Tin tức

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD

13/12/2019    276

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, với tiến độ như hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12 năm 2019.

Tại buổi Họp báo thường kỳ Quý IV/2019 do Bộ Công Thương tổ chức chiều 12/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 11 tháng qua đạt khoảng 472 tỷ USD, với tiến độ như hiện nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12 năm 2019.

Cụ thể, 11 tháng năm 2019 xuất khẩu của Việt Nam đạt 241,7 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt chỉ tiêu 7 - 8% của Quốc hội giao; kim ngạch nhập khẩu đạt 230,7 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, kết quả này đạt được trong bối cảnh kinh tế thế giới trong năm 2019 tăng trưởng chậm với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng. Thương mại toàn cầu cũng giảm tốc, xuất khẩu của các nước trong khu vực đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Bất đồng giữa các nước lớn về định hình hệ thống thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, đặc biệt là xung đột thương mại Mỹ - Trung và vấn đề Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Xu hướng bảo hộ mậu dịch ngày càng tăng, một số nước sẵn sàng vi phạm quy định của WTO để bảo hộ sản xuất trong nước.

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục Trưởng, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho biết, xuất khẩu năm 2019 dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, với sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành tạo ra những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, cải cách trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu đã thúc đẩy sản xuất, tạo thêm nguồn hàng cho xuất khẩu.

Trong năm 2019, việc quản lý điều hành hoạt động xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương tiếp tục được thực hiện có hiệu quả: Bộ tiếp tục đẩy mạnh mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông qua các hoạt động đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp các bộ, ngành liên quan kết thúc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA); thỏa thuận về hợp tác thúc đẩy thương mại. Tính đến nay, nước ta Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA; trong đó có 12 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực.

Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực triển khai những công việc cần thiết để thực thi các hiệp định và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích của các FTA như nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ...

Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện Hiệp định CPTPP; tuyên truyền, phổ biến về các hiệp định FTA đã thực thi khác và Hiệp định EVFTA cũng được chú trọng thời gian qua.

Qua số liệu thống kê cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt hơn các cơ hội do các FTA đem lại. Tổng kim ngạch sử dụng C/O ưu đãi chiếm khoảng 38% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA. Đặc biệt, một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt ngay sau khi hiệp định có hiệu lực như Canada, Mexico.

Việc tháo gỡ rào cản kỹ thuật và thương mại được Bộ Công Thương quan tâm chú trọng. Bộ đã và đang chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu để kịp thời thông tin cho các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp, đồng thời đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại bất hợp lý.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết thêm, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai hoạt động xúc tiến thương mại mà nòng cốt là Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển xuất khẩu, giữ vững và phát triển thị trường trong nước trong điều kiện Việt Nam tham gia sâu rộng vào hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã được ký kết và đi vào thực thi. Bộ Công Thương luôn cố gắng nghiên cứu, đổi mới cách thức tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, phù hợp với từng giai đoạn để đạt được hiệu quả hỗ trợ cao nhất các doanh nghiệp.

Để tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc và điều hành sát sao trong việc sửa đổi nhiều quyết định liên quan đến thương mại, hải quan, cơ chế một cửa quốc gia, kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi thương mại.

Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở logistics ngày càng được cải thiện. Các công trình hạ tầng, bến bãi vận tải, giao nhận hàng hoá phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu đã được nâng cấp, mở rộng.

Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc, các sân bay, bến cảng và trung tâm logistics được xây dựng mới, mở rộng đã góp phần nâng cao năng lực xử lý hàng hóa, thúc đẩy lưu thông hàng hóa nhanh chóng. Năng lực của doanh nghiệp dịch vụ logistics cải thiện đáng kể, đóng góp tích cực vào các hoạt động kinh tế. Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam xếp hạng 39/160 nước, tăng 25 bậc so với năm 2016 vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN.

Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020 sẽ còn đối diện với các khó khăn thách thức. Bộ Công Thương sẽ tập trung các nguồn lực, tích cực triển khai các giải pháp để phấn đấu đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là tăng trưởng xuất khẩu đạt 7-8%./.

Nguồn TTXVN