Tin tức

Liệu Anh-EU có sớm đạt được một thỏa thuận thương mại?

06/07/2020    162

Dù quan điểm của hai bên còn bất đồng trong hàng loạt các vấn đề, từ việc kiểm soát hải quan trên biển Ireland đến vấn đề cung cấp dịch vụ tài chính, “sân chơi bình đẳng”, trong khi thời gian còn lại để giải quyết bất đồng là ít, nhưng nhiều khả năng Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) sẽ đạt được thỏa thuận, mặc dù có thể chỉ là một thỏa thuận hạn chế và có tính chất sơ bộ, trước thời hạn 31/12/2020.

Ngày 12/6, Chánh văn phòng nội các Anh Michael Gove viết trên Twitter rằng “Vào ngày 1/1/2021, chúng tôi sẽ lấy lại quyền kiểm soát và giành lại độc lập về chính trị và kinh tế”.

Đây được xem là tuyên bố của Chính phủ Anh “chính thức khẳng định” không xin gia hạn thời gian chuyển tiếp của tiến trình Brexit (chỉ việc Anh rời khỏi EU) tới sau ngày 31/12/2020.

Trước đó, trong vòng đàm phán diễn ra vào tuần đầu tiên của tháng 6, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier cáo buộc Anh "cố đi ngược lại" một số tuyên bố chính trị mà hai bên đã nhất trí. Trong khi đó phía Anh lại chỉ trích đại diện của EU "hành động như thể trọng tài".

Tất cả các động thái này là dấy lên những lo ngại rằng Anh và EU sẽ không đạt được một thỏa thuận trong khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại và hai bên sẽ giao thương với nhau trên cơ sở những điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ năm 2021.

Nỗ lực thỏa hiệp

Tuy nhiên, trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ngày 15/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli đã cam kết hợp tác vì lợi ích của người dân EU và Anh, thống nhất tăng cường các cuộc đối thoại để sớm cùng nhau tìm ra những nguyên tắc chung cho thỏa thuận về tương lai quan hệ, đồng thời bày tỏ lạc quan, hy vọng về triển vọng đạt được một thỏa thuận "toàn diện và đầy tham vọng" vào cuối năm 2020.

Tiếp đó, ngày 18/6, bên lề các sự kiện kỷ niệm 80 năm ngày Tướng Pháp Charles de Gaulle ra lời kêu gọi chống phát xít Đức trên đài BBC của Anh, Tổng thống Pháp Macron đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh Boris Johnson tại London về việc thúc đẩy các cuộc đàm phán giữa Anh và EU nhằm tìm kiếm một thỏa thuận thương mại.

Các bên thể hiện sự sẵn sàng xem xét các cách tiếp cận mới nhằm giải tỏa bế tắc khi các cuộc đàm phán tăng cường về mối quan hệ tương lai EU-Anh bắt đầu vào ngày 29/6.

Ngày 2/7, kết thúc tuần đàm phán trực tiếp gặp mặt diễn ra tại Brussels sớm hơn dự kiến 1 ngày, Anh và EU đều thừa nhận vẫn còn tồn tại những bất đồng lớn trong bối cảnh hai bên đang tiến hành vòng đàm phán mới kéo dài 5 tuần về một thỏa thuận thượng mại tự do thời hậu Brexit.

Trưởng đoàn đám phán về Brexit của Anh David Frost đánh giá các cuộc đàm phán là "toàn diện và hữu ích", song cũng bộc lộ những bất đồng đáng kể trong một số vấn đề quan trọng.

Ông Frost khẳng định các bên cam kết sớm tìm được sự thấu hiểu chung về các nguyên tắc làm nền tảng cho một thỏa thuận thông qua tiến trình đàm phán được tăng cường trong tháng Bảy.

Các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục vào tuần tới tại London như đã nhất trí trong các điều khoản sửa đổi được công bố hôm 12/6.

Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán về Brexit của EU Michel Barnier thừa nhận vẫn còn tồn tại những rào cản lớn với Anh. Mặc dù vậy, ông Barnier bày tỏ sự lạc quan về một thỏa thuận mà hai bên sẽ đạt được.

Trước đó, ngày 1/7, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh Chính phủ nước này tin tưởng có thể đạt được thỏa thuận thương mại tự do với EU vào trước cuối giai đoạn chuyển tiếp, song lưu ý rằng nước Anh sẵn sàng rời khỏi EU cho dù không đạt được bất cứ thỏa thuận nào.

EU và Anh hôm 29/6 đã khởi động 5 tuần đàm phán quan trọng cho một thỏa thuận nhằm xác định quan hệ giữa hai bên giai đoạn hậu Brexit.

Vòng đàm phán mới tại Brussels này là vòng đàm phán trực tiếp đầu tiên được tổ chức kể từ khi nhiều nước châu Âu áp đặt lệnh phong tỏa để ngăn chặn dịch COVID-19.

Theo kế hoạch, vòng đàm phán trên sẽ diễn ra luân phiên tại Brussels và London trong hai tháng tới.

Các cuộc đàm phán tới đây được kỳ vọng sẽ giúp hai bên tháo gỡ những mâu thuẫn cản trở tiến trình đàm phán trong suốt nhiều tháng qua.

Có nhiều lý do, cả về chính trị và kinh tế, buộc Anh và EU phải có những động thái mang tính chất thỏa hiệp nhằm cố gắng đạt được thỏa thuận đúng thời hạn bởi với bối cảnh tình hình hiện nay, nhiều nhà phân tích cho rằng một thỏa thuận “tồi” vẫn tốt hơn là không có thỏa thuận.

Về chính trị, dù nước Anh đã ra khỏi EU vào ngày 31/1/2020, nhưng Anh vẫn là một quốc gia châu Âu và việc đàm phán một thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU vẫn được coi là “công việc nội bộ” của châu Âu.

Các nhà lãnh đạo châu Âu, đặc biệt là lãnh đạo các nước Đức, Pháp và Anh, rõ ràng không muốn bị các “đối thủ” Mỹ, Trung Quốc hay Nga cho rằng châu Âu đang chia rẽ, không có khả năng giải quyết “công việc nội bộ” và do đó khả năng giải quyết các vấn đề toàn cầu khác cũng bị hạn chế.

Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương không mấy êm ả dưới thời Tổng thống Trump và dịch COVID-19 cũng làm cho mối quan hệ giữa châu Âu với Trung Quốc trở nên căng thẳng.

Ngoài ra, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng không muốn bị xem là phản bội lại sự ủng hộ của cử tri đã bỏ phiếu cho đảng Bảo thủ của ông trong cuộc bầu cử sớm vào tháng 12/2019 cũng như bị lực lượng đối lập công kích là không có năng lực khi không thể đạt được một thỏa thuận thương mại với EU.

Về kinh tế, Anh và EU là những đối tác kinh tế, thương mại lớn, quan trọng của nhau. Trong năm 2019, Anh xuất sang EU 300 tỷ bảng Anh và nhập khẩu 372 tỷ bảng từ EU, tương đương với 43% tổng kim ngạch xuất khẩu và 51% kim ngạch nhập khẩu của nước này.

EU thặng dư thương mại với Anh 72 tỷ bảng, trong đó các nhà sản xuất của EU đang được hưởng lợi lớn khi xuất siêu sang Anh 95 tỷ bảng hàng hóa (EU nhập siêu 23 tỷ bảng các dịch vụ).
Trong năm 2020, đại dịch COVID-19 đã tàn phá nền kinh tế Anh và châu Âu. Theo số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, nền kinh tế quốc gia này trong tháng 4/2020 đã giảm 20,4% so với tháng trước, mức giảm kỷ lục kể từ khi chỉ số này được theo dõi.

Tính chung cho 3 tháng, từ tháng 2 đến tháng 4/2020, quy mô của nền kinh tế Anh đã giảm 25,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn ba lần so với mức giảm 6,8% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Bộ phận phân tích và tư vấn kinh tế EIU dự báo kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng âm 7,4% và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tăng trưởng âm 8,4% trong năm 2020.

Các nền kinh tế lớn trong EU như Đức phải đến năm 2022, Pháp và Italy phải đến năm 2024 mới có thể phục hồi quy mô GDP về mức của năm 2019.

Với tình hình kinh tế khó khăn như vậy, cả Anh và EU chắc chắn không muốn các nhà sản xuất, doanh nghiệp của mình chịu thêm một cú sốc trong năm 2021 nếu hai bên phải giao thương với nhau theo các điều khoản của WTO do không đạt được thỏa thuận đúng thời hạn.

Chạy đua với thời gian

Dù đã thể hiện ý chí chính trị và mong muốn đạt được một thoản thuận thương mại toàn diện, nhưng khoảng thời gian còn lại để hai bên đạt được một thỏa thuận là không nhiều.

Do thỏa thuận giữa Anh và EU cần sự phê chuẩn của tất cả quốc hội các nước và vùng lãnh thổ thành viên EU, nên thời gian muộn nhất để hai bên đạt được và ký kết một thỏa thuận là 31/10.

Với khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại, trong khi các bên còn nhiều vấn đề cần quan tâm khác như việc phòng chống dịch COVID-19 và đàm phán phân bổ ngân sách 2021-2025 của EU, việc đàm phán giải quyết tất cả các bất đồng để đi đến một thỏa thuận toàn diện, điều chỉnh tất cả các lĩnh vực của quan hệ giữa Anh và EU trong tương lai, là gần như không thể.

Điều này dẫn đến khả năng cao nhất, từ nay đến cuối năm, hai bên đạt được một thỏa thuận hạn chế, có tính chất tạm thời để có thêm thời gian đàm phán cho một thỏa thuận có tính chất lâu dài.

Đối với hàng hóa, hai bên có thể nhất trí với các điều khoản không có thuế quan, không có hạn ngạch.

Với các vấn đề còn tranh cãi như dịch vụ tài chính hay đánh bắt cá tại vùng biển của Anh, hai bên có thể tạm chấp nhận điều khoản tương tự như các thỏa thuận của EU với Na Uy và Thụy Sỹ.

Trước mắt, Anh có thể cho các nước thành viên EU vào khai thác hải sản tại vùng biển của mình và EU cho phép các doanh nghiệp Anh cung cấp dịch vụ tài chính vào thị trường EU trên cơ sở hàng năm có thể xem xét lại. Sau đó, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán thống nhất các điều khoản áp dụng lâu dài.

Thực tế thì trong thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Boris Johnson ký kết với EU hồi tháng 10/2019 và đã được quốc hội hai bên phê chuẩn có một điều khoản tương tự.

Theo thỏa thuận này, Bắc Ireland tiếp tục ở lại trong khu vực hải quan và thị trường chung EU sau khi nước Anh ra khỏi EU, nhưng Hội đồng lập pháp Bắc Ireland có quyền định kỳ 4 năm xem xét quyết định Bắc Ireland có tiếp tục thực hiện theo quy chế trên nữa hay không.

Tuy vậy, đến ngày 31/12/2020, câu trả lời chính thức về việc nước Anh ra khỏi EU với một thỏa thuận toàn diện, một thỏa thuận hạn chế hay không có một thỏa thuận nào mới được đưa ra.

Nguồn: Bnews