Tin tức

Hai chiều phòng vệ thương mại: Đối mặt với xu hướng gia tăng

06/07/2020    70

Thay vì né tránh, cách tốt nhất là Việt Nam nên đối diện với các vụ kiện về phòng vệ thương mại.

Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) vừa thông tin, 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Công Thương đang xử lý 12 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra với hàng hóa Việt Nam, đồng thời tiếp nhận xử lý 3 vụ việc có nguy cơ khởi xướng điều tra trong thời gian tới.

Chấp nhận thực tế

Kiện phòng vệ thương mại (PVTM) là những công cụ có tính “bảo hộ” được nhiều nước nhập khẩu sử dụng khá phổ biến. Là một nền kinh tế định hướng xuất khẩu, cũng xuất siêu nhiều, chúng ta phải chấp nhận thực tế này.

Không có câu trả lời chính xác nào cho câu hỏi tại sao năm nay hàng hóa xuất khẩu Việt Nam lại bị kiện nhiều đến thế. Nhất là trong bối cảnh xuất khẩu của chúng ta giảm chứ không tăng đều như mọi năm.

Tuy nhiên, theo quan sát thì ngành sản xuất nội địa nước nhập khẩu càng khó khăn thì nguy cơ họ viện tới các công cụ phòng vệ càng tăng. Mà dịch COVID-19 lại đang khiến tình hình sản xuất khắp các thị trường bị đình đốn.

Hơn thế nữa, xu hướng bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc trong thương mại hàng hóa mạnh ở nhiều thị trường trong một vài năm gần đây cũng có thể là một phần nguyên nhân. Trong khi đó, PVTM là phương thức “bảo hộ” kỹ thuật ít bị phàn nàn hơn cả, vì vậy cũng bị lạm dụng nhiều hơn.

Ngoài ra, cũng không thể bỏ qua một thực tế là một số hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đứng trong tốp đầu nhập khẩu ở nhiều thị trường, và vì thế cũng bị các ngành sản xuất nội địa coi là đối thủ “đáng gờm”.

Hơn thế nữa, trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, chúng ta lại thường bị áp dụng phương pháp tính toán không chuẩn mực (do bị coi là nền kinh tế phi thị trường), kết quả thường là các biện pháp thuế bổ sung cao. Đây cũng có thể là lý do khuyến khích ngành sản xuất nội địa các nước đi kiện hàng hóa của chúng ta.

Tuy nhiên, tôi cũng không cho rằng hàng hóa Việt Nam đang là tâm điểm của các vụ kiện PVTM. 174 vụ việc PVTM là rất lớn, thiệt hại cũng rất đáng kể. Nhưng nếu so với Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Braxin, thậm chí là Mỹ, EU thì con số này của Việt Nam vẫn được xem là may mắn hơn nhiều.

Để… lên kế hoạch đối phó

Với các doanh nghiệp Việt Nam, tôi phải khuyến cáo rằng không có cách nào tuyệt đối để tránh bị khởi kiện PVTM. Cách thức khả thi nhất có lẽ là đối mặt.

Tùy vào cách thức phản ứng của doanh nghiệp, thiệt hại với mỗi doanh nghiệp là không giống nhau. Doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt, tham gia tích cực vào các cuộc điều tra có thể nhận được mức thuế phòng vệ thấp hơn. Thậm chí ngay cả khi đã bị áp thuế, trong những năm tiếp theo vẫn có cơ hội giảm thuế, thậm chí là thuế về 0% nếu có chiến lược tham kiện thích hợp.

Hơn nữa, kiện PVTM là kiện cả một ngành sản xuất xuất khẩu sản phẩm liên quan. Vì vậy đó không phải là cuộc chiến riêng lẻ của doanh nghiệp nào. Việc liên kết giữa các doanh nghiệp đang sản xuất xuất khẩu sản phẩm liên quan sang thị trường liên quan với nhau trong ứng phó với vụ kiện là cần thiết.

Với các doanh nghiệp có chiến lược trọng tâm là xuất khẩu và vào các thị trường có nguy cơ cao, việc chuẩn bị kiến thức về các vụ kiện phòng vệ, nguồn lực để sử dụng khi cần thiết, bảo đảm các tài liệu sổ sách chứng từ đúng chuẩn mực quốc tế để chứng minh bảo vệ mình khi bị điều tra là điều cần làm. Ngoài ra, cần thường xuyên cùng các đối tác nhập khẩu cập nhật tình hình thị trường và các nguy cơ kiện cũng là rất cần thiết. 

*TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập

Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp