Tin tức

RCEP tính đến phương án đàm phán trực tuyến để đảm bảo tiến độ mục tiêu ký kết

23/03/2020    191

ASEAN và các đối tác đối thoại vẫn cam kết ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vào cuối năm nay theo kế hoạch mặc dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng ở các nước.

Ngày 02/3, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, đã điều chỉnh lịch đàm phán thương mại trong thời gian bùng phát dịch bệnh bằng cách sử dụng hội nghị trực tuyến hoặc các cuộc họp trên không gian mạng để thảo luận với các đối tác đối thoại. Phiên đàm phán lần thứ 29 Ủy ban Đàm phán Thương mại RCEP dự kiến sẽ diễn ra ngày 23-27/3 tại Jakarta cũng đang tính đến phương án họp trực tuyến như vậy.

Các nước thành viên ASEAN và các đối tác đối thoại đang thúc đẩy việc rà soát pháp lý văn bản hiệp định và các công việc liên quan khác theo kế hoạch đã được thiết lập, chuẩn bị văn bản cuối cùng cho các quốc gia ký kết. RCEP là một hiệp định thương mại tự do khu vực được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên ASEAN và sáu đối tác đối thoại, là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Các cuộc đàm phán về RCEP bắt đầu vào cuối năm 2012 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21 tại Phnom Penh (Campuchia). Trong các cuộc đàm phán vào phút cuối ngày 4 tháng 11 năm ngoái khi Thái Lan đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, Ấn Độ đã rút lại quyết định tham gia RCEP do còn các vấn đề chưa được giải quyết, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thuế quan nông nghiệp.

Ấn Độ sau đó tuyên bố sẽ không tham gia hiệp định năm nay trong Hội nghị cấp cao RCEP tại Việt Nam. Ấn Độ lo ngại rằng hiệp định này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân dễ bị tổn thương nhất và dẫn đến thâm hụt thương mại gia tăng và hàng nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo cấp cao RCEP năm ngoái nhấn mạnh rằng 15 quốc gia tham gia đã kết thúc các cuộc đàm phán dựa trên lời văn cho tất cả 20 chương và các vấn đề tiếp cận thị trường.

Dù có hoặc không có Ấn Độ, hiệp định RCEP đã được lên kế hoạch ký kết chính thức trong năm nay, dự kiến bắt đầu có hiệu lực vào năm 2021 hoặc tháng 1 năm 2022. Để đảm bảo tiến độ mục tiêu này, đồng thời đảm bảo sức khỏe của các quan chức đàm phán trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, việc tổ chức các phiên họp trực tuyến được tính đến là công cụ tốt nhất cho đàm phán RCEP hiện nay.

Nguồn: Bộ Công Thương