Các cam kết CPTPP của Úc dành cho Việt Nam

16/05/2019    5424

1. Các cam kết của Úc về tiếp cận thị trường hàng hóa

Câu 1: Úc cam kết cắt giảm thuế quan với hàng hóa của Việt Nam trong CPTPP như thế nào?

Trong CPTPP, Australia cam kết một biểu thuế quan chung, áp dụng cho tất cả các thành viên CPTPP. Trong đó, Australia cam kết xoá bỏ thuế quan đối với 93% số dòng thuế ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực. Gần như toàn bộ các dòng thuế còn lại sẽ được xóa bỏ trong vòng 3 đến 4 năm và tập trung chủ yếu ở các sản phẩm đang có thuế suất là 5%-10%, bao gồm: nhựa và cao su, dệt may, quần áo và giày dép, sắt thép, linh kiện ô tô, và một số máy móc, đồ nội thất. Sản phẩm duy nhất mà Australia không xóa bỏ thuế là ô tô đã qua sử dụng. Đối với sản phẩm này, Australia chỉ xóa bỏ mức thuế 5% đánh trên giá trị hàng hóa nhưng không xóa bỏ khoản thuế cố định 12,000 AUD đánh trên một sản phẩm.

Bảng 1: Cam kết cắt giảm thuế quan của Australia cho một số sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong CPTPP

Sản phẩm

Cam kết của Australia cho Việt Nam trong CPTPP

Rau quả

Xóa bỏ thuế quan đối với tất cả các dòng thuế ngay sau khi CPTPP có hiệu lực, trừ duy nhất một sản phẩm (măng tre – mã HS 2005.91.01) sẽ duy trì mức thuế MFN hiện tại 5% đến năm thứ 4 kể từ khi CPTPP có hiệu lực (tức là đến năm 2021) sẽ xóa bỏ thuế.

Chè, cà phê

Xóa bỏ thuế quan ngay sau khi CPTPP có hiệu lực

Hạt điều, hạt tiêu

Xóa bỏ thuế quan ngay sau khi CPTPP có hiệu lực

Đường, sữa, mật ong

Xóa bỏ thuế quan ngay sau khi CPTPP có hiệu lực

Thủy sản

Xóa bỏ thuế quan ngay sau khi CPTPP có hiệu lực

Dệt may, giày dép

Xóa bỏ đa số các dòng thuế ngay sau khi CPTPP có hiệu lực.

Các dòng thuế còn lại xóa bỏ thuế quan theo lộ trình tối đa 4 năm.

Gỗ và sản phẩm gỗ

Xóa bỏ đa số các dòng thuế ngay sau khi CPTPP có hiệu lực.

Một số ít các dòng thuế còn lại xóa bỏ thuế quan theo lộ trình 3 hoặc 4 năm.

Nguồn: Tác giả tự tổng hợp

CPTPP đã có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với 6 nước phê chuẩn ban đầu trong đó có Australia và có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 đối với Việt Nam. Do Australia và Việt Nam lựa chọn cắt giảm thuế ngay lập tức 2 lần cho nhau ngay sau khi CPTPP có hiệu lực đối với Việt Nam. Do đó, lộ trình cắt giảm thuế của Australia cho Việt Nam sẽ như sau:

Bảng 2: Lộ trình cắt giảm thuế của Australia cho Việt Nam theo CPTPP

Thời gian

Lộ trình Australia cắt giảm thuế quan cho Việt Nam

Từ 14/1/2019

Cắt giảm thuế quan theo lộ trình năm 2

Từ 1/1/2020

Cắt giảm thuế quan theo lộ trình năm 3

Từ 1/1/2021

Cắt giảm thuế quan theo lộ trình năm 4

Các năm tiếp theo

Các lộ trình tuần tự tiếp theo

 

Do lộ trình xóa bỏ thuế quan của Australia tối đa là 4 năm, đến ngày 1/1/2021 Australia sẽ hoàn thành lộ trình xóa bỏ theo CPTPP, tức là xóa bỏ toàn bộ thuế quan cho hàng hóa từ các thành viên CPTPP (trừ ô tô đã qua sử dụng).

Câu 2: Hiệp định CPTPP quy định về quy tắc xuất xứ (QTXX) như thế nào?

Với mỗi FTA, quy tắc xuất xứ là một nội dung rất quan trọng bởi vì các quy tắc này sẽ quyết định hàng hóa phải đáp ứng được các điều kiện gì về nguồn gốc nguyên liệu thì mới được hưởng ưu đãi thuế quan của FTA đó. Mục đích của QTXX là nhằm đảm bảo rằng hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ trong khu vực FTA thì mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Tuy nhiên, nhiều FTA để đạt được mục đích này lại đưa ra các bộ QTXX quá chặt chẽ và cứng nhắc khiến cho hàng hóa khó có thể đáp ứng được và do đó không được hưởng lợi về ưu đãi thuế quan của FTA.

QTXX của CPTPP được áp dụng chung cho tất cả các thành viên và được đánh giá là có nhiều điểm linh hoạt, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp so với nhiều FTA trước đây của Việt Nam (trong đó có AANZFTA). QTXX chủ đạo trong CPTPP là chuyển đỗi mã hàng hóa. Tuy nhiên, rất nhiều sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm công nghiệp, cho phép áp dụng thêm quy tắc hàm lượng giá trị khu vực, từ 40% - 50% (trong các FTA trước đây, bao gồm cả AANZFTA, tỷ lệ này phổ biến là 40%). Bản thân quy tắc hàm lượng giá trị khu vực cũng có nhiều cách tính khác nhau và trong nhiều trường hợp cho phép lựa chọn cách tính nào phù hợp và có lợi nhất cho doanh nghiệp.

Một điểm đặc biệt linh hoạt khác của CPTPP là đối với quy tắc hàm lượng giá trị khu vực cho phép áp dụng hình thức cộng gộp toàn bộ. Theo đó, nguyên liệu chỉ đáp ứng một phần quy tắc xuất xứ (ví dụ không thể đáp ứng tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực 40% mà chỉ có thể đáp ứng tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực 10%) nhưng giá trị phần có xuất xứ đó vẫn được phép cộng gộp vào công đoạn sản xuất tiếp theo để tính xuất xứ cho thành phẩm. Đa số các FTA trước đây của Việt Nam không cho phép cộng gộp toàn bộ như vậy.

Về thủ tục chứng nhận xuất xứ, CPTPP cũng có nhiều điểm linh hoạt trong đó nổi bật là cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Cụ thể, theo CPTPP, các doanh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ trên hóa đơn, chứng từ thương mại của mình mà không phải đi xin chứng nhận xuất xứ ở một cơ quan có thẩm quyền như hiện tại ở Việt Nam khi thực hiện các FTA khác (bao gồm cả AANZFTA). Trong đó đối tượng được tự chứng nhận xuất xứ bao gồm cả người nhập khẩu, người xuất khẩu và người sản xuất. Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ sẽ giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí so với cơ chế xin cấp chứng nhận xuất xứ hiện hành. Đây cũng là mô hình chứng nhận xuất xứ hiện đại đang được áp dụng ngày càng phổ biến bởi các quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, trong CPTPP Việt Nam có bảo lưu về lộ trình thực hiện thủ tục tự chứng nhận xuất xứ riêng, theo đó Việt Nam cam kết sẽ thực hiện song song hình thức chứng nhận xuất xứ cũ và hình thức tự chứng nhận xuất xứ theo CPTPP trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (và có thể gia hạn thêm 5 năm nữa). Điều này có nghĩa là sau tối đa 10 kể từ khi CPTPP có hiệu lực, Việt Nam có thể mới áp dụng hoàn toàn cơ chế tự chứng nhận xuất xứ.

Câu 3: So sánh các cam kết thuế quan của Úc dành cho Việt Nam trong Hiệp định CPTPP với AANZFTA và RCEP?

Xem xét với AANZFTA thì mức độ xóa bỏ thuế quan của Australia trong Hiệp định này còn cao hơn CPTPP. Cụ thể, trong AANZFTA Australia cam kết xóa bỏ toàn bộ thuế quan (bao gồm cả ô tô đã qua sử dụng) cho các hàng hóa của Việt Nam. Mặc dù lộ trình xóa bỏ thuế quan trong AANZFTA dài hơn CPTPP, nhưng do Hiệp định này đã có hiệu lực từ năm 2010 nên sẽ hoàn thành lộ trình trước CPTPP (AANZFTA hoàn thành lộ trình năm 2020 còn CPTPP là năm 2021).

Như vậy, cam kết về thuế quan của Australia cho Việt Nam trong AANZFTA và CPTPP cho tới thời điểm hiện tại (khi AANZFTA đã có hiệu lực 9 năm và CPTPP mới bắt đầu có hiệu lực) về cơ bản là tương đương nhau. Do đó doanh nghiệp có thể lựa chọn FTA nào để sử dụng khi xuất khẩu hàng hóa sang Australia tùy thuộc vào việc QTXX của hiệp định nào có lợi hơn cho doanh nghiệp. Mặc dù CPTPP có nhiều quy tắc và thủ tục xuất xứ linh hoạt và dường như dễ áp dụng hơn so với AANZFTA, nhưng việc áp dụng cộng gộp xuất xứ trong AANZFTA có thể sẽ có lợi hơn CPTPP do nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sử dụng nguyên liệu từ khu vực ASEAN hơn là từ các nước CPTPP.

Ngoài hai FTA chung đã có hiệu lực là AANZFTA và CPTPP, Australia và Việt Nam hiện cũng đang là thành viên của đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). RCEP được bắt đầu đàm phán từ tháng 5/2013 và cho đến nay đã trải qua 25 vòng đàm phán. Nếu được ký kết, RCEP sẽ trở thành một hiệp định lớn nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với 16 thành viên bao gồm 10 nước ASEAN và 6 đối tác đã có FTA với ASEAN là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand. Các nước thành viên đàm phán cũng đặt mục tiêu xây dựng một hiệp định RCEP chất lượng cao, và sẽ cao hơn các FTA ASEAN+1 đang có. Do đó mặc dù chưa kết thúc, nhưng theo dự đoán thì RCEP cũng sẽ có những cam kết cao về tự do hóa thương mại hàng hóa.

Là một trong những thành viên có trình độ phát triển cao nhất, Australia được dự kiến là sẽ có những cam kết xóa bỏ thuế quan mạnh mẽ, mạnh hơn trong AANZFTA. Mặc dù cho đến khi RCEP được ký kết và có hiệu lực (dự kiến phải 1, 2 năm tới) thì toàn bộ hàng hóa của Việt Nam đã được tự do vào thị trường Australia với thuế suất bằng 0% theo AANZFTA hoặc CPTPP, tuy nhiên, nếu có thể áp dụng RCEP thì khả năng đáp ứng được QTXX và hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định này của các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cao hơn CPTPP và AANZFTA. Đó là vì trong AANZFTA có Trung Quốc – một thị trường mà Việt Nam nhập khẩu phần lớn các nguyên liệu hàng hóa phục vụ sản xuất và xuất khẩu một số ngành mũi nhọn (dệt may, da giày…) nên các doanh nghiệp có thể cộng gộp xuất xứ nguyên liệu từ Trung Quốc trong tính toán hàm lượng giá trị khu vực để được hưởng ưu đãi thuế quan RCEP.

Câu 4: Trong CPTPP, Việt Nam cam kết như thế nào về thuế xuất khẩu?

Trong WTO, Việt Nam đã cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu ngoại trừ một số sản phẩm mà Việt Nam bảo lưu quyền tiếp tục áp thuế xuất khẩu. Những sản phẩm bảo lưu chủ yếu là những sản phẩm khai thác từ tài nguyên thiên nhiên như khoảng sản và nhiên liệu nhằm hạn chế xuất khẩu các sản phẩm này để giữ lại cho sản xuất trong nước. Tuy nhiên, trong CPTPP, Việt Nam đã phải cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu đối với phần lớn các sản phẩm còn bảo lưu theo WTO này, lộ trình xóa bỏ thuế là từ 5-15 năm. Việt Nam chỉ giữ lại quyền áp thuế xuất khẩu đối với 70 sản phẩm thuộc các nhóm khoảng sản, quặng, than và vàng. Như vậy, đối với các sản phẩm được dỡ bỏ thuế xuất khẩu theo CPTPP trong thời gian tới sẽ có cơ hội để tăng cường xuất khẩu sang các thị trường CPTPP trong đó có Australia.

Câu 5: Hiệp định CPTPP quy định như thế nào về các biện pháp cấm/hạn chế nhập khẩu?

CPTPP nhắc lại các nghĩa vụ trong WTO, theo đó các nước không được ban hành hoặc duy trì bất kỳ biện pháp cấm, hạn chế nhập khẩu nào ngoại trừ các trường hợp đã có cam kết và các ngoại lệ trong WTO. Bên cạnh các nghĩa vụ trong WTO, CPTPP còn yêu cầu các nước thành viên không được áp dụng các biện pháp có tính hạn chế nhập khẩu sau đây:

+ Các yêu cầu về giá nhập khẩu, ngoại trừ các trường hợp thực hiện các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp

+ Các biện pháp cấp phép nhập khẩu dựa trên tiêu chí về hoạt động

+ Chỉ cho phép tham gia nhập khẩu hoặc cho phép nhập khẩu một loại hàng hóa nếu có quan hệ hợp đồng hoặc quan hệ khác với một nhà phân phối nội địa

Đặc biệt, các cam kết liên quan tới các biện pháp hạn chế hoặc cấm nhập khẩu trong CPTPP sẽ được áp dụng cho cả hàng hóa tân trang (hàng hóa có một phần hoặc toàn bộ các bộ phận đã được tân trang lại nhưng có tuổi thọ và chức năng giống như một sản phẩm mới). Điều này có nghĩa là Australia sẽ không thể cấm hoặc hạn chế nhập khẩu các hàng hóa tân trang từ các nước thành viên CPTPP trong đó có Việt Nam.

Như vậy, các cam kết CPTPP đã mở rộng hơn WTO ở nhiều nội dung liên quan đến các biện pháp cấm/hạn chế nhập khẩu. Các cam kết này sẽ đảm bảo cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Australia tránh gặp phải các biện pháp cấm/hạn chế nhập khẩu nêu trên áp dụng đối với các hàng hóa xuất khẩu mới và cả hàng tân trang.

Câu 6: Các quy định hải quan và thuận lợi hóa thương mại được quy định như thế nào trong CPTPP?

Các cam kết về hải quan và thuận lợi hóa thương mại của CPTPP có nhiều nội dung quan trọng giúp tạo thuận lợi hơn cho thương mại nội khối, đặc biệt có lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm hiểu và đáp ứng các quy định hải quan của các nước. Do đó, các cam kết này được đánh giá là sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, với trên 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường CPTPP trong đó có Australia.

Cụ thể, Chương Hải quan và Thuận lợi hóa thương mại của CPTPP yêu cầu các nước phải minh bạch hóa thông tin và quy định về các thủ tục hải quan. Đồng thời, các nước cũng phải thông báo trước về bất kỳ thay đổi nào liên quan đến quy định và pháp luật về hải quan, xây dựng và duy trì các điểm hỏi đáp cho doanh nghiệp liên quan đến các quy định này. Các nước CPTPP cũng cam kết sẽ giải phóng hàng nhanh nhất có thể, chậm nhất là trong vòng 48 giờ. Ngoài ra để hạn chế các trường hợp chậm trễ giải phóng hàng do cơ quan hải quan chưa đưa ra được quyết định về mức thuế phí phải nộp, các nước cam kết sẽ vẫn cho phép giải phóng hàng trên cơ sở một khoản tiền bảo lãnh.

Đặc biệt, CPTPP quy định hải quan các nước thành viên phải cho phép nhà xuất khẩu trước khi xuất hàng có thể yêu cầu xác định trước về mã số hàng hóa, thuế quan áp dụng, xuất xứ hàng hóa… Đây là một quy định rất có lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam thường gặp rủi ro khi xác định sai mã hàng hóa hoặc xuất xứ hàng hóa khiến cho hàng hóa bị áp thuế quan khác so với dự kiến ban đầu.

Câu 7: CPTPP có quy định như thế nào về các biện pháp an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật (SPS)?

Australia là một trong số những nước áp dụng thường xuyên và khắt khe các biện pháp SPS đối với hàng hóa nhập khẩu. Đây cũng là một trong những rào cản khó khăn nhất của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Trong CPTPP, mặc dù Australia không có cam kết cụ thể nào về việc sẽ cắt giảm các biện pháp SPS, tuy nhiên, CPTPP đặt ra một số nghĩa vụ cao hơn WTO khiến cho việc áp đặt các biện pháp này sẽ khó khăn hơn đối với các thành viên nhập khẩu.

Cụ thể, CPTPP có các cam kết sâu hơn Hiệp định SPS của WTO về một số nội dung liên quan tới 04 khía cạnh sau:

  •  Về quy trình phân tích khoa học và rủi ro: Các nước CPTPP cam kết bảo đảm rằng:
  • Các biện pháp SPS phải dựa trên các nguyên tắc khoa học, tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế hoặc dựa trên việc đánh giá rủi ro khách quan theo đúng yêu cầu của WTO;
  • Việc đánh giá rủi ro phải được thực hiện minh bạch, có ghi chép lại và cho phép các chủ thể liên quan và các nước CPTPP cơ hội để bình luận;
  • Việc đánh giá rủi ro phải được tiến hành phù hợp với bối cảnh rủi ro liên quan, đồng thời tính đến các dữ liệu khoa học, thông tin định tính, định lượng có liên quan;
  • Nếu sau khi đánh giá rủi ro, nước nhập khẩu ban hành biện pháp SPS cho phép nhập khẩu, thì nước này phải áp dụng biện pháp đó trong một khoảng thời gian hợp lý;
  • Biện pháp quản lý rủi ro không gây cản trở thương mại vượt quá mức cần thiết và phải tính đến điều kiện kinh tế và kỹ thuật liên quan.
  •  Về thanh tra về SPS

Thanh tra về SPS là quy trình do nước nhập khẩu tiến hành đối với hệ thống thanh tra SPS của nước xuất khẩu hàng hóa, nhằm đảm bảo rằng hệ thống kiểm soát SPS của nước xuất khẩu đối với hàng xuất khẩu đáp ứng được các mục tiêu SPS của nước nhập khẩu. CPTPP ghi nhận quyền thanh tra về SPS của các nước nhập khẩu nhưng đòi hỏi việc thanh tra này phải đảm bảo một số yêu cầu nhất định, ví dụ:

  • Việc thanh tra phải có tính hệ thống, và phải hướng tới (phục vụ) việc đánh giá hiệu quả hoạt động kiểm soát SPS của nước xuất khẩu;
  • Trước khi tiến hành thanh tra, nước nhập khẩu và nước xuất khẩu phải thảo luận và quyết định về mục tiêu, phạm vi, tiêu chí, thủ tục và các bước thanh tra;
  • Nước nhập khẩu phải cho nước xuất khẩu cơ hội để bình luận về các kết luận sau thanh tra;
  • Nước xuất khẩu phải được thông báo bằng văn bản về kết quả thanh tra và phải được tạo cơ hội để góp ý kết quả này;
  • Kết luận thanh tra cuối cùng phải dựa trên bắng chứng khách quan và số liệu xác thực.
  • Về việc kiểm tra chuyên ngành SPS khi nhập khẩu

Theo cam kết trong CPTPP, liên quan tới quy trình kiểm tra chuyên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm khi nhập khẩu, các nước CPTPP phải:

  • Bảo đảm rằng việc kiểm tra của mình là dựa trên các nguy cơ gắn với việc nhập khẩu, quy trình kiểm tra nhanh chóng;
  • Cung cấp các thông tin về quy trình, căn cứ, tần suất kiểm tra chuyên ngành SPS cho nước CPTPP khác nếu được yêu cầu;
  • Bảo đảm rằng việc kiểm tra được tiến hành đúng phương pháp, thiết bị và theo các tiêu chuẩn áp dụng đối với phòng thí nghiệm quốc tế;
  • Nếu sau khi kiểm tra, nước nhập khẩu quyết định cấm hoặc hạn chế việc nhập khẩu hàng hóa liên quan thì phải thông báo kết quả kiểm tra trong vòng 07 ngày cho ít nhất là một trong số các chủ thể sau: người nhập khẩu, người xuất khẩu, nhà sản xuất hoặc Cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu. Thông báo này phải bao gồm nguyên nhân cấm/hạn chế nhập khẩu, căn cứ pháp lý; hiện trạng của hàng hóa liên quan và cách thức xử lý, nếu có. Và quyết định cấm/hạn chế này phải được rà soát lại sau đó theo yêu cầu của nước xuất khẩu.
  • Về biện pháp SPS khẩn cấp

CPTPP cho phép các nước được áp dụng các biện pháp SPS khẩn cấp cần thiết để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người, động, thực vật. Tuy nhiên khi áp dụng biện pháp này, nước áp dụng phải bảo đảm các yêu cầu:

  •    Thông báo nhanh chóng cho các nước Thành viên khác, và
  •    Trong vòng 6 tháng sau đó nước này phải rà soát lại căn cứ khoa học của biện pháp khẩn cấp và nếu sau rà soát vẫn tiếp tục duy trì biện pháp này thì phải định kỳ rà soát lại.

Với khá nhiều các cam kết mới trong cách thức và điều kiện áp dụng các biện pháp SPS, theo xu hướng nâng cao hàm lượng khoa học, chứng minh và điều kiện vật chất trong áp dụng các tiêu chuẩn SPS, trong tương lai các nước CPTPP trong đó có Australia có thể sẽ sẽ phải bỏ ra chi phí nhiều hơn để có thể sử dụng các biện pháp SPS. Điều này có thể sẽ khiến Australia phải thận trọng và hạn chế hơn trong việc ban hành các biện pháp SPS đối với hàng hóa nhập khẩu.

Câu 8: Hiệp định CPTPP quy định về các rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) như thế nào?

Bên cạnh các cam kết mang tính nhắc lại các nguyên tắc về TBT của WTO, CPTPP có thêm một số các cam kết mới liên quan tới (i) quy trình đánh giá sự phù hợp và (ii) Yêu cầu về nội dung các tiêu chuẩn TBT đối với một số sản phẩm cụ thể.

-    Về quy trình đánh giá sự phù hợp

Cam kết đáng chú ý nhất của CPTPP về vấn đề này là các nước không được đối xử phân biệt giữa các tổ chức đánh giá sự phù hợp đặt trụ sở tại các nước CPTPP với các tổ chức đặt trụ sở tại lãnh thổ nước mình, không được yêu cầu các tổ chức đánh giá sự phù hợp phải đặt trụ sở hay đặt văn phòng đại diện trên lãnh thổ nước mình.

-    Về TBT đối với một số loại hàng hóa cụ thể

CPTPP có Phụ lục về các nguyên tắc ràng buộc các nước khi ban hành các quy định TBT đối với 07 nhóm hàng hóa là rượu vang và đồ uống chưng cất, các sản phẩm công nghệ thông tin, dược phẩm, thiết bị y tế, mỹ phẩm, thực phẩm đóng gói và phụ gia thực phẩm, các sản phẩm hữu cơ. Các Phụ lục của Chương này không quy định về các tiêu chuẩn cụ thể nhưng ràng buộc quyền ban hành một số dạng biện pháp TBT nhất định đối với các sản phẩm này. Trong số 06 nhóm hàng trên, một số mặt hàng Việt Nam có xuất khẩu nhiều là đồ uống chưng cất, các sản phẩm công nghệ thông tin, thực phẩm đóng gói và phụ gia thực phẩm.

Như vậy, CPTPP sẽ không làm thay đổi lớn cơ chế áp dụng TBT của các nước thành viên trong đó có Australia. Tuy nhiên, với thêm một số cam kết ràng buộc khi ban hành các biện pháp TBT, đặc biệt đối với một số sản phẩm cụ thể, các nước CPTPP sẽ bị hạn chế phần nào khi muốn gia tăng áp dụng các biện pháp này trong tương lai.

Câu 9: Các cam kết về biện pháp phòng vệ thương mại trong CPTPP là gì?

Australia là một trong 10 quốc gia sử dụng nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) trên thế giới. Tính tới thời điểm 31/12/2017, Australia đã khởi xướng 332 vụ kiến chống bán phá giá, 28 vụ kiện chống trợ cấp, và 4 vụ kiện tự vệ đối với hàng hóa nước ngoài. Riêng đối với hàng hóa Việt Nam, tính đến 31/12/2018, Australia tiến hành 07 vụ kiện, trong đó có 05 vụ kiện chống bán phá giá và 02 vụ kiện đúp cả chống bán phá giá và chống trợ cấp.

Đối với các biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp, các cam kết trong CPTPP chủ yếu khẳng định lại các nguyên tắc của Hiệp định định về Chống bán phá giá và Hiệp định về Trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO. Bên cạnh đó, CPTPP cũng có thêm một số cam kết mới về hợp tác, ghi nhận một số thông lệ tốt về minh bạch và quy trình điều tra, áp dụng các biện pháp này. Tuy nhiên, trong CPTPP không có cam kết nào đề cập hay ghi nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam trong các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp mà các nước CPTPP tiến hành với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Riêng đối với các biện pháp tự vệ, CPTPP ngoài khẳng định lại các nguyên tắc của Hiệp định về biện pháp tự về của WTO còn bổ sung thêm một quy trình tự vệ mới  bên cạnh quy trình tự vệ theo WTO. Cụ thể, theo CPTPP, các nước có thể duy trì 02 nhóm biện pháp tự vệ, bao gồm tự vệ toàn cầu (tự vệ theo WTO như trước nay vẫn áp dụng) và tự vệ trong thời gian chuyển đổi (tự vệ riêng của CPTPP).

+ Tự vệ toàn cầu: CPTPP bổ sung một điểm mới so với WTO, đó là các nước CPTP khi áp dụng khi áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu có thể loại trừ các sản phẩm có xuất xứ mà áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc nằm trong danh mục cắt giảm thuế của nước đó nếu việc nhập khẩu các hàng hoá này không phải là nguyên nhân gây ra thiệt hại hoặc đe doạ gây ra thiệt hại đối với ngành sản xuất nội địa của nước đó. Nói cách khác, khi một nước CPTPP áp dụng một biện pháp tự vệ toàn cầu thì có thể loại trừ không áp dụng đối với các hàng hoá có xuất xứ từ một nước CPTPP khác. Đây là một điểm thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nếu Australia áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu thì có cơ hội được loại trừ ra khỏi danh sách các nước bị áp thuế tự vệ của Australia.

+ Tự vệ trong thời gian chuyển đổi: CPTPP cho phép một nước thành viên tiến hành điều tra và áp dụng biện pháp tự vệ chỉ đối với hàng hoá của một hoặc nhiều nước thành viên CPTPP khác trong thời gian chuyển đổi (là khoảng thời gian 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực hoặc dài hơn tuỳ thuộc vào lộ trình cắt giảm thuế của hàng hoá bị áp dụng), nếu việc cắt giảm thuế quan đối với hàng hoá đó dẫn đến lượng nhập khẩu gia tăng đột biến và gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu. Các biện pháp tự vệ có áp dụng trong trường hợp này là i) Ngừng cắt giảm thuế quan theo lộ trình cắt giảm thuế quan đối với sản phẩm bị áp dụng, hoặc ii) Tăng thuế quan của sản phẩm bị áp dụng lên mức thuế MFN. Như vậy, đây sẽ là một điểm cần lưu ý đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang Australia vì có thể sẽ bị áp dụng các biện pháp tự vệ này trong thời gian thực hiện lộ trình cắt giảm thuế của Australia theo CPTPP (lộ trình tối đa của Australia là 4 năm).

Câu 10: So sánh các cam kết phi thuế quan trong CPTPP với AANZFTA và RCEP?

So sánh với CPTPP, AANZFTA không có nhiều cam kết cắt giảm các hàng rào phi thuế quan như CPTPP. Tuy nhiên, AANZFTA có một số nội dung về SPS và TBT đặc thù giúp tạo thuận lợi cho thương mại nội khối.

Về các biện pháp SPS, các nước thành viên AANZFTA được khuyến nghị xây dựng các thỏa thuận và quyết định tương đương. Ngoài ra, nếu được bên xuất khẩu yêu cầu, bên nhập khẩu phải đàm phán nhằm xây dựng lên những thỏa thuận công nhận song phương về các biện pháp SPS tương đương. AANZFTA cũng thiết lập một cơ chế tham vấn nhằm giải quyết các vấn đề SPS, và thành lập một Tiểu ban SPS nhằm mục đích rà soát việc thực hiện các điều khoản SPS của AANZFTA.

Liên quan đến các biện pháp TBT, AANZFTA yêu cầu các nước thành viên phải sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế làm nền tảng cho việc xây dựng các quy chuẩn quốc gia. Trong trường hợp sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế không phù hợp hoặc kém hiệu quả và các tiêu chuẩn giữa các quốc gia thành viên lại khác nhau, thì nước xuất khẩu có quyền yêu cầu nước nhập khẩu xem xét chấp nhận các tiêu chuẩn của nước xuất khẩu là tương đương. AANZFTA cũng ràng buộc các thành viên phải nỗ lực thực  hiện các sáng kiến thuận lợi hóa thương mại liên quan đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp, kể cả các hiệp định hay thỏa thuận liên quan đến vấn đề này như các thỏa thuận về công nhận tương đương. Và chẳng hạn nếu có hai thành viên ký các hiệp định hoặc thỏa thuận trên thì phải có nghĩa vụ mở rộng cho phép sự tham gia hiệp định/thỏa thuận đó đến các thành viên khác của AANZFTA.

Còn so sánh với RCEP, mặc dù hiệp định này vẫn chưa kết thúc đàm phán và do đó chưa công bố văn kiện đàm phán nhưng theo như các thông tin được đưa ra trong các tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo RCEP thì RCEP cũng hướng tới cắt giảm đáng kể các rào cản phi thuế quan nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại nội khối. Tuy nhiên, đây là một hiệp định với nhiều thành viên có trình độ phát triển khác nhau nên mặc dù mục tiêu đưa ra là cao nhưng kết quả có thể khó đạt được như mong đợi.

2. Các cam kết của Úc về dịch vụ và đầu tư

CPTPP là một hiệp định có tiêu chuẩn cao về tự do hóa thương mại dịch vụ và bảo hộ đầu tư giúp thúc đẩy thương mại dịch vụ và đầu tư trong khối đồng thời cũng tăng cường bảo đảm quyền lợi của các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư của các nước thành viên. Các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư của Việt Nam sang Australia sẽ được hưởng một môi trường kinh doanh trong khu vực thuận lợi, minh bạch hơn và có thể dự đoán được từ các cam kết về nguyên tắc về dịch vụ và đầu tư trong CPTPP, đồng thời cũng sẽ dễ dàng tiếp cận thị trường dịch vụ và đầu tư của các nước thành viên CPTPP hơn thông qua các cam kết về tự do hóa thương mại và đầu tư của Hiệp định.

Câu 11: Các nước CPTPP cam kết như thế nào về các nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho các nhà cung cấp dịch vụ?

Nguyên tắc chủ đạo mà CPTPP đặt ra là không phân biệt đối xử. Các thành viên CPTPP sẽ không được phân biệt đối xử giữa các nhà cung cấp dịch vụ trong nước và nước ngoài (nguyên tắc đối xử Quốc gia), và giữa các nhà cung cấp dịch vụ từ các thành viên CPTPP với các nhà cung cấp dịch vụ từ các nước ngoài thành viên (nguyên tắc đối xử Tối huệ quốc). CPTPP cũng yêu cầu các thành viên không được đặt ra các hạn chế về số lượng đối với các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài (như hạn chế về số lượng nhà cung cấp), các hạn chế về hình thức pháp lý của doanh nghiệp có thể cung cấp dịch vụ (nghĩa vụ Tiếp cận thị trường). Ngoài ra, các thành viên CPTPP không được yêu cầu một nhà cung cấp dịch vụ từ một nước thành viên CPTPP khác phải thiết lập văn phòng đại diện hoặc bất kỳ hình thức doanh nghiệp nào trên lãnh thổ của mình, hay phải cư trú trên lãnh thổ mình để cung cấp dịch vụ qua biên giới.

Ngoài các nguyên tắc cơ bản nói trên, CPTPP cũng đặt ra một số yêu cầu mới đối với các thành viên trong quản lý các dịch vụ qua biên giới, như: i) các yêu cầu đối với các quy định nội địa liên quan phải hợp lý, khách quan, công bằng, quy trình cấp phép phải rõ ràng, khả thi…ii) phải tạo điều kiện để thúc đẩy thảo luận tiến tới chấp nhận bằng cấp của nhau, iii) cho phép chuyển tiền và thanh toán liên quan tới các dịch vụ qua biên giới ra hoặc vào lãnh thổ một cách tự do, không chậm trễn, không hạn chế loại tiền tệ và theo tỷ giá thị trường tại thời điểm chuyển….iv) các thành viên phải đáp ứng một số yêu cầu về minh bạch, như phải có cơ chế để cho các bên liên quan bình luận về các quy định, phải để một khoảng thời gian hợp lý trước khi văn bản có hiệu lực….

Các nhà cung cấp dịch vụ của Việt Nam sang thị trường Australia cũng sẽ được hưởng những lợi ích từ những nguyên tắc chung này. Mặc dù hiện tại Australia đã đang là một thị trường khá mở về dịch vụ nhưng với thêm các nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho nhà cung cấp dịch vụ theo CPTPP, các nhà cung cấp dịch vụ của Việt Nam sẽ yên tâm hơn khi xuất khẩu dịch vụ sang thị trường này.

Câu 12: Các nước CPTPP cam kết như thế nào về các nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư?

Tương tự như dịch vụ, nguyên tắc chủ đạo đối với đầu tư cũng là không phân biệt đối xử - nguyên tắc đối xử Quốc gia và nguyên tắc đối xử Tối huệ quốc. CPTPP cũng đặt ra nguyên tắc liên quan tới Các yêu cầu về hoạt động cấm các nước đặt ra các yêu cầu bắt buộc liên quan tới việc thành lập, mua lại, ở rộng, quản lý, hoạt động/vận hành của khoản đầu tư hay các yêu cầu về mức giá, thời hạn, trị giá bản quyền theo hợp đồng li-xăng…Các nguyên tắc liên quan tới Nhân sự quản lý cao cấp và Ban lãnh đạo không cho phép các nước thành viên đặt ra các yêu cầu về quốc tịch bắt buộc của nhân sự quản lý cấp cao hay Ban lãnh đạo của công ty có đầu tư nước ngoài….

Bên cạnh các nguyên tắc mở cửa thị trường, xóa bỏ rào cản đầu tư kể trên, CPTPP cũng đặt ra các nguyên tắc nhằm đảm bảo các quyền lợi cơ bản của nhà đầu tư, bao gồm: i) các nguyên tắc Chuẩn đổi xử tối thiểu – đối xử với nhà đầu tư nước ngoài một cách công bằng, thỏa đáng, bảo hộ an toàn, đầy đủ theo tập qán quốc tế, ii) nguyên tắc Bảo vệ tài sản của nhà đầu tư trước các biện pháp tịch thu, cưỡng chế, quốc hữu hóa, nếu nước nhận đầu tư thực hiện các biện pháp này thì phải bồi thường nhanh chóng, chính xác, đúng giá thị trường…., iii) nguyên tắc bảo đảm việc chuyển vốn tự do liên quan đến khoản đầu tư. Đặc biệt, CPTPP thiết lập một cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nước nhận đầu tư và nhà đầu tư (ISDS) theo đó cho phép nhà đầu tư có quyền kiện chính phủ nước nhận đầu tư ra một tổ chức trọng tài độc lập. Đây là một công cụ khá mạnh cho phép nhà đầu tư bảo vệ quyền lợi của mình trong trường hợp xảy ra tranh chấp với nước nhận đầu tư.

Các nhà đầu tư của Việt Nam sang thị trường Australia cũng sẽ được hưởng những lợi ích từ những nguyên tắc chung này. Mặc dù hiện tại Australia đã đang là một thị trường an toàn về đầu tư nhưng với thêm các nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho nhà cung cấp dịch vụ theo CPTPP, các nhà cung cấp dịch vụ của Việt Nam sẽ yên tâm hơn khi đầu tư sang thị trường này.

Câu 13: Các nước CPTPP cam kết như thế nào về các nguyên tắc đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính?

Vì dịch vụ tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán) mang những đặc thù nhất định, CPTPP bao gồm một chương độc lập thiết lập các nguyên tắc riêng cho lĩnh vực dịch vụ này. Bên cạnh các nghĩa vụ chung về không phân biệt đối xử (nghĩa vụ đối xử Quốc gia và đối xử Tối huệ quốc) và minh bạch hóa  nhằm đảm bảo cho các nhà cung cấp dịch vụ và đầu tư tài chính nước ngoài được đối xử một cách công bằng và bình đẳng, Chương về Dịch vụ Tài chính của CPTPP cũng đặt ra một loạt các nghĩa vụ cụ thể, chẳng hạn như: i) cho phép cung cấp qua biên giới các dịch vụ quản lý danh mục đầu tư; dịch vụ thanh toán điện tử cho các giao dịch thanh toán thẻ, ii) cho phép  các tổ chức tài chính nước ngoài chuyển tải qua biên giới thông tin để xử lý dữ liệu với điều kiện vẫn đáp ứng được các yêu cầu về riêng tư và bảo mật; iii) thiết lập một quy trình đặc biệt cho phép bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến các biện pháp an toàn tài chính của một nước thành viên sẽ không bị kiện theo cơ chế giải quyết tranh chấp ISDS.

Mặc dù CPTPP đặt ra rất nhiều nguyên tắc và nghĩa vụ về dịch vụ và đầu tư áp dụng chung cho tất các thành viên nhưng cũng đi kèm nhiều ngoại lệ chung và bảo lưu riêng của từng nước nhằm đảm bảo cho các nước vẫn có không gian chính sách để ban hành các quy định và chính sách công nhằm bảo vệ an ninh quốc phòng, tính mạng, sức khỏe con người và động thực vật, bảo vệ môi trường, văn hóa xã hội….

Câu 14: Australia cam kết như thế nào về tự do hóa thương mại dịch vụ và đầu tư?

Khác với WTO và nhiều FTA trước đây, mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư trong CPTPP được thực hiện theo hình thức “chọn – bỏ”, mỗi nước sẽ liệt kê ra một Danh mục các lĩnh vực dịch vụ mà nước đó chưa muốn mở, hoặc mở cho đối tác ở một mức nhất định và nước này sẽ chỉ phải mở tối thiểu như mức đã cam kết; đối với các lĩnh vực nằm ngoài Danh mục này, nước đó sẽ phải mở toàn bộ, không có bất kỳ hạn chế gì cho đối tác. Danh mục này trong CPTPP gọi là Danh mục các biện pháp không tương thích. Mỗi nước CPTPP có một Danh mục này, thể hiện các cam kết về tự do hóa thương mại dịch vụ và đầu tư của nước đó trong CPTPP.

Australia có nhiều cam kết mở cửa về dịch vụ và đầu tư trong CPTPP cao hơn so với WTO. Trong đó, đáng lưu ý là Australia tăng ngưỡng rà soát[1] bởi Ban Rà soát Đầu tư Nươc ngoài (FIRB) đối với các nhà đầu tư nước ngoài (nhà đầu tư tư nhân, không phải chính phủ) từ các nước CPTPP từ 252 triệu AUD lên 1,094 AUD[2] cho các khoản đầu tư trong các lĩnh vực không nhạy cảm. Còn đối với các lĩnh vực nhạy cảm (như truyền thông, giao thông vận tải, một số dịch vụ quốc phòng, cơ sở hạt nhân…) thì Australia vẫn duy trì ngưỡng rà soát là 252 triệu AUD và thấp hơn nữa đối với các lĩnh vực đặc biệt nhạy cảm (như đầu tư vào đất thành phố, đất nông nghiệp…).

Ngoài ra đối với các dịch vụ xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam (du lịch, vận tải) và các lĩnh vực đầu tư mà Việt Nam có thế mạnh (tài chính ngân hàng, bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô xe máy và xe có động cơ, nông lâm nghiệp thủy sản, chế biến chế tạo) Australia có mở hơn trong CPTPP so với WTO một số lĩnh vực sau:

Bảng 3: Một số lĩnh vực dịch vụ xuất khẩu và đầu tư thế mạnh của Việt Nam được Australia mở cửa hơn trong CPTPP so với WTO

Lĩnh vực

Cam kết của Australia trong CPTPP cao hơn WTO

Dịch vụ phân phối

 

  • Dịch vụ bán buôn (CPC 6221, 6222, 6223-6228)

Các dịch vụ bán buôn các nguyên liệu nông nghiệp thô và động vật sống. Ngoại trừ các dịch vụ bán buôn thuốc lá chưa gia công và sản phẩm thuốc lá, đồ uống có cồn, súng

  • Loại bỏ các hạn chế đối với Phương thức 1-3
  • Dịch vụ bán lẻ (CPC 631**, 63211**, 63212, 6322, 6323, 6324, 6325, 6329**, 61112, 6113, 6121)

Cam kết của Australia liên quan đến những lĩnh vực này mở rộng để bao gồm các dịch vụ sau không được liệt kê trong phân loại CPC có liên quan: dịch vụ quản lý kho hàng, lắp ráp, phân loại và xếp loại hàng hóa, phá vỡ h àng hóa, phân phối lại và dịch vụ giao hàng cho bán lẻ. Không  bao gồm việc pha chế dược phẩm, bán lẻ đồ uống có cồn, thuốc lá và súng.

  • Loại bỏ các hạn chế đối với Phương thức 2 và 3

Dịch vụ du lịch và các dịch vụ liên quan

  •  
  • Dịch vụ đại lý du lịch và điều hành tour du lịch (CPC 7471)
  • Loại bỏ các hạn chế đối với  Phương thức 1, 2, 3

Dịch vụ vận tải

 

      Dịch vụ vận tải hàng không

 

  • Các dịch vụ vận hành cảng hàng không
  • Loại bỏ các  hạn chế đối với Phương thức 1, 2, 3
  • Các dịch vụ điều hành mặt đất
  • Loại bỏ các  hạn chế đối với Phương thức 1, 2, 3
  • Các dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng máy bay trong thời gian nghỉ ngoại trừ bảo dưỡng đường (CPC 8868**)
  • Loại bỏ các  hạn chế đối với Phương thức 1, 2, 3
  • Bán và tiếp thị các dịch vụ vận tải hàng không
  • Loại bỏ các hạn chế đối với Phương thức 1 ngoại trừ các dịch vụ bán lẻ (CPC 631**, 63211**, 63212, 61112, 6113, 6121, 6322, 6323, 6324, 6325, 6329**).
  • Loại bỏ các hạn chế đối với Phương thức 2 và 3
  • Các dịch vụ phụ trợ cho tất cả các phương thức vận tải:

+ Dịch vụ lưu trữ và kho (CPC 742 không bao gồm vận tải hàng hải)

Cam kết của Australia liên quan đến những dịch vụ này mở rộng để bao gồm các dịch vụ ngoài những dịch vụ được liệt kê trong CPC 742: dịch vụ trung tâm phân phối và xử lý vật liệu, và dịch vụ thiết bị chẳng hạn như trạm container và dịch vụ kho (không bao gồm vận tải hàng hải)

+ Loại bỏ các hạn chế đối với Phương thức 2 và 3

+ Dịch vụ đại lý vận tải hàng hóa (CPC 748 không bao gồm vận tải hàng hải)

Cam kết của Australia liên quan đến những dịch vụ này mở rộng để bao gồm những dịch vụ ngoài các dịch vụ được liệt kê trong CPC 748: dịch vụ cơ quan hải quan, dịch vụ lập lịch bốc hàng (không bao gồm vận tải hàng hải)

+ Loại bỏ các hạn chế đối với Phương thức 1, 2, 3

+ Dịch vụ hỗ trợ vận tải và các dịch vụ phụ trợ khác (CPC 749 không bao gồm vận tải hàng hải)

Cam kết của Australia liên quan đến những dịch vụ này mở rộng để bao gồm những dịch vụ ngoài các dịch vụ được liệt kê trong CPC 749: dịch vụ cho thuế container (không bao gồm vận tải hàng hải)

+ Loại bỏ các hạn chế đối với Phương thức 1, 2, 3

 

Câu 15: Cam kết về dịch vụ và đầu tư của Australia trong CPTPP có gì khác so với AANZFTA và RCEP?

So với AANZFTA, các cam kết về dịch vụ và đầu tư trong CPTPP có tiêu chuẩn cao hơn nhiều cả về các nguyên tắc áp dụng chung và các cam kết cụ thể về tự do hóa dịch vụ và đầu tư. Chẳng hạn như đối với các nguyên tắc về đầu tư, so với AANZFTA, CPTPP bổ sung thêm một số nghĩa vụ mới với nhà nước, tăng bảo  hộ cho nhà đầu tư như Chuẩn đối xử tối thiểu, Đối xử trong trường hợp xung đột vũ trang hoặc bạo loạn dân sự, Thế quyền, Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp…. Đồng thời, CPTPP cũng bổ sung thêm nhiều điều khoản đối với các nội dung như Yêu cầu về hoạt động, Trưng thu trưng dụng, Quy trình giải quyết tranh chấp nhà nước – nhà đầu tư…so với AANZFTA.

Về các cam kết tự do hóa dịch vụ và đầu tư, trong khi CPTPP sử dụng phương thức “Chọn – Bỏ” thì AANZFTA vẫn sử dụng phương thức “Chọn – Cho” như trong CPTPP. Đồng thời, Australia có thêm nhiều cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư trong CPTPP hơn so với AANZFTA. Chẳng hạn như trong AANZFTA, Australia không có cam kết nâng ngưỡng rà soát các khoản đầu tư bởi Ban Rà soát Đầu tư Nước ngoài cho các nhà đầu tư của Việt Nam như trong CPTPP. Australia cũng không mở nhiều lĩnh vực dịch vụ, đầu tư là thế mạnh của Việt Nam như du lịch, vận tải, phân phối trong AANZFTA như trong CPTPP.

Liên quan đến Hiệp định RCEP, hiện tại Chương Dịch vụ và Đầu tư của Hiệp định này vẫn đang trong quá trình đàm phán và chưa công bố nội dung cụ thể của đàm phán. Theo Đề cương đàm phán đính kèm Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo RCEP tháng 11/2017 thì Chương Dịch vụ của RCEP sẽ được xây dựng dựa trên Hiệp định Thương mại Dịch vụ (GATS) của WTO và các FTA ASEAN+1; và Chương về Đầu tư sẽ thiết lập các điều khoản nhằm đảm bảo một môi trường đầu tư thuận lợi trong khu vực bao gồm 4 trụ cột chính của đầu tư là: Bảo hộ, tự do hóa, thủ đẩy, và tạo thuận lợi.

3. Các cam kết về lao động của Australia

Câu 16: Các cam kết chung về lao động của các nước CPTPP là gì?

Mở cửa thị trường và hội nhập về lao động là vấn đề rất đặc thù mà hầu như tất cả các nền kinh tế đều rất thận trọng, thể hiện qua những cam kết rất hạn chế trong WTO cũng như các FTA. Là FTA thế hệ mới nhưng CPTPP cũng không phải ngoại lệ về lĩnh vực này, dù rằng mức độ cam kết về mở cửa thị trường lao động trong Hiệp định này đã cởi mở hơn so với WTO và các FTA trước đây. Các cam kết mở cửa hơn này cũng chỉ dành cho một số đối tượng lao động đặc thù, như các giám đốc, chuyên gia làm việc cho một chi nhánh hoặc văn phòng đại diện ở nước ngoài, lao động cung cấp dịch vụ theo một hợp đồng có sẵn như kỹ sư lắp đặt hoặc bảo trì máy móc thiết bị…. Bên cạnh đó, những điều kiện về trình độ, kinh nghiệm đặt ra cho các đối tượng này để được tiếp cận thị trường cũng rất phức tạp và ngặt nghèo.

Cụ thể, trong CPTPP, các cam kết về mở cửa thị trường lao động đối với các đối tượng lao động kể trên được quy định trong Chương về Di chuyển thể nhân, với các cam kết chung về nghĩa vụ của các nước trong việc đảm bảo thuận lợi cho các đối tượng lao động nước ngoài này khi nhập cảnh vào nước mình, và các cam kết riêng của từng nước trong việc mở cửa thị trường cho từng loại hình lao động đó.

Việc nhập cảnh tạm thời của lao động sang làm việc tại các nước CPTPP sẽ được tạo thuận lợi hơn theo các nước cam kết, bao gồm hai nhóm cam kết chính sau:

(i) Các cam kết về minh bạch hóa thông tin và thủ tục: CPTPP yêu cầu các nước thành viên phải thực hiện một số nghĩa vụ minh bạch, trong đó đáng chú ý có:

  • Minh bạch hóa thông tin về điều kiện nhập cảnh, bao gồm cả các tài liệu giải thích và biểu mẫu liên quan;
  • Thiết lập và duy trì các cơ chế trả lời các câu hỏi liên quan;
  • Cung cấp thông tin kịp thời về tình trạng của đơn xin nhập cảnh (nếu được yêu cầu);
  • Đảm bảo mức phí nộp đơn và thời gian xử lý phải hợp lý

(ii) Các cam kết về hợp tác:

  • Thiết lập một Ủy ban về Nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh: Ủy ban họp định kỳ 3 năm/lần, để rà soát việc thực hiện các nghĩa vụ theo Chương này của các nước thành viên và các vấn đề phát sinh liên quan khác trong quá trình thực hiện Hiệp định.
  • Cam kết sẽ xem xét thực hiện các hoạt động hợp tác khác (ví dụ tư vấn về việc phát triển hệ thống cấp visa điện tử, chia sẻ kinh nghiệm về việc sử dụng công nghệ sinh trắc học, hệ thống thông tin hiện đại nhằm đảm bảo an ninh biên giới…)

Câu 17: Australia có cam kết riêng gì về mở cửa thị trường lao động cho Việt Nam?

So với WTO, Australia chỉ mở thêm một loại hình lao động là chuyên viên cài đặt hoặc cung cấp dịch vụ máy móc hoặc thiết bị theo một hợp đồng mua bán cho Việt Nam và các nước CPTPP khác cũng có cam kết mở cửa đối với loại hình lao động này. Thời gian lưu trú cho phép đối với loại hình lao động này tối đa là 3 tháng. Đối với các loại hình lao động khác, cam kết trong CPTPP tương tự như WTO.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, Australia và Việt Nam có thêm một Thư song phương về Việc làm và Lao động kỳ nghỉ. Theo đó, hai nước sẽ thực hiện rà soát việc thực thi Thỏa thuận về Lao động kỳ nghỉ đã có giữa hai bên ký ngày 18/3/2015 để mở rộng Thỏa thuận này. Về thời hạn, về rà soát này sẽ được thực hiện trong vòng 1 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực với hai Bên. Về nội dung, Australia cam kết khi rà soát sẽ nâng số lao động kỳ nghỉ của Việt Nam được phép sang Australia từ 200 người/năm (theo Thỏa thuận hiện hành) lên 1,500 người/năm.

Đây là một cam kết của Australia rất có lợi cho các lao động trẻ tuổi của Việt Nam muốn kết hợp đi nghỉ (du lịch) với làm việc tại Australia trong thời gian nghỉ. Thực tế trong quá trình thực hiện Thỏa thuận về Lao động kỳ nghỉ ký năm 2015 giữa hai bên cho thấy Thỏa thuận này đã thu hút được sự quan tâm lớn của nhiều lao động Việt Nam mong muốn làm việc tại Australia. Kể từ khi thực hiện chương trình này, hàng năm Việt Nam đã sử dụng hết hạn ngạch được phép (200 lao động) để đưa lao động Việt Nam sang Australia làm việc trong thời hạn 1 năm.

Câu 18: So sánh các cam kết về lao động của Australia trong CPTPP so với AANZFTA và RCEP?

Các cam kết về di chuyển thể nhân trong CPTPP về cơ bản cũng tương tự như AANZFTA. Các cam kết chung của CPTPP có bổ sung thêm một vài nghĩa vụ, chẳng hạn như vấn đề hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng và áp dụng các thủ tục liên quan đến việc thụ lý thị thực và an ninh biên giới. Còn đối với các cam kết về mở cửa thị trường đối với một số đối tượng lao động đặc thù thì CPTPP tương tự như AANZFTA. Tuy nhiên, trong CPTPP, Australia có thêm các cam kết liên quan đến lao động kỳ nghỉ cho Việt Nam mà trong AANZFTA không có.

Đối với RCEP, nội dung về Di chuyển thể nhân vẫn đang được đàm phán và hiện chưa công bố thông tin cụ thể nào về đàm phán này.

Nguồn: Nhóm Nghiên cứu – Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI, được tài trợ bởi Quỹ hỗ trợ Cựu sinh viên Australia

 

 

 


[1] Tùy thuộc lĩnh vực đầu tư, khi khoản đầu tư vượt một ngưỡng quy định thì nhà đầu tư sẽ phải xin phép tại Ban Rà soát Đầu tư Nước ngoài của Australia, còn dưới ngưỡng đó thì sẽ không phải xin phép.

[2] Đây là các mức được tính tại thời điểm 1/1/2015, các mức này sẽ được điều chỉnh hàng năm dựa trên hệ số khử lạm phát tính theo GDP của năm đó.