Tin tức

Cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

26/03/2019    786

Hệ thống bảo lãnh thông quan khi được áp dụng sẽ tạo thuận lợi thương mại cho Việt Nam bằng cách cho phép giải phóng nhanh hàng hoá nhập khẩu, trong khi vẫn duy trì và tăng cường kiểm soát tuân thủ.

Tổng cục Hải quan cho biết, song song với cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế bảo lãnh thông quan cũng đang được Việt Nam nghiên cứu triển khai là một trong những nỗ lực tạo thuận lợi thương mại, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.

Mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa đã có nhiều thuận lợi hơn so với trước, tuy nhiên so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, các thủ tục thông quan hàng hóa của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Từ đó, các doanh nghiệp còn mất nhiều thời gian cho việc chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ cũng như thực hiện các yêu cầu về kiểm tra chuyên ngành của hàng hóa.

Văn phòng Chính phủ đã có văn bản giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, các bộ, ngành có liên quan triển khai nghiên cứu khả năng áp dụng Hệ thống bảo lãnh thông quan tại Việt Nam.

Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Dự thảo nêu rõ thực hiện thí điểm cơ chế bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong các lĩnh vực sau: 1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải nộp thuế ngay trước khi thông quan, giải phóng hàng; 2. Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập tái xuất (bao gồm cả thời gian gia hạn); 3. Hàng hóa quá cảnh đi qua lãnh thổ Việt Nam; 4. Các trường hợp chậm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ thuộc hồ sơ hải quan; 5. Hàng hóa nhập khẩu đưa hàng về bảo quản, chờ kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm (kiểm tra chuyên ngành).

Phương thức bảo lãnh thông quan gồm 2 phương thức: Thứ nhất, bảo lãnh dựa trên số tiền thuế phải nộp áp dụng đối với các trường hợp: Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện phải nộp thuế ngay trước khi thông quan, giải phóng hàng.

Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất trong thời hạn tạm nhập tái xuất (bao gồm cả thời gian gia hạn); hàng hóa quá cảnh đi qua lãnh thổ Việt Nam; chậm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ thuộc hồ sơ hải quan (trong các trường hợp: chưa có Giấy chứng nhận xuất xứ để được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do hoặc để chứng minh hàng hóa có xuất xứ từ các nước không thuộc diện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại).

Thứ hai, bảo lãnh dựa trên trị giá của lô hàng nhập khẩu áp dụng đối với các trường hợp: Bảo lãnh đưa hàng về bảo quản, chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành; bảo lãnh chậm nộp Giấy chứng nhận xuất xứ thuộc hồ sơ hải quan trong trường hợp hàng hóa có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát; hàng hóa thuộc diện phải tuân thủ theo các chế độ nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo Điều ước quốc tế hai bên hoặc nhiều bên mà Việt Nam và nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ cùng là thành viên.

Tổ chức phát hành bảo lãnh thông quan chịu trách nhiệm: Nộp đủ số tiền phạt và thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo trị giá của lô hàng trong trường hợp bảo lãnh theo trị giá lô hàng nhập khẩu; nộp đủ số tiền phạt, tiền thuế, tiền chậm nộp trong trường hợp bảo lãnh dựa trên số tiền thuế phải nộp…

Phí bảo lãnh thông quan thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức phát hành bảo lãnh và tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa hoặc người được ủy quyền.

Nguồn: Báo Thương trường