Tin tức

RCEP – Tìm kiếm sự đồng nhất

08/03/2019    420

Các bộ trưởng của 6 nước châu Á – Thái Bình Dương đã bắt đầu cuộc họp từ ngày 2-3 tại Siem Reap, Campuchia để thương lượng về Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong bối cảnh tiếp tục có những dự báo rằng các bên tham gia vẫn chưa thể thu hẹp khoảng cách liên quan đến thuế và các vấn đề khác. Tại cuộc họp cuối năm 2018, các đại diện tham dự RCEP đã phải ra về mà không đạt được thỏa thuận.

Đối trọng của CPTPP…

Giữa lúc đang diễn ra cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ, đã có một nỗ lực thầm lặng nhưng lớn dần nhằm thành lập khu vực thương mại kinh tế lớn nhất thế giới ở châu Á. RCEP vốn là một thỏa thuận thương mại tự do (FTA) gồm 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand, đã nổi lên như một “siêu FTA” khác như môt kiểu đối trọng với Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay còn gọi là TPP-11.

RCEP đại diện cho 50% dân số thế giới và 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Trao đổi thương mại qua lại giữa các nước thành viên hiện nay chiếm khoảng 28% thương mại thế giới.

Tầm quan trọng của RCEP chủ yếu là về kinh tế. Thỏa thuận này có tiềm năng pha trộn hài hòa các nguyên tắc và tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch kinh doanh trong nhiều FTA chồng chéo ở Đông Á, từ đó đóng vai trò như là nền móng cho hệ thống thương mại đa phương. Tuy nhiên, các khía cạnh chiến lược của RCEP cũng rất quan trọng, đặc biệt là trước tình hình một nước Mỹ ngày càng hướng nội, vì thỏa thuận này có tiềm năng tạo ra một mô hình mới.

Trên thực tế thì RCEP nhận được ít sự chú ý hơn so với CPTPP, chủ yếu là do các mục tiêu của thỏa thuận này, vốn dựa trên 5 FTA sẵn có của ASEAN+1, đều hướng đến ASEAN và có chất lượng thấp hơn. Thông qua khuôn khổ này, các nước thành viên RCEP đang đàm phán các quy tắc đối với việc tiếp cận thị trường, dịch vụ, đầu tư và quyền sở hữu trí tuệ và tương tự.

Vì ASEAN là trung tâm về mặt cấu trúc của RCEP, khuôn khổ bao gồm một số nước như Campuchia, Lào và Myanmar nên tốc độ và phạm vi của nó có vẻ như ít tham vọng hơn nhiều so với CPTPP, vốn bao gồm các nền kinh tế có tiềm lực lớn hơn nhiều. Bản thân điều 4 trong các nguyên tắc chỉ đạo và mục tiêu của các cuộc đàm phán tuyên bố rằng RCEP sẽ chấp nhận các hình thức linh hoạt, trong đó bao gồm các điều khoản “đối xử đặc biệt và khác biệt”, có tính tới mức độ phát triển khác nhau giữa các nước thành viên.

Nhưng trong khi CPTPP tìm cách quảng bá các tiêu chuẩn cấp cao về lao động và môi trường và giải quyết các vấn đề với các doanh nghiệp nhà nước, thì RCEP thậm chí còn không có một nhóm công tác để thảo luận những vấn đề này trong các cuộc đàm phán. Hơn nữa, các nước tham gia RCEP vốn đã có một loạt FTA song phương và tiểu vùng, điều này có thể giảm bớt tác động tổng thể của quan hệ đối tác này đối với thương mại chung.

Tại Hội nghị bộ trưởng các nước thành viên RCEP lần thứ 5 tại Singapore tháng 8-2018, các nước thành viên đã đặt ra một gói mục tiêu cần phải đạt được, song dường như sự dè dặt của Ấn Độ đã khiến việc này không trở thành hiện thực. Tuy nhiên, các nước thành viên trong lần nhóm họp này đã tỏ ra muốn gấp rút hoàn tất đàm phán.

...và bổ khuyết

Thứ trưởng phụ trách thương mại Malaysia Norazman Ayob đã chỉ ra, tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa Trung Quốc và Mỹ là một lý do quan trọng thúc đẩy việc này. RCEP, vốn không bao gồm Mỹ, sẽ mang lại cơ hội thương mại và đầu tư trong bối cảnh xung đột thương mại giữa Washington và Bắc Kinh. Trong bối cảnh này, việc hoàn tất ký kết RCEP cũng có thể phát đi một thông điệp mạnh mẽ từ Đông Á nhằm chống lại chủ nghĩa bảo hộ.
Trên thực tế, việc đẩy nhanh những cuộc đàm phán đã bị trì hoãn từ lâu phần nào được thúc đẩy bởi nỗi lo lắng về các chính sách bảo hộ của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Thứ hai, triển vọng CPTPP sớm có hiệu lực sẽ tạo điều kiện cho việc ký kết RCEP. Trong khi Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc cứu vãn khuôn khổ TPP sau khi chính quyền ông Trump quyết định rút khỏi thỏa thuận ban đầu, tác động kinh tế tiềm tàng từ CPTPP có quy mô thu gọn lại hơn nhiều. Các thành viên chung đều muốn theo đuổi các quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao thông qua CPTPP đồng thời tìm kiếm lợi ích kinh tế từ việc hoàn tất các cuộc đàm phán hướng tới ký kết RCEP. Có nghĩa là trong quan điểm của các thành viên tham gia cả hai như Nhật Bản hay Australia, CPTPP và RCEP sẽ bổ sung cho nhau.

Tuy nhiên, mặc dù RCEP có thể phối hợp và hài hòa những rào cản và các thủ tục phức tạp trong thương mại khu vực, nhưng tác động của nó được cho là khá hời hợt. Nó sẽ chỉ là một sự đồng thuận mẫu số chung thấp nhất về tiêu chuẩn đối với hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và quyền sở hữu tài sản trí tuệ thay vì nhắm tới các tiêu chuẩn cao trong một số lĩnh vực. Nếu những quy tắc hời hợt này trở thành chuẩn mực ở Đông Á thì các tiêu chuẩn RCEP bị hạ thấp sẽ khác biệt hơn nữa so với mức độ cao hơn của các quy tắc thương mại trong CPTPP, vốn vẫn được coi là tiêu chuẩn vàng.

Trên thực tế, 7 trong số 16 nước thành viên của RCEP cũng tham gia CPTPP, và đều được khuyến khích thành lập một liên minh để thúc đẩy quá trình lập ra quy tắc với tiêu chuẩn cao hơn trong các cuộc đàm phán RCEP.

Cuối cùng, mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong nhóm thương mại, cụ thể là Trung Quốc và Nhật Bản, có thể giúp giảm bớt tác động của căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, vốn nằm ngoài phạm vi của cả 2 hiệp định. Trung Quốc và Nhật Bản gặp một số khó khăn bất chấp sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Trong các cuộc đàm phán RCEP, Nhật Bản tìm kiếm một thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao, trong khi Trung Quốc có vẻ miễn cưỡng khi nâng cấp mức độ tự do hóa và các tiêu chuẩn thương mại. Những cách tiếp cận khác nhau này thường cản trở các cuộc đàm phán.

Chẳng hạn, tại cuộc họp cấp bộ trưởng tại Manila, Philippines vào tháng 11-2017, Trung Quốc tìm cách nhanh chóng hoàn tất các cuộc đàm phán với trọng tâm chỉ là giảm thuế đối với thương mại hàng hóa, trong khi cho phép nhiều trường hợp ngoại lệ đối với các điều khoản gây tranh cãi như quyền sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, Nhật Bản lại tìm kiếm một thỏa thuận toàn diện và chất lượng cao bao trùm các dịch vụ và đầu tư thay vì chỉ giảm thuế đối với hàng hóa giao dịch.

Đi tìm tiếng nói chung

Vì thế, theo giới phân tích, trong tình hình hiện nay, việc ký kết RCEP đồng nghĩa với việc thiết lập một FTA Trung – Nhật mà sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa hai thị trường lớn nhất châu Á thông qua sự kết hợp giữa lao động giá rẻ hơn và các bí quyết sản xuất công nghệ cao. Mặc dù vẫn giữ quan điểm thận trọng và mang tính phê phán của mình đối với các sáng kiến kinh tế toàn cầu và khu vực của Trung Quốc, nhưng chủ nghĩa bảo hộ cấp tiến của chính quyền ông Trump, với việc gia tăng các mức thuế quan đối với các sản phẩm then chốt như ôtô, đã khiến Nhật Bản phải cân nhắc khả năng hợp tác với Trung Quốc để xây dựng một trật tự kinh tế khu vực như một cách để giảm bớt các tác động tiêu cực của chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ đối với thương mại và đầu tư của nước này.

Tuy nhiên, mặc dù cả hai nước đã làm việc để cải thiện mối quan hệ, song Nhật Bản vẫn tiếp tục tỏ ra thận trọng đối với sáng kiến “Vành đai và Con đường” và nêu rõ lập trường của mình là tuân thủ các tiêu chuẩn đã có từ lâu về cơ sở hạ tầng gắn chặt với Ngân hàng thế giới và Ngân hàng phát triển châu Á, những tiêu chuẩn mà Mỹ cùng chia sẻ.

Trong lần nhóm họp tại Singapore, mục tiêu đề ra là phải “hoàn tất đáng kể” các cuộc đàm phán của RCEP. Hầu hết các thành viên RCEP đều tìm cách bổ sung cụm từ này vào tuyên bố chung của cuộc gặp thượng đỉnh vì nó được cho là sẽ có ý nghĩa pháp lý, mở ra con đường để hiệp ước được từng nước thông qua. Tuy nhiên, chỉ 7 trong số 18 chương, hay còn gọi là chủ đề đàm phán, được nhất trí, và cụm từ trên được thay bằng “sự tiến bộ đáng kể” và chưa có thỏa thuận nào được thông qua cả.

Với tư cách nhà thiết kế ban đầu của kế hoạch FTA cho ASEAN+6, Nhật Bản sẽ thu lợi lớn từ RCEP, đặc biệt là điều khoản về các quy tắc nguồn gốc xuất xứ, có khả năng giúp địa phương hóa các mạng lưới sản xuất tinh vi hỗ trợ cho các hoạt động kinh doanh của nước này ở Đông Á. Mặc dù đã có FTA song phương với hầu hết các nước thành viên RCEP, nhưng khía cạnh đa phương của mối quan hệ hợp tác có thể làm hài hòa các quy tắc và quy chế khác nhau của các thỏa thuận thương mại đơn lẻ.

Theo thống kê từ OECD, năm 2014, thương mại nội khu vực giữa các nước thành viên RCEP chiếm 42% hoạt động thương mại chung của các thành viên. Nếu thỏa thuận của RCEP có hiệu lực, con số này sẽ tăng lên nhờ việc giảm bớt các rào cản phức tạp về cơ cấu và việc thực hiện các quy tắc và thủ tục được sắp xếp hợp lý có liên quan tới hải quan và cơ sở hạ tầng liên quan đến thương mại.

Một vấn đề đặt ra là RCEP có ảnh ưởng gì tới nền kinh tế số 1 toàn cầu – Mỹ - hay nói cách khác là có tác động gì lên mối quan hệ giữa các thành viên của nó với Mỹ hay không? RCEP sẽ bao gồm tất cả các nước Đông Á, nơi các công ty chế tạo lớn đã thiết lập mạng lưới chuỗi cung ứng. Việc thương mại nội khối được đưa vào chiều sâu sẽ cho phép Trung Quốc tích lũy sức mạnh xuất khẩu sang Mỹ với tính cạnh tranh về chi phí cao hơn, khi mà thỏa thuận sẽ loại bỏ hoặc giảm đáng kể các mức thuế suất được áp đặt đối với linh kiện cho ngành chế tạo, chẳng hạn như phụ tùng ôtô, vốn được xuất khẩu trên toàn khu vực.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Trung Quốc đã củng cố vị trí đối tác thương mại lớn nhất của 14/15 nước thành viên RCEP. Sự phụ thuộc kinh tế nhiều hơn vào Trung Quốc của các thành viên chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới quan hệ của các nước này đối với nền kinh tế Mỹ.
Thứ nhất, đó là giảm sự phụ thuộc của châu Á vào thị trường Mỹ. Hàng xuất khẩu vào các nước Đông Á sẽ phải chịu mức thuế suất cao hơn, qua đó ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển kinh tế của Mỹ. Ước tính các tác động kinh tế mô phỏng đối với tăng trưởng GDP sẽ kìm hãm nền kinh tế Mỹ ở mức 0,16% nếu RCEP được hiện thực hóa.

Thêm vào đó, sự phụ thuộc của cả các đồng minh then chốt và đối tác chiến lược của Mỹ nằm trong RCEP vào quan hệ thương mại với Trung Quốc có thể đem lại cho Bắc Kinh lực đòn bẩy chiến lược với Mỹ.

Cuối cùng, năm 2019, khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương có thể sẽ có 3 FTA lớn, đó là CPTPP, RCEP và Thỏa thuận đối tác kinh tế EU – Nhật Bản, có hiệu lực. Mỗi FTA có chất lượng ở mức khác nhau nhưng đều không có Mỹ. Cùng với đó là nỗ lực cải thiện mối quan hệ với các nền kinh tế lớn trong khu vực của Trung Quốc có lẽ cũng sẽ buộc Mỹ phải đánh giá lại vai trò và biện pháp của họ, từ đó có thể sẽ có những thay đổi đáng kể trong chính sách của nền kinh tế số 1 thế giới này.

Thuế quan sẽ không còn là câu trả lời thích hợp cho các vấn đề về thương mại trong hệ thống chế tạo toàn cầu hóa hiện nay, với các mạng lưới chuỗi cung ứng đã được thiết lập từ lâu. Biến nó thành cơ hội hay khó khăn, sẽ tùy vào sự linh hoạt của mỗi nền kinh tế với từng đặc điểm cụ thể.

Nguồn: Báo Công an nhân dân