Tin tức

Thái Lan chính thức xin tham gia CPTPP, Việt Nam lo mất lợi thế?

04/03/2019    278

Báo chí quốc tế thông tin Thái Lan sẽ nộp đơn trong tháng 3/2019 để tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) nhằm tránh bị các đối thủ trong khu vực bỏ lại phía sau.

Đơn gia nhập của Thái Lan cần được ít nhất một nửa số thành viên trong tổng số 11 nước thành viên hiện tại của CPTPP chấp thuận, bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Sau đó, việc gia nhập sẽ cần được Quốc hội tân cử của Thái Lan phê chuẩn.

Cục Đàm phán Thương mại của Thái Lan cũng cho biết đã thực hiện nghiên cứu cho thấy lợi ích và tác động tích cực của việc tham gia CPTPP, cũng như thu thập kết quả các cuộc thăm dò dư luận được thực hiện trên cả nước. Theo đó, nếu Thái Lan trở thành thành viên CPTPP, hoạt động thương mại và đầu tư của đất nước này sẽ tăng, đồng thời đảm bảo được vị trí của Thái Lan trong việc là cơ sở sản xuất chính cho các nhà sản xuất liên kết nước ngoài.

Thực tế, nhiều động thái cho thấy Chính phủ Thái Lan tỏ ra lo ngại sức ép cạnh tranh từ các đối thủ chế tạo và xuất khẩu hàng điện tử, thủy sản, nông nghiệp như Việt Nam và Malaysia đang tăng cao. Vì thế, với tư cách thành viên CPTPP, Thái Lan sẽ nhận được lợi ích nhiều hơn về thương mại và đầu tư so với việc không tham gia hiệp định thương mại thế hệ mới này.

Năm 2018, thương mại hai chiều của Thái Lan với 11 quốc gia thành viên CPTPP đã lên tới 48,7 tỷ USD, với xuất khẩu từ Thái Lan đóng góp 77 tỷ USD, tương đương 30,5% tổng xuất khẩu của nước này, thặng dư thương mại trị giá 5,3 tỷ USD.

Về phía Việt Nam, đối thủ đáng gờm trong khối ASEAN này nếu tiếp tục "bước chân" vào CPTPP sẽ tạo ra thách thức không nhỏ.

Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh nhận định do Thái Lan có chung những mặt hàng lợi thế với Việt Nam như trái cây, nông sản, hàng điện tử… nên khi nước này tham gia CPTPP và mang theo những mặt hàng đó chiếm lĩnh thị trường thì hàng Việt sẽ rất khó cạnh tranh. Từ đó, đòi hỏi hàng hóa Việt Nam phải được tạo điều kiện tốt nhất để cải tiến chất lượng cũng như tạo được ưu thế giá cả.

“Đây cũng sẽ là cú hích cho chúng ta cải cách mạnh mẽ hơn nữa”, TS. Lê Đăng Doanh nói.

Nguồn: Bizlive