Tin tức

Hệ thống tòa án đầu tư trong khuôn khổ EVFTA và lưu ý cho doanh nghiệp Việt

06/03/2019    979

Với EVFTA, mọi tranh chấp giữa nhà đầu tư EU và Chính phủ Việt Nam và các nhà đầu tư Việt Nam tại EU sẽ phải được giải quyết theo cơ chế của Tòa án đầu tư quốc tế (ITS).

EVFTA được coi là một FTA thế hệ mới với nhiều nội dung tự do hoá thương mại và cấp độ hội nhập sâu rộng, cấp tiến hơn các hiệp định tương tự trước đây. Đặc biệt EVFTA đã phát triển một mô hình cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước đặc thù – Tòa án đầu tư quốc tế (ITS), nhằm giải quyết một cách cơ bản những tồn tại của ISDS truyền thống. Nếu hiệp định này được EU phê chuẩn và có hiệu lực thì nó sẽ thay thế tất cả các hiệp định đầu tư song phương giữa Việt Nam và các nước thành viên EU được ký kết từ trước tới nay.

Toà án đầu tư quốc tế của EVFTA: triết lý mới cho cơ chế ISDS

Cơ chế ISDS của EVFTA được hình thành theo sáng kiến của EU về một cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư mang tính chất bán tư pháp – vừa linh động như cơ chế trọng tài nhưng vẫn bảo đảm những ưu điểm của tòa án.

Cơ chế này xoay quanh 4 yếu tố cấu thành, bao gồm: (i) tính hệ thống và ổn định, (ii) tính minh bạch và dễ dự đoán, (iii) sự độc lập của thành viên hội đồng xét xử, và (iv) thời gian cố định cho từng giai đoạn tranh chấp. Những yếu tố này được thể hiện thông qua việc xác lập một cơ chế giải quyết tranh chấp tại một cơ quan giải quyết tranh chấp cố định với hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm – “Hệ thống toà án đầu tư” (ITS).

Mô hình toà án đầu tư của EVFTA được mô phỏng theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO. Các nhà đàm phán EVFTA tin rằng mô hình ITS sẽ tạo ra một sự phát triển mới cho ISDS - đảm bảo việc quyền lợi của các bên được xem xét một cách cân bằng và có hệ thống, giải quyết hầu hết các tranh cãi về ISDS truyền thống.

Các phán quyết của ITS sẽ có hiệu lực ngay và sẽ được thực hiện bởi các nước thành viên (không cần phải thông qua thủ tục công nhận và thi hành phán quyết của tòa án nước ngoài). Tòa án cũng có thể xem xét những khiếu nại ngược của nhà nước nếu nhà đầu tư có những hành vi vi phạm tới lợi ích công cộng. Như vậy, sự cân bằng về quyền lợi của nhà nước và nhà đầu tư sẽ được bảo đảm hơn.

Cấu trúc và cơ chế vận hành của ITS

Hệ thống Tòa án đầu tư của EVFTA được hình thành theo mô hình của một tòa án. Với hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm. 

Uỷ ban thương mại EVFTA gồm đại diện của Việt Nam và EU sẽ bổ nhiệm 9 thẩm phán cho toà đầu tư cấp sơ thẩm, trong đó sẽ có 3 người là công dân của nước thành viên EU, 3 người là công dân Việt Nam và 3 người còn lại là công dân của nước thứ 3. Toà cấp phúc thẩm có 6 thẩm phán, với 2 người là công dân EU, 2 người là công dân Việt Nam và 2 người còn lại là công dân nước thứ 3. Uỷ ban thương mại EVFTA sẽ bổ nhiệm các thẩm phán của ITS ngay khi EVFTA có hiệu lực.

Thẩm phán của toà đầu tư phải là những cá nhân có kinh nghiệm chuyên môn đủ để được bổ nhiệm tại các cơ quan tư pháp của nước mình mang quốc tịch, hoặc là một luật gia có uy tín quốc tế. Họ phải có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn sâu trong lĩnh vực luật quốc tế và đặc biệt là luật đầu tư quốc tế. Thời hạn nhiệm sở của các thẩm phán cả toà sơ thẩm và toà phúc thẩm là 4 năm và có thể được gia hạn một lần. Việc bổ nhiệm các thẩm phán cho Hội đồng xét xử sẽ do Chánh án toà đầu quyết định trên cở lựa chọn luân phiên, nhưng phải bảo đảm việc chọn là ngẫu nhiên không dự đoán trước được.

Do được chỉ định ngẫu nhiên nên các thẩm phán sẽ không thể biết sẽ được chỉ định vào vụ kiện nào. Bên cạnh đó, các thẩm phán của ITS phải đảm bảo không tham gia vào bất cứ vụ tranh chấp nào mà họ có thể có xung đột lợi ích cho dù là trực tiếp hay gián tiếp với các bên trong vụ tranh chấp. Các thẩm phán của toà ITS sẽ hưởng lương trực tiếp từ Uỷ ban Thương mại và phải có nghĩa vụ tham gia vào các vụ tranh chấp khi được Uỷ ban thương mại chỉ định. Những quy định trên đối với thẩm phán của ITS hướng tới bảo đảm chất lượng cho ISDS đồng thời nâng cao tính độc lập của các thẩm phán trong quá trình giải quyết tranh chấp. Cơ chế phúc thẩm của ITS được kỳ vọng sẽ giúp giải toả những lo lắng của nhà nước về tính công bằng và chính xác của các phán quyết. Cơ chế ISDS hiện nay bị chỉ trích là không có cơ chế rà soát các phán quyết giải quyết tranh chấp. ITS có thẩm quyền xem xét khiếu nại của các bên tranh chấp về nội dung phán quyết của tòa cấp sơ thẩm liên quan tới cả hai nội dung luật và chứng cứ. Các quyết định của tòa đầu tư cấp phúc thẩm của EVFTA là cuối cùng (chung thẩm) và ràng buộc đối với các bên.

EVFTA không cho phép nhà nước và nhà đầu tư tìm cách “xem xét, gạt bỏ, sửa đổi hoặc khởi xướng bất kỳ thủ tục tương tự nào khác” liên quan đến việc kháng cáo các phán quyết của tòa án, cũng như loại bỏ cơ chế hủy phán quyết của ICSID hay thủ tục hủy phán của tòa án trong nước.

Với việc áp dụng cơ chế này, EVFTA sẽ hướng tới bảo đảm các phán quyết giải quyết tranh chấp mang tính hệ thống và nhất quán, tương tự kết quả của hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO. EVFTA nhấn mạnh việc nâng cao tính minh bạch trong thủ tục ISDS. Mọi tài liệu được các bên gửi tới ITS (nếu không thuộc nhóm các thông tin bảo mật) sẽ phải được công bố công khai cho công chúng và toàn bộ phiên xét xử của ITS sẽ phải mở công chúng.

EVFTA xây dựng quy chế này dựa trên Hướng dẫn quy tắc minh bạch trong thủ tục trọng tài của UNCTRIAL nhưng đã phát triển hơn cả yêu cầu của UNCTIRAL khi mở rộng nghĩa vụ công bố các tài liệu trước khi xét xử, như tài liệu tham vấn, các phụ lúc đính kèm bản biện hộ củacác bên, các thỏa thuận hòa giải và bất cứ tài liệu nào liên quan tới khiếu nại được nộp cho Hội đồng xét xử.

Khi đi vào vận hành ITS sẽ có những tác động đáng kể tới Việt Nam. Sự can thiệp sâu của ITS vào hệ thống tư pháp quốc gia chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nguyên tắc độc lập trong trật tự pháp lý của hệ thống pháp luật quốc gia. Việt Nam cần chuẩn bị để đối mặt với việc phán quyết của ITS sẽ có hiệu lực tự động tại Việt Nam và các cơ quan chức năng sẽ phải thi hành ngay lập tức mà không thông qua thủ tục công nhận và thi hành phán quyết của tòa án/trọng tài nước ngoài.

Lưu ý dành cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài

Nhìn chung các điều ước đầu tư quốc tế được xây dựng nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư khi họ thực hiện các dự án đầu tư ra nước ngoài. Các doanh nghiệp kinh doanh trong nước, nhìn chung sẽ không được hưởng lợi từ các cơ chế ISDS nếu có tranh chấp với nhà nước.

Nhưng các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài sẽ cần phải nắm bắt các nguyên tắc và quy định cua các điều ước bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và quốc gia liên quan. Nếu đầu tư sang các thị trường như Úc, Nhật Bản, New Zealand, Mexico, Canada, Chile … các doanh nghiệp Việt Nam cần thiết phải nắm các quy định về ưu đãi và bảo hộ đầu tư của hiệp định CPTPP; nếu đầu tư sang thị trường EU thì sẽ phải biết về EVFTA và tương tự nếu đầu tư vào Hàn Quốc thì sẽ là KVFTA. Đặc biệt, khi doanh nghiệp Việt Nam có tranh chấp với chính phủ của các quốc gia thành viên khi thực hiện dự án đầu tư của mình thì phải cân nhắc tiếp cận cơ chế ISDS của các hiệp định liên quan. Các chiến lược và chiến thuật trong việc sử dụng ISDS có thể sẽ giúp họ có vị thế tốt hơn trong đàm phán giải quyết vấn đề tranh chấp với cơ quan chức năng của nước sở tại.

PGS.TS TRẦN VIỆT DŨNG, Trưởng khoa Luật Quốc tế, Đại học Luật TP HCM

Cố vấn cao cấp VICTORY LLC

Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp