EVFTA - Thêm một bước tiến mới hướng tới việc ký kết chính thức

28/06/2018    135

Tin từ Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho hay, ngày 26/6/2018 tại Brussels (Bỉ), Cao ủy Malmström và Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh đạt được thống nhất về một bước đi mới của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo đó, EVFTA được tách làm hai Hiệp định, một về thương mại và một về đầu tư. Ngày 26/6, hai Bên công bố chính thức hoàn tất việc rà soát pháp lý đối với Hiệp định Thương mại. Tuy nhiên, với Hiệp định bảo hộ đầu tư (nay có tên là IPA), hai Bên mới chỉ kết thúc những thảo luận ban đầu.

Ủy ban sẽ tiến hành biên dịch văn kiện Hiệp định thương mại sang 22 ngôn ngữ chính thức của EU và khởi động quá trình rà soát pháp lý đối với văn kiện IPA, mở đường cho việc ký kết và hoàn tất cả hai hiệp định này.

Bà Cao ủy Thương mại Cecilia Malmström nói: "Hiệp định này là một cơ hội to lớn dành cho các nhà xuất khẩu châu Âu. Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất tại Đông Nam Á, một thị trường có tiềm năng đáng kể đối với các mặt hàng xuất khẩu về nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ của EU. Qua việc hoàn tất quá trình rà soát pháp lý, chúng tôi hy vọng sẽ nhanh chóng hoàn thiện được các hiệp định thương mại để cho phép các doanh nghiệp, người lao động, nông dân và người tiêu dùng EU có thể thu được các lợi ích sớm nhất có thể. Việt Nam là một dẫn chứng tốt về một quốc gia đang phát triển nắm bắt được các cơ hội của một nền thương mại mở toàn cầu đi đôi với các cam kết rõ ràng về sự tôn trọng nhân quyền và tuân thủ các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế."

Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sau Singapore và đứng trên Malaysia, với giá trị thương mại đạt 47,6 tỷ Euro trong năm 2017.

Trong Hiệp định thương mại này, EU cam kết sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ các dòng thuế (trên 99%) đối với hàng hóa Việt Nam theo lộ trình cụ thể, trong đó có khoảng 85% số dòng thuế được xóa bỏ ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Ví dụ, phần lớn mặt hàng rau củ và các sản phẩm từ gốm, sứ, thủy tinh của Việt Nam sẽ được xóa bỏ thuế quan ngay. Bên cạnh đó, một số mặt hàng thế mạnh khác của Việt Nam như dệt may, giày dép, thủy sản, ... sẽ được xóa bỏ thuế quan theo lộ trình 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.

Về phía Việt Nam, 65% các dòng thuế nhập khẩu từ EU vào Việt Nam sẽ được xóa bỏ ngay vào thời điểm Hiệp định bắt đầu có hiệu lực, phần lớn các dòng thuế còn lại sẽ được dần xóa bỏ theo lộ trình 10 năm, trong đó có các dòng sản phẩm là thế mạnh của EU như ô tô, phụ tùng, rượu vang,... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ hầu hết các loại thuế xuất khẩu với hàng hóa xuất khẩu sang EU, và cam kết không tăng thuế với các sản phẩm còn lại (bao gồm cả dầu mỏ và than đá).

Hiệp định này cũng có 01 Phụ lục riêng quy định về các hàng rào phi thuế đối với lĩnh vực ô tô, đồng thời cũng có một Phụ lục riêng về dược phẩm nhằm tạo thuận lợi cho thương mại giữa Việt Nam và EU trong hai lĩnh vực này.

Thông qua Hiệp định này, các doanh nghiệp EU cũng sẽ được phép tham gia đấu thầu trong các hợp đồng mua sắm công của một số cơ quan và doanh nghiệp nhà nước Việt Nam. Cùng với hiệp định mới được thống nhất với Singapore, Hiệp định này sẽ là một bước tiến nhằm đặt ra các quy định và tiêu chuẩn cao tại khu vực ASEAN, giúp mở đường cho một hiệp định thương mại và đầu tư liên khu vực trong tương lai.

Đồng thời với việc đem lại những cơ hội kinh tế quan trọng, Hiệp định thương mại trên còn bao gồm một chương toàn diện về thương mại và phát triển bền vững; đặt ra các tiêu chuẩn cao nhất về lao động, an toàn, bảo vệ người tiêu dùng và môi trường; cũng như tăng cường các hành động chung về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, đồng thời bảo vệ một cách đầy đủ các dịch vụ công. 

Sau khi quá trình biên dịch văn kiện được hoàn tất, Ủy ban sẽ gửi để xuất về việc ký kết và hoàn tất các hiệp định cho Hội đồng. Sau khi hoàn thành việc ký kết, Hội đồng sẽ gửi các hiệp định lên Nghị viện châu Âu. 

Trong quá trình này, Ủy ban sẽ tiếp tục công tác chuẩn bị cần thiết nhằm đảm bảo cho quá trình thực thi hiệu quả và kịp thời của Hiệp định thương mại, trong đó có cả các vấn đề về bảo vệ sức khỏe động-thực vật (vấn đề vệ sinh kiểm dịch động-thực vật) và lao động.

Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập