Tin tức

Cá tra, basa Việt Nam chiếm áp đảo 60% thị phần cá thịt trắng tại Chile

22/05/2019    2045

Ngoài Việt Nam, Trung Quốc cũng đang cung cấp sản phẩm cá hake phile đông lạnh (HS 030474) và cá rô phi phile đông lạnh (HS 030461) sang Chile. Nhưng cá tra, basa Việt Nam vẫn đang chiếm tới hơn 60% tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm cá thịt trắng tại Chile.

Xuất khẩu cá tra sang Chile tăng mạnh qua các năm

Năm 2018, xuất khẩu cá tra sang thị trường Chile đạt 8,85 triệu USD, chiếm 0,39% tổng xuất khẩucá tra và tăng 24,3% so với năm 2017.

Trong ba năm gần nhất từ 2016 - 2018, giá trị xuất khẩu cá tra, basa sang thị trường Chile tăng trưởng khá tốt, từ 15-24,3%.

So với các thị trường nhập khẩu thủy sản lớn tại khu vực Mỹ latinh như: Mexico hay Brazil thì Chile chỉ là một thị trường tiêu thụ nhỏ cá tra, basa của Việt Nam. 

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam – Chile được ký kết vào cuối năm 2011 và có hiệu lực vào đầu năm 2014, xuất khẩu cá tra, basa sang thị trường này có nhiều bước chuyển biến mới, trong đó, người dân đất nước này đã dần biết đến cá tra, basa của Việt Nam.

Nếu năm 2010, xuất khẩu cá tra, basa Việt Nam sang Chile chỉ đạt khoảng 3,31 triệu USD thì sau 3 năm vào năm 2012, giá trị xuất khẩu đã đạt 9,2 triệu USD (tăng gần gấp 3 lần). Đây cũng là năm xuất khẩu cá tra sang Chile đạt mức cao nhất kể từ năm 2008.

Chile được đánh giá là thị trường có nhiều khả năng có thể mở rộng hơn nữa. Hiện nay, Việt Nam là nguồn cung sản phẩm cá thịt trắng lớn nhất của Chile, trong đó, các doanh nghiệp đang tập trung xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm cá tra phile đông lạnh sang thị trường này. 

Ngoài Việt Nam, Trung Quốc cũng đang cung cấp sản phẩm cá hake phile đông lạnh (HS 030474) và cá rô phi phile đông lạnh (HS 030461) sang Chile. Nhưng cá tra, basa Việt Nam vẫn đang chiếm tới hơn 60% tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm cá thịt trắng của Chile.

Hiện nay, với lợi thế thuế suất nhập khẩu là 0% đối với sản phẩm cá tra, basa phile đông lạnh (HS 030462), thông qua các kênh phân phối của Chile, VASEP đánh giá sản phẩm Việt Nam sẽ có khả năng không chỉ được tiêu thụ tại nước này mà còn được giới thiệu và hiện diện tại các nước khác trong khu vực. 

"Do đó, VCFTA cũng mang đến nhiều cơ hội giao thương cho các doanh nghiệp cá tra Việt Nam nếu biết cách tận dụng và nắm bắt", VASEP nhận định.

23 hiệp định FTA của Chile: Áp lực cạnh tranh đối với Việt Nam

Tuy nhiên, trước khi VCFTA có hiệu lực, Chile đã ký đến 23 hiệp định thương mại tự do, tiêu biểu với các quốc gia như Mỹ, Mexico, Canada, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Panama, Costa Rica, El Salvador, Australia.

Do đó, VASEP đánh giá tại thị trường Chile, các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh là doanh nghiệp đến từ các quốc gia có nền sản xuất phát triển nhất trên thế giới, trong đó, gần nhất là Trung Quốc với mức thuế suất ưu đãi đối với sản phẩm cá thịt trắng đang được hưởng tương đương với Việt Nam.

Cá tra, basa Việt Nam mới được người dân Chile biết tới chỉ trong vài năm trở lại đây, tuy nhiên, trong 3 năm qua có nhiều dấu hiệu tích cực. Theo VASEP, đây cũng là một gợi ý tốt để các doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu sang khu vực Mỹ Latinh, ngoài hai thị trường truyền thống là Mexico và Brazil.

Tờ Undercurrentnews cho biết năm 2019, VASEP ước tính kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 2,4 tỉ USD, tăng 100 triệu USD so với năm 2018. Động lực chính để đạt được con số này đến từ thị nhu cầu ở hai thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc.

Hiện tại, ngành cá tra đang tập trung vào các công nghệ chế biến sâu, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm.

Nguồn: Vietnambiz