Quy trình để có một FTA?

10/01/2019    3969

Câu hỏi: Quy trình để có một FTA?

Trả lời:

Đối với mỗi FTA, thông thường các thành viên đều tự thỏa thuận cụ thể với nhau về tiến trình, thủ tục, điều kiện đàm phán, ký kết, thực thi FTA đó. Không có một quy trình chung, bắt buộc nào đối với việc đàm phán, ký kết, thực thi các FTA. Càng không có thời hạn nào cụ thể cho từng giai đoạn trong quy trình đàm phán FTA, tất cả phụ thuộc vào sự thống nhất ý chí chủ quan của các Bên tham gia đàm phán.

Trên thực tế, mỗi nước đều có quy định riêng về thẩm quyền, trình tự, cách thức tham gia một thỏa thuận quốc tế từ góc độ nội bộ của mình. Ở Việt Nam, các quy định này được nêu trong Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho nội bộ mỗi nước, không tự động áp dụng cho các FTA.

Từ góc độ quốc tế, Công ước Viên năm 1969 cũng có các quy định về việc đàm phán, ký kết, thực thi các điều ước quốc tế. Tuy nhiên, các quy định này chỉ áp dụng cho các nước thành viên Công ước Viên, khi các nước này không có thỏa thuận liên quan hoặc có tranh chấp trong quá trình đàm phán, ký kết, thực thi, giải thích các điều ước quốc tế.

Trên thực tế, thường thì một FTA sẽ  trải qua quy trình 05 bước sau:

  • Bước 1 - Nghiên cứu tiền khả thi:

Ở giai đoạn này, các Bên thường cử ra các nhóm kỹ thuật với nhiệm vụ nghiên cứu ban đầu về khả năng đàm phán FTA (Có mong muốn không? Có chia sẻ quan điểm chung nhất định về mở cửa thị trường không? Việc có FTA có lợi không? Có khó khăn, cản trở nào không?...).

Kết quả bước này là các Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của mỗi Bên với nội dung trả lời cho câu hỏi: Có nên bắt đầu đàm phán FTA không?

Trên thực tế, không phải FTA nào cũng có bước nghiên cứu tiền khả thi. Không ít các FTA được bắt đầu bởi quyết định, mong muốn chính trị hoặc sức ép nhất định mà không phải từ các nghiên cứu hay tính toán cẩn trọng.

Cũng có những trường hợp việc nghiên cứu tiền khả thi được thực hiện âm thầm, chỉ thể hiện ra kết quả là việc tuyên bố tham gia đàm phán một FTA nào đó.

 

  • Bước 2 - Đàm phán

Quá trình đàm phán là quá trình các Bên đưa ra các yêu cầu của mình (gọi là “bản chào” - Offer), trả lời các yêu cầu của đối tác, trao đổi, thảo luận để đi đến thống nhất về tất cả các vấn đề của FTA (từ các nguyên tắc đàm phán, phạm vi các nhóm vấn đề đàm phán, cấu trúc của từng nhóm vấn đề, đến nội dung cụ thể của từng cam kết, các vấn đề chung về hiệu lực, thủ tục, mối quan hệ với các thỏa thuận khác…).

Mỗi đợt đàm phán lớn thường được gọi là một “Vòng đàm phán”. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều FTA lớn ngoài các Vòng đàm phán chính thức (với sự tham gia của các quan chức cấp cao) còn có rất nhiều các đàm phán “ở cấp kỹ thuật” giữa các chuyên viên, thảo luận các vấn đề chi tiết, cụ thể trong từng điều khoản cam kết.

Đàm phán hoàn tất khi các bên thống nhất được với nhau về tất cả các nội dung của FTA và cùng xác nhận, tuyên bố “hoàn tất đàm phán” (Conclusion of negotiation).

Chú ý: Việc hoàn tất đàm phán một FTA chỉ có nghĩa là các Bên đã thống nhất về tất cả các nội dung của FTA đó. Nó không có nghĩa là FTA đã được ký kết.

Tùy thuộc vào nhiều yếu tố (phạm vi cam kết, nội dung cam kết, quan điểm của các Bên, bối cảnh đàm phán…), quá trình đàm phán một FTA có thể dài, ngắn khác nhau.

Ví dụ: Quá trình đàm phán TPP kéo dài gần 6 năm, vớihơn 20 Vòng đàm phán chính thức, 05 Phiên họp cấp Bộ trưởng, rất nhiều cuộc đàm phán kỹ thuật.

Trong khi đó đàm phán EVFTA chỉ mất 2 năm rưỡi, với 14 Vòng đàm phán chính thức và một số cuộc đàm phán kỹ thuật. Lý do chính được cho là vì EVFTA được đàm phán sau, với nhiều nội dung và mức độ mở cửa tương tự như TPP, do đó các vấn đề có thể được quyết định và đi đến thống nhất nhanh hơn nhiều so với TPP trước đó.

 

  • Bước 3 – Ký kết

Sau khi hoàn tất đàm phán, văn bản FTA sẽ được các bên thực hiện rà soát pháp lý (rà soát phát hiện và điều chỉnh các lỗi kỹ thuật, các từ ngữ chưa rõ ràng…). Sau đó các Bên sẽ hoàn tất thủ tục nội bộ của mình để cử người có thẩm quyền cùng ký FTA.

Thủ tục ký kết FTA có ý nghĩa như việc các Bên chính thức công nhận sự tồn tại của FTA đó. Thủ tục này cũng là điểm khởi động các quy trình nội bộ của mỗi Bên để phê chuẩn/thông qua FTA.

Chú ý: Việc ký kết một FTA không đồng nghĩa với việc FTA đó bắt đầu có hiệu lực, cũng không đồng nghĩa với việc các Bên đã bắt đầu bị ràng buộc bởi các cam kết trong FTA.

Việc rà soát pháp lý trước khi ký chính thức về nguyên tắc chỉ mang tính kỹ thuật, không ảnh hưởng tới nội dung các cam kết và thường được thực hiện khá nhanh. Ví dụ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, các Bên mất 3 tháng (từ 11/2015 đến tháng 2/2016) để rà soát pháp lý. 

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp vì nhiều lý do (quy trình kỹ thuật, mong muốn chính trị của mỗi Bên…) mà quá trình này có thể kéo rất dài. Ví dụ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU đã hoàn tất đàm phán từ 12/2015 nhưng đến 6/2018 mới chỉ hoàn thành rà soát pháp lý một phần.

 

  • Bước 4 - Phê chuẩn

Mỗi nước đều có các quy định riêng về quy trình, thẩm quyền phê chuẩn nội bộ của mình với một FTA sau khi FTA đó được hoàn tất đàm phán và ký kết.

Thông thường một cơ quan Chính phủ sẽ được giao nhiệm vụ đi đàm phán và ký kết FTA. Tuy nhiên việc phê chuẩn các FTA lại thường thuộc thẩm quyền của Nghị viện hoặc Quốc hội.

Việc phê chuẩn một FTA có ý nghĩa như việc chấp thuận chính thức của Bên phê chuẩn về sự ràng buộc của FTA đó đối với mình.

Việc phê chuẩn các FTA trong nội bộ các nước thường thuộc thẩm quyền của Quốc hội hoặc Nghị viện (cơ quan dân cử, có quyền lập pháp) của nước đó. Lý do là các FTA thường bao gồm các nội dung mà nếu trong nội bộ thì vốn thuộc thẩm quyền quyết định của các cơ quan này (như thuế quan, các quy tắc nằm trong các Luật nội địa…).

Nói cách khác, do nhiều cam kết trong các FTA sẽ làm thay đổi nội dung các văn bản luật ở trong nước nên để các FTA được chấp thuận ở trong nước, FTA phải được sự phê chuẩn (đồng ý) của Quốc hội hoặc Nghị viện (cơ quan có thẩm quyền ban hành luật).

 

  • Bước 5 - Có hiệu lực

Thông thường, sau khi các Bên hoàn thành thủ tục phê chuẩn nội bộ,  thông báo chính thức về việc phê chuẩn này đồng thời đáp ứng đủ các điều kiện để FTA có hiệu lực thì FTA chính thức có hiệu lực với Bên phê chuẩn. Điều kiện để FTA có hiệu lực (phải có bao nhiêu thành viên phê chuẩn FTA…) và thời điểm có hiệu lực (sau bao nhiêu ngày kể từ khi điều kiện có hiệu lực được thỏa mãn…) sẽ tùy thuộc vào quy định cụ thể của mỗi FTA. Ví dụ: Theo cam kết, CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày có ít nhất 6 hoặc một nửa số thành viên CPTPP phê chuẩn Hiệp định này.

Kể từ thời điểm đó, Bên phê chuẩn có nghĩa vụ thực hiện các cam kết trong FTA và được hưởng các quyền lợi từ các cam kết.

Tuy nhiên, không phải cam kết nào trong FTA cũng phải/được thực hiện ngay khi FTA có hiệu lực. Tùy thuộc nội dung từng cam kết, thời điểm thực thi cam kết có thể là ngay tại thời điểm mà FTA có hiệu lực, cũng có thể là sau một thời gian nhất định (lộ trình). Ví dụ, một số cam kết về sở hữu trí tuệ trong CPTPP Việt Nam sẽ chỉ phải thực hiện sau 3-5 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực với Việt Nam.

Chú ý: Thời điểm có hiệu lực của một FTA chỉ có ý nghĩa đối với Nhà nước thành viên FTA, không tự động ràng buộc hay tạo ra quyền/nghĩa vụ trực tiếp nào đối với các tổ chức, cá nhân trong Nhà nước đó. Để các cam kết FTA có hiệu lực với các tổ chức, cá nhân, thông thường sẽ phải thông qua một trong hai kênh (i) các văn bản pháp luật nội luật hóa từng cam kết cụ thể (trường hợp của Việt Nam là sửa đổi, ban hành mới các Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư… để thực thi cam kết); hoặc (ii) văn bản nội địa cho phép tổ chức, cá nhân áp dụng trực tiếp các cam kết nhất định (trường hợp của Việt Nam là Nghị quyết của Quốc hội cho phép áp dụng trực tiếp cam kết).

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập - VCCI