Tin tức

Ngành công nghiệp chế biến gỗ: Thách thức nguyên liệu trong CPTPP và VPA/FLEG

08/03/2019    1033

Hiệp định CPTPP và VPA/FLEGT sẽ giúp Việt Nam cải thiện thể chế về quản lý rừng, giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ trái phép, góp phần phát triển bền vững ngành chế biến gỗ xuất khẩu.

Đặc biệt, Hiệp định VPA/FLEGT được dự đoán sẽ mang lại tác động tích cực cho Việt Nam trên cả 3 lĩnh vực: Kinh tế, xã hội và môi trường, trong đó nổi bật hơn cả là lợi ích về kinh tế, đặc biệt góp phần thúc đẩy thị trường xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tại các thị trường khác, nâng cao uy tín và hình ảnh ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam trên toàn cầu. Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm thách thức. 

Ngành gỗ trước CPTPP - Cơ hội và thách thức đan xen*  

Trước hết, với CPTPP, để hưởng ưu đãi thuế, hàng hóa phải được coi là có xuất xứ CPTPP khi nguyên liệu sử dụng để sản xuất hàng hóa phải có xuất xứ từ các nước CPTPP. Khi sử dụng nguyên liệu ngoài các quốc gia CPTPP, doanh nghiệp phải tuân theo các quy tắc rất phức tạp và giá trị nguyên liệu không vượt qúa 10% giá trị hàng hóa.

Hiện nay, thương mại gỗ và sản phẩm gỗ (G&SPG) giữa Việt Nam với các quốc gia CPTPP tăng trưởng cao. Năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu G&SPG  của Việt Nam sang các thị trường trong khối đạt trên 1,626 tỷ USD, tăng 14,6% so với năm 2017, chiếm  18,3% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước.

Từ thực tế này, dự kiến CPTPP sẽ giúp xuất khẩu sản phẩm gỗ sang các thị trường CPTPP sẽ tăng do hàng rào thuế quan, tăng khả năng cạnh tranh về giá đối với các sản phẩm cùng loại của các nước khác.

Nhờ vào các ưu đãi của Hiệp định, các doanh nghiệp sẽ mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia thành viên như Pê Ru, Chi Lê và Brunei.

Việt Nam là trung tâm chế biến gỗ, các doanh nghiệp có thể nhập khẩu nguyên liệu từ các nước CPTPP như Canada, Chi lê để hưởng ưu đãi khi xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường trong khối.

Nhập khẩu gỗ từ các nước trong nội khối CTPPP sẽ được hưởng các lợi ích sau: Chứng minh được xuất xứ (C/O) dễ dàng, thuận lợi; Gỗ được sơ chế với công nghệ tiên tiến đảm bảo gỗ có chất lượng cao; Nguồn cung ứng gỗ có sản lượng khai thác lớn và ổn định hàng năm, đảm bảo tính hợp pháp; Tiếp cận được nhiều nguồn thông tin về công nghệ và thiết bị chế biến gỗ tiến tiến; Tiếp cận được trình độ quản trị doanh nghiệp cao của các nước có nền lâm nghiệp phát triển như Canada, Nhật, Úc...

Tuy nhiên, cơ hội luôn đi kèm thách thức. Sở hữu chí tuệ sẽ là thách thức lớn nhất với ngành gỗ Việt trong CPTPP. Hiện nay pháp luật của Việt Nam chỉ xử phạt hành chính các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, chưa có những quy định xử lý bằng hình sự. Tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng sao chép, hàng lậu… đang được bày bán công khai ở mọi nơi. Điều này khiến doanh nghiệp không mấy quan tâm đến việc đầu tư vào thiết kế mà chủ yếu là gia công theo đơn hàng đã có sẵn thiết kế.

Cùng với đó, do Việt Nam sử dụng nguồn cung gỗ rất lớn. Vì vậy vẫn phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau, đòi hỏi phải siết chặt quản lý nguồn gỗ nhập khẩu. Với các nước trong CPTPP, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu gỗ tròn, gỗ xẻ và ván nhận tạo. Malaysia, Chile, New Zealand, là ba quốc gia cung cấp  nguyên liệu lớn, nằm trong TOP 10 các quốc gia Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu. Như vậy, còn tới 7 quốc gia mà Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu lớn lại không nằm trong CPTPP. 
 

Đặc biệt, khi các dòng thuế nhập khẩu sẽ bị cắt giảm, đồ gỗ của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với đồ gỗ của các quốc gia CPTPP trên cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Các doanh nghiệp phải cải cách quản trị doanh nghiệp để đáp ứng các quy định pháp lý mới từ Hiệp định. Doanh nghiệp sẽ phải chi tiêu nhiều hơn vào đầu tư đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất để cạnh tranh với sản phẩm từ các nước thành viên CPTPP. 

Chính phủ cần xây dựng quy định pháp lý để siết chặt tình trạng vi phạm thiết kế, các doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn trong việc đầu tư vào thiết kế, xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Thách thức gỗ hợp pháp

Riêng với Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) yêu cầu đặt ra Việt Nam sẽ xây dựng Hệ thống bảo đảm tỉnh hợp pháp gỗ VNTLAS, tiến hành phân loại doanh nghiệp, kiểm soát chuỗi cung gỗ và tiến tới cấp phép FLEGT.

Trong khi đó, trên thực tế Việt Nam nhập khẩu gỗ từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ với 120 loài gỗ khác nhau. Việc xác định tiêu chí loài rủi ro, vùng địa lý rủi ro khi xây dựng các quy định về kiểm soát chuỗi cung gỗ nhập khẩu.

Điều này yêu cầu các doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực vào cải tiến sản xuất, quan tâm hơn nữa đến điều kiện lao động, điều kiện phòng cháy chữa cháy tại các xưởng gỗ. Các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cho cán bộ để đáp ứng tốt các quy định pháp lý liên quan đến hiệp định này.
 

VPA/FLEGT cũng yêu cầu Việt Nam phân loại doanh nghiệp, đây là yếu tố ảnh hướng lớn đến doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp loại 1, việc cấp phép FLEGT dễ dàng hơn, trong khi các doanh nghiệp loại 2 sẽ phải qua các bước xác nhận và kiểm tra của cơ quan hữu quan ở địa phương. Các doanh nghiệp chưa chấp hành vi phạm ở thời điểm xuất khẩu sẽ không được phép xuất khẩu. 

Thực thi VPA/FLEGT cũng sẽ là thách thức lớn với các cơ sở chế biến gỗ quy mô nhỏ ở các làng nghề gỗ sẽ khó khăn đối với việc lưu giữ hồ sơ trong xuất và xác minh nguồn gốc gỗ hợp pháp.

Nội lực hoá các cơ chế

Để vượt qua những thách thức kể trên, nhà nước cần nhanh chóng nội lực hóa tất cả các cơ chế chính sách khi chúng ta cam kết trong CPTPP/EVFTA/VPA/FLEGT, cụ thể là Nghị định thực hiện Hiệp định VPA/FLEGT. Việc này hết sức quan trọng vì khi thực thi VPA/FLEGT, có rất nhiều đối tác, trong đó có hộ trồng rừng, thương lái mua bán gỗ, vận tải gỗ… Tuy nhiên có một thực tế là những hiểu biết của họ về VPA/FLEGT rất hạn chế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải vươn lên mạnh mẽ. Không làm được điều đó, các doanh nghiệp chế biến gỗ nhỏ sẽ bị phá sản.

Cùng với đó, hiện gỗ hợp pháp Việt Nam phải tuân thủ luật Lacys của Mỹ, phải đảm bảo xuất xứ, đảm bảo khai báo theo yêu cầu của Mỹ. Đối với EU, phải đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp, trong đó có 7 nguyên tắc, 56 tiêu chí và đến giờ Việt Nam mới đưa ra khái niệm, định nghĩa và thống nhất nhau về mặt nguyên tắc, pháp lý. Thực tế, EU hiện nay đưa ra phương pháp trách nhiệm giải trình, nghĩa là doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu vào EU phải giải trình những điều mà EU yêu cầu.

Bên cạnh đó, hiện nay, Úc cũng đã có văn bản cẩm nang gỗ hợp pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang xây dựng, các quốc gia đều hướng đến bảo vệ môi trường sử dụng gỗ hợp pháp. Vì vậy, muốn xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ chế biến từ gỗ sang các nước này, chúng ta phải tuân thủ quy định của họ.

Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores)

Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp

*Tiêu đề điều chỉnh bởi Trung tâm WTO và Hội nhập