Tin tức

Xuất khẩu sang Singapore: Đa dạng chương trình hỗ trợ

29/05/2020    197

Trong bối cảnh nhiều hội nghị kết nối giao thương sang Singapore bị tạm dừng do tác động của dịch Covid-19, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã áp dụng nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Việt xuất khẩu (XK) sang thị trường này… Đó là chia sẻ của TS. Trần Thu Quỳnh – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Singapore với phóng viên Báo Công Thương.

Các biện pháp giãn cách xã hội tại Singapore vẫn đang được áp dụng. Thưa bà, nhằm hỗ trợ cho DN Việt kết nối đầu tư, kinh doanh tại thị trường này, Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã có những hoạt động gì?

Cụ thể, Thương vụ đã tìm kiếm được thông tin liên quan đến các đơn hàng mua sắm chính phủ của Singapore, nhờ đó kịp thời hỗ trợ, kết nối nhiều hợp đồng XK nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam sang thị trường này. Ngoài ra, Thương vụ cũng làm việc với đại diện Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam tại Singapore, hỗ trợ các DN Việt Nam vận chuyển hàng mẫu miễn phí với mức giá ưu đãi sang địa bàn. Sự phối hợp này mang lại hiệu quả cao, vừa giúp tăng thời gian khai thác chuyến bay hàng hóa; vừa giúp DN Việt nâng cao sức cạnh tranh, đảm bảo cung ứng hàng kịp thời khi thị trường có nhu cầu.Hiện tại, nhiều kế hoạch kết nối giao thương giữa Việt Nam – Singapore không thể thực hiện được. Theo đó, thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã có nhiều sáng kiến hỗ trợ DN trong XK và kết nối đầu tư, kinh doanh.

Ngoài ra, Thương vụ đã kết nối thành công cho 6 DN Việt Nam và sở tại cùng tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) qua hình thức cooking shows và livestream, với sự tham gia của Youtuber nổi tiếng người Singapore Jianhao TAN. Đây là hình thức XTTM sáng tạo, hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh, giúp người dân Singapore nhận diện rõ hơn một số thương hiệu thực phẩm chế biến và ẩm thực Việt Nam. Ngoài ra, các DN tham gia còn ủng hộ các sản phẩm Việt (bánh tráng, cà phê, nước mắm, gia vị…) để chế biến các suất ăn miễn phí, ủng hộ các y, bác sĩ trên tuyến đầu phòng dịch của Singapore. Việc làm này được dư luận nước sở tại đánh giá cao, góp phần tạo hiệu ứng tốt cho các thương hiệu của Việt Nam tại địa bàn.

Trong bối cảnh dịch bệnh, việc kết nối giao thương trực tiếp đều bị hủy. Nhiều thương vụ tại nước ngoài đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tổ chức hoạt động XTTM trực tuyến. Bà đánh giá thế nào về sự đổi mới này?

Hội nghị kết nối trực tuyến là kênh quảng bá mới và phương án tối ưu trong thời điểm hiện nay. Tại Singapore, các DN rất thích thú với hình thức này. Họ cho rằng đây là kênh kết nối an toàn, giảm chi phí cho DN hai bên. Sự hỗ trợ thông tin và kiểm tra xác minh DN, cùng với việc hỗ trợ chuyển mẫu hàng, dùng thử sản phẩm tại showroom của Thương vụ, giúp các DN có thể yên tâm giao dịch.

Hiện nay, Thương vụ đang tích cực phối hợp với các hiệp hội ngành hàng của Singapore triển khai chuỗi Hội nghị kết nối trực tuyến trong các lĩnh vực như: Thực phẩm chế biến, nông-thủy sản; sản phẩm xây dựng và nội thất; dệt may và nguyên, phụ liệu, công nghiệp nhẹ và hàng tiêu dùng (gốm sứ, thủy tinh, đồ bếp, nhựa gia dụng)… Hội nghị được tổ chức qua ứng dụng Zoom. Theo đó, Thương vụ sẽ hỗ trợ các DN tiến hành kinh doanh theo mô hình B2B (DN với DN) thông qua các Live Chat Room và đảm bảo phiên dịch cho hai bên DN. Để đảm bảo thành công của các hội nghị kết nối trực tuyến này, Thương vụ đang nhanh chóng triển khai các “gian hàng ảo” cho DN trên trang thông tin của Thương vụ. Nhờ đường link kết nối đến website của DN Việt Nam, các DN Singapore có thể chủ động tìm hiểu thông tin, xác định đối tác trước khi tham gia kết nối.

Ứng dụng CNTT đã đem lại hiệu quả cao cho các DN khi tìm kiếm bạn hàng. Tuy nhiên, một số DN phản ánh bị DN nước ngoài lừa đảo thông qua mạng internet. Để hạn chế tình trạng trên, Thương vụ có lưu ý gì cho DN Việt, thưa bà?

Thương vụ Singapore thường xuyên hỗ trợ các DN trong nước giải quyết các tranh chấp về hợp đồng và thanh toán; cũng như xác minh thông tin DN. Do đặc thù của địa bàn, các quy định về thành lập DN ở Singapore tương đối dễ dàng. Cùng với sự phát triển của CNTT, làn sóng thành lập văn phòng ảo của Singapore cũng gia tăng, với sự tham gia của thương nhân từ nhiều địa bàn, kể cả châu Phi, Nam Á, Trung Quốc… khi ký kết hợp đồng hoặc làm ăn với các DN có trụ sở ở Singapore, Thương vụ đề nghị các DN chủ động trong công tác xác minh, phối hợp với các văn phòng tư vấn pháp lý ở trong nước để đảm bảo khả năng vận dụng các chế tài trong hợp đồng khi có tranh chấp.

Xin cảm ơn bà!

Thương vụ Việt Nam tại Singapore đã triển khai trang thông tin song ngữ Anh - Việt, giúp DN hai nước chủ động tìm nhà cung cấp tiềm năng. Ngoài ra, DN có thể tương tác tức thời với cán bộ Thương vụ để hỗ trợ kết nối, tiết giảm chi phí cho DN.

Nguồn: Báo Công Thương