Tin tức

Ấn Độ tuyên bố rút khỏi Hiệp định RCEP

06/11/2019    1169

Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi, tuyên bố nước này rút khỏi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vì các bất đồng về thuế quan, hàng rào phi thuế quan cũng như mức thâm hụt thương mại với một số nước tham gia hiệp định này.

RCEP không giúp giải quyết các vấn đề của Ấn Độ

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao RCEP lần thứ 3 diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị liên quan ở Bangkok, Thái Lan, hôm 4-11, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói: “Hình thức hiện tại của RCEP không phản ánh đầy đủ tinh thần cơ bản và các nguyên tắc hướng dẫn đã được nhất trí trước đó. Nó không giúp giải quyết thích đáng các mối lo ngại và các vấn đề đang tồn tại của Ấn Độ”.

Thủ tướng Modi cho biết Ấn Độ đã tham gia các cuộc đàm phán RCEP một cách chủ động, xây dựng và thiết thực ngay từ đầu. Ông nhấn mạnh nước này đã làm việc vì mục tiêu đạt được sự cân bằng, với tinh thần cho đi và nhận lại.

Tuy nhiên, ông nói rằng: “Khi tôi thẩm định Hiệp định RCEP với lợi ích của tất cả người dân Ấn Độ, tôi không nhận được câu trả lời tích cực. Vậy nên, châm ngôn sống của Mahatma Gandhi và lương tâm tôi đều không cho phép tôi tham gia RCEP”, ông Modi nói khi ám chỉ đến Mahatma Gandhi, người được xem là vị cha già dân tộc của Ấn Độ, luôn quan tâm đến tầng lớp dân nghèo.

Theo thiết kế ban đầu, RCEP sẽ bao gồm 16 thành viên gồm 10 nước ASEAN và 6 đối tác gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Hiệp định này nhắm đến mục tiêu thành lập một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 3,6 tỉ người dân và chiếm 30% GDP toàn cầu.

Ấn Độ đang chịu mức thâm hụt thương mại lớn, khoảng 105 tỉ đô la với các nước đàm phán RCEP, trong đó chỉ tính riêng với Trung Quốc, mức thâm hụt đã lên đến 54 tỉ đô la.

Do vậy, trong quá trình đàm phán, Ấn Độ nhiều lần yêu cầu các cam kết đáng tin cậy về tiếp cận thị trường và xóa bỏ hàng rào phi thuế quan ở các thành viên, đặc biệt là Trung Quốc. Ấn Độ cũng đưa ra danh sách hàng hóa cần được bảo hộ để bảo vệ thị trường trong nước trước mối lo ngại hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp giá rẻ của Trung Quốc sẽ tràn ngập đất nước đông dân thứ hai thế giới.

Cụ thể, Ấn Độ muốn duy trì thuế đối với một số mặt hàng nông sản nhạy cảm cũng như muốn kéo dài lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng khác. Tuy nhiên, các đề xuất này của Ấn Độ không được giải quyết thỏa đáng. Đó là lý do khiến Ấn Độ rút khỏi RCEP.

Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Modi thể hiện thái độ mạnh mẽ trong các vấn đề thương mại quốc tế và các cuộc đàm phán liên quan.

Các nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết Tổng thống Donald Trump từng gọi ông Modi là nhà đàm phán cứng rắn.

“Đã qua rồi những ngày khi các nhà đàm phán Ấn Độ hàng phục trước sức ép của các cường quốc toàn cầu về các vấn đề thương mại. Lần này, Ấn Độ giành thế chủ động, nhấn mạnh nhu cầu giải quyết các mối quan tâm về thâm hụt thương mại cũng như yêu cầu các nước khác mở cửa thị trường cho dịch vụ và đầu tư của Ấn Độ”, các nguồn tin nói.

Lo ngại hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc

Từ lâu, Ấn Độ bày tỏ lo ngại về Hiệp định RCEP, vốn đòi hỏi xóa bỏ dần dần thuế quan, sẽ khiến thị trường trong nước tràn ngập hàng hóa giá rẻ của trung Quốc cũng như nông sản của Úc và New Zealand, gây tổn thương cho các nhà sản xuất trong nước bao gồm tầng lớp nông dân nghèo.

Theo Hiệp định RCEP, Ấn Độ sẽ dần xóa bỏ thuế quan với 74% hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, Úc, New Zeland và với 90% hàng hóa nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN.

Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Công ty tư vấn IHS Markit, ghi nhận Ấn Độ chịu mức thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc trong nhiều năm.

Ông nói: “Ấn Độ lo ngại rằng dỡ bỏ hàng rào thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sẽ làm xói mòi thêm thị phần các ngành sản xuất trong nước".

Nhiều tiếng nói từ quốc hội cho đến các tổ chức nông dân đều phản đối RCEP và cảnh báo hàng hóa giá rẻ Trung Quốc, nếu ồ ạt bán sang nước này, sẽ là “chuông báo tử” cho ngành sản xuất của Ấn Độ.

Nỗi lo này không phải là không có cơ sở. Hiện nay, xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Ấn Độ chiếm 2/3 tổng giá trị kim ngạch thương mại giữa hai nước. Phần lớn hành hóa Ấn Độ xuất khẩu sang Trung Quốc là các nguyên vật liệu thô, chưa chế biến như quặng sắt, sợi cotton. Trong khi đó, Trung Quốc bán sang Ấn Độ các mặt hàng có giá trị cao như thiết bị điện và điện tử.

Các nhà phân tích của tổ chức nghiên cứu và tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho biết Ấn Độ cũng lo ngại sức ép cạnh tranh từ các nhà sản xuất sữa bò của Úc và New Zealand. Ngành chăn nuôi bò sữa, nguồn thu nhập chính cho hàng triệu nông dân Ấn Độ, sẽ chật vật nếu buộc phải cạnh tranh sòng phẳng với ngành công nghiệp bò sữa có trình độ phát triển cao của New Zealand hay Úc.

Hôm 4-11, các lãnh đạo tham gia Hội nghị cấp cao RCEP lần thứ 3 tại Bangkok ra tuyên bố cho biết 15/16 thành viên tham gia đàm phán Hiệp định RCEP đã hoàn tất đàm phán xong tất cả 20 chương của hiệp định và sẽ bắt đầu ký kết vào năm 2020.

Tuyên bố nói rằng Ấn Độ có một số vấn đề chưa thể giải quyết và tất cả các nước tham gia RCEP sẽ cùng nhau làm việc để giải quyết các vấn đề tồn đọng này.

Tuyên bố có đoạn: “Quyết định cuối cùng của Ấn Độ sẽ phụ thuộc vào việc giải quyết thích hợp các vấn đề này”.

Một nhà ngoại giao cao cấp cho biết nếu các vấn đề tồn đọng được giải quyết, Ấn Độ có thể gia nhập RCEP trong tương lai ngay cả sau khi nó đã được 15 nước thành viên khác ký kết.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, Lạc Ngọc Thành, cũng đồng với quan điểm này. Ông nói: “Bất cứ khi nào Ấn Độ sẵn sàng, nước này sẽ được hoan nghênh gia nhập RCEP”.


Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn