Tin tức

“Lá chắn” cản trở cơ hội ưu đãi từ FTA

20/02/2019    1132

Rào cản phi thuế quan được các quốc gia gia tăng sử dụng như một tấm “lá chắn” nhằm bảo hộ sản xuất trong nước khi hàng rào thuế quan gần như bị loại bỏ theo các cam kết trong FTA.

Mức thuế quan ưu đãi theo cam kết trong các FTA đã mở rộng cánh cửa cho doanh nghiệp xuất khẩu. Ông Vianney Lesaffre, Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) cho rằng, cùng những thuận lợi, các FTA mang lại không ít trở ngại cho doanh nghiệp khi xu hướng gia tăng hàng rào phi thuế quan của các thị trường nước ngoài.

Bảo hộ thông qua hàng rào phi thuế quan

Tại hội thảo “Đối phó với các hàng rào phi thuế quan và sử dụng công cụ phân tích thị trường” diễn ra hai ngày 19 - 20/2, đại diện ITC chia sẻ, nhiều quốc gia đặt ra các quy định có hoặc không có trên thực tế nhưng vẫn áp dụng như hàng rào phi thuế quan.

Ông dẫn chứng, như Hoa Kỳ cấm nhập khẩu socola hình quả trứng, vì họ cho rằng hình quả trứng gây hại cho trẻ em, trẻ em chơi có thể gặp nguy hiểm. Chính phủ Hoa Kỳ đưa ra 1 ví dụ về trường hợp trẻ em bị gây hại và phạt 2500 USD/mỗi quả trứng socola.

Tiếp đến là Nhật Bản, họ muốn bảo hộ nhà sản xuất ván trượt ở Nhật, nên đưa ra tiêu chuẩn thiết kế nghiêm ngặt buộc doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ. Lý do Nhật Bản cho rằng, tuyết của họ khác biệt nên tiêu chuẩn phải khác quốc gia khác. Hay EU cam đưa ra tiêu chuẩn chỉ nhập khẩu cam nếu đảm bảo màu xanh trên quả cam chỉ chiếm 1/5 diện tích bề mặt quả.

Còn với tôm hùm nhập khẩu vào Trung Quốc chỉ được thông quan nếu tôm còn sống. Và tất cả tôm hùm khi nhập khẩu vào Trung Quốc đều phải qua kiểm tra. Khi đó, tôm bị chết trong khi chờ kiểm tra và những con tôm chết không được thông quan.

“Đây là những ví dụ về các biện pháp phi thuế quan rất tiêu cực. Điều này chứng minh các quốc gia có thể đưa ra các biện pháp vô lý để bảo hộ mình. Những yêu cầu của quốc gia nhập khẩu đặt ra với sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu. Thậm chí, nếu chúng ta phải xuất khẩu quá cảnh qua quốc gia thứ 3 nhưng cũng phải tuân thủ biện pháp phi thuế quan”, ông Vianney Lesaffre nhấn mạnh.

Lý giải việc các quốc gia đưa ra các biện pháp phi thuế quan này, vị đại diện ITC cho rằng, có rất nhiều lý do Chính phủ các nước áp dụng. Đó là nhằm bảo vệ sức khoẻ con người và động thực vật, đảm bảo nguồn cung cần thiết cho sản phẩm nội địa, hay do nhiều lo ngại của người tiêu dùng với sản phẩm nhập khẩu... Trường hợp trứng socola là bảo vệ sức khoẻ trẻ em nhưng có thể sử dụng sai cách cho bảo hộ, ngăn chặn sản phẩm này tiếp cận thị trường họ, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước của họ, bảo vệ nền công nghiệp còn non trẻ.

Mở “cánh cửa” giảm chi phí cho doanh nghiệp

Thống kê của Ngân hàng thế giới cho thấy, có 9 biện pháp phi thuế quan chủ yếu được sử dụng. Trong đó biện pháp kiểm dịch động thực vật được sử dụng nhiều nhất với 37,5%; tiếp đó là rào cản kỹ thuật đối với thương mại 37,5%; kiểm tra hàng hóa trước vận chuyển và các thủ tục khác 1,3%... Các biện pháp phi thuế quan được áp dụng nhiều ở các nước OECD, khu vực Asean...

Điều đáng nói, những sản phẩm nông nghiệp được xác định đối mặt với các phiền toái phi thuế quan nhiều nhất. Kiểm tra chất lượng khó tuân thủ ở một số trường hợp, như cam phải được kiểm soát từng quả một... khó đạt yêu cầu này. Trong khi các rào cản phi thuế quan có xu hướng tăng thì năng lực đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam lại rất hạn chế.

Ông Guillaume Favre của ITC cũng thừa nhận, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam thiếu thông tin về các tiêu chuẩn nước ngoài. Nếu tìm được thì quy định đưa ra rất khó hiểu, rắc rối trong xin chứng nhận, giấy phép. Đồng thời, chịu sự kiểm soát của nhiều cơ quan khác nhau ở quốc gia nhập khẩu, nhưng nội dung kiểm tra kiểm soát lại tương tự nhau - không cần thiết cho doanh nghiệp. Hơn nữa, các quy định ở các quốc gia nhập khẩu đặt ra rất khó tuân thủ.

Từ khảo sát của ITC với doanh nghiệp Việt Nam thì, thách thức doanh nghiệp gặp phải đó là giấy tờ thủ tục quá nhiều, gây phát sinh nhiều chi phí không cần thiết. Đại diện một số doanh nghiệp cho biết họ phải chuẩn bị quá nhiều hồ sơ giấy tờ khác nhau. Nhưng với chính phủ nhiều quốc gia, càng yêu cầu nhiều giấy tờ với doanh nghiệp thì họ cho rằng càng quản lý tốt hơn mặt hàng nhập khẩu. Song điều nay gây mất thời gian, chi phí. Đáng quan tâm hơn, ở Việt Nam cũng vậy. Việt Nam đưa ra nhiều thủ tục giấy tờ nhưng đôi khi quên mất mục đích hướng tới.

"Tôi không nói việc kiểm tra sản phẩm nhập khẩu là không cần thiết nhưng các cơ quan cần tìm ra các biện pháp tối ưu hơn nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp”, ông Guillaume Favre nói.

Cũng theo ông Guillaume Favre, các TBT (hàng rào kỹ thuật), SPS (kiểm dịch động thực vật) mục tiêu chính không phải là tạo ra rào cản với sản phẩm nhập khẩu mà nhằm ngăn chặn các rủi ro và đảm bảo các rủi ro không trở thành hiện thực. Do đó, các quy định kỹ thuật cần dựa trên nghiên cứu khoa học và có thực chứng.

Theo đó, ông Guillaume Favre kiến nghị, các quy định cần rõ ràng, dễ hiểu, không nên tạo ra những khó khăn không cần thiết cho các nhà xuất khẩu. Các quy định nên dựa vào tiêu chuẩn quốc tế, tránh việc tạo ra những rào cản kỹ thuật không cần thiết trong thương mại. Đặc biệt cần minh bạch về yêu cầu, cần sự rõ ràng hơn trong áp dụng các quy tắc, tính nhất quán trong áp dụng thực tiễn, không phân biệt đối xử sản phẩm nước ngoài với trong nước.

Nguồn: Báo Diễn đàn doanh nghiệp