Tin tức

Doanh nghiệp Việt vẫn "loay hoay" với thị trường ASEAN

12/04/2019    189

Sau 3 năm tham gia AEC, các doanh nghiệp Việt vẫn chưa tìm ra mặt hàng chiến lược cho thị trường ASEAN - Đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng CIEM.

Trong khi đó bà Tuệ Anh đánh giá sau 3 năm tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN, hàng hóa của các nước trong khu vực vào Việt Nam khá lớn.

DN Việt xuất khẩu vào ASEAN thấp nhất trong khu vực

Thị trường ASEAN mang lại không ít thách thức nhưng ra mở ra rất nhiều tiềm năng, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam chưa biết tận dụng, khai thác được tiềm năng này.

Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) cho rằng: hình thức sản phẩm chưa đa dạng, giá sản phẩm chưa cạnh tranh, hệ thống phân phối hàng hóa còn kém, chưa kết nối chặt chẽ với các cơ quan chức năng phụ trách xúc tiến, ngoại giao… Cùng với đó, hàng hóa vào các nước đạo Hồi có quy định khắt khe riêng thì các doanh nghiệp Việt chưa trang bị đủ điều kiện. Các rào cản kỹ thuật, pháp lý của các nước trong khu vực…cũng chưa được các doanh nghiệp nắm rõ. Đó là những rào cản chưa thể vượt qua được của các đơn vị doanh nghiệp xuất khẩu.

Với thị trường 660 triệu dân, GDP 2016 đạt 2.551 tỉ USD và dự kiến trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2030, AEC hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, để hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu, hình thành một thị trường chung là hết sức quan trọng cho doanh nghiệp và ACE là chuỗi để doanh nghiệp tham gia vào giá trị chuỗi của khu vực. Đây là một thị trường không hề nhỏ. Một số cam kết trong ACE tập trung nhiều vào tự do hàng hóa, dịch vụ, đầu tư,... và cắt giảm về thuế quan trong AEC là khá cao tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt.

Đáng tiếc, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu vào ASEAN hiện thấp nhất so với các nước khác trong khu vực. Trong 100% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, chỉ có 9,8% vào thị trường ASEAN. Nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN cũng thấp nhất (13,7%) so với các khối khác (so với các hiệp định thương mại tự do khác).

Khi thị trường chung mở ra nhiều cơ hội kinh doanh, hợp tác, liên kết, đầu tư và tạo năng lực cạnh tranh, đồng thời cũng tạo thách thức cho doanh nghiệp, các hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước làm sao cho doanh nghiệp Việt ngày càng lớn mạnh hơn. Một thách thức khác là doanh nghiệp hiểu biết về AEC và khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan còn hạn chế, thực tế là nhiều đơn vị đang rất thiếu thông tin.

Theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, có hai tác động tích cực, ASEAN làm tăng khối lượng trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa doanh nghiệp Việt và các nước trong khu vực. Năm yếu tố tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn, lao động,... thúc đẩy giao thương. Cơ cấu sản phẩm  thay đổi theo chiều hướng tích cực, thuế suất giảm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu.

Tuy nhiên, thách thức là việc cải thiện tình trạng nhập siêu của Việt Nam ngày càng khó khăn hơn. Sức cạnh tranh tập trung vào yếu tố chất lượng, song với công nghệ còn khiêm tốn, Việt Nam không dễ cạnh tranh với các nước trong khu vực. “Chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, nâng doanh nghiệp Việt Nam lên tầm cao mới. Song, nhà nước chỉ đưa ra những giải pháp hỗ trợ, còn doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt cơ hội”, ông Kiên khẳng định.

Phải làm gì để tận dụng, nắm bắt tối đa cơ hội?

Nếu tự doanh nghiệp nhỏ đi đơn lẻ thì rất khó, phải có một tổ chức uy tín đứng ra kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài, sau đó doanh nghiệp mới làm việc, đàm phán với các hệ thống phân phối này. Chỉ trong khoảng 1 – 2 tháng, doanh nghiệp có thể xuất hàng đi, ông Phạm Thiết Hòa nhận định về kinh nghiệm xúc tiến đầu tư vào thị trường ASEAN.

Cũng theo ông Hòa, kinh nghiệm chung là doanh nghiệp phải có kỹ năng và đơn vị hỗ trợ khảo sát thị trường đúng, một mình doanh nghiệp khó tiếp cận với cơ quan chức năng các nước sở tại và hệ thống siêu thị lớn ở nước ngoài. Cần tìm hiểu văn hóa, đất nước và con người và tập quán kinh doanh, nếu không khéo thì rất có thể sẽ “lòng vòng đi du lịch” rồi về, không đạt được mục đích, hiệu quả giao thương. Chiến lược xây dựng phát triển thương hiệu và bảo hộ hàng hóa phải được xây dựng,thương mại điện tử cần được khai thác, tận dụng triệt để.

Bà Nguyễn Thị Tuệ Anh chia sẻ, Việt Nam đã hội nhập kinh tế hơn 30 năm, doanh nghiệp Việt Nam đã có vị thế khác, nhưng vẫn cần sẵn sàng hơn, chủ động đón đầu cơ hội. Thay đổi tư duy, biến sức ép cạnh tranh thành động lực để đổi mới và phát triển, nếu ngừng đổi mới là thất bại, phải đầu tư vào chiều sâu: công nghệ, quản lý, lao động,...

Ở góc độ doanh nghiệp bán lẻ, phân phối, bà Punthila Puripreecha, Giám đốc vận hành Công ty TNHH MM Mega Market Việt Nam cho biết, hiện công ty đang tổ chức các chuyến đi thực tế cho đội ngũ thu mua từ Thái Lan sang Việt Nam và giới thiệu các vùng nguyên liệu, quy trình nuôi trồng, sản xuất, quá trình kiểm soát chất lượng…, giúp họ có đầy đủ thông tin về nguồn hàng tại Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp có nhu cầu đưa hàng vào hệ thống, cần tìm hiểu nhu cầu thị trường của sản phẩm mình đang có cũng như của đội thu mua. Mega Market Việt Nam sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về mặt quy trình, kỹ thuật để đưa hàng hóa vào hệ thống.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp