước Viena trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG). Như chia sẻ của ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các doanh nghiệp gỗ không hề biết về CISG. Dù xuất khẩu sang 120 nước nhưng các hợp đồng xuất khẩu của doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đều theo người mua, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp vẫn phải chịu lép vế trong giao dịch.

Theo ông Huỳnh, đã có 74 nước tham gia tổ chức này và CISG điều chỉnh khoảng 80% giao dịch thương mại quốc tế. Việc tham gia CISG sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm chi phí, tránh được các tranh chấp trong hợp đồng mua bán quốc tế. Bởi CISG xây dựng khung pháp lý thống nhất, được áp dụng tự động cho các thành viên tham gia như thời gian giao hàng, thời điểm hợp đồng có hiệu lực. "Điều này sẽ hạn chế được gần như mọi rủi ro cho các doanh nghiệp Việt Nam vốn không hiểu nhiều về luật của thị trường xuất khẩu và luôn phụ thuộc trong hợp đồng", ông Huỳnh nhận định.

Các ý kiến khác cũng cho rằng trong bối cảnh giao dịch thương mại quốc tế đóng vai trò trụ cột với nền kinh tế (gồm cả xuất, nhập khẩu hàng hóa), việc gia nhập CISG càng sớm sẽ càng mang lại lợi ích đáng kể, không chỉ lợi ích kinh tế (đứng từ góc độ doanh nghiệp) mà lợi ích về pháp lý (đứng từ góc độ của hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật). Không chỉ giúp thống nhất hệ thống pháp luật về mua bán hàng hóa quốc tế giữa Việt Nam với nhiều nước trên thế giới, mà còn đánh dấu mốc mới trong quá trình tham gia các điều ước quốc tế đa phương về thương mại, tăng cường mức độ hội nhập của Việt Nam.

Đặc biệt, CISG là điều kiện giúp giải quyết tranh chấp trong các hợp đồng mua bán quốc tế thuận lợi hơn. Khung pháp lý hiện đại, công bằng cũng là chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp được cạnh tranh công bằng hơn trên trường quốc tế.

Theo các chuyên gia, việc tham gia Công ước Viena phải được tiến hành theo lộ trình cụ thể, với nghiên cứu kỹ càng, chẳng hạn về yêu cầu bảo lưu các điều không có lợi cho doanh nghiệp hay luật trong nước. Đồng thời cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, nhất là các cơ quan làm luật, thực thi pháp luật để đảm bảo Việt Nam nhận được lợi ích tốt nhất từ việc tham gia Công ước.

Tham gia càng chậm, rủi ro càng lớn

Tại sao đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa tham gia CISG?

Thực tế là không có phát sinh gì từ phía Nhà nước hay doanh nghiệp, song có nhiều vấn đề khiến việc tham gia CISG chưa diễn ra. Tham gia công ước, quyền lợi của doanh nghiệp nhiều hơn.

Trong thương mại có hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, không có sự khác biệt về quyền mua bán giữa các bên trong hợp đồng này, nên các doanh nghiệp tương đối sẵn sàng.

Tham gia chậm, rủi ro càng lớn. Bởi khi chúng ta tham gia sâu vào quan hệ với các đối tác lớn, lựa chọn luật của quốc gia nào cũng là sự khó khăn cho bất kỳ bên còn lại, kể cả Việt Nam lẫn nước ngoài. Lựa chọn một công ước quốc tế tương đối phổ biến với hệ thống mấy nghìn án lệ, niềm tin của các bên khi giao dịch sẽ lớn, rủi ro hợp đồng ít đi.

Có nguồn tin cho biết theo lộ trình thì tới tháng 12/2010, Việt Nam có thể tham gia Công ước Viena?

Về mặt pháp lý thì không có gì cản trở chúng ta gia nhập. Nhưng vấn đề là cơ quan Nhà nước chuẩn bị đến đâu. Quan trọng là mặt nhận thức có được cải thiện không, có dành nhiều sự quan tâm tới vấn đề này không.

Còn về thực tế khá nhiều doanh nghiệp không biết gì về Công ước Viena?

Không chỉ doanh nghiệp, mà nhiều thẩm phán, trọng tài viên cũng chưa làm quen với Công ước Viena. Trong rất nhiều hợp đồng ngoại thương mà chúng tôi tham gia đều thấy để trống phần luật, người nước ngoài không muốn chọn luật Việt Nam và ngược lại, nên khi đàm phán về luật đều bỏ qua. Nếu bỏ qua đồng nghĩa với rủi ro rất lớn. Nhưng giả sử chọn một luật nước ngoài nào đó cũng rất khó cho doanh nghiệp Việt Nam vì doanh nghiệp của chúng ta phần lớn là vừa và nhỏ, không nhiều hiểu biết về luật. Đây là thách thức với cả doanh nghiệp, cả thẩm phán và trọng tài viên.

Việc tham gia công ước sẽ ảnh hưởng thế nào đến môi trường kinh doanh?

Chắc chắn sẽ ảnh hưởng tích cực. Công ước không phát sinh nhiều quyền và nghĩa vụ cho các bên tham gia, đồng thời còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí. Thêm vào đó, còn tạo niềm tin cho doanh nghiệp đối tác, thúc đẩy thương mại đầu tư phát triển, lợi ích của doanh nghiệp và kinh tế đất nước tăng. Việc tham gia cũng sẽ tạo thuận lợi lớn để chúng ta tham gia nhiều công ước tương tự như công ước quốc tế về hàng hải…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: Tạp chí Kinh doanh