Tin tức

Hiệp định ACFTA: Thuận lợi và thách thức

16/09/2019    4235

Mức thuế quan giảm về 0% đối với gần 8.000 dòng sản phẩm, Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA) được kỳ vọng tạo “cú huých” cho nông sản Việt Nam tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc. Dù vậy, sản phẩm chỉ được hưởng ưu đãi khi đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe về chất lượng, xuất xứ hàng hóa...

Tận dụng ưu đãi

Đến nay, đã có nhiều thỏa thuận, cam kết giữa Việt Nam và Trung Quốc được xây dựng để tạo khuôn khổ và điều kiện thuận lợi hơn trong hoạt động thương mại, đầu tư. Theo Hiệp định ACFTA, Trung Quốc xóa bỏ thuế quan đối với 95% số dòng thuế vào năm 2011. Số dòng thuế nhạy cảm còn lại, Trung Quốc cắt giảm về 5% - 50% vào năm 2018. Thuế suất trung bình của biểu thuế Trung Quốc dành cho ASEAN giai đoạn 2015-2017 là 0,73%/năm và năm 2018 là 0,56%/năm. Có đến gần 8.000 dòng sản phẩm được giảm thuế về 0%.

Đây được coi là con số khiêm tốn vì theo Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, hiện nhóm hàng nông – lâm - thủy sản xuất khẩu sang thị trường này có nhiều thuận lợi nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan nhập khẩu trong khuôn khổ ACFTA với mức thuế cơ bản 0%. Ngoài ra, Trung Quốc đang tăng cường, khuyến khích nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, đặc biệt có nhu cầu lớn đối với các sản phẩm xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh như nông - lâm - thủy sản.Tuy nhiên, việc tận dụng ưu đãi từ ACFTA được đánh giá vẫn còn hạn chế. Hiện chỉ có khoảng 1/3 kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc được hưởng mức thuế ưu đãi nhờ tận dụng được quy định xuất xứ.

Trước thực tế trên, để tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định ACFTA, các bộ, ngành đã liên tục xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để hiện thực hóa những quy định từ Hiệp định ACFTA. Mới đây nhất, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 12/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định ACFTA với nhiều điểm mới so với trước đây. Thông tư có hiệu lực từ ngày 12/9/2019.

Theo đó, hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu được sản xuất chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ. Ngoài tiêu chí “hàm lượng giá trị khu vực” (RVC), quy tắc chung được áp dụng thêm tiêu chí xuất xứ chuyển đổi mã số hàng hóa ở cấp độ 4 số (CTH); quy định về De Minimis (tỷ lệ nguyên liệu không đáp ứng tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa); nguyên liệu giống nhau và có thể thay thế được cho nhau. Ngoài ra, bên cạnh quy tắc xuất xứ chung, quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) được xây dựng trên Phiên bản HS năm 2017, bổ sung tiêu chí xuất xứ hàng hóa đối với nhiều dòng hàng…

Trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn do thị trường này đang siết chặt nhập khẩu theo hướng ưu tiên nhập khẩu chính ngạch, hạn chế nhập khẩu theo cửa khẩu phụ, lối mở, đồng thời, siết chặt hơn những quy định về xuất xứ hàng hóa, việc ban hành Thông tư số 12/2019/TT-BCT được kỳ vọng sẽ giúp hàng hóa Việt Nam tận dụng tốt hơn cơ hội từ Hiệp định ACFTA, gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Đảm bảo chất lượng hàng hóa

Song song với việc ban hành các quy định rõ ràng hơn về xuất xứ hàng hóa, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các ưu đãi từ Hiệp định ACFTA, thời gian vừa qua, Trung Quốc đã tăng cường hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thông qua việc ban hành quy định, yêu cầu, tiêu chuẩn về kiểm dịch động, thực vật, truy xuất nguồn gốc, quy cách đóng gói, nhãn mác, bao bì... Bên cạnh đó, siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch, yêu cầu doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu theo chính ngạch. Điều này đã phần nào tác động đến tiến độ xuất khẩu nông - thủy sản sang thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, do Trung Quốc là thị trường lớn, sản phẩm nông - thủy sản nước ta cũng chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại của các nước ASEAN. Một số sản phẩm nông sản chủ lực như gạo chịu sự quản lý về hạn ngạch nhập khẩu do Bộ Thương mại và Ủy ban Phát triển Cải cách quốc gia Trung Quốc quy định.

Do đó, các doanh nghiệp trong nước được khuyến cáo nên tìm hiểu các quy định xuất nhập khẩu của Chính phủ Trung Quốc đối với các hàng hóa mà doanh nghiệp có kế hoạch hợp tác, giao dịch, nhất là những sản phẩm như: Thực phẩm, nông sản, thủy sản... vì đây là những sản phẩm chịu sự kiểm soát ngặt nghèo về kiểm dịch

Các doanh nghiệp Việt muốn chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xây dựng thương hiệu; cập nhật thông tin về thị trường, chính sách xuất nhập khẩu cũng như những quy định về chất lượng sản phẩm và thị hiếu tiêu dùng của từng địa phương. Đặc biệt, tăng cường tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường do các cơ quan, tổ chức, hiệp hội; cán bộ xúc tiến thị trường phải am hiểu tiếng Trung Quốc để thuận lợi trong công tác, giao dịch với các đối tác…

Nguồn: Báo Công Thương