Tin tức

Thực thi EVFTA: Nhà nước, doanh nghiệp chung tay

06/01/2020    389

Cùng với rất nhiều Hiệp định thương mại tự do khác, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được xem là bước tiến rất quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Song, để vượt qua thách thức, tận dụng tốt cơ hội có được thì Nhà nước và doanh nghiệp cần nhiều hơn nỗ lực ngoài “tuyên truyền” thuần tuý.

Ngày 5/1, tại Hội thảo “Hiệp định EVFTA – Thế và Lực” do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội và Viện đào tạo, tư vấn và phát triển doanh nghiệp (Câu lạc bộ các Nhà Công Thương Việt Nam) tổ chức, các chuyên gia cho rằng, trước hết cơ quan Nhà nước phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời về cả cơ hội và thách thức từ EVFTA cho doanh nghiệp

Cơ hội, thách thức song hành

Trong năm 2019, Việt Nam đã ký 4 Hiệp định thương mại tự do (FTA) (trừ CPTPP), trong đó có Hiệp định EVFTA, đưa tổng số hiệp định thương mại Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán lên 20 hiệp định, trong đó 12 hiệp định đang thực thi, 2 hiệp định có hiệu lực trong năm 2019, 2 hiệp định đã ký kết nhưng chưa có hiệu lực và 4 hiệp định đang đàm phán. Đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 13 Nghị định về các biểu thuế ưu đãi cho các đối tác trong 13 hiệp định.

Theo TS. Đặng Văn Thanh – Chủ tich Câu lạc bộ các nhà Công Thương Việt Nam – cùng với rất nhiều Hiệp định thương mại tự do khác, EVFTA được kỳ vọng là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội lớn trong việc mở cửa những thị trường “khó tính” cho hàng hoá của Việt Nan thì đi kèm đó là những khó khăn, thách thức không nhỏ. Ông Thanh chỉ rõ, thách thức đến từ yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật nội địa để tiệm cận với các cam kết chúng ta đã ký kết; từ những rào cản về tiêu chuẩn kỹ thuật (an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…), đặc biệt là sức ép cạnh tranh với hàng hoá của các quốc gia tham gia EVFTA ngay tại thị trường Việt Nam.

Chia sẻ quan điểm này, ông Phùng Văn Hùng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – cho rằng, trong khi hệ thống pháp lý, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế thì việc chúng ta đàm phán và đi đến ký kết các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA cho thấy chúng ta đã chủ động hội nhập, song vẫn giữ cho mình một vị thế nhất định trên bàn đàm phán với rất nhiều điều khoản không gây bất lợi cho chúng ta. Cụ thể là, hầu hết các Hiệp định thương mại tự do đều hướng đến mục tiêu tạo thuân lợi thương mại, cắt giảm thuế quan… song chúng ta đã đề xuất những lộ trình cụ thể cho từng ngành sản xuất cụ thể trong nước để có đủ thời gian thay đổi, không gây “sốc” và có thời gian chuẩn bị để hội nhập thành công.

Tuy nhiên, ông Hùng cũng chỉ ra rằng, trong một thế giới ngày càng “phẳng” và cạnh tranh lành mạnh thì những “ưu tiên” chỉ là ngắn hạn. Vì vậy, không chỉ Chính phủ, các Bộ, ngành, mà bản thân từng doanh nghiệp trong mỗi ngành hàng, lĩnh vực kinh doanh cần phải thấy rằng, đi kèm cơ hội là rất nhiều thách thức để có những bước đi, bước chuyển đổi phù hợp nhằm tận dụng lợi thế, vượt qua thách thức.

“EU đã cảnh báo, đã “rút thẻ vàng” và thậm chí là “thẻ đỏ” nếu ngành thuỷ sản của chúng ta không tuân thủ các quy định của quốc tế” – đưa thực tế, ông Hùng nhấn mạnh thêm: nếu Việt Nam không tuân thủ những nguyên tắc chung thì có thể họ sẽ đưa ra những hình thức khắc nghiệt hơn, làm cho xuất khẩu thủy sản của chúng ta sẽ ngày càng khó khăn.

Trong khi đó, cũng nói về những thách thức của EVFTA, TS. Võ Trí Thành cho rằng, bên cạnh những rào cản kỹ thuật, như: tiêu chuẩn, quy chuẩn, xuất xứ hàng hoá, sở hữu trí tuệ…. thì còn nhiều rào cản “mềm” khác, như: vấn đề lao động, môi trường… Vì vậy, cùng với nỗ lực cả các cơ quan Nhà nước, thì doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các Hiệp định thương mại tự do, trong đó có EVFTA với quan điểm xuyên suốt là luôn có thách thức bên cạnh những cơ hội đã được chúng ta chỉ ra và phân tích lâu nay.

Làm gì để hoá giải thách thức, tận dụng cơ hội?

Trả lời câu hỏi: Chúng ta đã nhận diện rõ cơ hội, thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do, nhất là EVFTA, vậy giải pháp để tận dụng cơ hội hoá giải thách thức là gì?, TS. Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) – cho rằng, trước hết cơ quan Nhà nước phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho doanh nghiệp.

“Nếu đưa ra các tài liệu chỉ dẫn đến một số trang thông tin của của châu Âu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và bảo doanh nghiệp đọc, nghiên cứu thì rõ ràng là rất mơ hồ” – ông Hiếu nói và đề nghị, các cơ quan Nhà nước cần chủ động hơn, thiết thực và hiệu qảu hơn trong việc cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp càng cụ thể càng tốt, từ các quy định chung, đến các tiêu chuẩn kỹ thuật, các yếu tố riêng biệt của thị trường ngoài nước, đến các giải pháp thay đổi ứng phó với những quy định mới…

Song song đó là cải cách thể chế, ông Hiếu nói và phân tích, hiện thể chế vẫn đang là rào cản đối với cộng đồng doanh nghiệp dù Chính phủ đã rất nỗ lực cải cách để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn.

Với mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định EVFTA, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCharm) tại Việt Nam, ông Nguyễn Hải Minh khẳng định, cũng như mọi doanh nghiệp, các doanh nghiệp đến từ châu Âu cũng luôn đặt vấn đề lợi ích làm trọng. Tuy nhiên, khi làm việc với ác đối tác châu Âu, các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý rằng, trong rất nhiều trường hợp, giá cả hàng hoá, dịch vụ chưa hẳn là yếu tố quyết định trên bàn đàm phán mà quan trọng hơn là các điều kiện rất cao mà chúng ta phải tuân, như: những hàng rào kỹ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm, những giấy phép bắt buộc phải khi đưa hàng vào thị trường châu Âu và nhất là những vấn đề liên quan đến truy xuất nguồn gốc hàng hoá…

“Đặc biệt, để tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp châu Âu không nhất thiết các doanh nghiệp Việt Nam phải trực tiếp sang châu Âu tìm hiểu thị trường, tìm đối tác mà có thể thông qua các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp châu Âu đã có mặt tại Việt Nam để kết nối” –ông Minh và nhiều chuyền gia đề xuất.

Lưu ý thêm với các doanh nghiệp Việt Nam, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, ngoài cơ chế, chính sách, thông tin,… các doanh nghiệp cũng nên quan tâm đến “nguồn lực” hỗ trợ của Nhà nước. Ông Thành nhắc lại hàng loạt cơ chế mới hỗ trợ doanh nghiệp từ cấp Chính phủ đến các Bộ, ngành, và cả ở cấp địa phương. “Vấn đề là bản thân doanh nghiệp đã thực sự dành sự quan tâm tìm hiểu, thực sự chủ động thay đổi mình để đáp ứng các yêu cầu mới trong thời kỳ hội nhập hay chưa” – TS. Thành kết luận.

Nguồn Báo Công thương