Tin tức

Đón làn sóng doanh nghiệp từ châu Âu

14/11/2018    567

Dòng vốn đầu tư và hàng hóa từ châu Âu (EU) vào thị trường trong nước ngày càng gia tăng trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa khu vực này và Việt Nam (EVFTA) đang trong giai đoạn nước rút với nhiều kỳ vọng sẽ được thực thi vào năm tới.

Đẩy mạnh thương mại

Vừa qua, tập đoàn chuyên sản xuất các sản phẩm đồ gia dụng của Ý là De’Longhi đã đưa hàng loạt đồ điện gia dụng, thiết bị vệ sinh, dụng cụ nhà bếp... vào thị trường Việt Nam với hai dòng sản phẩm mang thương hiệu Ariete và Vintage, thông qua nhà nhập khẩu và phân phối độc quyền là Công ty cổ phần An Gia Tiến. Ông Marco Dellernia, Giám đốc điều hành thương hiệu Ariete, kỳ vọng tập đoàn sẽ đạt doanh thu 2 triệu đô la Mỹ trong năm đầu tiên tham gia thị trường, tăng gấp đôi ở năm thứ hai, và đạt 8 triệu đô la vào năm thứ ba.

Hàng loạt thương hiệu nội thất châu Âu cũng đang gia tăng sự hiện diện. AKA Funiture Group mới đây đã cho ra mắt các thương hiệu nội thất Baxter, Minotti, Ligne Roset đến từ Ý và Pháp. Còn Eurasia Concept cũng đã đưa được khoảng 30 thương hiệu nội thất châu Âu vào Việt Nam.

Ông Leonardo Cangioli, đại diện thương hiệu đèn trang trí Officina Luce, doanh nghiệp đang tìm cơ hội kinh doanh ở Việt Nam, cho biết sản phẩm Officina Luce có giá từ hàng ngàn đến hàng chục ngàn euro, thường chỉ phù hợp với khoảng 1-2% dân số của một quốc gia, nhưng ông tin hãng có thể “sống” được vì giới thượng lưu ở Việt Nam đang tăng nhanh.

Về nhóm sản phẩm máy móc thiết bị, lâu nay, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu mua từ châu Á như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Thế nhưng gần đây, việc nhập khẩu công nghệ châu Âu có chiều hướng tăng. Ông Fabrizio Bellagamba, Giám đốc phụ trách vùng Viễn Đông của Comelz Italia, đơn vị cung cấp máy móc, thiết bị phục vụ ngành giày da của Ý, cho biết năm 2017 Comelz cung cấp khoảng 100 máy móc thiết bị ở Việt Nam, tăng 40% so với năm trước đó. Dự kiến năm nay công ty sẽ cung cấp 140 máy móc thiết bị. Trong khi đó, ông Paolo Lemma, Trưởng đại diện Thương vụ Ý tại Việt Nam, cho biết năm 2017 kim ngạch xuất khẩu máy móc sản xuất giày, đồ da và thuộc da của Ý đến các quốc gia khác chỉ tăng hơn 10% so với năm 2016, trong khi thị trường Việt Nam tăng gấp đôi, đạt hơn 30 triệu euro.

Việt Nam đang là điểm đến của các nhà sản xuất, gia công ngành may mặc, giày dép, điện tử, phụ kiện ô tô..., đặc biệt là sự dịch chuyển đơn hàng sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đây được xem là điều kiện thuận lợi cho các nhà cung cấp thiết bị và phụ kiện của châu Âu.

Tại diễn đàn doanh nghiệp Pháp - Việt ở TPHCM trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Pháp tới Việt Nam hồi tuần trước, ông Henri-Charles Claude, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp tại Việt Nam (CCIFV), cho rằng Việt Nam đang ở giai đoạn tăng tốc và các doanh nghiệp, nhà đầu tư không thể chậm chân hơn. Tương tự, ông Jean Jacques Bouflet, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), khuyên các doanh nghiệp châu Âu cần nhanh chân hơn trong kết nối kinh doanh ở Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực.

Trên thực tế, từ năm ngoái đến nay, nhiều đoàn doanh nghiệp lớn châu Âu đã liên tiếp đến Việt Nam tìm cơ hội kinh doanh. Họ bày tỏ sự lạc quan khi tiếp cận thị trường, không ngại cạnh tranh với sản phẩm của các quốc gia khác. Họ đang chờ thời điểm để đưa sản phẩm vào Việt Nam, bởi lẽ EVFTA cam kết mở cửa thị trường khá rộng, thuế suất 0% sẽ được áp dụng cho các mặt hàng nhập khẩu mà EU có thế mạnh như ô tô, máy móc thiết bị, rượu bia, dược phẩm, nông sản ôn đới...

Vào Việt Nam để đến với thị trường ASEAN

Các doanh nghiệp châu Âu cho rằng ngoài lợi thế thu hút đầu tư, Việt Nam còn là một “cầu nối” tốt để họ đến với thị trường ASEAN. Ông Valentin Trần, Giám đốc Andros - doanh nghiệp chuyên chế biến các sản phẩm trái cây, cho rằng Việt Nam đang phát triển nhanh, dân số đông, có nguồn nguyên liệu dồi dào, phù hợp với yêu cầu đầu tư của tập đoàn và để từ đây, họ tiếp cận với thị trường hơn 630 triệu người của khu vực ASEAN.

Tại Việt Nam, Nestlé đang điều hành sáu nhà máy sản xuất cà phê, trà, thức uống, bột nêm, nước chấm... với tổng vốn đầu tư 527 triệu đô la Mỹ. Bên cạnh việc tiêu thụ sản phẩm ở thị trường Việt Nam, Nestlé cũng đẩy mạnh xuất khẩu sang khu vực. Gần đây, hãng này đã khánh thành dây chuyền viên nén cà phê tại Đồng Nai, công suất 2.500 tấn cà phê/năm. Theo kế hoạch, khoảng 90% sản phẩm của dây chuyền này sẽ được xuất khẩu đi Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore, Indonesia, Hồng Kông, Đài Loan...

Về tổ hợp công nghiệp của Piaggio gồm nhà máy sản xuất, nhà máy động cơ và trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) ở Vĩnh Phúc, ngoài việc cung cấp xe tay ga cho thị trường trong nước, nhiều năm qua xe Vespa và Piaggio sản xuất tại Việt Nam đã xuất sang các nước Đông Nam Á, và cả Trung Quốc, Nhật Bản, đưa Việt Nam trở thành nơi sản xuất quan trọng cho chiến lược phát triển của hãng xe Ý này.

Trong khi đó, nhà máy Bosch Powertrain Solutions tại Đồng Nai, sau hơn 10 năm thành lập giờ đã trở thành nhà máy sản xuất dây đai truyền lực biến đổi liên tục cho ngành ô tô lớn nhất trong hệ thống toàn cầu của Bosch, cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô tại châu Á - Thái Bình Dương và Bắc Mỹ. Bosch cho biết sẽ tiếp tục rót vốn để nâng mức đầu tư tại nhà máy này lên 372 triệu đô la vào cuối năm nay.

Theo các chuyên gia, những cam kết trong EVFTA nhằm đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, đặc biệt là các chính sách cạnh tranh và bảo hộ sở hữu trí tuệ ở mức độ cao, sẽ thúc đẩy luồng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam và Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối thương mại và đầu tư của EU trong khu vực ASEAN.

Báo cáo “EVFTA: Góc nhìn từ Việt Nam” của EuroCham gần đây cho thấy hơn 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát tin rằng EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng tính cạnh tranh, trong đó có 72% cho rằng hiệp định sẽ giúp Việt Nam trở thành cánh cổng giao thương cho các doanh nghiệp châu Âu trong khu vực Đông Nam Á. “Các thành viên của chúng tôi chỉ ra một bức tranh tích cực với 85% dự đoán EVFTA sẽ có tác động đáng kể hoặc vừa phải đến kế hoạch kinh doanh và đầu tư của họ trong dài hạn; 80% tin rằng EVFTA sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc”, ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch EuroCham, nói.

Đáng chú ý, chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) ở Việt Nam do EuroCham thực hiện vào quí 2 vừa rồi cho thấy nó đã tăng liên tục trong ba quí gần đây. So với quí 1-2018, chỉ số quí 2 đã tăng 6 bậc, đạt 84 điểm. Đây cũng là đánh giá tích cực nhất từ cộng đồng doanh nghiệp châu Âu trong 18 tháng qua. Báo cáo cho thấy có tới hơn 70% doanh nghiệp tham gia khảo sát phản hồi kết quả kinh doanh quí 2 là tích cực. Về dự đoán tình hình kinh doanh sắp tới, 64% phản hồi “tốt” và 15% phản hồi “xuất sắc”.

Về kế hoạch mở rộng hoạt động, 57% phản hồi sẽ “tăng đáng kể”’ và “tăng nhẹ” nguồn nhân lực; 61% cũng dự định tăng đầu tư “đáng kể” và “tăng nhẹ”... Ông Audier cho rằng: “Việc EuroCham đạt mốc 1.000 thành viên, trở thành một trong những hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất ở châu Á đã củng cố thông điệp tích cực và cho thấy Việt Nam đang là điểm đến thương mại và đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư châu Âu cũng như quốc tế”.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng Việt Nam cần cải thiện môi trường kinh doanh một cách nhanh chóng hơn. Đây cũng là những thông điệp mà EuroCham muốn truyền tải trong chuỗi hoạt động giới thiệu Sách Trắng thời gian qua. EuroCham đưa ra những kiến nghị đối với nhiều lĩnh vực góp phần thúc đẩy cải cách các quy định pháp luật phù hợp với tình hình thực tế, tiến đến cắt giảm chi phí, thời gian, thủ tục hành chính... cho doanh nghiệp. Bởi lẽ động lực phát triển kinh doanh của doanh nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào môi trường kinh doanh và sự hỗ trợ nhiệt tình cũng như trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật.  

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn