Tin tức

FTA mới dọn đường cho thủy sản

24/12/2018    844

Hai hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương thế hệ mới là CPTPP và EVFTA được dự báo sẽ mang đến nhiều cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam trong việc khai phá các thị trường mới.

Xuất khẩu khả quan

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong tháng 11-2018, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 800 triệu đô la Mỹ, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá trị xuất khẩu cá tra đạt 212 triệu đô la Mỹ, tăng 32% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá ngừ, mực, bạch tuộc và các hải sản khác cũng có chiều hướng tăng trong thời điểm cuối năm. Đặc biệt, xuất khẩu mực, bạch tuộc vào thị trường Hàn Quốc duy trì đà tăng tích cực, đưa Hàn Quốc trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ở nhóm hàng này với hơn 200 triệu đô la Mỹ trong 10 tháng đầu năm nay (tăng 18%). Lũy kế 11 tháng đầu năm nay, xuất khẩu các mặt hàng thủy sản đạt hơn 8 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 5%. Tính riêng hai tháng 10 và 11, xuất khẩu thủy sản đạt 1,63 tỉ đô la Mỹ, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ hội từ CPTPP và EVFTA

Hai FTA đa phương thế hệ mới là CPTPP và EVFTA được dự báo sẽ mang đến nhiều cơ hội cho ngành thủy sản Việt Nam trong việc khai phá các thị trường mới. Với CPTPP là ba thị trường ở châu Mỹ (Canada, Mexico và Peru), còn với EVFTA sẽ là hơn 20 nước thành viên của khu vực Eurozone.

Đối với mặt hàng thủy sản, Hiệp định EVFTA sẽ xóa bỏ thuế quan hoàn toàn (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên) với lộ trình dài nhất là bảy năm. Với mặt hàng cá ngừ, Thái Lan, Trung Quốc đang là hai đối thủ lớn nhất của Việt Nam, nắm giữ thị phần xuất khẩu lớn nhưng cả hai quốc gia trên đều chưa ký kết FTA với EU và cũng không phải là thành viên của CPTPP. Điều này đồng nghĩa với việc mặt hàng cá ngừ của Việt Nam có lợi thế tuyệt đối về thuế so với hai nước trên tại hai khu vực thị trường lớn là EU và CPTPP.

Tương tự, với mặt hàng tôm, Việt Nam hiện đang đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu tôm nắm 14% thị phần, đứng đầu là Ấn Độ với 15%. Sau khi EVFTA và CPTPPP có hiệu lực cả thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu từ Việt Nam và thuế xuất khẩu tôm chế biến vào EU và khối CPTPP đều được cắt giảm. Trong khi đó, Ấn Độ không phải thành viên CPTPP, quá trình đàm phán FTA giữa Ấn Độ và EU cũng đang bị tạm ngưng. Đây được xem là cơ hội để sản phẩm tôm xuất khẩu Việt Nam vươn lên cạnh tranh với Ấn Độ.

Được biết, để đón đầu EVFTA, Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC) đã chuyển hướng thâm nhập thị trường EU từ hai năm qua và kết quả hết sức khả quan. Còn trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, FMC đã chuẩn bị xưởng chế biến tôm để giành thị phần khi tôm Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế cao. Đồng thời, công ty này đang chuẩn bị cho chiến lược mở rộng vùng nuôi theo khả năng quỹ đất có được, giúp sản lượng tăng kể từ năm 2019 trở đi. Công ty cổ phần Nam Việt (ANV) cũng đang cố gắng đa dạng thị trường nhằm cân bằng và giảm thiểu rủi ro. Hiện nay, thị trường Trung Quốc của ANV còn mới và chỉ chiếm 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2018; thị trường châu Âu chiếm 16% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và duy trì nhiều năm nay. Riêng thị trường Mỹ, do đang chịu thuế bán phá giá cao nên ANV chưa thâm nhập được, nhưng đây là thị trường rộng lớn, chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra với giá bán tốt, nên ANV đang đặt kế hoạch chinh phục lại. Đi kèm với chiến lược đa dạng vùng nuôi, ANV cũng tập trung hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất thức ăn, đến nuôi cá bố mẹ, cá giống, chế biến và xuất khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, EVFTA và CPTPP cũng đem đến một số thách thức nhất định. Cách duy nhất để doanh nghiệp Việt Nam được hưởng các ưu đãi về thuế quan chính là tuân thủ quy tắc xuất xứ kèm theo trong mỗi FTA. Hiệp định EVFTA quy định khá chặt chẽ về điều kiện hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế, hầu như chỉ chấp nhận hàng hóa có xuất xứ thuần túy từ các nước thành viên hoặc các nước đã ký FTA với EU. Trong khi đó, CPTPP có phần linh hoạt hơn khi chấp nhận xuất xứ cộng gộp có tổng giá trị khu vực từ 40% trở lên.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn