Hỏi về việc xử lý thuế với hàng hoá khi sáp nhập công ty và hàng nguyên phụ liệu XNK theo hình thức gia công

31/03/2020    264

Câu hỏi:

Tập đoàn Pung Kook tại Việt Nam

Chúng tôi các công ty trực thuộc chủ đầu tư Pung Kook Corporation, Hàn Quốc có pháp nhân độc lập, có cùng ngành nghề và mô hình kinh doanh là gia công ba lô, túi sách. Nay muốn sáp nhập 2 công ty Pung kook 3 và Joon Sài Gòn vào cty Pung Kook2. Xin hỏi một số vấn đề sau:

1- Thủ tục nhập công ty

Đối với máy móc thiết bị nhập miễn thuế: Các công ty bị sáp nhập có phải liên hệ cơ quan Hải quan thực hiện thanh lý máy móc thiết bị miễn thuế và chuyển mục đích sử dụng sau đó làm thủ tục chuyển nhượng mua bán sau thanh lý với công ty nhận sáp nhập hay không?

Đối với nguyên phụ liệu xuất nhập theo hình thức gia công: thời điểm chốt tồn nguyên vật liệu và thông báo với cơ quan HQ là ngày ghi trên giấy chứng nhận Đăng ký DN mới có đúng không?

2-Hàng hóa gửi gia công cho doanh nghiệp chế xuất

Công ty A nhập khẩu nguyên vật liệu miễn thuế để gia công hàng xuất khẩu. Công ty A gửi NVL cho Công ty B là DN chế xuất trong khu chế xuất gia công một số công đoạn của sản phẩm. Vây khi Công ty A nhận lại hàng hóa từ Công ty B có phải đóng thuế NK và thuế GTGT hàng nhập khẩu hay không? (Ghi chú: 100% hàng hóa trong trường hợp này là hàng XK). Trường hợp cơ quan HQ yêu cầu đóng thuế NK thì DN có được hoàn thuế NK sau khi xuất khẩu hàng hóa hay không?

Trả lời:

1. Xử lý thuế đối với hàng hóa khi sáp nhập công ty

1.1. Đối với máy móc thiết bị nhập miễn thuế

Căn cứ khoản 11 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư được miễn thuế nhập khẩu. Hàng hóa nhập khẩu miễn thuế phải thực hiện thông báo Danh mục miễn thuế theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ.

Căn cứ khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ quy định đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế, sau đó, thay đổi mục đích được miễn thuế thì phải khai tờ khai hải quan mới. Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp doanh nghiệp được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư nhập khẩu hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 11 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, sau đó chuyển nhượng cho doanh nghiệp được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư khác và đã thực hiện Thông báo danh mục miễn thuế theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ thì tiếp tục được miễn thuế nhập khẩu. 

Trường hợp doanh nghiệp được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư nhập khẩu hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 11 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, sau đó chuyển nhượng cho doanh nghiệp không thuộc đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư thì phải thực hiện khai thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa theo quy định tại khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ và nộp đủ các loại thuế theo quy định.

1.2. Đối với nguyên phụ liệu xuất nhập theo hình thức gia công: 

Căn cứ quy định tại khoản Điều 59 Thông tư số số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 38 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018) thì tổ chức, cá nhân gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu từ khi nhập khẩu, trong quá trình sản xuất ra sản phẩm cho đến khi sản phẩm được xuất khẩu, bao gồm cả việc thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa, xử lý phế liệu, phế phẩm, nguyên liệu, vật tư dư thừa, máy móc, thiết bị; sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công tiết kiệm được trong quá trình sản xuất theo quy định pháp luật; cung cấp, xuất trình chứng từ phù hợp với nội dung kiểm tra trong phạm vi các chứng từ được quy định tại Điều 16a Thông tư nêu trên.

Căn cứ quy định tại khoản Điều 60 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 39 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018) thì “...trên cơ sở thông tin cung cấp, cơ quan hải quan thực hiện phân tích, đánh giá sự phù hợp giữa các dữ liệu do tổ chức, cá nhân gửi qua hệ thống với dữ liệu trên hệ thống của cơ quan hải quan. Trường hợp xác định phải kiểm tra theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 59 Thông tư này thì thực hiện việc kiểm tra tình hình sử dụng, tồn kho nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị và hàng hóa xuất khẩu”.

Việc kiểm tra tình hình sử dụng, tồn kho nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị và hàng hóa xuất khẩu; kiểm tra  báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu thực hiện theo nguyên tắc nêu trên. Văn bản hiện hành liên quan đến thủ tục hải quan không có quy định khi thực hiện kiểm tra thì thời điểm chốt tồn là như thế nào; tuy nhiên, trên cơ sở nội dung trên quyết định kiểm tra, theo yêu cầu của từng cuộc kiểm tra, Đoàn kiểm tra sẽ đưa ra cách thức kiểm tra để thực hiện kiểm tra hồ sơ hải quan và các chứng từ có liên quan đến hàng hóa đảm bảo đúng quy định, làm căn cứ kết luận kiểm tra.

2. Hàng hóa gửi gia công tại doanh nghiệp chế xuất

a) Về thuế nhập khẩu

Trường hợp hàng hóa doanh nghiệp nội địa đưa đi gia công tại doanh nghiệp chế xuất có nguồn gốc trong nước khi nhập khẩu trở lại doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 1 Điều 22 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

Trường hợp hàng hóa doanh nghiệp nội địa đưa đi gia công tại doanh nghiệp chế xuất có nguồn gốc nhập khẩu khi nhập khẩu trở lại nội địa doanh nghiệp phải nộp thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 134/2016/NĐ-CP.

Về giá tính thuế nhập khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính: Trị giá hải quan của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam sau khi thuê phía nước ngoài gia công là tiền thuê gia công và trị giá của nguyên vật liệu sử dụng trong quá trình gia công do phía nước ngoài cung cấp thể hiện trên hợp đồng gia công và các khoản điều chỉnh quy định tại Điều 13 và Điều 15 Thông tư này. Không tính vào trị giá hải quan sản phẩm sau khi gia công trị giá của vật tư, nguyên liệu đã xuất khẩu từ Việt Nam đưa đi gia công theo hợp đồng gia công.

b) Về thuế GTGT

Căn cứ Điều 2 Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 thì thuế GTGT là thuế tính trên giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng. Căn cứ Điều 3 Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 thì hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 5 của Luật này. 

Doanh nghiệp nội địa khi nhập khẩu trở lại sản phẩm gia công phải kê khai, nộp thuế GTGT theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC, khoản 3 Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC. Theo đó, số tiền thuế GTGT phải nộp = (Giá tính thuế nhập khẩu + Thuế nhập khẩu) X % thuế GTGT.

Nguồn: Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính