Công ước Viên 1980 – Tại sao gia nhập? Tại sao không?

07/09/2010    4760

Vương quốc Anh – Tự hào truyền thống

Sau 30 năm ra đời, CISG vẫn chưa được Vương quốc Anh phê chuẩn. Tuy nhiều quốc gia đã trở thành thành viên của Công ước (trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc,…) nhưng cường quốc này vẫn đứng ngoài cuộc và không hề có động thái chính thức nào về việc tham gia. Nhiều lý do đã đươc đưa ra để giải thích tại sao CISG được áp dụng phổ biến tại các quốc gia nhưng Vương quốc Anh vẫn chưa gia nhập Công ước này. Giải thích phổ biến nhất là Luật mua bán hàng hóa năm 1979 của Anh là một văn bản có sức ảnh hưởng rất lớn trong mua bán hàng hóa quốc tế, và là niềm tự hào của các luật gia Anh. Việc tham gia CISG có thể làm giảm sức ảnh hưởng này và với một quốc gia bảo thủ như Vương quốc Anh, đây không phải là điều họ mong muốn.

Hai cuộc khảo sát năm 1989 và 1997 lấy ý kiến của các doanh nghiệp Anh về việc gia nhập CISG cho thấy đa số các tập đoàn kinh tế lớn không mấy hứng thú với Công ước này, trong đó có ICI, BP, Shell,… và rất nhiều tổ chức bỏ phiếu thuận năm 1989 cũng thay đổi ý định của mình vào năm 1997. Hầu hết họ cho rằng việc tham gia Công ước sẽ càng gây thêm nhiều tranh chấp và làm giảm tầm ảnh hưởng của luật Anh trên trường quốc tế. Tham gia một chuẩn mực như CISG sẽ làm giảm đi đáng kể thu nhập từ việc xét xử các vụ tranh chấp hợp đồng tại nước này theo luật Anh. Trong khi đó, với sức mạnh kinh tế của mình, tính đến thời điểm hiện tại, nền kinh tế Anh không hề bị ảnh hưởng tiêu cực bởi việc không gia nhập CISG.

Theo nhiều luật sư Anh, một số điều khoản của Công ước được xem là “cái bẫy” dẫn tới việc không áp dụng luật Anh hoặc gây khó khăn cho các luật sư đã quen áp dụng luật Anh. Angelo Forte – giảng viên Luật của Đại học Aberdeen, Scotland – đã chỉ rõ những “cái bẫy” này trong một bài nghiên cứu của mình. Thứ nhất, nếu là thành viên của CISG thì CISG sẽ trở thành luật áp dụng trong các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế ngay cả khi quy phạm tư pháp quốc tế dẫn chiếu đến luật của Anh (quy định tại khoản b của Điều 1.1), trừ khi Anh thực hiện bảo lưu điều 1.1(b). Điều này đồng nghĩa với việc loại bỏ Luật của Anh ra khỏi vị trí ưu tiên áp dụng, và điều này thì chắc chắn những nhà lập pháp của Anh không hề mong đợi. “Cái bẫy” thứ 2 ở điều 16.2(a) về điều kiện “chào hàng không thể bị hủy”. Công ước quy định rằng chào hàng không thể bị hủy nếu nó ấn định một thời hạn xác định để chấp nhận hay khẳng định rằng nó không thể bị hủy”. Nhưng trong luật của Anh, chào hàng không thể bị hủy chỉ khi “có hồi âm từ người được chào hàng” và “người chào hàng cam đoan không hủy”, tức là 2 điều kiện này phải đồng thời diễn ra. Vì những nguy hiểm tiềm ẩn như vậy, các luật sư phải hết sức cẩn thận khi soạn thảo và thương thuyết hợp đồng.

Thêm nữa, như đã nói ở trên, quy phạm pháp lý quốc gia hiện hành tại Vương quốc Anh và các điều khoản của Công ước 1980 không hoàn toàn giống nhau. Vì vậy chỉ cần một cách diễn đạt hay lối hành văn bị hiểu sai là có thể dẫn đến sự tổn thất nghiêm trọng cho hệ thống Luật quốc gia của Anh. Ví dụ, những thuật ngữ quá chung được sử dụng trong công ước như “tính Quốc tế”, “việc áp dụng thống nhất Công ước”, “tuân thủ trong thương mại Quốc tế” tại Điều 7 sẽ gây nhiều tranh cãi trong cách hiểu và áp dụng. 

Nói một cách khác, tính “truyền thống” của pháp luật Anh và sự “bảo thủ” của” nước này đã ngăn cản họ tham gia CISG.

    Nam Phi – Gia nhập hay không gia nhập?

CISG được soạn thảo và đưa ra bàn luận giữa đại diện các nước trên thế giới trong sự vắng mặt của Nam Phi bởi vào giai đoạn đó quốc gia này thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng. Vì vậy họ không có đóng góp nào đáng kể đối với sự hình thành của CISG.

Theo giáo sư Sieg Eiselen cho đến thời điểm này vẫn còn tồn tại những mâu thuẫn về việc nên hay không nên áp dụng các quy phạm thống nhất cho các hợp đồng mua bán quốc tế tại Nam Phi. Mâu thuẫn càng gay gắt hơn khi bàn đến sự tham gia trở thành nước thành viên của Công ước Viên 1980 – Công ước được áp dụng cho hơn 3/4 tổng giao dịch hàng hóa trên toàn thế giới hiện nay.

Các ý kiến phản đối việc gia nhập cho rằng gia nhập CISG sẽ tạo ra hơn một hệ thống pháp luật về hợp đồng mua bán tồn tại ở quốc gia này, từ đó dễ gây cồng kềnh bộ máy quy phạm pháp luật. Những người phản đối cho rằng phía ủng hộ Công ước đã quá phóng đại các mâu thuẫn về tranh chấp hợp đồng mà thật ra luật quốc gia hiện hành hoàn toàn có thể xử lý được. Không những vậy, khi tham gia Công ước, luật pháp trở nên cứng nhắc và khó điều chỉnh vì để sửa đổi một điều khoản trong Công ước cần có sự đồng tình của toàn bộ các nước thành viên.

Mặt khác, sự khác biệt vềvăn hóa, tập quán thương mại và ngôn ngữ giữa các quốc gia khiến việc biên dịch Công ước này tại Nam Phi có thể gây ra những sự không rõ ràng và mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.

Trong khi đó, phía ủng hộ cũng đưa ra những lập luận mạnh mẽ về những lợi ích mà Công ước Viên 1980 có thể mang lại cho nước này:

- Về lĩnh vực pháp lý, áp dụng Công ước Viên sẽ loại bỏ các xung đột giữa pháp luật Nam Phi và pháp luật nước ngoài về mua bán hàng hóa, sẽ không còn phải “chọn luật” cho các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế như từ trước đến nay (trừ khi các bên hợp đồng muốn như vậy). Ngoài ra, không những Công ước không xung đột với bất cứ điều luật hiện hành của Nam Phi mà còn giúp hoàn chỉnh các điều luật đó theo chuẩn mực toàn cầu. 

- Về lĩnh vực kinh tế, Công ước giúp đơn giản hóa các thương vụ mua bán bằng việc áp dụng quy trình chung cho việc giao kết hợp đồng và những nguyên tắc chung để giải quyết các tranh chấp hợp đồng nếu có. Từ đó tiết kiệm thời gian và chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Nam Phi, nhất là những doanh nghiệp nhỏ.

- Hầu hết các nước đối tác thương mại lớn của Nam Phi đều đã tham gia Công ước này (như Hoa Kỳ, Trung Quốc, các nước Châu Âu,…) nên việc trở thành nước thành viên chứng tỏ khả năng hòa nhập của Nam Phi trên trường quốc tế.

Cho đến nay, tranh cãi này ở Nam Phi vẫn chưa đi tới hồi kết và vì vậy nước này vẫn đứng ngoài CISG.

    Nhật Bản – Muộn nhưng chắc chắn

Nhật Bản đã gia nhập Công ước Viên 1980 ngày 1/8/2009, sau gần ba mươi năm CISG được phê duyệt và sau gần hai mươi năm kể từ khi CISG chính thức có hiệu lực. Tại sao cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới này lại chậm trễ trong việc gia nhập CISG như vậy?

Chưa bao giờ Nhật Bản phản đối việc tham gia Công ước Viên 1980, tuy nhiên trong khoảng thời gian khủng hoảng kinh tế ưu tiên hàng đầu đối với Chính Phủ Nhật là thoát khỏi khủng hoảng. Mặt khác, vào thập niên 90 chỉ có khoảng 30 nước tham gia CISG, chưa có một xu hướng rõ rệt hay câu trả lời chính xác rằng CISG sẽ được sử dụng rộng rãi hay không cùng với việc thiếu sự hậu thuẫn về kinh tế từ các tập đoàn kinh doanh lớn nên Nhật đã không tham gia CISG cho đến 1/8/2009. Có ba lý do chính cho sự thay đổi này:

Thứ nhất, việc tham gia và sử dụng CISG trong giao dịch thương mại quốc tế đã trở thành xu thế toàn cầu.  Đã có 74 quốc gia tham gia Công ước, ngay cả những nước chưa tham gia cũng có thể sử dụng công ước như một luật điều chỉnh hợp đồng.

Thứ hai, hiện nay nền kinh tế đã đi vào ổn định, Chính Phủ Nhật đã có điều kiện tập trung thời gian cũng như nhân lực vào công tác nghiên cứu tác động của CISG, và đã sớm khẳng định những lợi ích mà CISG mang lại. Các thương gia chính là những người nhận thức rõ nhất lợi ích của việc tham gia CISG như giảm chi phí khi sử dụng một bộ luật thống nhất cho các giao dịch quốc tế, hay có thể cắt giảm chi phí cho việc đàm phán bộ luật điều chỉnh hợp đồng. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Nhật Bản với các nước châu Á ngày càng tăng, chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch. Nhiều nước châu Á là các nước đang phát triển, cần hoàn thiện hệ thống luật pháp nên việc xác định được một bộ luật thống nhất có ý nghĩa rất lớn trong quá trình giao thương này.

Thứ ba, nhiều thương gia, cũng như các nhà làm luật đã trở nên quen thuộc với CISG do nhiều điều khoản cũng như khái niệm của CISG đã được đưa vào luật dân sự của Nhật. Vì vậy tâm trạng e dè đối với việc tham gia CISG hầu như không còn nữa.

    Các nước ASEAN – Rụt rè tăng tốc

Một điều dễ nhận thấy khi nhìn vào danh sách 74 nước thành viên CISG là sự vắng mặt của hầu như tất cả các nước ASEAN (trừ Singapore) trong khi đây lại là một trong những khu vực năng động nhất thế giới (đặc biệt trong hoạt động xuất khẩu).

Theo ý kiến của Ông Luca Castellani, chuyên gia pháp luật thương mại quốc tế tại Ban Thư ký UNCITRAL thì việc các nước ASEAN chưa phải là thành viên CISG có thể xuất phát từ nhiều lý do. Thứ nhất, rất ít nước có đại diện tham gia vào quá trình đàm phán xây dựng CISG từ thuở ban đầu và vì vậy họ không gia nhập CISG ngay từ thời điểm ký kết. Thời gian sau đó, các nước này lại bị cuốn vào rất nhiều mối quan tâm ưu tiên khác về pháp lý (trừ Singapore) và vì vậy họ chưa tham gia CISG chứ hoàn toàn không phải vì những lý do về nội dung của CISG. Một lý khác giải thích cho việc này là các nước ASEAN có tham vọng hình thành một khung pháp lý chung về hợp đồng cho các nước trong khu vực này, vì vậy họ không thật sự mặn mà với CISG. Tuy nhiên, khi mà khung pháp lý chung mà các nước ASEAN này chưa thành hình trong khi hoạt động thương mại ở khu vực này lại đang gia tăng nhanh chóng (đặc biệt sau khi ký kết Hiệp định thương mại tự do về hàng hóa ATIGA), xu hướng quay lại với CISG lại đang gia tăng ở khu vực này. Với việc gia nhập CISG của Hàn Quốc năm 2005 và Nhật Bản năm 2009, xu hướng ủng hộ CISG càng được cổ vũ hơn nữa. Thái Lan, Philippine, Indonesia đang tỏ rõ ý định gia nhập CISG và có lẽ việc gia nhập của họ chỉ còn là câu chuyện thời gian.

Xu thế tương tự cũng diễn ra tại Singapore, nước gia nhập CISG vào ngày 16/02/1995 với bảo lưu Điều 1.1(b) của Công ước. Mục đích của sự bảo lưu này là làm giảm sự lo ngại của các đối tác chưa biết đến CISG và vẫn có thói quen chấp nhận luật Singapore để điều chỉnh hợp đồng. Tuy nhiên tình thế hiện nay đã có nhiều thay đổi, không ít doanh nghiệp trên thế giới đã có cái nhìn tổng quan về tầm ảnh hưởng và lợi ích của CISG. Chính vì vậy mà nhiều người cho rằng Singapore nên hủy bỏ chế độ bảo lưu trước đây. Họ khẳng định những lý do khiến Singapore bảo lưu Điều 1.1b đã không còn phù hợp và hiện tại không có lý do chính đáng để quốc gia này tiếp tục bảo lưu. Trước đây những nước chấp thuận luật Singapore để điều chỉnh hợp đồng (đa phần là những nước có hệ thống luật không mạnh bằng luật Singapore) bây giờ muốn hợp đồng mua bán của họ được điều chỉnh bởi CISG – Công ước đảm bảo được sự bình đẳng cho cả bên bán và bên mua. Ngoài ra, trong trường hợp tuyên bố không bị ràng buộc này được gỡ bỏ, hai bên mua và bán vẫn có thể tiếp tục lựa chọn luật Singapore để điều chỉnh hợp đồng thay vì CISG - theo như Điều 6 của Công ước. Hơn nữa, việc chấp nhận Điều 1 khoản 1b còn chứng tỏ Singapore luôn có một môi trường kinh doanh thân thiện, tiến bộ trong lĩnh vực pháp lý, đồng thời CISG sẽ được tạo điều kiện để trở nên phổ biến trong khu vực Đông Nam Á, từ đó tăng thêm thu nhập từ các vụ giải quyết tranh chấp và thương thuyết liên quan đến CISG với những kinh nghiệm đã có sẵn.

    Hàn Quốc – Vì nhu cầu phát triển

Trong vòng 20 năm trở lại đây, Hàn Quốc đã có bước tiến dài trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế với sự tăng trưởng ấn tượng về kim ngạch và khối lượng xuất nhập khẩu. Hoàn thiện pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế trở thành nhu cầu thiết thân đối với nước này. Vì vậy, sau nhiều năm thảo luận nội bộ, cùng với “sức ép” tạo ra từ sự gia nhập CISG lần lượt của các bạn hàng lớn, trong đó có các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, Canada, Trung Quốc… Hàn Quốc đã có quyết định cuối cùng: gia nhập CISG vào ngày 17/2/2004, và chính thức áp dụng các điều khoản của Công ước vào các giao dịch hàng hóa Quốc tế vào ngày 1/3/2005.

Trước thời điểm này, các tổ chức kinh doanh của Hàn Quốc luôn bị động khi chọn luật cho hợp đồng mua bán và thường có xu hướng chấp nhận luật nước ngoài, đặc biệt là luật của Hoa Kỳ và Anh. Điều này làm các doanh nghiệp Hàn Quốc khó có thế chủ động khi xảy ra tranh chấp, từ đó làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa. Vì lý do này, việc gia nhập CISG đã được tính đến. Tuy nhiên một số người vẫn bất đồng ý kiến với việc gia nhập CISG vì lo ngại rằng gia nhập thành viên Công ước sẽ đem lại nhiều rủi ro pháp lý và ngỡ ngàng cho nhiều luật sư và doanh nhân Hàn Quốc đã quen áp dụng các bộ luật sẵn có, nhất là việc dịch Công ước sang tiếng quốc ngữ. Đây cũng là quan ngại chung của nhiều nước khi cân nhắc việc nên hay không nên trở thành thành viên của Công ước (như đã phân tích đối với Vương Quốc Anh và Nam Phi). Ngoài ra, họ cho rằng thời điểm gia nhập CISG là chưa chín muồi vì một số bạn hàng lớn lúc bấy giờ vẫn chưa có động thái tích cực đối với CISG, điển hình là Nhật Bản – một trong số những nước có khối lượng giao dịch hàng hóa lớn nhất với Hàn Quốc và có hệ thống quy phạm pháp luật gần giống Hàn Quốc nhất.

Những quan điểm trên đã dần thay đổi khi hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế của Hàn Quốc ngày càng mở rộng. Sự thay đổi lớn nhất là sự bình thường hóa quan hệ mua bán với Trung Quốc – một nền kinh tế đang lớn mạnh một cách cực kỳ ấn tượng tại Châu Á từ năm 1992. Vào thời điểm đó Trung Quốc đã là thành viên của CISG. Chính sự gia tăng lượng giao dịch hàng hóa với Trung Quốc và sự chuẩn bị ráo riết của Nhật Bản trong tiến trình gia nhập CISG vào thời điểm đó là nguồn động lực lớn nhất để các học giả, luật sư và các nhà kinh tế Hàn Quốc đã ủng hộ mạnh mẽ xu hướng gia nhập Công ước.