Tổng quan Kinh tế Việt Nam sau 2 năm gia nhập WTO (2007 - 2008)

22/12/2009    3340

PGS. TS. Nguyễn Sinh Cúc – Tổng cục Thống kê

Sau 2 năm vào WTO, tình hình kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng khá cao, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục, xuất khẩu tăng trưởng cao, tình hình tài chính lành mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập.

1. Những thành tựu đáng ghi nhận

Tổng sản phẩm trong n ước (GDP), năm 2007 tăng 8,46%; năm 2008 tăng 6,18%. Cơ cấu kinh tế theo giá thực tế chuyển dịch theo hư ớng tích cực, năm 2007, tỷ trọng GDP khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm còn 20,0% so với 20,81% năm 2006; 20,97% năm 2005; 21,81% năm 2004 và 22,54% năm 2003. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng dần và chiếm 41,7% so với 41,56%; 41,02% ; 40,21% và 39,47% và khu vực dịch vụ tăng nhẹ, chiếm 38,30% so với 38,08%; 38,01%; 37,98% và 37,99% các năm t ương ứng. Nét mới trong năm 2007 là tỷ trọng khu vực dịch vụ tăng cao trong điều kiện có nhiều khó khăn nhiều mặt, nhất là dịch vụ vận tải, du lịch, th ương mại, tài chính ngân hàng. Năm 2008 lại có xu h ướng chuyển dịch ngư ợc lại do tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu là khó tránh khỏi.

Do kinh tế tăng trư ởng cao nên tình hình tài chính 2 năm qua khá lành mạnh. Thu chi ngân sách nhà n ước cân đối, bội chi ngân sách trong phạm vi Quốc hội cho phép.

Đạt được kết quả trên đây là do sau khi vào WTO các ngành sản xuất và dịch vụ có chuyển biến tích cực theo hướng hội nhập với kinh tế thế giới.

Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển toàn diện, tăng trưởng khá và chuyển dịch theo hướng hàng hoá. Tranh thủ thời cơ thuận lợi do WTO tạo ra, 2 năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã từng bước chuyển thành nền nông nghiệp đa canh, có tỷ suất hàng hoá ngày càng cao gắn với thị trường trong nước và xuất khẩu. Số lượng sản phẩm tăng nhanh, chủng loại sản phẩm đa dạng, chất lượng ngày càng cao, cơ cấu sản phẩm có nhiều thay đổi, điều kiện và tính chất của các yếu tố sản xuất cũng có nhiều điểm mới so với trước.

Sau khi vào WTO, nông nghiệp Việt Nam bước đầu mang dáng dấp của một nền sản xuất hàng hoá có những nét hiện đại đáp ứng được các yêu cầu của thị trường trong nước với nhu cầu cao hơn về chất lượng. Tốc độ tăng trưởng của khu vực này theo GDP năm 2007 tăng 3,76%, năm 2008 tăng 4,07%, theo giá trị sản xuất, tăng 4% và 6% theo 2 năm tương ứng, cao hơn tốc độ tăng các năm trước. Sản phẩm nông nghiệp sản xuất bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia trong mọi tình huống dù cho cuộc khủng hoảng lương thực thế giới cuối năm 2007 đầu năm 2008 diễn ra gay gắt.

Nông sản hàng hoá Việt Nam vẫn đáp ứng đầy đủ nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến như mía đường, rau quả, lúa gạo, chè. Các hợp đồng xuất khẩu đã ký kết với khách hàng được thực hiện theo đúng cam kết WTO. Chính phủ đã thực hiện xoá bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản theo đúng cam kết WTO và mở cửa thị trường, giảm thuế suất đối với các mặt hàng nông sản nhập khẩu theo đúng lộ trình như thịt, sữa bột, thức ăn chăn nuôi. Tình trạng trợ cấp mua lúa, cà phê, tạm trữ xuất khẩu như các năm trước đã không còn. Năm 2007 và năm 2008 giá cả nông sản, thủy sản trong nước tuy có tăng cao hơn năm 2006 nhưng về cơ bản vẫn ổn định, không có cơn sốt lớn về thiếu lương thực thực phẩm như các năm trước. Lượng gạo hỗ trợ đồng bào vùng bị thiên tai tăng cao nhưng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cơ bản của đời sống dân cư. Lượng gạo xuất khẩu năm 2008 đạt trên 4,7 triệu tấn, kim ngạch đạt trên 2,9 tỉ USD tăng 94,8% so năm 2007.

Sản xuất công nghiệp tuy gặp khó khăn về thị trường, nhất là 6 tháng cuối năm 2008 nhưng đánh giá chung 2 năm vào WTO vẫn tăng trưởng khá cao. Năm 2007, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17,1% cao hơn năm 2006 (17,0%), trong đó khu vực ngoài nhà nước tăng 26,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,2%.

Năm 2008 tuy có khó khăn do suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng sản xuất công nghiệp vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá 13,9%, trong đó khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 18,0%, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 18,0%. Cơ cấu sản xuất công nghiệp đã có chuyển biến tích cực: ngành công nghiệp chế biến đã đạt tốc độ tăng trưởng cao, năm 2007 tăng 19,1%, năm 2008 tăng 15,3% và chiếm tỷ trọng ngày càng lớn.

Cơ cấu giá trị sản xuất công nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên. Vị trí của khu vực công nghiệp, xây dựng trong GDP tăng từ 41,54% năm 2006 lên 41,48% năm 2007. Năm 2008 tỷ lệ này còn 39,73% do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu là chủ yếu. Nhiều tỉnh, thành phố có quy mô sản xuất công nghiệp lớn đều đạt tốc độ tăng trưởng cao như: Vĩnh Phúc, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Hải Dương, Quảng Ninh…

Kinh tế đối ngoại phát triển toàn diện cả về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ. Trong 2 năm 2007 và 2008, cả nước đã thu hút 2116 dự án FDI đăng ký mới với số vốn 81.105 triệu USD, chiếm 21% số dự án, 54,59% tổng số vốn đăng ký cả nước và bằng 43,7% tổng số vốn điều lệ còn hiệu lực từ năm 1988 đến cuối năm 2008 .

Điều đó cho thấy sau khi vào WTO, Việt Nam thực sự là điểm đến đầu tư hấp dẫn của nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới và khu vực…

Về xuất nhập khẩu: Sau khi vào WTO, thực hiện các cam kết quốc tế, thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam được mở rộng cả về quy mô, đối tác, hàng hoá, dịch vụ. Tổng mức lưu chuyển ngoại thương năm 2007 đạt 109,2 tỉ USD, tăng 48,2% so năm 2006, năm 2008 đạt 143,1 tỉ USD 31,0% so năm 2007.

Xuất khẩu tăng trưởng cao cả về thị trường, lượng hàng hoá, kim ngạch và giá cả. Theo các cam kết của WTO về mở cửa thị trường, hoạt động xuất khẩu theo hướng tăng chất lượng, ổn định giá, thực hiện đúng hợp đồng… để tăng sức cạnh tranh trên thị trường truyền thống đồng thời mở rộng thị trường mới, mặt hàng mới đi đôi với các chính sách xoá dần sự bảo hộ của Nhà nước trên một số mặt hàng.

Kim ngạch xuất khẩu năm 2007 đạt 48,561 tỉ USD, tăng 21,9% so với năm 2006, năm 2008 đạt 62,7 tỉ USD, tăng 29,5% so với năm 2007. Đáng chú ý là tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cả 3 khu vực đều tăng khá: Khu vực kinh tế trong nước năm 2007 tăng 22,2% và chiếm 42%; năm 2008 tăng 34,7% và chiếm 50,3% tổng kim ngạch; khu vực kinh tế FDI không kể dầu thô năm 2007 tăng 30,4%, năm 2008 tăng 26,8%.

Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD tăng từ 10 năm 2007 lên trên 20 năm 2008, trong đó có 8 mặt hàng đạt trên 2 tỉ USD: dầu thô 10,45 tỉ USD, dệt may 9,11 tỉ USD, giày dép 4,7 tỉ USD, thủy sản 4,56 tỉ USD.. cao hơn nhiều so với các năm trước. Thị trường xuất khẩu mở rộng.

Một số thị trường lớn, tốc độ tăng cao sau khi vào WTO như Mỹ, năm 2007 đạt 10 tỉ USD, chiếm 20,7% thị phần và tăng 28%; năm 2008 đạt 11,6 tỉ USD, tăng 14,5%. Thị trường ASEAN năm 2007 đạt 8 tỉ USD, tăng 26%, năm 2008 đạt 10,2 tỉ USD, tăng 31% so năm 2007. Thị trường EU năm 2007 đạt 8,7 tỉ USD, tăng 24%, năm 2008 đạt 10 tỉ USD, tăng 15% so năm 2007. Thị trường Nhật Bản năm 2007 đạt 5,5 tỉ USD, năm 2008 đạt 8,8 tỉ USD, tăng 45% so với năm 2007….

Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu cũng đã biến động theo chiều hướng tăng tỷ trọng hàng hoá công nghiệp chế biến và nông sản chất lượng cao. Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 2,4 tỉ USD, tăng 22,4%, năm 2008 đạt 2,8 tỉ USD, tăng 16,6%; mặt hàng máy tính điện tử năm 2007 đạt 2,2 tỉ USD, tăng 27,5%, năm 2008 đạt 2,7 tỉ USD, tăng 22,7%.

Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực không chỉ giữ vững vị trí hàng nhất, nhì thế giới về số lượng mà bước đầu vươn tới cả chất lượng , giá cả và vệ sinh an toàn thực phẩm. Tính chung 2 năm sau khi vào WTO, kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản Việt Nam tiếp tục tăng trưởng cao; năm 2007 đạt 10,9 tỉ USD, tăng 21,7% so năm 2006, năm 2008 đạt 15,6 tỉ USD tăng 43,1% so năm 2007. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực đã tăng cao hơn mức cùng kỳ 2007, trong đó: hạt điều tăng 42,8%; gạo tăng 94,6%; cà phê tăng 83,2%; cao su tăng 73,1%, chè tăng 22,6%, thủy sản tăng 33,7% so với năm 2007.

Nét nổi bật trong những kết quả xuất khẩu nông sản trong 2 năm qua không phải chỉ tăng số lượng mà là tăng chất lượng và độ an toàn thực phẩm nên giá cả xuất khẩu tăng lên, thị trường mở rộng kể cả thị trường khó tính như Nhật Bản, EU và Mỹ. Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đã xâm nhập ngày càng nhiều vào các thị trường mới như Nam Mỹ, châu Phi, Nam Á là thành viên WTO với lượng và giá tăng dần.

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, thị tr ường xuất khẩu biến động bất lợi, nhất là Hoa Kỳ và EU, nh ưng hoạt động xuất khẩu năm 2007 và năm 2008 đạt kết quả nh ư trên là đáng ghi nhận.

Kim ngạch nhập khẩu năm 2007 đạt 62,7 tỉ USD, tăng 39,6%; năm 2008 đạt 80,7 tỉ USD, tăng 28% so năm 2007. Nhìn chung, kim ngạch nhập khẩu của hầu hết các mặt hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước đều tăng, chủ yếu do giá nhập khẩu tăng, trong đó giá một số mặt hàng tăng ở mức cao như: phân bón, xăng dầu, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, vải, linh kiện, nguyên phụ liệu dệt, may, da; phân bón; thức ăn gia súc….

2. Những hạn chế, bất cập

Kinh tế tăng trưởng chưa vững và chưa đều, hiệu quả và tính bền vững chưa cao. Điều đó được thể hiện khá rõ nét qua quy mô và tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế cũng như giá trị gia tăng của từng ngành sản xuất, hoạt động dịch vụ. Tốc độ tăng GDP bình quân 2 năm 2007-2008 thấp hơn tốc độ tăng GDP bình quân 2001-2006.

Nguyên nhân của thực tế đó, bên cạnh yếu tố khách quan còn có tác động của một số yếu tố chủ quan liên quan đến cơ chế chính sách về tổ chức, quản lý và đầu tư của từng ngành. Trong sản xuất công nghiệp tăng trưởng chưa vững, nhất là khu vực kinh tế nhà nước. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2006 tăng 17,1% nhưng năm 2007 tăng 17,0%, trong đó khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 10,4%, năm 2008 tăng 14,6% và 4%. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng của giá trị tăng thêm ngành công nghiệp 2 năm vào WTO vẫn chưa có tiến bộ so với các năm trước: năm 2007 tăng 10,22%, năm 2008 tăng 6,11% trong khi đó năm 2006 là 10,38%, năm 2005 tăng 10,69%. Chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm của khu vực này vẫn cao, từ 6%-7%. Do chi phí trung gian cao, nên sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp còn thấp, khó đứng vững trên thị trường trong nước với hàng ngoại nhập trong bối cảnh giảm thuế suất nhập khẩu theo cam kết WTO. Tỷ trọng công nghiệp gia công chế biến còn lớn, nhất là dệt may, giày dép, máy tính điện tử. Sản phẩm công nghiệp công nghệ cao mới chiếm khoảng 19% tổng giá trị sản phẩm công nghiệp, còn lại là loại trung bình và thấp nên chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường, nhất là xuất khẩu. Tổ chức sản xuất ngành công nghiệp công nghệ cao chưa phù hợp, nặng về khép kín, chưa chuyên môn hoá sâu, chưa có ngành công nghiệp phụ trợ phù hợp. Hoạt động giá công bằng nguyên liệu vật liệu nhập khẩu là chủ yếu. Trình độ kỹ thuật nói chung còn lạc hậu. Năng suất lao động, năng suất máy móc, trình độ của công nhân công nghiệp còn thấp, chưa theo kịp yêu cầu tăng sức cạnh tranh theo các cam kết WTO.

Trong khu vực nông, lâm, thủy sản, tốc độ tăng GDP chưa bền vững: năm 2007 tăng 3,76%, năm 2008 tăng 4,07% trong khi đó năm 2006 là 4,02%, năm 2005 là 4,36%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi 2 năm sau WTO lại thấp hơn các năm trước đó: năm 2007 tăng 4,6%, năm 2008 tăng 6% so với tốc độ tăng 11,4% năm 2005 và 6,9% năm 2006 (có dịch cúm gia cầm trên diện rộng). Nguyên nhân có nhiều, một phần do dịch gia súc, gia cầm nhưng một phần do tác độ trực tiếp của một số chính sách trong quá trình thực hiện cam kết WTO về giảm thuế suất nhập khẩu nông sản và mở cửa thị trường thức ăn gia súc chưa hợp lý đã và đang ảnh hưởng đến lợi ích của người chăn nuôi. Trong khi đó một số chương trình phát triển chăn nuôi hàng hoá không đem lại hiệu quả như: bò sữa, bò lai sind, lợn hướng nạc, chăn nuôi tập trung… Lâm nghiệp vẫn chưa có lối ra dù tăng trưởng rất thấp. Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng không đạt kết quả mong muốn buộc Quốc hội phải điều chỉnh cả về quy mô, cơ cấu, thời gian. Đến nay nguyên liệu cho công nghiệp đồ gỗ xuất khẩu vẫn dựa chủ yếu vào nhập khẩu trong khi diện tích rừng kinh tế và trữ lượng gỗ trong nước giảm dần, nghề rừng giảm. Thủy sản tăng trưởng nhanh nhưng chưa ổn định vì phụ thuộc quá lớn vào thị trường ngoài nước cả về thức ăn, con giống và tiêu thụ sản phẩm.

Thị trường ít sôi động, giá cả diễn biến phức tạp, sức mua của dân giảm mạnh, nhập siêu cao. Sau 2 năm vào WTO thị trường trong nước chưa có nhiều khởi sắc. Tốc độ tăng trưởng tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ 2 năm qua nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì chỉ đạt 6,4% – 6,5%. Các tốc độ này thấp hơn những năm trước khi vào WTO.

Nhập siêu hàng hoá tăng cao so với các năm trước đó. Năm 2006 là 6,6 tỉ USD, chiếm 15,5% kim ngạch xuất khẩu, năm 2007 tăng lên 14,2 tỉ USD, chiếm 29,5% và năm 2008 là 17 tỉ USD, chiếm 27,7 % tổng kim ngạch xuất khẩu. Năng lực sản xuất nhiều mặt hàng nông sản, khoáng sản đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao về sản lượng như những năm trước.

Du lịch tăng chậm do sản phẩm còn nghèo, chất lượng phục vụ chậm được cải tiến, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo, giá cả thuê phòng cao. Khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2007 đạt 4,2 triệu lượt khách quốc tế, năm 2008 đạt 4,25 triệu lượt người, tăng 1,1% so với năm 2007.

Giá tiêu dùng tăng cao. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2005 là 8,3%, năm 2006 tăng 7% so tháng 12 năm 2005, năm 2007 tăng 12,6%, năm 2008 tăng 19,9%. Giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất và đời sống tăng cao đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của dân cư nhưng chậm được khắc phục.

Như vậy, sau 2 năm vào WTO, tình hình kinh tế Việt Nam có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng khá cao, nông nghiệp liên tục được mùa, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục, xuất khẩu tăng trưởng cao, tình hình tài chính lành mạnh. Bên cạnh thành tựu, nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa vững chắc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm và không đều, chất lượng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, các ngành còn thấp, sức cạnh tranh của hàng hoá và dịch vụ chưa theo kịp yêu cầu hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới theo cam kết của WTO.

Trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nhất là suy thoái kinh tế toàn cầu tác động trực tiếp đến nước ta, những thành tựu đạt được trong 2 năm vào WTO là to lớn và cơ bản. Những hạn chế và bất cập tuy còn nhiều nhưng chỉ là khó khăn tạm thời, khó tránh khỏi trong bối cảnh chung của nền kinh tế đang chuyển đổi với điểm xuất phát thấp và bước đầu hội nhập vào WTO./.

Nguồn: Tạp chí Cộng sản số 10 (178) năm 2009