Tin tức

EVFTA “mở khóa” quy tắc xuất xứ cho dệt may

31/07/2020    732

EVFTA và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây, sẽ “hóa giải” vướng mắc về quy tắc xuất xứ trong dệt may từ CPTPP.

Đây là quan điểm của ông LÊ TIẾN TRƯỜNG, Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) với Diễn đàn Doanh nghiệp

Theo ông Trường, để được hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu vào EU 0%, ngành dệt may Việt Nam phải nhanh chóng hoàn thiện những chuỗi cung ứng sản phẩm nội địa. Đặc biệt, trong mỗi chuỗi cung ứng nên tìm được người dẫn dắt, định hướng.

Thưa ông, mọi người nói rất nhiều tới cơ hội và thời điểm của ngành dệt may trong EVFTA đã đến. Như vậy, cơ hội của dệt may đã thực sự bắt đầu từ ngày 1/8?

Thực tế, đây mới là thời điểm để thực hiện lộ trình cho các doanh nghiệp dệt may chuẩn bị các điều kiện cần và đủ. Bởi lẽ, theo cam kết của EVFTA, trong số các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào EU, hàng dệt may sẽ được EU xóa bỏ thuế quan với 77,3% kim ngạch xuất khẩu trong 5 năm, 22,7% kim ngạch còn lại cũng sẽ được EU xóa bỏ thuế quan sau 7 năm.

Nhìn vào Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 14/1/2019, tỷ lệ tận dụng ưu đãi xuất xứ dệt may trong CPTPP hiện nay mới chỉ đạt 0,03%. Một trong những nguyên nhân chính là chưa đáp ứng quy tắc xuất xứ trong dệt may. Ngành dệt may Việt Nam hiện vẫn nhập khẩu tới 80% vải nguyên liệu từ các nước ngoài hiệp định.

Theo Bộ Công Thương, hiện EU đang là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Mỹ và Nhật Bản. 6 tháng qua do ảnh hưởng của đại dịch, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may chỉ đạt 12,8 tỷ USD, riêng thị trường Châu Âu đạt trên 2 tỷ USD. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt khoảng 39 tỷ USD và thị trường Châu Âu đạt trên 8 tỷ USD.

Như ông nói, dệt may hiện nay không thể dàn hàng ngang đầu tư để hưởng ưu đãi thuế. Vậy mô hình nào hiện nay đang phát huy lợi thế, thưa ông?

Liên kết theo chuỗi cung ứng sẽ là một đòi hỏi bắt buộc. Một mô hình khá điển hình như Việt Tiến ký hợp tác đầu tư nhà máy vải với Uniqlo, Uniqlo đặt hàng và yêu cầu Việt Tiến làm vải. Như vậy tức là doanh nghiệp sẽ chỉ làm vải nếu có sự thống nhất trong chuỗi cung ứng, còn nếu dàn hàng ngang làm vải, doanh nghiệp sẽ chết.

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần lưu ý, không phải trong một chuỗi cung ứng là các thành viên có vai trò, quyền lực như nhau mà có đầu chuỗi, có người định hướng chuỗi. Do đó, trong từng tình huống cụ thể mới có thể quyết định được làm vải chủng loại nào, quy mô nào chứ không phải là đầu tư tự phát.

Như vậy, việc kết nối theo chuỗi cung ứng trong ngành dệt may cũng là một bài toán khó nếu muốn tham gia EVFTA và các hiệp định FTA khác, thưa ông?

Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) có nhiều khách hàng truyền thống từ thị trường Nhật, nhưng dù đã thân thiết họ vẫn đặt thẳng vấn đề: đồng ý mua vải của Việt Nam nhưng phải bán theo giá của Trung Quốc.

Và ngoài những mặt hàng sản lượng lớn đối tác này còn có những mặt hàng li ti đòi hỏi nhà máy vải Việt Nam phải đáp ứng được. Song mặt hàng li ti nhà máy lớn không làm được mà phải thành lập nhà máy khác. Trong khi đó, không doanh nghiệp Việt nào dám liều làm 1 nhà máy chỉ để phục vụ 1 khách hàng mà công suất chỉ chạy khoảng 10%... thì lỗ. Điều này khiến khách hàng chọn Trung Quốc.

Bởi vì, chỉ một doanh nghiệp Trung Quốc đã cung cấp đủ cho yêu cầu của họ. Khi quy mô đã lớn tới cả gần trăm tỷ mét, thì dây chuyền có đủ “thực đơn”, đủ “các món”. Đây là sự hỗ trợ lẫn nhau trong chuỗi sản xuất vải của Trung Quốc.

Ở Việt Nam hiện nay, những người làm vải mới chỉ làm 3 - 4 loại: vải bò, kaki, vải may áo (chủ yếu 1 màu: trắng, xanh), 1 số nhỏ nhuộm sợi và dệt – chủ yếu phục vụ nội địa, không có sự hỗ trợ lẫn nhau. Ngay trong nghề dệt kim, ai cũng thích dệt vải để làm áo nhưng không ai thích làm cổ, bo tay. Vì thế để nhận được đơn vải, buộc họ phải mở xưởng để may bo tay, khi hạch toán ra thì lỗ.

Ngoảnh đi, ngoảnh lại vẫn là vấn đề cạnh tranh với sản phẩm từ Trung Quốc. Cơ hội để dệt may Việt Nam vượt lên khẳng định vị trí trong chuỗi cung ứng toàn cầu đến đâu, thưa ông?

Nếu muốn khẳng định được vị trí, chúng ta phải chủ động được về vải. Chúng ta có thể bắt đầu từ khoảng 15 tỷ mét vải mỗi năm để chiếm tỷ trọng 12% tổng lượng vải tiêu thụ toàn cầu. Khi làm đến ngưỡng 15 tỷ mét tức là chúng ta đã trở thành một thế lực để cạnh tranh, còn chỉ làm 5 tỷ mét hay 3 tỷ mét đặt cạnh Trung Quốc có quy mô sản xuất 60-75 tỷ mét vải thì chưa, họ có thể tiêu diệt mình một cách dễ dàng.

Với số lượng này, ngành dệt may cần phải bỏ vào đó khoảng 60 tỷ USD (khoảng 4 USD/m) chưa nói đến đầu tư công nghệ cao cấp 4.0 như nhuộm khô. Song 60 tỷ USD vốn đầu tư so với nền kinh tế của nước ta thì là quá lớn.

Một điểm quan trọng nữa, chi phí đầu tư ở Việt Nam lớn nhất thế giới, cụ thể là chi phí tài chính. Hiện nay tất cả các hãng bán máy trên thế giới trả nợ theo chương trình ngân hàng phát triển của họ chỉ lấy 2,4% lãi suất/năm bằng euro, trong khi Việt Nam từ 2019 kể cả vay đầu tư nhập thiết bị cũng quy ra tiền Việt lãi suất từ 10,5-11%/năm.

Do đó, ngành dệt may Việt Nam cần nhanh chóng dùng tích lũy có được trong quá khứ để chuyển đổi số. Nếu chúng ta không chuyển đổi, chúng ta sẽ bị lạc hậu.

Một giải pháp nữa, chúng ta cần bắt buộc đi vào thị trường ngách cả về nguyên liệu. Khả năng làm những nhà máy vải tiêu chuẩn rủi ro cao hơn, nên cần đi vào thị trường ngách phục vụ cho khách hàng định hướng chuỗi của mình và có cam kết (như trường hợp Việt Tiến hợp tác với Uniqlo). Có nghĩa, chúng ta không đi vào những sản phẩm cạnh tranh quá lớn, rào cản quá cao. Đặc biệt, chúng ta phải luôn quan tâm tới thị phần tiềm năng có thật, tức là ở khu vực CPTPP, EVFTA... là quy mô bao nhiêu, khách hàng nào muốn mua…

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Tạp chí diễn đàn doanh nghiệp