Tin tức

Doanh nghiệp cần nắm bắt và chủ động để tăng xuất khẩu vào CPTPP

06/12/2019    381

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 14/01/2019 với Việt Nam. Dệt may, da giày, đồ uống, đồ gỗ là các ngành sản xuất và xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam. Vì thế hiểu rõ về các cam kết CPTPP, chuẩn bị tốt các điều kiện sản xuất kinh doanh hiệu quả, tận dụng các cơ hội và vượt qua thách thức từ hiệp định này đã và đang được cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các ngành chức năng liên quan chú trọng thực hiện một cách cấp bách.    

Xuất khẩu vào CPTPP tăng trưởng

Tại Hội thảo Ngành dệt may - giày dép - đồ gỗ - đồ uống Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ CPTPP do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) tổ chức sáng ngày 5/12, tại TP. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết - CPTPP với những cam kết cắt giảm thuế quan, mở cửa thị trường của 11 nền kinh tế tham gia hiệp định là cơ hội rất lớn cho DN Việt Nam. Hiệp định đặc biệt quan trọng với các ngành dệt may, giày dép, đồ gỗ và đồ uống vì đây là những lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.

Trong 11 tháng/2019 kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường là thành viên CPTPP đạt mức tăng trưởng tốt, thể hiện bước đầu tận dụng hiệu quả các cam kết từ hiệp định này để thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Canada 11 tháng/2019 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 27,2%; xuất khẩu sang Mexico đạt 2,7 tỷ USD, tăng 29,5%

Bên cạnh đó, CPTPP cũng có nhiều cam kết dự kiến sẽ tác động trực tiếp và đáng kể tới triển vọng của hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu sản phẩm các ngành này đặc biệt là các cam kết về thuế quan, biện pháp phi thuế, lao động, môi trường...

Về mặt cam kết, đối với các ngành sản xuất hàng hóa, cam kết quan trọng nhất trong CPTPP là cam kết cắt giảm và xóa bỏ thuế quan. Với mỗi thị trường, mỗi dòng hàng hóa, cách thức và thời điểm cắt giảm, xóa bỏ thuế quan là không giống nhau. Đối với các thị trường đã có FTA với Việt Nam, cam kết thuế quan trong CPTPP cơ bản chỉ tạo thêm một cơ hội ưu đãi để lựa chọn. Tuy nhiên đối với các thị trường mới như Canada, Mexico hay Peru, đây thực sự là cơ hội rất đáng kể cho doanh nghiệp. 

Mặc dù vậy, để có thể tận dụng thuế quan ưu đãi trong CPTPP, doanh nghiệp phải đáp ứng các quy tắc xuất xứ cụ thể với từng loại hàng hóa. Điều này liên quan tới chuỗi cung nguyên liệu, cách thức sản xuất, chế biến mà doanh nghiệp khó có thể thay đổi trong ngày một ngày hai. Vì vậy doanh nghiệp cần tìm hiểu sớm để có thời gian điều chỉnh kịp thời, qua đó sớm tận dụng cơ hội này.

DN xuất khẩu cần chủ động và nâng cao năng lực cạnh tranh

Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch VCCI - cho biết, bên cạnh cơ hội thì thách thức của DN Việt Nam là khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và của từng DN còn thấp, cho nên cạnh tranh với các DN nước ngoài khi xuất khẩu và cả trên sân nhà rất vất vả. Ngoài ra, các quy định rất phức tạp, như muốn đẩy mạnh xuất khẩu da giày thì quy định xuất xứ hàng hóa quy định rất chi tiết, phức tạp mà không phải DN nào cũng có thể hiểu hết để tận dụng... Chính vì thế với mức độ cam kết sâu rộng và toàn diện, việc triển khai hiệu quả CPTPP rất cần sự vào cuộc chủ động, đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và nhất là sự chủ động của từng DN.

Đến nay, ngay sau khi CPTPP chính thức có hiệu lực với Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP tại Quyết định số 121/QĐ- TTG ngày 24/1/2019 với những nhiệm vụ cụ thể, chi tiết cho các bộ, ngành và cơ quan liên quan. Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến nay đã có 23 bộ, ngành và 55 địa phương ban hành Kế hoạch hành động thực thi CPTPP nhằm cụ thể hóa các chính sách, biện pháp tận dụng các cơ hội và ứng phó thách thức mà hiệp định này đem lại.

Để tận dụng các cam kết về cắt giảm thuế quan ưu đãi trong CPTPP, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2019/NĐ-CP ngày 26/6/2019 về biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi của Việt Nam để thực hiện CPTPP giai đoạn 2019 - 2022. Bộ Công Thương cũng đã sớm ban hành Thông tư số 03/2019/TT- BCT ngày 22/01/2019 về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP.

Trong lĩnh vực thể chế, các bộ, ngành và cơ quan liên quan đã kiến nghị Quốc hội và Chính phủ thông qua, ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách, bộ luật quan trọng. Đồng thời, các cơ quan liên quan đang nghiên cứu triển khai các biện pháp hỗ trợ cho các DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ và một số ngành sẽ đối mặt với áp lực mở cửa như chứng khoán, bảo hiểm… nhằm tận dụng cơ hội và lợi ích từ các FTA thế hệ mới trong đó có CPTPP.

Từ phía các DN cũng đã chủ động tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường do Hiệp định CPTPP đem lại. Một số hiệp hội DN đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư sang các thị trường CPTPP với các hình thức đa dạng, phong phú như hội nghị, hội thảo chuyên đề, tổ chức đoàn khảo sát thị trường, tham dự các hội chợ xúc tiến ngành hàng thương mại tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Canada, Australia…

Nguồn Báo Công thương