Các câu hỏi liên quan đến Cam kết gia nhập WTO của Việt Nam về ngành điện tử

02/12/2010    1753
1. Tình hình ngành điện tử khi Việt Nam gia nhập WTO?

Ngành điện tử Việt Nam bắt đầu phát triển từ giữa thập niên 1990 (đặc biệt kể từ khi một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép hoạt động tại Việt Nam).

Ngành điện tử đã trở thành một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao:

  • Số lượng doanh nghiệp: 100 doanh nghiệp (30% là doanh nghiệp FDI);
  • Doanh số năm 2007: gần 3 tỷ USD;
  • Sản phẩm: từ chỗ chỉ lắp ráp đơn giản đến nay đã có một số sản phẩm thương hiệu Việt thành công.

Bảng 1 – Tình hình xuất khẩu sản phẩm điện tử Việt Nam

 

Năm 1996

Năm 2006

Năm 2007

Năm 2008

Kim ngạch XK

90 triệu USD

1,7 tỷ USD

2,15 tỷ USD

3,5 tỷ USD (dự kiến)

Thị trường XK

35 nước, trong đó chủ yếu là Thái Lan, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hà Lan, Philippines

Sản phẩm XK

Chủ yếu là linh kiện điện tử, máy tính và máy in (không đa dạng)

Hộp 1 - Định hướng phát triển ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đến 2010

Mục tiêu đến năm 2010

  • Doanh số: từ 4 đến 6 tỷ USD;
  • Kim ngạch xuất khẩu: 3 đến 5 tỷ USD;
  • Số lượng lao động: 300.000 lao động;
  • Tốc độ tăng trưởng: từ 20% đến 30%/năm.

Định hướng

Chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng phát triển điện tử chuyên dùng, bao gồm sản xuất sản phẩm, linh kiện, phụ tùng và sản phẩm phụ trợ cho các lĩnh vực tin học, viễn thông, điện tử y tế, điện tử công nghiệp, cơ điện tử, đo lường, tự động hóa.

(Quyết định 75/2007/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp điện tử Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn 2020)

2. Năng lực cạnh tranh của ngành điện tử Việt Nam?

So với một số nước trong khu vực thì ngành điện tử Việt Nam ta có một số lợi thế so sánh về cạnh tranh:

  • Giá nhân công thấp nên việc đầu tư lắp ráp sản phẩm điện tử ở Việt Nam có nhiều thuận lợi;
  • T hị trường nội địa cho các sản phẩm điện tử tiềm năng với hơn 85 triệu dân, trong đó hơn một nửa dân số có độ tuổi dưới 30 có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm điện tử tiêu dùng hiện đại; thu nhập và mức sống dân cư tăng kéo theo nhu cầu sử dụng hàng điện tử tăng lên
  • Nhiều thương hiệu điện tử lớn đầu tư sản xuất tại Việt Nam, mở ra cơ hội để ngành điện tử Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất điện tử toàn cầu.

 Bảng 2 - Dự báo nhu cầu thế giới đối với sản phẩm điện tử 2008-2010

Sản phẩm

Mức tăng trưởng về nhu cầu dự kiến

Sản phẩm điện tử (chung)

8-10%

Sản phẩm điện tử chuyên dùng

9-10%

Sản phẩm điện tử tiêu dùng

5%

Thiết bị kỹ thuật số

15-18%

Thiết bị viễn thông

12-15%

Máy vi tính

10-12%

Dụng cụ và linh kiện bán dẫn

6%

Nguồn: Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam

Những tồn tại chủ yếu trong năng lực cạnh tranh của ngành điện tử Việt Nam:

  • Cơ cấu sản phẩm không phù hợp (sản phẩm điện tử tiêu dùng chiếm tới 80%, các sản phẩm chuyên dùng chỉ chiếm 20%);
  • Công nghệ và trang thiết bị sản xuất: lạc hậu từ 10 - 15 năm so với khu vực và thế giới (doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu lắp ráp sản phẩm trên các dây chuyền có từ những năm của thập niên 90);
  • Công nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và công nghiệp phụ trợ phát triển chậm (chủ yếu phải nhập khẩu);
  • Hoạt động sản xuất chủ yếu là gia công, lắp ráp (theo đặt hàng); tỷ lệ nội địa hoá và giá trị gia tăng của sản phẩm điện tử do Việt Nam sản xuất ra thấp (bình quân 5-10% giá trị sản phẩm).

Hộp 2 - Tình hình nhập khẩu linh kiện, phụ tùng điện tử

Số doanh nghiệp phụ trợ Việt nam có thể đáp ứng được yêu cầu về cung cấp linh kiện, phụ tùng điện từ rất ít.

Hầu hết các doanh nghiệp FDI phải nhập khẩu phần lớn (90-100%) linh kiện, phụ kiện từ các doanh nghiệp của Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Ma-lay-xi-a hay Trung Quốc.

Năm 2007 các doanh nghiệp điện tử xuất khẩu khoảng 2,15 tỷ USD nhưng cũng đã nhập khẩu một khối lượng linh kiện, phụ tùng và sản phẩm điện tử hoàn chỉnh với kim ngạch khoảng 2,96 tỷ USD.

Những khó khăn đối với ngành điện tử trong giai đoạn tới:

- Hàng rào thuế quan bị cắt giảm, cạnh tranh với hàng nhập khẩu được dự báo là sẽ gay gắt hơn;

- Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước (chương trình khuyến khích nội địa hóa, các biện pháp khuyến khích đầu tư liên quan đến thương mại...) phải hủy bỏ theo quy định của WTO.

3. Việt Nam đã cam kết gì trong khuôn khổ WTO về thuế nhập khẩu đối với sản phẩm điện tử?

Thiết bị điện, điện tử là một trong số các nhóm mặt hàng có cam kết cắt giảm thuế nhiều nhất trong Biểu cam kết về thuế quan của Việt Nam trong khuôn khổ WTO.

Bảng 3 - Cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu trong WTO đối với các sản phẩm điện tử

Stt

Chỉ tiêu

Thuế suất MFN trước gia nhập (%)

Thuế suất cam kết trong WTO

Khi gia nhập(%)

Cuối cùng (%)

Thời hạn thực hiện (kể từ khi gia nhập)

 1

Thuế suất bình quân cả Biểu thuế

17,4

17,2

13,4

 

 2

Thuế suất bình quân sản phẩm công nghiệp

16,7

16,2

12,4

 

 3

Máy móc thiết bị điện

12,4

13,9

9,5

 

 4

Mức thuế suất cắt giảm một số sản phẩm điện tử

 

 

 

 

 

- Tivi

50

40

25

5 năm

 

- Điều hòa

50

40

25

3 năm

 

- Máy giặt

40

38

25

4 năm

 

- Tủ lạnh

40

40

25

4 năm

 

- Quạt các loại

50

40

30

3 năm

Với mức cắt giảm thuế nhập khẩu chung lớn như thế này, ngành điện tử Việt Nam chắc chắn sẽ chịu tác động mạnh trong cạnh tranh với hàng điện tử nhập khẩu. Trên thực tế, việc thực hiện các cam kết giảm thuế trong khuôn khổ các Hiệp định mậu dịch tự do như CEPT/AFTA, ACFTA và AKFTA (với mức thuế cao hơn mức cam kết trong WTO nhiều) từ 1/1/2006 đã bắt đầu gây ra một số tác động bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam và đã có một số trường hợp tuyên bố ngừng sản xuất (ví dụ Sony Việt Nam). Vì vậy, khi mức thuế suất này được giảm xuống 0% theo cam kết WTO thì sức ép về cạnh tranh từ các sản phẩm điện tử nhập khẩu từ các nước trong khu vực sẽ là rất lớn.

Tuy nhiên, xét cụ thể, mức cam kết vẫn đủ đảm bảo duy trì một mức độ bảo hộ nhất định cho các sản phẩm điện tử mà trong nước hiện đang có đầu tư sản xuất. Ví dụ, mức thuế suất cam kết cuối cùng của nhiều sản phẩm điện tử dân dụng quan trọng (tivi, điều hoà, thiết bị âm thanh) vẫn được duy trì trên 20%.

Hộp 3 - Mức cắt giảm thuế đối với sản phẩm điện tử theo Hiệp định ITA

Bên cạnh việc cắt giảm chung, thuế suất đối với các sản phẩm điện tử còn bị ảnh hưởng đáng kể bởi việc tham gia Hiệp định công nghệ thông tin (ITA), một trong năm Hiệp định ngành của WTO mà Việt Nam cam kết tham gia đầy đủ. Cụ thể:

  • Đối với các sản phẩm thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định ITA, mức thuế suất bình quân tại thời điểm gia nhập WTO là 5,2%. Đa phần trong số những mặt hàng cắt giảm thuộc nhóm này là những mặt hàng có mức thuế suất thuế nhập khẩu trước thời điểm gia nhập WTO tương đối thấp.
  • Việt Nam cam kết cắt giảm thuế đối với khoảng 330 dòng thuế thuộc ITA xuống mức thuế suất 0% theo lộ trình (các sản phẩm điện tử như máy tính, điện thoại di động; máy ghi hình sẽ có thuế suất 0% sau 3 đến 5 năm (một số mặt hàng là sau 7 năm).
4. Việt Nam đã cam kết gì về thuế nhập khẩu đối với sản phẩm điện tử theo các cam kết thương mại khu vực?

Sản phẩm điện tử thuộc nhóm các sản phẩm thực hiện cắt giảm thuế trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do khu vực mà Việt Nam đã ký kết và thực hiện trong những năm gần đây, bao gồm:

  • Hiệp định thương mại tự do khu vực ASEAN (CEPT/AFTA): Cam kết giảm thuế nhập khẩu cho sản phẩm điện tử từ các nước ASEAN;
  • Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA): Cam kết giảm thuế nhập khẩu cho sản phẩm điện tử từ các nước ASEAN và Trung Quốc.
  • Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (AKFTA): Cam kết giảm thuế nhập khẩu cho sản phẩm điện tử từ các nước ASEAN và Hàn Quốc.

So với cam kết giảm thuế theo WTO, cam kết giảm thuế đối với sản phẩm điện tử theo các Hiệp định tự do khu vực có mức cắt giảm thấp hơn (mức độ bảo hộ cao), cụ thể xem Bảng dưới đây.

Bảng 4 - Cam kết trong khuôn khổ CEPT/AFTA và ACFTA đối với một số sản phẩm điện tử

Mức thuế nhập khẩu cam kết

Ti vi

Điều hoà

Máy giặt

AFTA

ACFTA

AFTA

ACFTA

AFTA

ACFTA

Thời điểm 1/1/2006

5%

40%

5%

45%

5%

45%

Mức cuối cùng

0%

10%

0%

5%

0%

15%

Lộ trình thực hiện

2015

2018

2015

2015

2015

2015

5. Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cần làm gì để đối phó với các tác động của WTO?

Việc thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế quan trong WTO đặt ra rất nhiều thách thức cho ngành công nghiệp điện tử nước ta.

Một số vấn đề sau cần được doanh nghiệp điện tử lưu ý khi xây dựng chiến lược kinh doanh trong giai đoạn tới đây:

  • Xác định rõ lợi thế cạnh tranh của mình để khai thác: trong chuỗi phân công lao động quốc tế (rất phổ biến trong công nghiệp điện tử), doanh nghiệp Việt Nam cần xác định rõ những công đoạn hoặc sản phẩm có giá trị gia tăng cao có thể sản xuất hiệu quả hơn so với các nước trong khu vực;
  • Chuyển hướng đầu tư hiệu quả: thay vì đầu tư dàn trải theo chiều rộng, các doanh nghiệp nên tập trung theo chiều sâu, chủ động tìm kiếm đối tác trong khu vực để thực hiện đầu tư, chuyển giao công nghệ; tập trung đầu tư cho công tác nghiên cứu thiết kế phát triển sản phẩm mới;
  • Nắm vững các nguyên tắc của thương mại quốc tế, các cam kết mà Việt Nam đã đưa ra trong quá trình hội nhập, từ đó xác định lại chiến lược kinh doanh của mình cho phù hợp;
  • Định hướng đầu tư của mình vào việc tạo ra sản phẩm điện tử phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước, có chất lượng và giá cả cạnh tranh;
  • Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, thúc đẩy sự phát triển của dịch vụ hỗ trợ kinh doanh. 

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI