Tin tức

EVFTA là 'nút tăng tốc' cho kinh tế hậu Covid-19

17/06/2020    128

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU(EVFTA) được coi là “cú hích” cho thương mại song phương Việt Nam - EU. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã khiến EU là một trong những nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Điều này có thể cản trở các tác động tích cực của EVFTA trong ngắn hạn. Câu hỏi đặt ra là: Việt Nam cần làm gì để có thể khai thác lợi ích của EVFTA?

Covid-19 khiến EVFTA chưa phát huy được lợi thế

Theo ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, EVFTA là cơ hội tuyệt vời giúp Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế kinh tế  của mình. Nghiên cứu của WB chỉ ra rằng, việc thực hiện EVFTA sẽ giúp cải thiện thương mại song phương với EU, duy trì kết quả thương mại tích cực và hỗ trợ củng cố các chuỗi giá trị toàn cầu quan trọng của Việt Nam... Quan trọng hơn cả những thay đổi cơ bản về cơ cấu và thể chế kinh tế nhờ việc thực hiện EVFTA và CPTPP sẽ giúp tăng cường các cải cách trong nước, giúp Việt Nam trở thành một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh và đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ hơn. EVFTA cũng sẽ mang lại nhiều lợi ích trước mắt quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam thông qua tăng trưởng nhanh hơn, trao đổi thương mại lớn hơn và giảm nghèo nhanh hơn.

Tác động trực tiếp của EVFTA đến tăng trưởng GDP, xuất khẩu và nhập khẩu, được coi là lớn hơn các FTA khác mà Việt Nam đã đàm phán cho tới nay. Điều này là nhờ khả năng giảm thuế theo biểu thuế hiện tại của cả hai bên, cùng với quy mô thị trường được áp dụng mức thuế giảm lớn hơn nhiều so với các FTA khác mà Việt Nam đã ký kết. Khi thực hiện đầy đủ các cam kết trong hiệp định này, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 2,4%, xuất khẩu tăng 12% và thêm 0,8 triệu người thoát nghèo vào năm 2030. 

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, suy thoái kinh tế có thể xảy ra do đại dịch sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường toàn cầu và EU, làm suy giảm các tác động tích cực của EVFTA trong ngắn hạn. Theo dự báo của WB, khu vực EU dường như là một trong những nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch Covid-19. Tăng trưởng GDP ở châu Âu dự kiến sẽ giảm 3,18%. Theo một dự báo gần đây của Ủy ban châu Âu, EU có thể sẽ phục hồi chậm sau khủng hoảng, làm tốc độ phục hồi nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường đặc biệt này cũng chậm hơn. Điều này được thể hiện qua thực tế là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các nước thành viên EU trong quý I/2020 đã giảm 5,1% so với cùng kỳ năm trước.

Thuận lợi hóa thương mại là yếu tố thay đổi cuộc chơi 

Theo WB, để khai thác lợi ích của Hiệp định EVFTA trong thời kỳ hậu Covid-19, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp để nhanh chóng phục hồi kinh tế, nhất là các ngành phục vụ xuất khẩu. Trong đó, nên ưu tiên đặc biệt cho những ngành quan trọng được báo cáo là đóng góp nhiều nhất vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU thời gian gần đây để khai thác các lợi ích khi thực hiện EVFTA.  

Doanh nghiệp (DN) đóng vai trò cơ bản trong hoạt động này, nhưng Chính phủ cũng nên xác định ưu tiên rõ ràng trong các gói tài chính và tín dụng chung đã được công bố để hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường EU. Các hiệp hội DN nên tích cực thúc đẩy DN thông qua nâng cao nhận thức về các lợi ích của EVFTA và hướng dẫn về pháp lý để tận dụng lợi ích của hiệp định này.

Các chuyên gia WB chỉ ra rằng, trong một tương lai dài hơn, tác động kết hợp của Covid-19 và căng thẳng thương mại có thể đưa đến quá trình tái cấu trúc sâu sắc các chuỗi giá trị toàn cầu. Các chuỗi giá trị toàn cầu có xu hướng sẽ ít phụ thuộc hơn vào một số trung tâm sản xuất toàn cầu như Trung Quốc, mở đường cho Việt Nam bước vào để lấp đầy chỗ trống trong chuỗi cung ứng. Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng có thể ngắn hơn với ít quốc gia tham gia hơn. Đối với một số trường hợp theo chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa song phương ngày càng tăng, các tập đoàn hàng đầu có thể tìm cách đưa toàn bộ hoặc một phần nguồn cung của mình về nước hoặc đến các nước cùng có lợi. Hiện tượng này có thể tạo ra cạnh tranh không lành mạnh và nghiêm trọng hơn ở cấp độ toàn cầu. 

Việt Nam có thể tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu rủi ro từ quá trình này nếu tái định vị vị thế của mình một cách tốt nhất trong thời gian hậu Covid-19. Việt Nam cần có những giải pháp chính sách mạnh mẽ và chủ động hơn, để có thể xây dựng năng lực sản xuất và xuất khẩu ở cấp cao hơn theo hướng ưu tiên giá trị gia tăng và công nghệ cao.

Về lâu dài, thuận lợi hóa thương mại là một yếu tố “thay đổi cuộc chơi”. Theo WB, Việt Nam đang đi đúng hướng để biến những thách thức do Covid-19 gây ra thành cơ hội giúp tăng cường những cải cách liên quan như: Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4/3/2020 giao nhiệm vụ và giải pháp tạo điều kiện thuận lợi hóa thương mại (và nhiều lĩnh vực khác) để ứng phó với dịch Covid-19. Các hành động chính sách phù hợp là áp dụng quản lý dựa trên rủi ro tuân thủ tự nguyện và chuyển sang kiểm tra sau thông quan; áp dụng công nghệ thông tin khi kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu và quá cảnh, đảm bảo kết nối thông tin thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước (các đơn vị kiểm tra chuyên ngành và Tổng cục Hải quan); tiếp đó là triển khai có hiệu quả cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN; đồng thời, thúc đẩy tính minh bạch tại tất cả các cơ quan kiểm tra chuyên ngành bằng việc ban hành danh mục các mặt hàng (kèm theo mã HS) đã được cắt giảm kiểm tra chuyên ngành.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần giảm chi phí logistics thông qua giảm phí cầu đường và số hóa việc thu phí, hợp lý hóa cơ sở hạ tầng vận tải và logistics liên quan đến thương mại để kết nối tốt hơn các chuỗi giá trị và thúc đẩy vận tải đa phương thức. Ngoài ra, Việt Nam cần có một cơ chế hiệu quả để xử lý và giám sát việc thực hiện các chính sách liên quan được xây dựng giúp tăng cường phối hợp liên ngành nhằm tạo thuận lợi thương mại và hội nhập toàn cầu.

“Covid-19 là nút khởi động lại và EVFTA là nút tăng tốc. Đây là thời điểm hoàn hảo để Việt Nam theo đuổi những cải cách trong nước sâu rộng hơn" - ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam