Tin tức

Thương chiến Mỹ-Trung: Sẽ đạt thỏa thuận tạm thời?

15/02/2019    144

Đoàn đàm phán thương mại Mỹ do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu đã đến Bắc Kinh chuẩn bị cho vòng đàm phán thứ hai giữa hai nước, chính thức bắt đầu hôm nay thứ Năm 14-2, nhằm đạt được một thỏa thuận trước hạn cuối cùng là ngày 1 tháng Ba năm 2019. Đại diện phía Trung Quốc là ông Lưu Hạc (Liu He), Phó thủ tướng kiêm cố vấn kinh tế của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Nếu hai bên không đi đến một thỏa thuận vào thời điểm ấy, cuộc “đình chiến” kéo dài 90 ngày sẽ kết thúc và chính phủ của ông Donald Trump sẽ tăng thuế suất hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ có giá trị tới 250 tỉ đô la mỗi năm. Hiện thời, hải quan Mỹ đang thu thuế 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có giá trị 200 tỉ đô la Mỹ và 25% đối với lượng hàng trị giá 50 tỉ đô la. Nếu cuộc “đình chiến” kết thúc mà không đạt được thỏa thuận, lượng hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu bị áp thuế 25% sẽ có giá trị khoảng 250 tỉ đô la, bằng một nửa tổng giá trị hàng Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

Trung Quốc cũng đã trả đũa bằng cách tăng thuế suất thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Mỹ. Hiện thời Trung Quốc áp thuế 25% lên lượng hàng hóa Mỹ trị giá 50 tỉ đô la, và từ 5%-10% đối với lượng hàng trị giá 60 tỉ đô la nữa. Tuy nhiên, trong quan hệ thương mại với Mỹ, do Trung Quốc nhập ít hơn xuất, chỉ nhập khoảng 130 tỉ đô la, nên Bắc Kinh không thể trả đũa Mỹ bằng cách chỉ dựa hoàn toàn vào thuế suất hàng hóa. Giới quan sát cho biết, chính phủ Trung Quốc có nhiều cách khác để gây khó khăn trở ngại cho các công ty Mỹ hoạt động ở nước này, hoặc cho các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào Trung Quốc. Từ khi cuộc thương chiến Mỹ-Trung bắt đầu, nhiều doanh nghiệp Mỹ đã ghi nhận các chuyến hàng nhập khẩu của họ bị giữ lại tại các hải cảng và phải trải qua các thủ tục kiểm tra kéo dài hơn thường lệ.

Các cuộc thảo luận ở cấp thứ trưởng đã bắt đầu hôm thứ Hai 11-2 trước khi vòng đàm phán chính thức sẽ diễn ra trong hai ngày thứ Năm và thứ Sáu tuần này. Trước đó Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không có kế hoạch gặp gỡ ông Tập Cận Bình trước thời điểm ngày 1-3-2019 khiến cho giới quan sát không hy vọng hai bên sẽ nhanh chóng đạt được thỏa thuận dù Bộ trưởng Mnuchin nói với phóng viên khi đặt chân tới Bắc Kinh rằng hai ngày đàm phán sắp tới là rất quan trọng.

Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố “đình chiến” tại cuộc gặp thượng đỉnh ở Buenos Aires (Argentina) hồi tháng 12-2018, đã có một số bước tiến cho thấy Trung Quốc có dấu hiệu nhượng bộ nhằm đạt được thỏa thuận với Mỹ. Sau vòng đàm phán đầu tiên giữa quan chức hai nước vào cuối tháng 1-2019, Trung Quốc công bố nhập khẩu 5 triệu tấn đậu nành của Mỹ và giảm thuế nhập khẩu xe hơi, phụ tùng xe hơi của Mỹ từ mức 40% xuống còn 15% - ngang mức thuế áp dụng với các nước khác, đồng thời tăng mức xử phạt các hành vi đánh cắp bản quyền công nghệ.

Tuy nhiên, đòi hỏi của phía Mỹ không chỉ đơn giản như vậy, nhất là trong những vấn đề liên quan tới cưỡng bức chuyển giao công nghệ và đánh cắp tài sản trí tuệ. Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình đang đẩy mạnh chiến lược “Made in China 2025” nhằm chiếm lĩnh các đỉnh cao công nghệ trong các ngành công nghiệp mới của thế giới. Để thực hiện chiến lược này, chiến thuật của Bắc Kinh là ép buộc các đối tác nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho đối tác địa phương đổi lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc, sao chép hoặc đánh cắp công nghệ của các tập đoàn nước ngoài bằng việc cài cắm gián điệp hoặc tấn công mạng để bí mật sao chép dữ liệu.

“Nước Mỹ là nhà sản xuất lớn công nghệ, sáng tạo, bí quyết và bí mật thương mại. Chúng tôi phải được hoạt động trong một môi trường mà những thứ ấy được bảo vệ,” ông Lighthizer, Đại diện Thương mại Mỹ – hàm bộ trưởng – nói với Reuters trước khi sang Bắc Kinh đàm phán.
Theo báo cáo của cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế đầu tư nước ngoài ở một số lĩnh vực như ngân hàng, máy bay dân dụng và thương mại, giống cây trồng ngoại trừ lúa mì và bắp. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn siết chặt các hạn chế đầu tư nước ngoài vào nhiều lĩnh vực quan trọng như năng lượng, viễn thông và nhiều loại xe hơi.

Gần đây, chính phủ Trung Quốc cũng đã cố gắng đẩy nhanh việc soạn thảo và thông qua một bộ luật đầu tư nước ngoài mới, luật hóa các biện pháp tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các công ty nước ngoài và ngăn cấm việc cưỡng bức chuyển giao công nghệ trong các công ty liên doanh. Phía Mỹ hoan nghênh bước đi này, nhưng đòi hỏi Trung Quốc cải cách mạnh hơn nữa, tạo lập sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và doanh nghiệp nước ngoài thông qua biện pháp bãi bỏ hoặc giảm thiểu các hình thức trợ cấp của chính phủ Bắc Kinh cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Phía Mỹ cũng cho rằng, điều quan trọng ở Trung Quốc không phải là luật lệ được thiết kế như thế nào mà việc thực thi luật pháp được tiến hành ra sao. Tại vòng đàm phán đầu tiên ở Washington giữa hai phái đoàn thương mại Trung-Mỹ cuối tháng 1 vừa qua, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nhấn mạnh nhu cầu “thực thi, thực thi, thực thi”.

Một báo cáo cập nhật của USTR thực hiện theo điều khoản về an ninh quốc gia (Mục 301) của Luật Thương mại Mỹ ghi nhận từ năm 2010 – thời điểm Trung Quốc cam kết không sử dụng biện pháp cưỡng bức chuyển giao công nghệ làm điều kiện kinh doanh ở thị trường nước này và trấn áp nạn đánh cắp tài sản trí tuệ qua mạng Internet - đã có ít nhất 8 trường hợp cho thấy cam kết này không có tác dụng trong thực tế. Năm 2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết với Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ chấm dứt việc đánh cắp công nghệ Mỹ qua tấn công tin học trên mạng (tin tặc, cybertheft) nhưng bản báo cáo cập nhật tháng 11-2018 của USTR cho biết, việc đánh cắp này chẳng những không bị chấm dứt mà còn diễn ra với tần suất lớn hơn, tinh vi hơn trong các năm gần đây. Những hiện tượng đó khiến người Mỹ ngày càng không tin vào các cam kết của Trung Quốc, kể cả các cam kết trong những thỏa thuận thương mại.

USTR chỉ ra hai cơ chế mà Trung Quốc sử dụng để cưỡng bức công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu trí tuệ: hạn chế quyền sở hữu của đối tác nước ngoài trong các doanh nghiệp liên doanh và thủ tục hành chính trong việc cấp giấy phép mở doanh nghiệp hoặc hoạt động ở thị trường Trung Quốc. Nhiều công ty nước ngoài, kể cả các doanh nghiệp châu Âu hoặc Nhật Bản, báo cáo tình trạng “luật lệ bất thành văn và mơ hồ”, tình trạng “luật lệ của địa phương không tương thích với luật quốc gia” “được áp dụng một cách tùy tiện và không minh bạch”… như là những trở ngại mà phía Trung Quốc dựng lên để buộc đối tác nước ngoài phải chia sẻ bí quyết công nghệ và kinh doanh. Do lo sợ bị trả đũa, những báo cáo này thường không được công khai hoặc đệ trình tới các cơ quan hữu quan của Mỹ.

Chính vì thế, một trong những yêu cầu của Mỹ trong vòng đàm phán thứ hai sắp diễn ra ở Bắc Kinh là Trung Quốc phải mở rộng quyền tham gia thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp nước ngoài, bãi bỏ các hạn chế và rào cản; từ đó làm giảm đặc quyền của các quan chức Trung Quốc, ở cả cấp trung ương và địa phương, trong việc gây trở ngại cho nhà đầu tư nhằm tìm kiếm sự nhượng bộ về công nghệ. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng, Trung Quốc sẽ khó mà chấp nhận một cơ chế thực thi pháp luật, theo đó người nước ngoài có thể nêu ra những hành vi vi phạm cam kết của họ và áp đặt các biện pháp trả đũa.

Do còn có nhiều vấn đề bất đồng sâu sắc giữa hai bên liên quan tới quyền tiếp cận thị trường, trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thời gian hai tuần lễ là không đủ để tiến tới một thỏa thuận thương mại có thực chất. Cho dù chính phủ Trump đang hào hứng rằng Mỹ có lợi thế trong đàm phán do kinh tế Trung Quốc bị chậm lại, cuộc thương chiến Mỹ-Trung cũng đang gây tổn hại không nhỏ cho kinh tế Mỹ.

Vì thế, có khả năng cả phía Mỹ cũng sẽ có những nhượng bộ đáng kể; và hai bên sẽ có thể đi tới một thỏa thuận tạm thời. Rất có khả năng trong khi chờ đợi giải quyết những bất đồng có tính cơ cấu của nền kinh tế, Trung Quốc sẽ nhân nhượng bằng quyết định tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ - đặc biệt là nông sản và khí đốt – đồng thời nhanh chóng ban hành luật đầu tư nước ngoài mới; trong khi đó phía Mỹ sẽ tiếp tục đàm phán và vận động; cả hai phía sẽ không dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp thuế suất đang áp đặt lên hàng hóa của nhau nhưng cũng sẽ không áp đặt thêm các đợt tăng thuế mới.

Cuộc thương chiến Mỹ-Trung sẽ còn kéo dài, nhưng trước mắt có một thỏa thuận tạm thời để ngưng chiến và tiếp tục thương thảo còn hơn là không có thỏa thuận nào được ký kết.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn