EVFTA và ngành rau quả Việt Nam: Thuận lợi và Khó khăn khi xuất khẩu sang EU

15/10/2021    1341

Thuận lợi

  • Điều kiện tự nhiên của Việt Nam thuận lợi cho sản xuất nhiều loại rau quả nhiệt đới, trong đó có nhiều loại rau quả cho năng suất cao, chất lượng tốt. Rau quả của Việt Nam cũng đã khẳng định được thương hiệu của mình khi được xuất khẩu đi hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc....
  • Đầu tư của cả nhà nước và khối tư nhân vào lĩnh vực rau quả ngày càng được chú trọng, giúp tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, cải tiến chất lượng và năng suất sản phẩm. Đặc biệt, trong một vài năm gần đây, với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn vào lĩnh vực rau quả đã giúp thay đổi bộ mặt của ngành, cung cấp nhiều sản phẩm rau quả chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng trong nước, và đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của một số thị trường nước ngoài để gia tăng xuất khẩu.
  • So với nhiều đối thủ cạnh tranh, rau quả Việt Nam có một số ưu thế như: có giá cả cạnh tranh hơn do có điều kiện tự nhiên thuận lợi và nguồn nhân lực giá rẻ dồi dào, có vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương, được hưởng thuế quan ưu đãi do có FTA với EU mà một số đối thủ cạnh tranh lớn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia không có....
  • Người tiêu dùng EU ngày càng ưa chuộng các sản phẩm rau quả nhiệt đới từ khu vực châu Á. Một số sản phẩm rau quả tươi của Việt Nam được người tiêu dùng EU ưa chuộng là: xoài, dứa, thanh long, chanh leo, chôm chôm, cơm dừa, một số loại rau gia vị..... Bên cạnh đó một số sản phẩm rau quả chế biến như nước ép trái cây và hoa quả sấy khô đã bắt đầu thâm nhập và tăng trưởng đều ở một số thị trường EU.

Khó khăn

  • Các quy định nhập khẩu của EU đối với các sản phẩm thực phẩm nói chung và rau quả nói riêng rất khắt khe, không dễ đáp ứng. Trong khi các sản phẩm rau quả của Việt Nam chủ yếu được sản xuất bởi các hộ gia đình và trang trại nhỏ lẻ nên hiểu biết và khả năng thực hành quy trình sản xuất xanh sạch đảm bảo đúng các tiêu chuẩn của EU còn rất hạn chế. Do đó, đây có thể coi là một trong những rào cản lớn nhất khiến cho nhiều sản phẩm rau quả của Việt Nam khó tiếp cận được thị trường EU. Hơn nữa, các quy định nhập khẩu chi tiết của EU có thể thay đổi khá thường xuyên, đòi hỏi các nhà sản xuất, xuất khẩu phải cập nhật liên tục – một vấn đề khó có thể thực hiện được bởi các doanh nghiệp sản xuất chế biến rau quả nhỏ và siêu nhỏ của Việt Nam.
  • Các chế tài xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm và an toàn sinh học của EU rất nghiêm khắc. Hàng hoá bị phát hiện vi phạm các yêu cầu nhập khẩu bắt buộc của EU có nguy cơ bị buộc trả về hoặc  phải tiêu huỷ tại chỗ. Đặc biệt, trong một số trường hợp, nếu tần suất vi phạm cao (một vài lần trong một khoảng thời gian nhất định), EU có thể áp dụng biện pháp kiểm soát chặt hoặc xử lý nghiêm khắc (tăng tần suất, tỷ lệ kiểm tra, cấm nhập khẩu vào EU một thời gian..).
  • Người tiêu dùng EU có yêu cầu rất cao về chất lượng và cả hình thức mẫu mã của sản phẩm. Trong khi đó, nhiều sản phẩm rau quả của Việt Nam còn chưa bảo đảm tính ổn định, thống nhất về chất lượng và thường hạn chế về hình thức, mẫu mã, chủng loại hoặc thiếu hiểu biết/ít chú trọng tới quan điểm thẩm mỹ của người EU. Bên cạnh đó, không nhiều doanh nghiệp rau quả của Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu bổ sung của các khách hàng EU như các chứng nhận về quy trình trồng trọt và sản xuất chế biến an toàn GlobalGAP, HACCP....
  • Nhiều doanh nghiệp sản xuất rau quả Việt Nam vẫn chưa chú trọng vào xây dựng thương hiệu, tìm kiếm đối tác, thị trường, chuyên nghiệp hóa trong các khâu chào hàng, bán hàng, hậu mãi… nên chưa tạo được quan hệ làm ăn lâu dài với các đối tác nhập khẩu EU rất khắt khe trong các vấn đề này.
  • Khách hàng EU rất quan tâm đến các vấn đề xã hội như lao động (doanh nghiệp sản xuất rau quả có đảm bảo đầy đủ các quyền lợi của người lao động hay không), môi trường (việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật có đúng hàm lượng và quy trình không, có gây ô nhiễm môi trường không)… trong khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể chưa quan tâm tới các vấn đề này.

Việt Nam từng phải tạm ngừng xuất khẩu một số loại rau quả sang EU

Trong 10 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã có 3 chuyến hàng xuất khẩu rau húng quế, ớt, cần tây, mướp đắng và mùi bị EU liên tiếp phát hiện có vi khuẩn gây hại khi nhập khẩu vào thị trường này. Theo quy định của EU, nếu trong một năm có 5 vụ vi phạm liên tiếp các quy định kiểm dịch thực vật của khu vực này thì EU sẽ tạm dừng nhập khẩu loại sản phẩm liên quan từ tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam để điều tra. Nếu việc này xảy ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của các sản phẩm rau quả của Việt Nam. Do đó, Cục Bảo vệ Thực vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phải dừng làm thủ tục xuất khẩu cho 5 loại rau quả nói trên cho đến hết tháng 12/2014. Mặc dù biện pháp này là để đảm bảo uy tín cũng như hạn chế các nguy cơ và thiệt hại có thể xảy ra sau này, nhưng đã làm ảnh hưởng đáng kể đến tất cả người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu các mặt hàng nói trên sang EU dù chỉ có 3 lô hàng của một số doanh nghiệp vi phạm.

Nguồn: Trích dẫn: "Cẩm nang doanh nghiệp EVFTA và Ngành Rau quả Việt Nam
- Trung tâm WTO và Hội nhập