Tin tức

Chuyên gia khuyên Trung Quốc gia nhập CPTPP để tránh bị cô lập

11/01/2019    185

Một tổ chức tư vấn chính sách của Trung Quốc đang hối thúc Bắc Kinh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để tránh nguy cơ bị Mỹ cô lập về kinh tế.

Theo tờ South China Morning Post, hôm 9-11 Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG), một tổ chức tư vấn chính sách ở Bắc Kinh, công bố một báo cáo nghiên cứu trong đó cho rằng Trung Quốc nên tham gia CPTPP, một liên minh thương mại tự do gồm 11 nước, để chứng tỏ rằng nước này vẫn cam kết ủng hộ thương mại cởi mở trong bối cảnh cuộc chiến thuế với Washington vẫn chưa thể giải quyết.

Theo báo cáo, sự vắng mặt của Mỹ trong khối thương mại mới này tạo cho Trung Quốc khoảng thời gian cần thiết để mở rộng “nhóm các nước bạn bè” và tránh bị gạt ra khỏi bất kỳ hệ thống thương mại mới nào.

Wang Huiyao, người sáng lập CCG và hiện đang là cố vấn của Quốc vụ viện Trung Quốc, nói với các phóng viên tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh: “Chúng ta phải có sự chuẩn bị trước và gia nhập càng nhiều khối thương mại khu vực càng tốt”. Ông cho biết việc gia nhập CPTPP đòi hỏi Trung Quốc phải đáp ứng các chuẩn mực liên quan đến lao động, các công ty nhà nước, thương mại dịch vụ và tài sản trí tuệ mà hiệp định này đặt ra. Cũng theo ông “đây là phương án tốt để xây dựng sự đồng thuận ở nội bộ Trung Quốc và giảm xung đột với Mỹ”.
CPTPP là tên gọi mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút lui khỏi hiệp định này hồi tháng 1-2017. 11 nước tham gia  CPTPP có tổng dân số 500 triệu người và tổng giá trị GDP 13.500 tỉ đô la, chiếm 13,5% GDP toàn cầu. Hội nghị cấp bộ trưởng đầu tiên của CPTPP dự kiến diễn ra ở Tokyo vào ngày 19-1 tới với chương trình nghị sự quan trọng là thiết lập quy trình tiếp nhận các thành viên mới. Trước đó, nhiều nước như Thái Lan, Hàn Quốc và Anh tỏ ý muốn gia nhập.

Quan điểm chính thức của chính phủ Trung Quốc về CPTPP là nước này để ngỏ khả năng gia nhập dù nhiều nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh chưa sẵn sàng nhất trí với các điều khoản của hiệp định này. Chẳng hạn, một trong những quy định của CPTPP là các nước thành viên phải chia sẻ thông tin về các công ty nhà nước. Trung Quốc, vốn xem các công ty nhà nước là trụ cột của nền kinh tế quốc gia, có thể thấy khó chấp nhận quy định như vậy.
Hiện nước này đang thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với 10 nước thành viên ASEAN có các điều khoản sẽ dàng đáp ứng hơn nhiều so với CPTPP.

Tuy nhiên, khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thúc đẩy các thỏa thuận thương mại song phương với các đối tác thương mại lớn khác và khung hợp tác thương mại đa phương do Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đặt ra đang được cho là có nhiều bất cập, Trung Quốc bắt đầu cảm thấy nguy cơ bị cô lập khỏi hệ thống thương mại quốc tế.

Cảm giác lo ngại đó gia tăng khi Mỹ bổ sung thêm “điều khoản thuốc độc” trong Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) sửa đổi, cho phép Washington phủ quyết bất kỳ nỗ lực nào của Canada hay Mexico nhằm ký kết thỏa thuận thương mại tự do với “một nền kinh tế phi thị trường”. Giới phân tích nhìn nhận điều khoản này rõ ràng nhắm vào Bắc Kinh.

Cuộc chiến tranh thương mại kéo dài với Mỹ trong nhiều tháng khiến Trung Quốc càng cảm thấy cần khẩn cấp tìm các đối tác thương mại mới. Vòng đàm phán mới nhất giữa Mỹ và Trung Quốc vừa kết thúc ở Bắc Kinh hôm 9-1. Các nhà đàm phán của hai nước không tiết lộ đã thảo luận những nội dung chi tiết nào hoặc đã nhất trí được những vấn đề gì.

Dù ghi nhận các bất đồng giữa hai nước vẫn còn nhưng Wang Huiyao tin tưởng hai nước Trung - Mỹ có khả năng đạt được thỏa thuận thương mại thông qua đàm phán. Ông cho rằng gia nhập CPTPP là cách tương đối dễ dàng để Trung Quốc giành lợi thế trước Mỹ. Ông nhận định: “Sự phản đối trong nước chống lại CPTPP ở Trung Quốc đã biến mất sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định này. Chiến tranh thương mại đã khiến nhiều người nhận ra rằng Trung Quốc phải mở cửa hơn nữa vì các lợi ích riêng của mình”.

Tu Xinquan, Giáo sư ở Đại học Kinh tế và thương mại quốc tế Bắc Kinh, cho rằng CPTPP sẽ là một không gian tốt để Trung Quốc áp đặt tầm ảnh hưởng thương mại. Theo ông, việc gia nhập CPTPP khả thi hơn so với nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán thương mại đa phương ở WTO và Trung Quốc sẽ đối mặt với “nhiều cản trở kỹ thuật” trước khi có thể gia nhập, bao gồm chính sách ưu ái dành cho các công ty nhà nước và các quy định kiểm soát dòng chảy thông tin của nước này.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn