Tin tức

Nghị viện châu Âu thông qua EVFTA: Giới chuyên gia, doanh nghiệp vui mừng!

14/02/2020    190

Phóng viên Báo Công Thương đã ghi lại các ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp xung quanh việc Nghị viện châu Âu vừa chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vào chiều tối ngày 12/2/2020 (theo giờ Việt Nam).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Các doanh nghiệp cần có chiến lược với từng mặt hàng, từng thị trường

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2019 đạt mức kỷ lục. Đây là kết quả của việc mở cửa thị trường, nhất là tác động của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) được ký kết. Như vậy, trên thực tế Việt Nam bước đầu đã khai thác và tận dụng được các lợi thế mà các FTAs mang lại.

Đối với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết và phê chuẩn, hiện, chúng tôi đang làm rất tích cực việc tuyên truyền, phổ biến các lợi thế mang lại khi Hiệp định có hiệu lực. Bước đầu, các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng của Việt Nam đã nhận thức và tận dụng được những cơ hội và lợi thế từ Hiệp định này.

Chúng tôi cũng rất hi vong các địa phương, hiệp hội doanh nghiệp và trực tiếp là các doanh nghiệp sẽ có những nghiên cứu và sớm có chiến lược đối với từng mặt hàng, từng thị trường.

Tuy nhiên, cũng phải khẳng định, không phải cứ có EVFTA thì đương nhiên doanh số xuất khẩu tăng lên, đặc biệt đối với mặt hàng nông sản. Quan trọng nhất là sản phẩm phải đảm bảo chất lượng và phải đáp ứng các quy định khắt khe của thị trường. Các doanh nghiệp phải đi sâu, đi sát, thậm chí đi trước một bước và có sự nghiên cứu và chuẩn bị đối với thị trường EVFTA. Nếu không tận dụng được, các nước khác sẽ tận dụng được và như vậy rất có thể chúng ta sẽ thua ngay tại sân nhà. Chúng tôi cũng đã khuyến cáo rất nhiều lần đến các doanh nghiệp vấn đề này.

Tiến sĩ Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Tin vui là châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định này khá nhanh

Tin vui là châu Âu đã phê chuẩn Hiệp định EVFTA khá nhanh, ngay trong quý I, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế Việt Nam trên mọi khía cạnh: thương mại, đầu tư - đặc biệt là thu hút đầu tư chất lượng cao, các hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thể chế… Vì đây là Hiệp định chất lượng cao nên cũng đòi hỏi rất nhiều sự điều tiết của Nhà nước về đa dạng hóa thị trường, tái cấu trúc DN và nền kinh tế. Tất nhiên là thách thức và ảnh hưởng từ Hiệp định cũng không hề nhỏ nếu chúng ta muốn tận dụng được các cơ hội.

Trong bối cảnh hiện nay, Hiệp định sẽ có tác dụng rất tích cực ở chỗ nó có hiệu lực ngay sau khi phê chuẩn, rất nhiều mặt hàng sẽ ngay lập tức được giảm thuế về 0, đặc biệt là đối với những ngành hàng mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, có lợi thế xuất khẩu. Thách thức đối với DN là phải lập kế hoạch để tái cấu trúc DN mình, xây dựng lại tệp đối tác, thị trường và mức độ đa dạng của nó, làm sao để vừa có thể tận dụng, lại vừa giảm bớt khó khăn, tác động bất lợi, cũng như chuẩn bị cho DN mình phát triển hơn, bền vững hơn trong dài hạn.

TS. Đặng Kim Sơn – Giám đốc Viện Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp

Thay đổi thể chế và phương thức quản lý để tận dụng cơ hội từ EVFTA

Việc EP chính thức phê chuẩn Hiệp định EVFTA, tôi cho rằng đây là một bước tiến mới để hàng hoá của Việt Nam có thể thâm nhập vào khu vực thị trường rộng lớn nhưng rất “khó tính” và như vậy, rõ ràng cơ hội và thách thức là đan xen.

Chúng ta phải khẳng định, Việt Nam là quốc gia có năng lực tốt trong sản xuất hàng hoá, đặc biệt là mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản phục vụ xuất khẩu. Do đó, để hạn chế thách thức, tận dụng cơ hội, trước hết chúng ta phải tiếp tục xử lý một cách có hiệu quả những vấn đề vướng mắc mà chúng ta đã và đang đối mặt, như: vấn đề “thẻ vàng” của EU đối với thuỷ sản của Việt Nam hay việc xác định, chuẩn hoá xuất xứ hàng hoá, các yêu cầu về môi trường, điều kiện lao động… thì chắc chắn, cả người sản xuất, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh đều được hưởng lợi.

Cùng với đó, trước “sức ép” từ các cam kết có trong EVFTA, tôi cho rằng đây là động lực rất tích cực để Việt Nam thay đổi cơ bản thể chế và phương thức quản lý theo hướng tiệm cận với các chuẩn mực chung của các quốc gia tham gia EVFTA và như vậy, đây sẽ là bước mới trong quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam.

Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT May Sài Gòn 3

Kỳ vọng nhiều vào EVFTA

Ngay sau tết, cũng như nhiều ngành khác, dệt may đang phải đối mặt với cú sốc do dịch Covid-19 từ Trung Quốc khiến nguồn cung nguyên liệu tạm thời gián đoạn. Mặc dù các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguyên liệu vải đủ hết quý 1 nhưng với diễn biến hiện nay nhiều khả năng sẽ căng thẳng nguồn cung trong các tháng tới. Vì thế việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA sẽ giúp hiệp định này sớm được đưa vào thực thi, tạo động lực cho dệt may mở rộng thị trường qua EU tốt hơn. Bởi thị trường tiêu thụ may mặc của EU là rất lớn, khi được giảm thuế vè 0% cùng với các thuận lợi khác sẽ giúp cho ngành may điều chỉnh thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định.

Trong bối cảnh như hiện nay, chúng tôi rất phấn khởi vì thông tin EVFTA sẽ sớm thông qua và hi vọng mục tiêu tăng trưởng 20% trong 2020 mà May Sài Gòn 3 đặt ra sẽ đạt.

Ông Trần Quốc Mạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (SADACO)

Tăng cơ hội tiếp cận máy móc, kênh phân phối tại EU

EVFTA sẽ mang đến một số thuận lợi nhất định cho ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam qua EU trong bối cảnh các ngành sản xuất đang chịu tác động từ dịch bệnh khó lường như hiện nay. Đầu tiên là việc giảm thuế theo quy trình nhất định, thậm chí là có những mặt hàng thuế về bằng 0%. Thứ hai là cơ hội cho doanh nghiệp Việt tiếp cận máy móc thiết bị hiện đại cũng như các kênh phân phối của EU tốt hơn. Song thách thức của EVFTA đặt ra cho ngành gỗ là không hề nhỏ vì EU đã dựng lên rào cản kỹ thuật lớn - đó là xác định nguồn gốc nguyên liệu gỗ đưa vào sản xuất. Do vậy, thời điểm này nếu EVFTA được thông qua thì việc xác định nguồn gốc gỗ sẽ đi vào thực thi và không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được.

Với SADACO, chúng tôi đã có sự chuẩn bị cả về kiến thức cũng như nguồn nguyên liệu phù hợp với những tiêu chuẩn của EU. Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu của công ty sẽ tăng hơn so với cơ cấu 40% vào thị trường EU như hiện tại do thuế quan được giảm và nhiều mở rộng hệ thống phân phối, đầu tư kinh doanh với đối tác EU.

Ông Cao Hữu Hiếu – Phó Tổng giám đốc Vinatex

EVFTA: Cơ hội thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu

Thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua xuất khẩu đi các thị trường trong Hiệp định EVFTA cũng có sự thay đổi theo hướng tích cực. Theo dõi sát số liệu thị trường cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi EU đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trước khi có Hiệp định. Đơn cử với thị trường Canada, nếu kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam đi thị trường Canada năm 2018 chỉ rơi vào khoảng 935,2 triệu USD thì năm 2019 ước khoảng 1,15 tỷ USD, tăng trưởng 23,2%. Đây là mức tăng trưởng khá tốt trong khi trước năm 2018 mức tăng trưởng chỉ vào khoảng 10 - 13%.

Chúng tôi kỳ vọng rằng, dần dần các DN sẽ nhận ra tiềm năng của các thị trường này, nhất là với các DN nước ngoài nhận thấy các Hiệp định này là cơ hội lớn để thúc đẩy xuất khẩu. Khi đó dệt may Việt Nam sẽ thu hút được đầu tư, nhất là vào những mắt xích Việt Nam còn yếu. Từ đó, dần xây dựng được một hệ sinh thái dệt may, dần tự chủ được nguyên phụ liệu đầu vào, khi đó mới thực sự khẳng định Việt Nam hưởng lợi được từ những Hiệp định này hay không.

Muốn được hưởng các ưu đãi về thuế của bất kỳ Hiệp định thương mại tự do nào thì nhà xuất khẩu cần thỏa mãn quy tắc xuất xứ, với EVFTA, từ vải trở đi điều kiện cần và đủ là xây dựng được một chuỗi cung hoàn chỉnh.

Khẳng định, để khai thác hết các Hiệp định mang lại, trước tiên các doanh nghiệp cần hiểu rõ về Hiệp định, cần hiểu rõ các loại sản phẩm của mình xuất đi các nước trong Hiệp định. Khi đã hiểu rõ cần làm việc chặt chẽ với khách hàng để tìm ra các phương án tối ưu nhằm khai thác các Hiệp định. Về lâu dài có chiến lược hợp tác để cùng mở rộng đầu tư sản xuất nhằm thỏa mãn xuất xứ. Chỉ có liên kết chuỗi với nhau các doanh nghiệp mới cùng đạt thành công được.

Với mục tiêu về kim ngạch, chúng tôi một mặt tiếp tục đẩy mạnh làm việc với khách hàng để mở rộng thị phần ở các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… mặt khác chúng tôi cũng thúc đẩy thâm nhập các thị trường mới như Canada và Úc. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh ngành là việc làm cấp thiết để trở nên cạnh tranh hơn so với các nước cung ứng khác. Do đó, chúng tôi rất chú trọng vào công tác nâng cao năng suất bằng hướng áp dụng công nghệ tốt, hiện đại hơn, dần thay thế những máy móc thiết bị cũ không còn phù hợp…

Bà Phùng Thị Thu Hương - Tổng giám đốc Công ty Green Path Việt Nam

Doanh nghiệp cần nắm bắt đầy đủ, toàn diện các nội dung của Hiệp định

Cơ hội và lợi ích của Hiệp định này mang lại có tính toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả hai bên: Việt Nam và EU. Đối với doanh nghiệp, lợi thế trước mắt có thể nhìn thấy được là trong vòng 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Các doanh nghiệp Việt Nam muốn khai thác tốt Hiệp định này cần chủ động nghiên cứu, nắm bắt và tiếp cận một cách đầy đủ, toàn diện các nội dung của EVFTA và EVIPA mà hai bên ký kết. Bởi, EVFTA có những quy định chặt chẽ về thủ tục đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật, sở hữu trí tuệ, phát triển bền vững... để chuyển hóa thành lợi thế lâu dài cần làm đồng bộ các yếu tố này.

Nguồn: Báo công Thương